Siêu phẩm mới nhất đến từ LG.
Vài năm trước đây, phần lớn trong chúng ta chỉ biết đến LG như một thương hiệu sản xuất đồ điện tử gia dụng và điện thoại "cục gạch" chứ không phải là một nhà sản xuất smartphone ngày càng mạnh mẽ như của năm 2013. Sau thành công của chiếc LG Optimus G ra mắt năm ngoái, LG lại tiếp tục tung ra phiên bản kế tiếp của dòng sản phẩm này với tên gọi ngắn gọn là LG G2, chứ không có tiền tố Optimus như nhiều dự đoán trước đó.
LG G2.
Thiết kế:
Phải nói rằng thiết kế của G2 đặc biệt phá cách khi mà các nhà thiết kế của LG đã đưa toàn bộ phím cứng (phím bấm vật lý, không phải phím ảo) trên thân máy ra phần mặt sau. Có một số ý kiến bảo thủ cho rằng thiết kế này khiến cho G2 giống như một chiếc smartphone xấu xí, lập dị nhưng thực sự thì thiết kế này đem lại khá nhiều ưu điểm hơn là nhược điểm.
LG G2 nổi bật với các phím cứng được sắp đặt ở mặt sau thay vì các cạnh viền.
Việc mang tất cả các phím cứng ra mặt sau sẽ giúp cho người sử dụng bấm phím dễ dàng hơn thay vì phải với các ngón tay (đặc biệt là những người có ngón tay ngắn) lên phần đỉnh máy hoặc hai cạnh bên chỉ để tăng giảm âm lượng và mở khóa màn hình. Điều này khá hợp lý khi kích thước màn hình của các smartphone hiện nay ngày càng lớn và nó khiến cho chúng ta khó có thể sử dụng điện thoại chỉ với một bàn tay như thập kỷ trước. Hãy thử tưởng tượng việc mở khóa màn hình bằng một tay trên chiếc Xperia Z Ultra của Sony hay Note 3 của Samsung hẳn sẽ là nỗi ám ảnh đối với những người không có bàn tay to.
Mặt trước của G2 khá nhỏ gọn.
Lợi điểm thứ hai của thiết kế phím bấm "lạ" trên G2 chính là khả năng thu gọn kích thước mặt trước của smartphone này. Do không phải chứa cách mạch phím dưới các cạnh bên mà màn hình của G2 đã chiếm tới 75,9% diện tích mặt trước của máy, thuộc vào diện lớn nhất hiện nay. Nhờ vào đó, LG không cần phải cố gắng giữ cho bề ngang màn hình ngắn nhất có thể để có thể sử dụng bằng một tay như những gì Apple đã làm với iPhone 5. Thay vào đó, cảm giác cầm G2 trên tay khá thoải mái, phần nào cũng bởi thiết kế vát cong mặt sau vốn được LG áp dụng trên khá nhiều smartphone của họ.
Phím bấm ở mặt lưng tồn tại cả ưu lẫn nhược điểm.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó và thiết kế phá cách của G2 cũng vậy. Việc gom cả ba phím vật lý thành một cụm nhỏ nằm dưới camera có thể khiến cho G2 chụp ra những tấm ảnh mờ, nhòe vì vân tay. Thêm vào đó, dù có thể làm quen với việc sử dụng từng phím này nhưng sẽ là rất khó khăn khi ta muốn chụp màn hình máy bằng cách giữ tổ hợp hai phím khi mà chúng được thiết kế rất sát nhau (và rất bé). Một nhược điểm nữa nằm ở thiết kế màn hình mỏng. Khi sử dụng bằng một tay, người dùng không thể tránh khỏi trường hợp "loạn cảm ứng" do lòng bàn tay lỡ chạm vào rìa màn hình.
Máy có khá nhiều đường cong trong thiết kế tổng thể.
Giống như đại đa số những chiếc smartphone Android có xuất xứ Hàn Quốc khác, thiết kế của G2 cũng theo khuynh hướng "cong". Các phần viền máy, mặt lưng đều được vuốt cong giúp việc cầm G2 dễ dàng hơn, nhưng lại không thật sự nam tính như những chiếc Xperia mới của Sony hay cao cấp như iPhone do G2 sử dụng chất liệu nhựa chứ không phải kim loại cao cấp.
Màn hình:
LG G2 đọ dáng cùng HTC One. Màn hình của One cho màu sắc khá nịnh mắt nhưng hơi ám đỏ nhẹ.
Do sử dụng tấm nền IPS loại cao cấp nên màn hình của G2 cho chất lượng hiển thị có thể nói là xuất sắc. Màu sắc trên màn hình của G2 rất trong, tươi mắt nhưng không bị ám màu như những chiếc flagship sử dụng công nghệ AMOLED vì LG đã áp dụng cho chiếc máy này màn hình True HD-IPS LCD. Để cạnh tranh giữa một rừng smartphone Android thì đương nhiêu độ phân giải của G2 phải là Full HD (1080 x 1920 điểm ảnh).
Viền màn hình có độ mỏng rất ấn tượng.
Với kích thước màn hình 5,2 inch, màn hình của G2 có mật độ điểm ảnh là 424 ppi khiến cho các chi tiết trở nên hết sức sắc nét. Không rõ là LG có áp dụng công nghệ in-cell lên G2 hay không nhưng hình ảnh do chiếc smartphone này mang lại rất tươi và thật chứ không bị đục hay mờ do màn hình chứa quá nhiều lớp. In-cell là công nghệ giúp tích hợp thẳng lớp cảm ứng vào thẳng màn hình, giảm độ dày tổng thể.
Hiệu năng:
G2 được cài sẵn Android 4.2.2 khi xuất xưởng.
Được trang bị bổ xử lý thời thượng Snardragon 800 của Qualcomm nên tốc độ thực thi của G2 là miễn bàn. Mọi thao tác khi sử dụng máy đều nhanh đến chóng mặt. Tuy nhiên, chiếc G2 trong bài viết gặp phải một vấn đề khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, tốc độ lấy nét của máy trở nên chậm hơn đáng kể. Có lẽ điểm trừ này sẽ được LG khắc phục bằng các bản cập nhật phần mềm trong thời gian tới. Hiện tại thì G2 được cài đặt sẵn hệ điều hành Android 4.2.2 với giao diện và một số ứng dụng tùy biến riêng của LG.
Camera:
Camera của G2 cho chất lượng khá hoàn thiện.
Tiếp nối ưu điểm này từ Optimus G Pro, camera của G2 đã được nâng cấp hơn về cả giao diện và hiệu năng. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết thử nghiệm camera của G2 tại đây.
Thời lượng pin:
Dung lượng pin của LG Hàn Quốc thấp hơn một chút nhưng vẫn đủ dùng.
Có một điểm khác biệt giữa phiên bản G2 quốc tế và máy dành riêng cho thị trường Hàn Quốc nằm ở dung lượng pin. Với G2 phiên bản Hàn, người mua sẽ được sở hữu tới hai viên pin và một dock sạc rời nhưng dung lượng mỗi viên chỉ là 2.610 mAh thay vì 3.000 mAh như bản Quốc tế. Nhìn chung, dung lượng này cũng đủ dùng cho một ngày làm việc, tối về sạc vả sử dụng những tác vụ cơ bản.
Hộp đựng thiết kế nhỏ gọn.
G2 cầm một tay khá thoải mái.
Mặt lưng khá giống các dòng máy Hàn trước đây.
So sánh độ dày với HTC One.
Do dành cho thị trường Hàn Quốc nên máy có thêm ăng ten.
Cạnh trái đương nhiên không có phím bấm.
Giắc cắm tai nghe chuẩn 3,5 mm, cổng microUSB và loa ngoài nằm ở mặt dưới.
Phía trên màn hình là một số cảm biến, loa thoại, đèn thông báo và camera trước.
Phía dưới màn hình chỉ có biểu tượng thương hiệu LG. Máy sử dụng ba phím ảo tích hợp trong giao diện.
Cạnh phải chỉ có lẫy để mở nắp lưng.
Đèn thông báo nhiều màu nằm cạnh loa thoại.
Dù sử dụng nhựa làm vật liệu chủ đạo nhưng G2 có chất lượng gia công khá tốt.
Đỉnh máy có mic thu âm.
Trọn bộ LG G2. Người dùng được tặng thêm một viên pin và tai nghe QuadBeat thế hệ Hai.
LG G2 bản Hàn có tên mã F320K.
Xin cảm ơn cửa hàng 365 Mobile (185 Nguyễn Thiện Thuật, TP.HCM) đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng