Đánh giá chi tiết máy ảnh không gương lật Fujifilm X-T30 - Đi tìm 'thứ ma thuật Fuji' mà mọi người vẫn thường nói
Một chiếc máy ảnh tốt có lẽ không chỉ nằm ở những công nghệ mới mẻ mà nó có, mà còn nằm ở khả năng thôi thúc được sự sáng tạo của người dùng.
- Fujifilm ra mắt máy ảnh X-T30: ngoại hình không thay đổi nhiều, cảm biến 26.1 MP, tốc độ thực thi nhanh hơn 150% đời cũ
- Fujifilm vừa hé lộ mẫu thiết kế máy ảnh Mirrorless mới: tháo lắp dạng module, thay báng cầm tùy theo phong cách sử dụng của mỗi người
- Lộ ảnh Fujifilm X-T30: thân máy gần như không đổi so với đời trước, xuất hiện thêm cần joystick để thao tác tốt hơn
Có lẽ ai đam mê nhiếp ảnh hoặc đang làm nghề nhiếp ảnh gia cũng từng nghe tới 'ma thuật Fuji', một thứ làm các fan của hãng này liên tục nói rằng máy ảnh của họ 'tốt hơn DSLR hay Mirrorless của hãng khác'.
Bản thân mình cũng yêu công nghệ, và đặc biệt là máy ảnh nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm một chiếc máy của hãng đủ lâu để tìm hiểu thật rõ về những lời khẳng định này. Thế nhưng cơ hội cuối cùng cũng đến khi một chiếc Fujifilm X-T30 vừa được hãng ra mắt 'lưu lạc' tới tay mình.
Máy ảnh Fujifilm có gì hay?
Vậy ta phải tự hỏi, điều gì làm Fujifilm có sức hút mạnh mẽ tới vậy, trong khi trên thị trường có nhiều hãng máy ảnh khác có thông số kĩ thuật có vẻ cao cấp hơn? Câu trả lời đơn giản là Fujifilm không so kè với các nhà sản xuất khác trên giấy, mà các sản phẩm của họ 'ăn điểm' ở trải nghiệm sử dụng thực tế.
Fujifilm X-T30 và X-T10
Với lịch sử sản xuất máy ảnh film, Fujifilm tạo ra các máy ảnh số hiện đại nhưng với vỏ ngoài vô cùng hoài cổ. Những chiếc máy của hãng thực sự không giống bất cứ một dòng máy ảnh hiện đại nào trên thị trường, tạo nên sự khác biệt ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Trước đây cũng đã có những hãng thử nghiệm với thiết kế này, nhưng đều thất bại thậm tệ, một ví dụ điển hình là chiếc Nikon Df.
Fujifilm X-T3 - 'Đàn anh' cao cấp hơn của X-T30
Kiểu dáng này cũng không chỉ 'đẹp' mà còn có tính tiện dụng cao, khi các dòng máy X-Series của hãng đều có các vòng xoay để điều chỉnh các thông số như khẩu độ, ISO, tốc độ màn trập, chế độ chụp liên tiếp hay 1 ảnh, chế độ lấy nét... tạo nên một cảm giác sự dụng vật lý hơn bao giờ hết.
Máy ảnh compact Fujifilm XF10
Những chiếc máy của Fujifilm cũng nổi tiếng về chất lượng hình ảnh, đặc biệt là nhờ những bộ giả lập màu film. Ngoài làm máy ảnh thì Fujifilm còn là một 'tay chơi lớn' trong ngành sản xuất film chụp hình, và đến giờ vẫn được nhiều ảnh gia tin dùng. Một hãng có kinh nghiệm chế tác film chắc chắn sẽ tạo ra được màu ảnh số giả film tốt hơn là các hãng khác.
Fujifilm X-T30 - Thiết kế hoài cổ, tiện dụng nhưng cũng không hoàn hảo
Trở lại với chiếc Fujifilm X-T30, đây là dòng máy cận cao cấp mới được hãng ra mắt vào khoảng 2 tháng trước, cũng có thể coi là phiên bản X-T3 'rút gọn'. Sản phẩm này có ngôn ngữ thiết kế không khác gì các dòng máy tiền nhiệm, nhưng cũng có một vài thay đổi nhỏ để trải nghiệm của người dùng trở nên hoàn hảo hơn.
Mặt trước X-T30 ta có vòng chỉnh lấy nét bằng tay, lấy nét 1 lần và lấy nét liên tục.
Bên phải ta có có 1 vòng xoay chỉnh thông số, cùng đèn trợ sáng lấy nét trong những điều kiện quá tối.
Máy sử dụng ngàm gắn ống kính X-mount đặc trưng của Fujifilm, cùng cảm biến 26MP X-Trans hoàn toàn mới mà ta sẽ tìm hiểu rõ hơn trong phần sau.
Là một phiên bản rút gọn của dòng máy cao cấp X-T3, X-T30 cũng có thiết kế tổng thể nhỏ gọn hơn. Đây là ưu điểm dành cho những ai cần một chiếc máy bé, có tính tiện dụng cao, nhưng cũng vì vậy mà tạo ra một nhược điểm đó là phần báng cầm bị nhỏ đi.
Để khắc phục tình trạng này, mình cầm máy theo kiểu máy compact (đặt chéo tay, lòng bàn tay hướng xuống dưới) thay vì kiểu cầm DSLR truyền thống. Mình có lòng bàn tay lớn, nên nếu được chọn thì mình sẽ sử dụng X-T3 với báng cầm lớn hơn so với X-T30.
Như đã đề cập, các dòng máy của Fujifilm có rất nhiều vòng xoay để chỉnh thông số như một máy film vật lý, bao gồm vòng chỉnh bù trừ sáng, tốc độ chụp, chế độ chụp (1 hình, liên tục), vòng chỉnh khẩu độ trên ống kính và đặc biệt là có một cần gạt để đặt tất cả thông số này về mức tự động, biến X-T30 thành một máy point-and-shoot cho người mới học chụp hình.
Các nút bấm điều khiển ở mặt sau.
Khác với dòng X-T10 và X-T20 tiền nhiệm, X-T30 đã không còn nút điều hướng D-pad mà chuyển sang sử dụng cần điều khiển Joystick. Theo mình cách điều khiển này tiện dụng và có tính trực quan hơn, hơn nữa cũng tiết kiệm được diện tích ở mặt sau.
Những nút bấm mặt sau của Fujifilm X-T30 (trái) và X-T20 (phải) | Ảnh: Phạm Linh
Một điểm hay trong thiết kế của X-T30 đó là vòng xoay trước sau đều có nhấn xuống được, nên khi xoay ta có 1 chức năng, còn khi nhấn vào và xoay thì lại thành 1 chức năng khác. Trên máy của mình, vòng phía sau được dùng để chỉnh ISO, nhưng khi nhấn vào sẽ dùng để chuyển giữa các bộ giả lập film - quả thực là tiện dụng. Tính năng này hoạt động hoàn hảo đến nỗi mình phải tự hỏi: Tại sao các hãng khác không làm vậy?
Vòng xoay có thể nhấn xuống để chỉnh các thông số khác
Màn hình chính của máy có độ lớn 3 inch, độ phân giải 1.04 điểm ảnh, hỗ trợ lật ra ngoài (1 hướng) và cảm ứng đa điểm.
Màn hình 3 inch, độ phân giải 1.04 triệu điểm ảnh có thể lật ra ngoài để chụp những góc khó như thế này
Sử dụng màn hình cảm ứng để chuyển điểm lấy nét...
...và xem lại ảnh giống hệt với smartphone.
Phía trên màn hình ta có ống ngắm điện tử (EVF) 2.36 triệu điểm ảnh. Ống ngắm này có độ phân giải cao cùng với tần số làm tươi lên tới 100Hz nên sử dụng không hề bị mỏi mắt, nhưng cũng nhỏ hơn so với ống ngắm của X-T3 hay các dòng máy khác trên thị trường.
Điểm 'rút gọn' lớn nhất trong thiết kế bên ngoài của X-T30 so với X-T3 đó là hệ thống Input/Output. X-T30 chỉ có 1 cổng thẻ SD duy nhất, và cũng là chuẩn UHS-I thông thường thay vì UHS-II tốc độ cao. Máy cũng bỏ bớt cổng tai nghe, cổng microphone thì được thu nhỏ xuống kích thước 2.5mm thay vì 3.5mm.
Thẻ SD và pin của máy được đặt chung trong 1 cửa
Máy có cổng micro HDMI, USB Type-C (có thể dùng để sạc) và cổng microphone 2.5mm
Mặc dù có những yếu điểm này, mình vẫn đánh giá cao thiết kế của Fujifilm X-T30. Dáng vẻ tối giản như máy film cùng với hệ thống thao tác đa dạng và thuận tiện giúp chiếc máy này nối bật so với kiểu thiết kế 'thực dụng' nhưng có phần khô cứng của DSLR và Mirrorless của các hãng khác.
Sức mạnh khó tưởng cho một thân máy nhỏ bé
Mặc dù có thiết kế bên ngoài dạng máy film nhưng cấu hình bên trong của X-T30 thì lại không 'cổ' một chút nào. Phía dưới ngàm X-mount là một cảm biến APS-C 26.1 megapixel X-Trans CMOS giống với X-T3. Cảm biến X-Trans đã trở thành 'đặc sản ' của Fujifilm, được cho là có khả năng khử nhiễu cao, độ nét tốt do không có lớp lọc Aliasing.
Khả năng khử nhiễu của cảm biến CMOS hiện nay đã quá tốt, nên mỗi máy khác nhau chỉ đôi chút cũng không phải là vấn đề lớn. Còn độ nét của ảnh còn phụ thuộc rất nhiều vào ống kính gắn trên máy, theo mình thì đó mới chính là điểm mạnh của Fujifilm. Hãng không sản xuất máy ảnh Full-frame, nên các ống kính X-mount chỉ được thiết kế riêng cho các máy APS-C, vì vậy có chất lượng quang học được tối ưu cho cảm biến này.
Để hỗ trợ cho cảm biến ta có vi xử lý X-Processor 4 nhân cho tốc độ theo tác nhanh hơn 150% so với thế hệ X-T20, hệ thống lấy nét theo pha 2.16 triệu điểm (chọn được 445 điểm). Theo những đánh giá nước ngoài, X-T30 hiện sở hữu tốc độ lấy nét nhanh nhất trong tất cả máy Fujifilm, thậm chí nhanh hơn cả dòng máy X-T3 vì có phiên bản phần mềm mới hơn. Nhưng trong tương lai, hãng cũng sẽ cập nhật phần mềm của X-T3 để bắt kịp theo X-T30, nên người dùng dòng máy này cũng chớ lo!
Đây cũng là một ưu điểm đáng nói của Fujifilm, khi hãng liên tục cải thiện các dòng máy của mình bằng bản cập nhật phần mềm, điều mà Sony rất hiếm khi làm, còn Canon, Nikon, Pentax thì...cứ mơ đi! Vậy nên các dòng máy đời cũ của hãng giữ giá trị sử dụng lâu dài hơn vì có những tính năng của dòng máy mới.
Sử dụng trên thực tế, tốc độ lấy nét của X-T30 thực sự rất nhanh, gần như tức thời với 2 ống kính mình sử dụng là Fujinon 23mm f2 và 35mm f2. Chiếc Fujinon 27mm f2.8 thì lại có tốc độ chậm hơn, nhưng có lẽ là vì tốc độ của motor trong ống kính chứ không phải do thân máy.
Fujifilm X-T10 (trên) và X-T30 (dưới)
Ta có thể chụp liên tục 8 hình trên giây với màn trập cơ, và tăng lên 30 hình trên giây với màn trập điện tử (crop 1.25x). Điểm mà X-T30 sẽ thua kém sản phẩm tầm cao X-T3 nằm ở khả năng quay phim. Máy chỉ có thể quay 4K30p thay vì 4K60p, cùng với đó là hệ màu được giảm xuống còn 8-bit thay vì 10-bit.
Từ trước tới nay dòng X-T 2 số vẫn luôn được tinh giảm ở tính năng quay video, nên đây không phải là điều gì quá mới mẻ. Song với X-T30, mặc dù đã được tinh giảm thì vẫn thuộc hàng cao cấp, khi có khả năng đọc được toàn bộ cảm biến 6K và nén xuống để tạo video 4K nên độ chi tiết sẽ cao hơn so với những máy chỉ quay 4K thông thường.
Một tính năng mà Fujifilm đã có từ lâu mà mình cũng phải nhắc tới đó là phần mềm trên smartphone để điều khiển từ xa, chuyển ảnh để chia sẻ nhanh, thêm tag địa điểm.
Giao diện phần mềm Fujifilm trên smartphone
Phần mềm này hoạt động ổn, nhưng quá trình thiết lập lần đầu làm mình phải 'gãi đầu gãi tai'. Hãng bắt người dùng phải mở định vị (Location) trên smartphone để kết nối với máy ảnh, nhưng lần thiết lập đầu phần mềm không thông báo điều đó nên mình loay hoay một hồi, tưởng xảy ra lỗi. Ứng dụng này có vẻ cũng có nhiều bug vì hiện đang chỉ có 2.9/5 sao trên Play Store, nên mong hãng trong thời gian tới đầu tư thêm vào mảng này.
Trải nghiệm thực tế các giả lập màu phim - Không phải chiêu trò quảng cáo
Khi được hỏi hãng máy ảnh nào trên thị trường có màu sắc đẹp nhất, chắc phải tới 90% nhiếp ảnh gia sẽ nói là Fujifilm X-Series. Khác với đa phần các hãng máy ảnh trên thị trường, đang hướng tới sự chân thực - tính chính chính xác tới từng sắc độ thì Fuji đi theo hướng khác, tạo ra các bức ảnh giống với màu film họ đã dày công nghiên cứu trong nhiều thế kỉ với màu sắc đậm đà, nhưng vẫn mang tính hài hòa nhất định.
Ống kính được sử dụng trong bài bao gồm Fujinon 23mm f/2, 35mm f/2 và Takumar 50mm f/1.4
Khái niệm 'màu đẹp' của mỗi người sẽ khác nhau, có những người cho rằng màu sắc phải đúng với ngoài đời nhất có thể mới là đẹp, nhưng đa phần mọi người đều đồng tình rằng màu ảnh chỉ cần thuận mắt, không quá lố thì sẽ thành công, không cần phải có tính chân thực quá cao. Và sự thật là hiện nay, đa phần những nhiếp ảnh gia Việt Nam cũng đang theo xu hướng chỉnh ảnh theo màu film, vậy nên những giả lập film của Fujifilm không chỉ là một chiêu trò quảng cáo mà quả thực là một điểm hữu dụng lớn.
X-T30 có các màu là Provia (tự nhiên), Velvia (đậm đà), Astia (nhẹ nhàng), Classic Chrome (màu hoài cổ - vintage), Acros (đen trắng với tương phản cao), PRO neg (chân dung), Sepia (film nâu đất) và cuối cùng là màu mới nhất - Eterna, nhẹ nhàng, mượt mà và có phần phẳng để phục vụ chính cho mục đích quay phim.
2 chế độ mình thích nhất là Acros và Velvia, một có màu và một đen trắng (monochrome) nhưng đều có độ tương phản cao, luôn tạo ra sự nổi bật và bắt mắt cho các bức ảnh. Cũng phải nói rằng, tất cả các màu của Fujifilm đều thực sự đẹp, ảnh JPEG lấy ra từ máy là có thể sử dụng được luôn chứ không phải chỉnh sửa thêm.
Thế nhưng ngược lại, Fujifilm từ trước tới nay không hề nổi tiếng với file RAW của họ. Mình làm việc với Lightroom, mà tất cả những người sử dụng máy ảnh Fujifilm đều khuyên không nên xử lý file RAW của dòng máy ảnh này bằng phần mềm này vì không cho chất lượng tốt nhất.
Hiện nay vẫn chưa có bất cứ phần mềm nào đọc được RAW của X-T30 nên mình cũng không thử nghiệm được, thế nhưng với những ai không bao giờ chụp JPEG và chỉ muốn ngồi sửa trên máy tính thì có lẽ sẽ phải chọn các hãng khác. Giá trị của những bức ảnh Fujifilm nằm nhiều ở những bộ giả lập film được tích hợp sẵn trong máy.
Thêm một vài bức hình chụp đời thường từ Fujifilm X-T30:
Ảnh chụp chân dung, mèo và người:
Bạn đọc có thể xem hình ảnh chất lượng cao tại đường link.
Lời kết
"The best camera is the one that's with you (Chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc ở bên cạnh bạn)" - Chase Jarvis
Có lẽ câu nói này đã được nhắc đi nhắc lại đến mức trở nên sáo rỗng, thế nhưng càng sử dụng Fujifilm X-T30 mình càng thấy nó đúng. Kiểu dáng quyến rũ, cùng với cách sử dụng vô cùng thuận tiện khiến máy như thôi thúc người dùng ra đường chụp hình vậy.
Và cũng có những lúc ra đường chụp hình như vậy, mình sẵn sàng bỏ chiếc máy Full-frame cao cấp ở trong ba-lô và 'tác nghiệp' với Fujifilm X-T30, đơn giản vì sử dụng chiếc máy này 'vui vẻ' hơn rất nhiều. Có lẽ đây chính là 'thứ ma thuật Fuji' lôi kéo người dùng mà mọi người vẫn thường nói.
Nói như vậy không có nghĩa đây là một chiếc máy ảnh hoàn hảo, khi có báng cầm nhỏ - bắt người dùng phải đổi thế tay khi sử dụng, ống ngắm điện tử có độ phóng đại không cao, chỉ có 1 khe thẻ nhớ, bỏ bớt khả năng quay 4K60p của X-T3... Thế nhưng tất cả những điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được khi máy có giá bán thấp hơn khá nhiều so với X-T3 (899 USD so với 1400 USD).
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng