Đánh giá chi tiết Motorola Razr: màn hình gây tiếng ồn khó chịu khi gập, pin kém, "thà mua Razr ngày xưa còn hơn"
Sau một tuần sử dụng Motorola Razr, reviewer của Mashable tỏ ra không mấy ấn tượng về thiết bị màn hình gập này.
* Bài đánh giá dưới đây được thực hiện bởi reviewer Brenda Stolyar của chuyên trang công nghệ Mashable SE Asia
Sau một tuần sử dụng Motorola Razr, tôi không thực sự bị ấn tượng bởi thiết bị này. Nhưng có lẽ tôi đã quá gay gắt, bởi thời gian tiếp xúc của tôi với máy là khá ngắn.
Sau gần hai tuần tiếp đó, tôi có thể xác nhận chiếc máy này là một mớ hổ lốn - và chẳng có lý do gì mà người ta phải bỏ ra 1.500 USD để mua nó cả.
Bản lề của máy ồn ào đến mức đáng hổ thẹn. Màn hình nhựa thì phải hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Và cả camera lẫn thời lượng pin đều quá tệ.
Motorola Razr không chịu được nhiệt
Đó là tối Valentine, tôi cắm sạc điện thoại trên đầu giường. Luôn có một chút không khí lạnh lọt vào phòng qua các khe cửa, và lúc này ở New York đang là mùa đông, nên không khí có vẻ khá lạnh, khoảng -7 độ C.
Tôi không có máy điều nhiệt trong phòng, nên tôi thường bật máy sưởi khi còn thức. Sợ cháy nhà nên khi cảm thấy sắp buồn ngủ, tôi tắt ngay chiếc máy này. Sau đó, tôi sẽ bật nó lên lại vào sáng sớm để sưởi ấm phòng trong khi tranh thủ nướng thêm chút nữa.
Có nghĩa là nhiệt độ trong phòng tôi sẽ chuyển từ nóng, sang lạnh, rồi nóng trở lại. Tại sao điều đó lại quan trọng chứ?
Buổi sáng sau hôm Valentine, tôi tháo sạc chiếc Razr, lật mở nó và nghe một tiếng lạo xạo đáng sợ.
Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng có ai đó đang bước trên bề mặt nhựa, chân mang giày. Chính xác đó là những gì tôi nghe mỗi lần mở nắp máy.
Xét việc ngày Valentine hôm qua lạnh hơn nhiều ngày trước, nguyên nhân có lẽ là do sự thay đổi nhiệt độ quá gắt trong phòng tôi.
Ngày hôm sau, đồng nghiệp tôi - Ray Wong - đăng một bài viết về màn hình Razr bị bong và vỡ. Bạn có biết anh ấy nghĩ nguyên nhân là gì không? Thay đổi nhiệt đó đấy!
Có trùng hợp chăng? Tôi nghĩ là không.
Màn hình của tôi không bị bong, và chiếc Razr của tôi cũng không bị vỡ, nhưng tiếng lạo xạo kia cho thấy có điều gì đó đang diễn ra dưới màn hình nhựa. Và dù đó là gì thì cũng không phải điều tốt.
Motorola trả lời Wong rằng chiếc Razr đã trải qua một quy trình kiểm tra nhiệt độ khắc nghiệt, và hãng khuyến cáo không nên để điện thoại ở nơi có nhiệt độ dưới -20 độ C và trên 60 độ C.
Tôi có thể chắc chắn rằng phòng mình không bao giờ dưới -20 độ C hay trên 60 độ C, vì nếu vậy thì tôi làm gì còn ngồi đây để viết bài này nữa?
Và dù rằng ngay lúc này, tôi đang liên hệ với Motorola để tìm hiểu xem tại sao điều này lại xảy ra, lẽ ra mọi chuyện như thế này không nên xảy ra thì tốt hơn.
Nói một cách đơn giản thì cảm giác thỏa mãn khi lật mở và đóng chiếc Motorola Razr mới cứng của tôi nay đã không còn nữa.
Bản lề ồn ào, màn hình nhựa rẻ tiền
Bên trong, Razr có màn hình OLED HD "FlexView" 6.2-inch, nhạy và sáng. Tất nhiên giữa màn hình có một vết hằn rất dễ nhận ra và gây đôi chút phân tâm dưới ánh sáng.
Ngay cả nếu tôi quên mất vết hằn nằm ở đó, tôi vẫn dễ dàng cảm nhận được nó mỗi khi vuốt lên xuống trên màn hình.
Và sau khi sử dụng chiếc Z Flip của Samsung, vốn có màn hình "Ultra Thin Glass" (cùng một lớp nhựa), tôi thực sự không bao giờ muốn đụng đến một cái điện thoại màn hình gập với màn hình nhựa một lần nữa. Màn hình gương đơn giản là mang lại cảm giác thỏa mãn và cao cấp hơn nhiều.
Thiết kế thanh mảnh, nhưng quá nặng
Nhìn bên ngoài thì Razr trông thực sự thanh mảnh. Form factor dạng vỏ sò khiến việc mang chiếc máy này trong túi quần áo hoặc túi xách trở nên dễ dàng hơn.
Kích thước, cả khi gập lẫn mở ra, cũng rất tuyệt cho những người có bàn tay nhỏ. Bề ngang vừa phải cho phép sử dụng máy một tay và lướt mạng xã hội khá thoải mái.
Mặt lưng nhựa của máy cũng dễ cầm nắm. Ngoài việc nó thực sự đắt, chiếc máy này còn thực sự nặng, 212 grams. Để tiện so sánh thì iPhone 11 Pro chỉ 178 grams, và như vậy là đã nặng lắm rồi!
Razr còn có màn hình ngoài 2.7-inch ở phía trước, gọi là Quick View. Và dù ban đầu tôi rất thích tính năng này, nhưng sau một hồi sử dụng, tôi phát hiện ra màn hình ngoài khá phiền toái. Nó khiến tôi luôn bồn chồn phải xem các biểu tượng thông báo liên tục hiện ra khi điện thoại gập lại.
Dù màn hình ngoài 1.1-inch trên Galaxy Z Flip là khá nhỏ, nhưng nó ẩn đi các thông báo sau khi chúng hiện ra lần đầu. Do đó, trừ khi bạn vuốt sang trái, tất cả những gì trước mắt bạn chỉ là đồng hồ mà thôi.
Sau khi đã sử dụng cả hai, tôi chắc chắn thích Z Flip hơn. Dù bạn có thể dùng màn hình ngoài để gửi tin nhắn trả lời nhanh chóng, hoặc lướt nhanh qua các thông báo, tôi không bao giờ thực sự dùng nó vào việc gì trừ việc...xóa các thông báo.
Hiệu năng mượt mà, pin kém
Razr được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 710 (vi xử lý trên hầu hết các điện thoại Android tầm trung), và chạy Android 9 Pie. Tôi không gặp vấn đề gì về hiệu năng. Ứng dụng khởi động nhanh và không bị lag khi cuộn lên xuống.
Hệ điều hành trên Razr có tính năng Moto Actions của Motorola, do đó bạn có thể tận dụng các shortcut như chụp ảnh nhanh (mở camera khi bạn xoay điện thoại), hoặc chụp ảnh màn hình bằng 3 ngón tay (chụp ảnh màn hình khi bạn chạm vào màn hình bằng 3 ngón tay).
Về mặt bộ nhớ, Razr chỉ có một cấu hình: 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Máy không hỗ trợ thẻ nhớ mở rộng. Và cũng chỉ có một cổng USB-C ở đáy máy.
Về thời lượng pin, máy có pin 2.510Ah. Trong dịp cuối tuần, tôi đã dùng cạn pin trong 12 giờ. Chủ yếu vì tôi hiếm khi đụng đến nó trừ khi trả lời tin nhắn và lướt Instagram.
Nhưng trong những ngày đi làm thì pin không tốt như vậy, dù rằng pin khá đồng đều qua từng ngày. Mỗi ngày, tôi rút sạc máy vào lúc 7h30 phút sáng và dùng nó để stream podcast trên Spotify. Trong ngày, tôi dùng nó để nghe nhạc, trả lời email hoặc tin nhắn Slack, và thỉnh thoảng lướt mạng xã hội. Đến khoảng 2h30 hoặc 3h chiều, pin máy chỉ còn khoảng 20%.
Về cơ bản, tôi thực sự chỉ dùng nó được khoảng 7h trước khi phải cắm sạc trở lại.
Camera tầm thường trên một chiếc điện thoại đắt đỏ
Razr có cảm biến camera 16-megapixel ở mặt trước, đóng vai trò camera sau. Bên trong là camera selfie 5-megapixel. Đó là những camera có thể thấy trên một chiếc điện thoại giá khoảng...200 USD mà thôi.
Camera của Razr còn khá "bèo" khi so với chiếc Z Flip giá 1.380 USD nhưng lại sử dụng cùng cảm biến như các điện thoại flagship năm ngoái, như Galaxy S10 và Note 10. Với giá 1.500 USD, Motorola ít ra cũng nên vung tay đầu tư camera cho xứng đáng.
Ngoài ra, nút chụp có cảm giác khá chậm chạp. Và với lượng xử lý hình ảnh mà chiếc điện thoại này thực hiện, bạn sẽ chẳng bao giờ thực sự biết được mình sẽ nhận được gì sau khi chụp hình.
Ngoài đời thực tòa nhà này không hồng như trong ảnh đâu!
Ảnh trông siêu ảm đạm luôn.
Trong những bức ảnh chụp ban ngày, đủ sáng, chất lượng ảnh khá bình thường. Màu sắc trong cả hai tòa nhà ở trên trông nhợt nhạt và bệt. Trên thực tế, màu sắc của chúng sáng sủa hơn nhiều.
Giống như những tòa nhà, chiếc bánh pizza trông cũng bình thường. Dù những màu sáng như màu đỏ trong tương và xúc xích hun khói, hay màu xanh lá của hương liệu khá nổi, chúng lại quá bão hòa so với thực tế.
Nhòe quá là nhòe!
Còn chụp thiếu sáng thì sao? Tính năng Night Vision của Razr thực sự tệ. Hình ảnh cho ra siêu nhòe dù rằng tôi giữ tay khá chắc khi chụp. Ảnh nhìn trông hơi đáng sợ một tí.
Lại nhòe nữa
Chụp ban đêm ở ngoài đường cũng không tốt hơn là bao. Dù màu sắc trung thực và nổi bật hơn, bạn vẫn có thể tưởng nhầm chúng được chụp từ một cái camera độ phân giải thấp nào đó.
Tôi thích chụp selfie bằng camera sau hơn, bởi cảm biến của nó tốt hơn. Việc này cũng dễ hơn bởi bạn chỉ cần lắc điện thoại là kích hoạt được camera rồi. Ảnh cho ra không tệ, nhưng một lần nữa lại hơi bệt. Một điểm đáng khen của camera này là nó cho hình ảnh...quá chi tiết, và chế độ chân dung thì trông khá thật.
Chế độ chân dung không tệ tí nào
Tuy vậy, chừng đó là chưa đủ để tôi có thể thoải mái dùng chiếc Razr chụp ảnh mỗi ngày. Do đó, nếu ảnh chất lượng cao là quan trọng với bạn, chiếc điện thoại này có lẽ không phải là lựa chọn tốt.
Hãy tiết kiệm tiền
Không. Bạn không nên mua chiếc điện thoại này.
Lỗi xảy ra với màn hình máy tôi có thể là do không may. Nhưng kể cả khi màn hình máy không có vấn đề gì, vẫn có quá nhiều thứ bạn phải đánh đổi: một camera không đáng tin cậy, thời lượng pin thường thường bậc trung, bản lề kêu cọt kẹt, và chất lượng gia công có lẽ khó có thể trụ được hết năm.
Tất cả những thứ đó mang lại cho bạn điều gì? Sự hoài cổ chắc chắn không đáng để bỏ ra 1.500 USD. Nói thật lòng thì tôi thà chọn chiếc Razr ngày xưa còn hơn. Dù rằng bây giờ là năm 2020 rồi!
Tham khảo: Mashable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng