4 camera sau, màn hình chấm 'O', loa kép, pin lớn. liệu rằng nhiêu đó đã đủ để tạo nên một smartphone tầm trung đáng mua?
Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Samsung và cả những hãng 'đồng hương' ở phân khúc tầm trung, OPPO trong thời gian gần đây liên tiếp bổ sung những sản phẩm ở tầm giá này, cũng như đem những tính năng từ dòng cao cấp xuống để không bị 'lép vế'. OPPO A52 và A92 là 2 thành viên mới nhất trong bộ sưu tập này, nổi bật với hệ thống 4 camera sau, màn hình chấm 'O' khá thời thượng giống với flagship Find X2 hay pin lớn.
Những tính năng này sử dụng trên thực tế sẽ ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bằng việc 'bóc mẽ', đánh giá chiếc OPPO A92 - 'người anh' đắt tiền và mạnh mẽ hơn về tính năng trong bộ đôi này.
Phụ kiện trong hộp OPPO A92 gồm có một ốp lưng trong suốt, tai nghe 3.5mm, dock sạc và dây sạc USB Type-C.
Máy có 2 phiên bản màu là đen và màu trắng mà chúng ta có tại đây. Màu này phối giữa trắng và xanh dương nhạt, và khi nghiêng đi ta sẽ thấy có thêm màu cam nữa. Cá nhân tôi thích cách phối màu này, không quá lòe loẹt, mang vẻ thanh nhã và lịch sự hơn.
Mặt lưng máy được làm bằng nhựa chứ không phải kính nhưng cũng khá chắc chắn, kèm theo đó là vân tay dính lên không nhìn thấy rõ.
Cụm camera được chuyển tới góc trái, xếp thành hình chữ nhật đúng với 'trend' của 2020.
Ta có 4 camera sau bao gồm camera chính 48 MP f/1.7, camera góc rộng 8MP, cảm biến đo chiều sâu 2MP và camera đen trắng 2MP.
Mặc dù không có camera zoom nhưng OPPO vẫn cho phép người dùng zoom A92 lên tầm 2x, 5x và 10x. Trên thực tế thì ảnh đạt chất lượng tốt nhất trong khoảng 1 - 2x, vì khi tới mức 5x thì cảm biến đã không đáp ứng được và xảy ra hiện tượng mờ, nhòe.
Vẫn như thường lệ, camera góc siêu rộng sẽ là camera có chất lượng thấp nhất trong hệ thống chụp hình của OPPO A92. Camera này cần có lượng sáng thật nhiều, nếu không sẽ bị hiện tượng 'bệt' do thuật toán khử nhiễu, nên mọi người nên tránh chụp ảnh góc rộng trong nhà, nên 'để dành' khi chụp kiến trúc ngoài trời là tốt nhất.
So sánh chất lượng ảnh 12MP (trái) và 48MP (phải)
Camera chính có độ phân giải 48MP, nhưng ở chế độ thông thường sẽ cho ra ảnh 12MP (4000 x 3000). Chụp thử ở cả 2 chế độ, tôi không thấy được quá nhiều sự khác biệt về độ nét, chỉ là ảnh 48MP các đường viền trên khung cửa sổ dễ nhận biết hơn 1 chút mà thôi. Điểm đáng nói ở đây là khả năng tái tạo màu và HDR, hay tốc độ chụp không bị tệ đi trong chế độ 48MP, nên những ai muốn có ảnh độ phân giải cao thì có thể luôn bật 48MP!
Ảnh camera chính OPPO A92 cho màu sắc đậm đà, đặc biệt là màu xanh lá cây
Trong phần mềm ta có thêm một bài bộ filter màu, trong đó có màu này tôi rất ưng vì nhìn khá 'hoài cổ'
Trong điều kiện tối, A92 cũng sẽ có cả chế độ Night Mode để mở màn chập lâu hơn, thu nhận được nhiều sáng hơn từ đó tránh được nhiễu, bệt trong ảnh. Trong sử dụng thực tế nhận thấy A92 sẽ cố gắng cứu những phần tối, thiếu sáng và sẵn sàng để những phần dư sáng như ánh đèn bị cháy, những bạn nào không muốn điều này xảy ra thì có thể đo sáng lại bằng tay.
Thêm một số hình ảnh khác được chụp từ OPPO A92:
Trở lại với những chi tiết thiết kế, cạnh trái máy là những nút bấm điều khiển âm lượng, cũng được sơn màu xanh nhạt đồng điệu với phần mặt lưng và cạnh viền.
Còn đây là nút nguồn được tích hợp cảm biến vân tay điện dung. Như đã nhắc tới nhiều lần thì cảm biến vân tay vật lý mặc dù không cho cảm giác hiện đại như cảm biến đặt trong màn hình, nhưng có tốc độ mở khóa rất nhanh và không có những lần mở 'trượt', theo như hãng công bố thì chỉ mất 0.28 giây.
Nhấn nhẹ tay thôi là ta đã vào được máy rồi!
Cạnh dưới máy có đầy đủ cổng sạc USB Type-C với công suất 18W (dùng chung được dock sạc QuickCharge chứ không phải sạc VOOC độc quyền thường thấy ở máy OPPO), loa cạnh dưới và cổng nhạc 3.5mm. Có 2 điểm thú vị ở đây, đầu tiên là cổng sạc còn có khả năng chia sẻ năng lượng cho những smartphone hoặc phụ kiện khác thông qua tính năng USB OTG.
Thứ 2 đó là loa trên A92 là loa kép, khi chơi nhạc, xem video, xem phim thì loa dưới đáy sẽ kết hợp cùng loa thoại để tạo thành hệ thống stereo có âm lượng lớn, thay vì chỉ có 1 loa dưới đấy như những dòng máy tầm trung khác, chỉ cần chạm lòng bàn tay vào là mất toàn bộ âm thanh. Đây là một điểm rất đáng khen trên A92 được 'mượn' từ những dòng máy cao cấp, nâng cao trải nghiệm âm thanh lên rất nhiều.
Loa đàm thoại cũng được dùng làm loa chơi nhạc, xem phim kết hợp với loa dưới đáy
Đã nói về loa thoại thì ta chuyển luôn tới mặt trước. Màn hình của OPPO A92 lớn 6.5 inch dạng LCD, độ phân giải FullHD và có một lỗ khoét để đặt camera selfie 16MP mà hãng gọi là 'Màn hình chấm O'.
Camera trước được đặt ở góc bên tay trái, ngoài để selfie thì còn để bật máy nữa. Tốc độ bật máy bằng nhận diện khuôn mặt rất nhanh, nhưng chỉ hữu ích với những bạn dùng tới tính năng bật-khi-nhấc-máy, còn tôi thấy sử dụng cảm biến vân tay vẫn nhanh hơn.
Màn hình có một 'chấm O' để đặt camera selfie
Thử tốc độ mở máy bằng khuôn mặt
Màn hình của OPPO A92 có thể gọi là đủ dùng, khi chỉ được sử dụng tấm nền LCD chứ chưa được nâng cấp lên AMOLED, và cũng không có tần số làm tươi cao như những đối thủ đến từ Realme, cụ thể là Realme 6. Mặc định thì màn hình cũng có ngả về hướng xanh dương, nhưng cũng may mắn là ta có thể dễ dàng chỉnh lại trong phần mềm.
Cũng vì không phải tấm nền AMOLED nên ta thiếu đi một tính năng đó là đồng hồ luôn hiện (Screen-off clock) có trên dòng Reno3 và Reno3 Pro. Có lẽ để bù lại cho người dùng thì OPPO cũng đã cung cấp chứng chỉ để A92 có thể chơi được phim FullHD trên Netflix, thay vì xuống SD như những dòng máy tầm trung khác. Dù gì cũng rất mong OPPO có những nâng cấp về màn hình cho những dòng máy OPPO A tiếp theo của mình.
Điều khiển hoạt động của OPPO A92 là chip Snapdragon 665 8 nhân, hỗ trợ bởi 8GB RAM (điểm khác biệt với A52 chỉ có 6GB RAM) và bộ nhớ trong 128GB (có thể mở rộng bằng thẻ nhớ micro SD riêng biệt với 2 khe SIM). Snapdragon 665 cũng phải thừa nhận không còn là vi xử lý tầm trung tốt nhất hiện nay nữa, danh hiệu đó thuộc về 720G, 730G hoặc Helio G90T.
Điểm đánh giá hiệu năng của Snapdragon 665 trong OPPO A92
Để so sánh thì đây là hiệu năng của Snapdragon 720G
Hiệu năng của máy thuộc mức khá, chỉ giật lag trong những những đầu khi máy phải cài đặt nhiều ứng dụng, nhưng sau khi đã ổn định thì không còn xảy ra nữa. Về vấn đề chơi game, tôi có thử với Game Liên Quân Mobile thì máy có thể chơi 'mượt' nhất ở chế độ 60fps, màn hình HD và đồ họa Trung bình, nếu như chuyển lên mức đồ họa cao nhất thì sẽ không giữ được 60fps ổn định.
Viên pin 5000mAh của OPPO A92 đạt hơn 14 tiếng theo bài thử PC Mark
Điểm nổi bật trong cấu hình của A92 là viên pin dung lượng lên tới 5000mAh. Sự kết hợp của cấu hình 'đủ dùng', một viên pin lớn và cả khả năng tiết kiệm pin rất chặt chẽ của ColorOS 7 thì thời lượng sử dụng của A92 rất tốt.
Đến đây ta hiểu được lý do tại sao OPPO lại tự tin cho phép người dùng 'sạc ngược' từ A92 cho những dòng máy khác, đơn giản vì máy quá 'trâu' dùng trong một ngày không hết được nên có thể dùng năng lượng để 'cứu cánh' những thiết bị công nghệ khác!
Đáng mua hay không?
Thay vì nâng cao một tính năng duy nhất, OPPO chọn hướng nâng cấp đều tất cả tính năng trên A92, nên ta có một chiếc smartphone khá toàn diện và đồng đều. Hiện tại trên thị trường xuất hiện khá nhiều đối thủ 'cứng' trong tầm giá trên dưới 6 triệu Đồng, có thể kể tới như Xiaomi Redmi Note 9S với màn hình lớn hơn cùng chip 720G (tuy vậy có lượng RAM chỉ 6GB), hay Realme 6 với màn hình 90Hz cùng camera lên tới 64MP. A92 sẽ 'ăn điểm' lại nhờ hệ thống loa kép, một thứ không dòng máy tầm trung nào có cả.
A92 vẫn có thể coi là một lựa chọn 'an toàn', song hãng cũng sẽ cần có những nâng cấp về cấu hình cũng như màn hình để có thể 'cân sức' tốt hơn nữa ở mức giá tầm trung, một phân khúc đang có sự canh trạnh rất mạnh mẽ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng