Đánh giá chi tiết Oppo Find Mirror - Đơn giản nhưng không đơn điệu
Thiết kế đẹp là điều đầu tiên nhiều người có thể thấy rõ ở Oppo Find Mirror.
Trong khi thế giới đang quay cuồng xung quanh những thông tin mới nhất và nóng nhất về sản phẩm vừa ra mắt của thương hiệu đình đám thế giới Apple, thì thế giới Android vẫn đang tiếp tục guồng quay thông thường của mình với những cuộc đua cấu hình, màn hình và mới đây nhất là về độ mỏng.
Cách đây ít lâu GenK cũng đã từng có bài viết đánh giá chi tiết về chiếc smartphone Huawei Ascend P6, sản phẩm đã giành danh hiệu điện thoại mỏng nhất thế giới (nếu không kể đến chiếc Vivo chưa ra mắt thị trường). Ngay sau đó chúng tôi lại tiếp tục có cơ hội được cầm trên tay chiếc điện thoại Oppo Find Mirror có tên mã là R819 là sản phẩm đã trở thành mỏng thứ 2 thế giới đang được bán tại Việt Nam với mức giá 7 triệu đồng.
Thiết kế tinh tế nhưng còn vài lỗi nhỏ
Nếu như người ta vẫn thường có cái nhìn không mấy thiện cảm với sản phẩm của Samsung vì sử dụng vỏ nhựa gây cảm giác ọp ẹp, nhưng độ mỏng của Mirror khiến cho lớp nhựa kia ép sát hơn vào linh kiện bên trong, lấp đầy những chỗ trống có thể khiến vỏ trở nên ọp ẹp, nên điểm đầu tiên có thế cảm nhận được đó là vỏ máy rất chắc chắn là ưu điểm nổi bật đối với loại máy có vỏ không tháo được như Mirror.
Tất nhiên vỏ nhựa cũng có nhược điểm không mấy dễ chịu của nó đó là khó có thể tránh được những vết xước nhỏ do cọ sát với bụi bẩn ở mặt bàn. Tất nhiên do chọn màu trắng sáng chứ không phải trắng ngà nên các vết xước nhỏ cũng như vân tay tuy có dễ bám nhưng cũng không dễ bị lộ ra ngoài.
Mặt kính bảo vệ của Mirror có chất lượng không cao, sau một thời gian sử dụng phải rút ra khỏi túi liên tục thì những phần chỉ ở mép túi quần cọ mạnh vào mặt màn hình dễ dàng tạo ra những vết xước nhỏ, dù phải nhìn kĩ mới thấy nhưng đây sẽ là điểm khiến cho người dùng Mirror phải dán màn hình.
Đó là vì chất liệu hơi mềm dễ gây xước, nhưng đổi lại vóc dáng thiết kế của Oppo Find Mirror tiếp tục khiến chúng ta cảm thấy hứng thú giống như sản phẩm Find Muse trước đây. Với thiết kế mỏng, mặt kính phẳng trải rộng ra tới sát cạnh máy nên nhìn từ phía trước sản phẩm này khiến nhiều người đặc biệt là phái nữ phải cảm thấy hút mắt, đặc biệt là 3 phím cảm ứng phía cạnh dưới được tạo hình hết sức sắc nét.
Phần loa thoại ở cạnh trên nhìn thẳng cũng rất tinh tế nhưng có điều màng chắn bụi của loa được làm bằng kim loại dán ở mặt trong không thực sự chắc chắn nếu bị vật nhọn hay vật mỏng ấn vào thì có thể bị tụt vào trong dù cho không mấy ai thích làm chuyện đó.
Phím nguồn và âm lượng là 2 phím chính buộc phải có trên hầu hết các sản phẩm Android, 2 phím này ở Oppo Find Mirror có hình thức hoàn toàn phù hợp với thiết kế mỏng và thanh thoát, tuy nhiên lực bấm hơi nhẹ mà lại được bố trí hơi gần giữa thân máy (vị trí tay cầm) nên dễ bị bật màn hình khi bấm nhầm kết hợp với đó là khi bấm cả vào nút volume màn cũng bật chứ không chỉ nút power.
Phím nguồn và phím âm lượng có chiều dài chênh lệch ít và cảm giác bấm đều nhẹ.
Cuối cùng vẫn là vấn đề loa ngoài, loa ngoài của Mirror được bố trí ở mặt phẳng của nắp lưng nên rõ ràng là việc để máy ngửa trên mặt bàn hoặc mặt đệm sẽ khiến điện thoại bị đưa về chế độ Silent một cách nhanh chóng.
Màn hình HD màu sắc tươi tắn
Trong tầm giá trung cấp như vậy, khó có màn hình nào dám đua đòi đẩy độ phân giải màn hình lên Full HD nhưng ở tầm HD thì có một số sản phẩm làm được trong đó có Find Mirror.
Nhìn từ bên ngoài, có thể thấy hình ảnh nằm rất sát mặt kính bảo vệ, tạo cảm giác chân thực khi chạm tay vào màn cảm ứng, có thể đây cũng là lý do khiến cho lớp bảo vệ của Find Mirror phải mỏng đi và trở nên dễ xước hơn nếu không dán bảo vệ.
Còn bàn về màu sắc, độ sáng của màn hình cao khiến cho các màu sắc thể hiện tươi tắn hơn nhiều so với những màn hình của những sản phẩm cùng hạng như Desire 600 của HTC. Khi hạ độ sáng xuống tối đa để dùng trong tối) màu trắng cũng hạ xuống dưới mức gây chói, giúp cho việc đọc báo lướt web bằng điện thoại trong đêm trở nên thoải mái và đỡ hại mắt hơn rất nhiều.
Camera nổi bật với khả năng chụp tối
Giống như những gì mà GenK chúng tôi đã trình bày trong bài viết thử nghiệm Camera của Oppo Find Mirror trước đây, có thể nói Camera 8.0 MP của chiếc điện thoại này là một trong những điểm sáng nổi bật trên cả chiếc điện thoại tương đương với vẻ đẹp ngoại hình của Oppo Find Mirror.
Camera nổi bật không phải ở khả năng chụp ảnh siêu nét hay số chấm cao ngất trời mà là ở khả năng chụp tối rất tốt của sản phẩm này. Ở trong một số điều kiện mà đến mắt người cũng không thể nhìn rõ được các đường nét của vật thể mà cảm biến với ống kính góc rộng của chiếc smartphone này có thể lấy lại được phần lớn các cạnh của vật thể chụp.
Phương pháp mà Oppo áp dụng cho Mirror không phải là về mặt vật lý như sử dụng một cảm biến hình ảnh công nghệ cao hay lấy sáng tốt mà chỉ là đẩy mạnh khả năng chống rung của Camera lên 1 chút sau đó điều chỉnh về phần mềm để khi chụp trong điều kiện tối máy sẽ dùng chức năng bù sáng để đẩy ảnh sáng của ảnh chụp lên cao hơn bình thường khiến đường nét vật chụp lộ ra đầy đủ hơn. Đồng thời ống kính góc rộng của Camera cũng là 1 phần khiến ánh sáng yếu ớt kia lọt vào cảm biến nhiều hơn. Kết hợp cả 3 yếu tố đó chúng ta có được một chiếc smartphone có máy ảnh chụp sáng rất tốt.
Tất nhiên vì là tăng sáng bằng phương pháp mềm nên khi chụp tối anh sẽ bị noise rất nhiều đây là điều buộc phải đánh đổi nếu muốn thu được hình ảnh chi tiết trên một cảm biến phổ thông.
Dưới đây là một số hình ảnh chụp từ Camera của Oppo Find Mirror:
Ngoài ra các bạn có thể xem lại bài viết thử chất lượng Camera Oppo Find Mirror tại đây.
Hiệu năng của chip MediaTek
Không phải là một hãng sản xuất lớn và có những dòng chip SoC cao cấp như Qualcomm, MediaTek vẫn chỉ đang là đàn em đứng sau cố gắng phát triển để trở thành một thương hiệu tên tuổi hơn. Đặc điểm dễ nhận thấy ở MediaTek đó chính là hiệu năng hoạt động rất cao mà giá thành lại rẻ hơn so với các hãng SoC khác nên các dòng máy giá rẻ cho tới tầm trung đều thích thú với hãng này.
Tất nhiên, cái gì có điểm mạnh hơn người thì cũng sẽ phải có điểm yếu và điểm yếu có thể thấy đó là MediaTek liên tục ra mắt các dòng SoC mới để cải thiện hiệu năng so với các dòng trước nhằm cạnh tranh với sản phẩm của đối thủ khác và rõ ràng là các nhà lập trình không thể tối ưu app cho rất nhiều dòng chip khác nhau của MediaTek như vậy. Kết quả dễ hiểu là ngoài các ứng dụng (đặc biệt là game) phổ thông không phức tạp thì một số ứng dụng và game hơi đặc biệt một chút có thể sẽ khiến game bị lỗi nhẹ hoặc bị tụt khung hình do tương thích phần cứng.
Các bạn có thể xem lại bài thử nghiệm chơi game nặng trên Oppo Find Mirror.
Tất nhiên, kể từ khi Android 4.0 ra đời, nhược điểm này của MediaTek cũng đã được khắc phục gần hết tất nhiên cũng còn tồn tại một số ngoại lệ giống như trường hợp chạy Asphalt 8 trên Oppo Find Mirror như trong bài viết so sánh khả năng chơi game của 3 smartphone trung cấp cách đay ít lâu.
Năng lượng và nhiệt độ
Cuối cùng xét đi xét lại vẫn cứ phải nhìn lại về nhiệt độ và thời gian sử dụng của máy, vì máy nóng quá cũng gây khó chịu hay thậm chí là gây hại nếu như sử dụng lâu dài mà Pin hết nhanh cũng khiến người dùng rơi vào cảnh 1 người 2 máy để phòng khi chiếc smartphone hụt hơi thì còn có một chiếc "nồi đồng cối đá" đứng ra gánh vác vấn đề liên lạc. Rất may là vì SoC của Mirror sản xuất trên tiến trình 28 nm nên cả về điện năng tiêu thụ cũng như nhiệt năng toả ra từ con chip này thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ 40 nm trước đây của MediaTek.
Với thử nghiệm là chơi game Dungeon Hunter 4 (một game có đồ hoạ cao cấp) liên tục 2 tiếng mà pin chỉ tụt từ mức 53% xuống còn 27% đồng thời máy cũng chỉ ấm lên khoảng 40-50 độ C khiến cho cảm giác chơi game khá thoải mái. Đây chính là những lợi thế rõ ràng mang tiến trình 28 nm mang lại cho những chiếc điện thoại thông minh này.
Với giá 7 triệu đồng, một lần nữa Oppo Find Mirror lại tạo được tiếng vang tương đối lớn vì hiệu năng trên giá thành ở mức hợp lý hơn nhiều hãng lớn khác, chắc chắn đủ sức cạnh tranh về mặt chất lượng đối với các thương hiệu nổi tiếng như Samsung hay HTC nhưng còn làm sao để Oppo phát triển được về mặt thương hiệu ở thị trường Việt Nam thì còn phụ thuộc vào bản thân Oppo.
Kết luận
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp, tinh tế
- Màu trắng khó lộ vân tay
- Máy mỏng nhưng nhiệt độ vẫn mát khi chạy ứng dụng nặng
- Camera chụp thiếu sáng rất tốt
Nhược điểm:
- Màn hình và vỏ máy dễ xước
- Loa bố trí thiếu hợp lý
- 2 Phím cứng hơi nhẹ và dễ bấm phải ngoài ý muốn
- Không tương thích với một số ít game
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng