Đánh giá flycam DJI Mavic Air: Nhỏ gọn, dễ bay, cam tốt nhưng vẫn còn sạn
DJI đang bắn phá quyết liệt mọi phân khúc giá của thị trường drone dân dụng.
Nắm giữ tới trên 70% thị phần của thị trường drone dân dụng trong khi các đối thủ lớn nhất như Yuneec, Parrot, GoPro đều đang nỗ lực chiến đấu để tồn tại. Nhưng DJI không để vị trí thống trị ru ngủ chính mình. Chỉ trong vòng hơn 1 năm ngắn ngủi, DJI ra mắt thị trường 3 sản phẩm drone đánh vào phân khúc drone du lịch với ưu thế nhỏ gọn, mức giá "dễ thở" và nhiều tính năng bay thông minh.
DJI Mavic Air ra mắt trong bối cảnh 2 sản phẩm tiền nhiệm là DJI Spark và DJI Mavic Pro đang làm mưa làm gió ở phân khúc giá dưới 1000 USD. Đóng vai trò là sản phẩm lấp khoảng trống phân khúc giữa Spark (11 triệu) và Mavic Pro (22 triệu), Mavic Air (18.5 triệu) thể hiện tham vọng muốn làm bá chủ toàn diện mọi phân khúc của thị trường flycam nghiệp dư.
Nhưng đứng trước cái bóng quá lớn của Mavic Pro, liệu chênh lệnh giá hơn 4 triệu đồng và những tính năng thông minh của Mavic Air có khiến sản phẩm này qua mặt đàn anh để trở thành chiếc Drone dân dụng đáng mua nhất ở thời điểm hiện tại?
Xin cảm ơn cửa hàng Flycamvn.com đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài viết này.
Thiết kế
Vẫn giữ nguyên thiết kế cánh gập, Mavic Air lại 1 lần nữa chứng tỏ rằng DJI không hề tự thoả mãn khi tiếp tục thu gọn thiết kế vốn đã ở mức "tí hon" của Mavic Pro mà vẫn nhồi nhét được đủ thứ. Mavic Air có gimbal chống rung cơ học 3 trục (so với 2 trục của Spark), thêm cảm biến chống va chạm phía sau và 1 loạt các tính năng bay thông minh mới.
So sánh với chiếc DJI Spark thậm chí Mavic Air còn gọn gàng hơn nhờ thiết kế gập.
Được trang bị tận chân răng như vậy nhưng Mavic Air vẫn giữ được dáng vẻ thanh thoát, thể thao rất mới lạ, khác hẳng thiết kế góc cạnh, khô khan của Mavic Pro. Thiết kế khí động học cũng gió Mavic Air đạt tốc độ cao hơn Mavic Pro (68Km/h so với 65 Km/h của Mavic Air).
Mavic Air được bổ sung cảm biến chống va chạm phía sau.
Gimbal của máy có kích thước tương tự gimbal của DJI Spark nhưng được bổ sung thêm 1 trục chống rung và được rút vào nằm sâu trong housing tạo cảm giác yên tâm hơn đôi chút nếu xảy ra va chạm. Rõ ràng là với kích thước gimbal "mỏng manh" như vậy thì sự cẩn trọng của DJI là không hề thừa.
Hiệu năng bay
Thử điều khiển Mavic Air không dùng remote. Thử tránh tính năng tránh vật cản, so sánh Mavic Pro.
Được đóng mác DJI có nghĩa là Mavic Air có hiệu năng bay không cần bàn cãi. Khả năng bắt GPS kết hợp định vị bằng hình ảnh (VPS) cùng hệ thống cảm biến được nâng cấp đồng nghĩa với việc Mavic Air có khả năng ổn định tuyệt vời trong mọi điều kiện ngoài trời hay trong nhà. Tuy nhiên ở điều kiện có gió mạnh, gió giật thì lợi thế về kích thước và công suất động cơ của Mavic Pro được phô diễn khá rõ ràng, Mavic Air có khả năng kháng gió giật thua kém đàn anh Mavic Pro đôi chút.
Người dùng đã có thể cất cánh Mavic Air không cần sử dụng điều khiển.
Các tính năng bay thông minh của Mavic Air được nâng cấp lên từ DJI Spark cho trải nghiệm bay khá thú vị. Người dùng có thể ra lệnh cho máy bay cất cánh, thay đổi góc chụp, ra xa vào gần và hạ cánh chỉ bằng cử chỉ tay mà không cần dùng remote. Mặc dù cá nhân tôi cảm thấy để các tính năng này đi vào thực tế sử dụng một cách thường xuyên, DJI sẽ còn mất rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên rõ ràng những cải thiện từ Spark lên Mavic Air cho chúng ta cái cớ để hi vọng về 1 tương lai xách drone lên và đi mà không cần remote.
Bên cạnh đó, bổ sung đáng giá nhất cần nhắc đến ở Mavic Air có lẽ là tính năng tự động tránh vật cản khi bay. Nếu như ở Mavic Pro, máy bay khi gặp vật cản chỉ dừng khựng lại và chờ người dùng điều khiển thì Mavic Air tự động tìm đường vừa bay vừa luồn lách để tránh vật cản. Tính năng này giúp Active Track của Mavic Air trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Chất lượng camera
Một trong những cải thiện lớn nhất của Mavic Air so với Mavic Pro là chất lượng camera. Vẫn giữ nguyên kích thước cảm biến 1/2,3 nên hiệu năng chụp thiếu sáng của Mavic Air không được cải thiện nhiều so với Mavic Pro. Tuy nhiên những cải thiện về thuật toán xử lý và việc tăng bitrate video (100 Mbps ở Mavic Air so với 60 Mbps ở Mavic Pro) đem lại những cải thiện rất lớn về chất lượng hình ảnh. Khả năng tái tạo màu sắc của ảnh tĩnh cũng được cải thiện cũng như hiện tượng artifact , nhiễu răng cưa ở video của Mavic Air đã giảm bớt rất nhiều so với Mavic Pro.
So sánh chất lượng camera Mavic Air, Mavic Pro
Chất lượng sóng, thời lượng pin
Rất tiếc ở mảng chất lượng sóng, Mavic Air lại thua kém khá xa so với đàn anh. Sử dụng chung công nghệ kết nối với chiếc DJI Spark trước đó, khả năng chống nhiễu và khoảng cách điều khiển của Mavic Air không thể so sánh được với Mavic Pro sử dụng kết nối OccultSync độc quyền của DJI. Trong môi trường có nhiễu Wifi ở band 2.4Ghz, khoảng cách điều khiển của Mavic Air bị giảm sút rất nhiều so với con số 4Km theo thông số của DJI.
Trong môi trường có nhiễu, khoảng cách điều khiển của Mavic Air tương tự như DJI Spark. Live view thường xuyên bị khựng, rớt hình. Trong khi ở cùng điều kiện Mavic Pro vẫn cho khả năng điều khiển hoàn hảo ở khoảng cách xa hơn nhiều với chất lượng live view tốt hơn.
Thời lượng pin của Mavic Air cũng bám khá sát công bố của nhà sản xuất: Khoàng 20 phút trong điều kiện không có gió. Thời lượng pin này có thể coi là khá tốt tuy nhiên vẫn chưa bằng Mavic Pro (25 phút bay thực tế).
Kết luận
Nên mua Mavic Air hay Mavic Pro?
Nhìn chung khoản tiết kiệm hơn 4 triệu đồng giữa Mavic Air và Mavic Pro khiến tôi có phân nghiêng về chiếc Mavic Air hơn ở thời điểm hiện tại nếu bạn đang lần đầu tìm mua flycam. Tuy nhiên với những ai hiện tại đang sở hữu Spark hoặc Mavic Pro và đang muốn nâng cấp thì có lẽ chờ đợi thêm 1 thời gian nữa để Mavic Pro 2 ra mắt rồi quyết định sẽ là phương án hợp lý hơn vì ngày ra mắt của Mavic Pro 2 cũng đã rất gần kề.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng