Đánh giá game Marvel’s Spider-Man 2: chắc chắn là game về Người Nhện hay nhất từ trước đến nay
Insomniac tiếp tục chứng minh sự chắc tay của mình, đặc biệt với dòng game siêu anh hùng với Marvel’s Spider-Man 2.
- Game "bom tấn" của Sony đạt đỉnh, thành tích bán ra lập kỷ lục trong vòng 10 năm
- Hacker tung hoành, hủy hoại màn hình người chơi, NPH game bom tấn bất lực, không có cách giải quyết
- GTA 6 được sản xuất bởi A.I
- Thường xuyên phát tặng game miễn phí, Epic Store báo lỗ 5 năm liên tục
- Chuyện chưa kể về game Dò Mìn, trò chơi điện tử đã từng mê hoặc tỷ phú Bill Gates
Năm 2023 chắc hẳn là một năm “bội thực” game hay khi hàng loạt tựa game thuộc các nền tảng, thể loại khác nhau đồng loạt ra mắt, trải dài từ đầu năm tới nay. Với thể loại hành động phiêu lưu thế giới mở, không những thế còn kết hợp yếu tố siêu anh hùng, Marvel’s Spider-Man 2 được lên kế hoạch ra mắt với sự kỳ vọng lớn của fans, đặc biệt sau sự thành công của phiên bản đầu tiên.
Chủ đề siêu anh hùng thuộc Marvel không mới nhưng việc thiếu các sản phẩm chất lượng là điều làm phiền lòng các fans chân chính nhất. Kể cả với chủ đề Người Nhện, vốn được kỳ vọng sẽ được đầu tư nhiều bởi thuộc sở hữu của Sony, mới chỉ có Marvel’s Spider-Man ra mắt năm 2018 thực sự tạo ra cú hích, hình thành một tiêu chuẩn mới về game siêu anh hùng. Cũng bởi cái bóng quá lớn đó mà phiên bản Marvel’s Spider-Man: Miles Morales ra mắt năm 2021 dù có chất lượng ổn nhưng nội dung quá ngắn và thiếu sự cải tiến khiến cho tựa game này bị coi là một game phô diễn công nghệ (tech demo) cho PS5, một bản mở rộng hơn là một tựa game độc lập và hoàn chỉnh.
Có thể vì lẽ đó mà phiên bản ra mắt năm nay mới được gọi là Marvel’s Spider-Man 2. Con số 2 này mang nhiều ý nghĩa hơn. Với sự song hành của hai Spider-Man tại New York, Peter Parker và Miles Morales, đây là lần đầu tiên một tựa game Spider-Man tồn tại hai nhân vật chính với vai trò quan trọng như nhau. Với hai tuyến cốt truyện song hành, người chơi sẽ thấy cả hai Người Nhện cùng xuất hiện ở một vài nhiệm vụ cốt truyện quan trọng. Trong khi đó, một số nhiệm vụ phụ có thể được thực hiện bởi một trong hai nhưng một số khác lại được ấn định cho một trong hai để kể một câu chuyện liền mạch hơn. Đây là cách triển khai cốt truyện từng gặt hái được nhiều thành công của GTA V.
Bởi bớt được thời gian giới thiệu hoàn cảnh, tuy ôm đồm hai tuyến truyện, thời lượng để hoàn thành cốt truyện của Marvel’s Spider-Man 2 ở mức khoảng 20 giờ, tương đương con số mà tôi cần để hoàn thành cốt truyện của phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, cốt truyện của Marvel’s Spider-Man 2 không vì thế mà tạo cảm giác ngắn khi vẫn có sự liên kết chặt chẽ giữa hai nhân vật chính nhằm tạo nên một câu chuyện tổng thể. Thỉnh thoảng khi làm nhiệm vụ hoặc đi dạo trong thành phố, bạn hoàn toàn có thể bắt gặp Spider-Man còn lại đang “trừ gian diệt bạo”.
Cốt truyện chính của Marvel’s Spider-Man 2 vẫn theo mô-típ thông thường trong các câu chuyện về Người Nhện. Vẫn sẽ là “sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều” kèm theo cái kết thường không được có hậu cho Người Nhện, đặc biệt là Peter Parker khi lại tiếp tục mất mát thêm một người bên cạnh mình (chi tiết là ai xin phép không bật mí để tránh spoil game).
Câu chuyện được kể trong Marvel’s Spider-Man 2 cũng đi sâu vào cuộc sống cá nhân của hai nhân vật chính, là phần trọng trách thực tế sau khi cởi bỏ mặt nạ siêu anh hùng. Sẽ là câu chuyện của Peter khi phải lo cơm áo gạo tiền hay cân bằng thời gian cho các mối quan hệ với người bạn thân Harry Osborn hay cô bạn gái MJ. Người chơi cũng sẽ được vào vai Peter trong những hoạt động đời thường hơn như đạp xe dạo phố, ôn lại kỷ niệm với Harry Osborn thông qua đoạn màn chơi dựng theo bối cảnh flashback.
Miles Morales, một chàng trai trẻ từng nhiều hoài bão nhưng bị ảnh hưởng tâm lý, mất phương hướng sau khi bố ra đi trong một lần làm nhiệm vụ, đang ở ngưỡng cửa năm cuối phổ thông cần động lực để hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển vào trường đại học. Miles cũng phải đối mặt với những cảm xúc chơi vơi xen lẫn hoang mang liên quan đến gia đình. Cậu chàng cũng phải đưa ra quyết định khó khăn ở ngay đầu game, điều sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong cốt truyện sau này.
Một phần sức hấp dẫn của nhân vật được sáng tạo bởi cố huyền thoại Stan Lee cả trong truyện tranh, phim ảnh hay trò chơi là bởi cốt truyện luôn được xây dựng một cách rất “đời”, tạo cảm giác câu chuyện của nhân vật gần gũi hơn nhiều so với những siêu nhân ngoài vũ trụ hay mấy anh trai tỷ phú thích đi trừ gian diệt bạo. Mỗi quyết định của các Spider-Man đều khó lựa chọn nhưng thực tế, đều có hệ quả nhất định, tạo nên sự cân bằng. Spider-Man không thể cả ngày đu tơ quanh New York để giải quyết đám tội phạm mà vẫn có thời gian để làm một công việc ổn định, có mức thu nhập đủ để trang trải cuộc sống. Nhưng cũng bởi chân thực như vậy mà kết truyện thường có xu hướng buồn hơn, khẳng định tên gọi “Nhện nhọ”.
Các nhiệm vụ phụ - side quests cũng phần nào tô điểm cho câu chuyện của hai Người Nhện. Ngoài các nhiệm vụ phụ có một chút cốt truyện, các hoạt động liên tục xuất hiện trên phố hay việc thu nhập các vật phẩm sưu tầm – collectibles cũng được để ý và chăm chút hơn để tạo sự kết nối giữa hai nhân vật chính. Đơn cử như việc khi Miles nhặt một collectible của Peter thì cậu thường sẽ tự nói những câu đại loại như “Chắc anh Peter sẽ thấy vui khi nhìn thấy đồ vật này”. Tuy nhiên, các hoạt động phụ trong game chưa có tính đột phá, không khác các phần Marvel’s Spider-Man trước được sản xuất bởi Insomniac.
Xuyên suốt quá trình chơi cốt truyện chính và phụ, người chơi có thể mở khóa tới 68 bộ giáp khác nhau, chia đều 34 cho mỗi Người Nhện. Mỗi bộ giáp này lại có tới ba phối màu khác nhau, giúp người chơi có thể cá nhân hóa nhân vật của mình dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu sở hữu phiên bản Deluxe, người chơi còn có thêm 10 bộ giáp, chia đều cho mỗi Người Nhện 5 bộ. Tất nhiên trừ một số bộ giáp đặc thù như Into the Spider Verse thì sẽ có hiệu ứng cũng đặc thù không kém. Ngoài ra, Insomniac cũng khá để tâm tới chi tiết khi các bộ giáp do Người Nhện mặc sẽ rách dần sau các lần combat cho đến khi được thay bằng một bộ giáp khác.
Điểm khác biệt nữa của Marvel’s Spider-Man 2 khi so sánh với người tiền nhiệm là các bộ giáp này chỉ còn tính trang trí mà không đi kèm bất cứ sức mạnh nào. Để sưu tầm, mở khóa được hết mọi thứ trong game, người chơi sẽ cần ít nhất 35 tiếng. Được cái, việc không yêu cầu phải chơi New Game+ để đạt Platinum cũng là điểm cộng cho trò chơi, ít nhất là với quan điểm của tôi.
Hệ thống cây kỹ năng – skill trees trên Marvel’s Spider-Man 2 cũng khá tương đồng với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã bổ sung thêm một bảng kỹ năng được dùng chung cho cả hai Người Nhện. Các kỹ năng nhân vật đã học từ các phiên bản trước cũng gần như không phải học lại. Để không quá lép vế so với đàn em, Peter cũng được bổ sung thêm các kỹ năng điện tương tự như Miles. Các kỹ năng này sẽ được kích hoạt bằng việc giữ R1 kèm các phím X, O, vuông, tam giác, tương tự như việc dùng các đồ chơi – gadgets. Đây cũng là lần đầu tiên các Người Nhện có thể lựa chọn mình sẽ sử dụng những chiêu gì (tối đa 4) nhằm chọn ra đối sách phù hợp cho từng màn chơi. Việc bố trí nút tương đối hợp lý cũng giúp tôi không còn bị quá phụ thuộc vào các nút phụ trên DualSense Edge.
Gameplay của Marvel’s Spider-Man 2 vẫn thuộc hàng đã tay bậc nhất trong các tựa game về siêu anh hùng. Kế thừa từ Marvel’s Spider-Man nên các cú đấm, đá của Người Nhện vẫn cho cảm giác lực tương tự. Người chơi cũng có thể dễ dàng chọn các cách đánh khác nhau như trực diện, đánh bật lên không rồi xả những chuỗi combo không ngừng như Devil May Cry hay chọn cách đánh bí mật, xử lý phần lớn đối phương trước khi thực sự giao tranh. Từng cú đấm đá, bay nhảy, phun tơ, nhận sát thương đều được thể hiện qua tính năng rung chính xác trên tay cầm DualSense.
Dù bê gần nguyên gameplay của bản một sang, Marvel’s Spider-Man 2 vẫn có nhiều bổ sung tính năng cực kỳ đáng giá. Đầu tiên có thể kể đến sự bổ sung của cơ chế Parry bằng nút vai L1, giúp người chơi chủ động hơn khi giao tranh thay vì nhảy và né để tránh đòn thông thường. Nút L1 khi được giữ cũng sẽ kết hợp với bốn phím X, O, Vuông, Tam giác để Người Nhện có thể tung ra các kỹ năng đặc biệt. Như đã nói ở trên, các kỹ năng này có thể được tùy biến để người chơi được tự do hơn về lối đánh của mình.
Ngoài phần chiến đấu, việc bổ sung các cơ chế như lướt gió – gliding với web wing hoặc bệ phóng – slingshot cũng mở ra thêm các lựa chọn về di chuyển quanh New York thay vì chỉ đu tơ thông thường, tăng tính hứng khởi và cả tốc độ. Nhà sản xuất còn bổ sung tính năng di chuyển nhanh – fast travel, nhanh đến mức gần như tức thời và điểm đến có thể là bất cứ điểm nào trên bản đồ chứ không phải là các điểm cố định thông thường. Đây cũng có thể được coi là một thành tựu công nghệ của game console thế hệ hiện tại khi người chơi có thể di chuyển một cách tức thời, đặc biệt trong bối cảnh bản đồ New York thậm chí còn to gần gấp đôi phiên bản trước. Người chơi giờ đây sẽ không còn được nhìn hoạt cảnh Spider-Man bấm điện thoại, đọc báo hay nghe nhạc trên tàu điện để chờ game tải khi di chuyển nhanh nữa. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người chơi khác đều nhận định việc tự di chuyển vẫn vui hơn cả.
Phiên bản mới nhất của dòng game Marvel’s Spider-Man còn bổ sung cho người chơi thêm một thiết bị - gadget là Web Line, giúp Người Nhện có thể tạo ra tối đa 6 đường tơ nối từ tường bên này sang bên khác để mở rộng khả năng di chuyển trên dây trong nhà. Nhờ vậy người chơi cũng có thể chủ động hơn nếu thích chơi kiểu hành động bí mật khi dễ dàng có được các pha hạ tục từ trên dây – perch takedown. AI trong game cũng được cải tiến song hành và sẽ có phản ứng bằng cách cắt các sợi tơ này ngay khi phát hiện ra nhân vật chính đột nhập.
Môi trường trong Marvel’s Spider-Man 2 có thể được coi là một tuyệt tác khác. Với nền tảng đã quá tốt của phần nội thành New York City trong phần một và mở rộng thêm Đảo Roosevelt cũng như quận Queens và Brooklyn. Thành phố New York trong game vẫn tạo được cảm giác sinh động tương tự và có phần tốt hơn bản đầu tiên. Trừ một số địa điểm đặc thù của game, phần lớn quy hoạch và khung cảnh của New York City vẫn khá tương đồng với đời thực. Nhờ chơi Marvel’s Spider-Man năm 2018 mà khi đi du lịch Mỹ vào năm 2019, tôi hầu như không cần dùng Google Maps khi lái xe tìm các địa danh nổi tiếng như ga Grand Central Terminal, khu Soho hay tượng trâu vàng ở New York City. Ở lần trở lại New York City vào năm 2023 qua game này, tôi lại có được cảm giác thân quen khi lượn qua Queens và Brooklyn.
Về mặt hình ảnh, sự khác biệt giữa chế độ Fidelity và Performance là không đáng kể, nhất là khi bạn chơi game trên console với vị trí ngồi cách màn hình TV khoảng 2 mét trở lên. Kết hợp với độ phân giải 4K, người dùng sẽ khó có thể phân biệt được chất lượng hình ảnh giữa hai chế độ. Không những thế, game còn hỗ trợ chế độ tần số quét biến đổi VRR – Variable Refresh Rate, giúp đem lại trải nghiệm mượt mà hơn trên các màn hình hoặc TV cao cấp. Bản thân tôi khuyến nghị các game thủ nên chọn chế độ Performance bởi chất lượng hình ảnh gần như không khác biệt trong khi FPS được cải thiện sẽ giúp hạn chế cảm giác đau đầu chóng mặt gây ra cho người dùng trong những cảnh hành động hoặc đu tơ có kết cấu nhanh nhưng lại bị giật và xé hình do FPS thấp.
Một điểm đặc biệt nữa của Marvel’s Spider-Man 2 là hỗ trợ tiếng Việt một cách chính thức. Dù mới chỉ ở mức thiết yếu thông qua ngôn ngữ trên menu và phụ đề trong game nhưng đây vẫn là một tín hiệu rất đáng mừng với game thủ Việt Nam. Ngoài việc giúp người chơi dễ tiếp cận và hiểu cốt truyện sâu hơn, động thái này của Sony và Insomniac còn cho thấy góc nhìn về tầm quan trọng của thị trường Việt Nam với hãng. Để sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong game, người dùng sẽ cần mua game bản đĩa chính hãng hoặc mua trên PlayStation Store tại các khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore. Sau đó thiết lập ngôn ngữ của hệ thống thành tiếng Việt và vào chơi game.
Tựu trung lại, Marvel’s Spider-Man 2 là một game hay và sẽ có thể đạt điểm tuyệt đối nếu đây là phiên bản đầu tiên của dòng game. Còn trong năm 2023, tựa game chắc chắn không có đối thủ trong thể loại hành động siêu anh hùng. Với cốt truyện có tính nhân văn cao, chú trọng vào sự vị tha dù cái kết vẫn có chút buồn theo xu hướng “Nhện nhọ”, câu chuyện được kể trong gần 20 giờ chơi nhiệm vụ chính của game vẫn đủ hấp dẫn để giữ chân người chơi. Gameplay cũng được cải tiến để giúp các cuộc giao tranh trở nên thú vị hơn. Cái kết mở của Marvel’s Spider-Man 2 cũng cho thấy khả năng có phiên bản 3 là rất cao. Chỉ là không biết Insomniac sẽ làm thế nào để một lần nữa cải tiến một tựa game vốn đã quá tốt rồi.
Điểm mạnh:
- Cốt truyện hay, nhân văn, có tính gắn kết logic giữa câu chuyện của các tuyến nhân vật
- Nhiệm vụ phụ đa dạng, không tạo cảm giác quá mệt mỏi hay nhàm chán
- Combat vẫn đã tay
- Các cải tiến về gameplay giúp cải thiện một nền tảng vốn đã quá tốt được xây dựng từ bản đầu tiên.
- Đồ họa đã mắt, nhiều chế độ lựa chọn
- Nhà sản xuất tận dụng được tối đa công nghệ hiện tại trên PS5 để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người chơi
Hạn chế:
- Các cải tiến chưa thực sự đột phá, người chơi hoàn toàn có thể giữ nguyên cách chơi từ các phiên bản trước mà không bị ảnh hưởng đến trải nghiệm chung.
- Các hoạt động phụ, đặc biệt liên quan đến thu thập vật phẩm chưa có đổi mới.
- Thành phố được mở rộng hơn nhưng đơn thuần chỉ là chỗ mới để trải nghiệm các hoạt động cũ.
Chấm điểm 9/10
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng