Đánh giá Honor 4C: hiệu năng khá, giá bình dân

    Tuấn Lê,  

    Được giới thiệu vào giữa cuối tháng 7 năm nay, Honor 4C là chiếc smartphone tầm trung với nhiều đặc điểm nổi bật từ cấu hình cho đến thiết kế.

    Thiết kế

    Ấn tượng đầu tiên khi cầm trên tay là máy khá đầm và chắc tay, tuy thân máy có phần hơi dày (8,8 mm) nhưng bù lại các góc máy được bo nhẹ tạo đã tạo cảm giác dễ chịu khi cầm nắm và thao tác. Honor 4C có mặt sau làm bằng vỏ nhựa với đường vân đan xen, lấy ý tưởng từ các sợi vải trông khá đẹp mắt. Lớp vỏ sau của máy có thể mở ra được, tuy nhiên không thể tháo rời pin mà chỉ để cắm SIM và thẻ nhớ micro SD.

    Các chi tiết phím cứng cùng cổng tai nghe 3,5 mm và cổng micro USB được hoàn thiện rất tốt, bên cạnh đó, 3 nút cơ bản của Android đã được nhà sản xuất chuyển ra khỏi màn hình để người dùng có thể trải nghiệm được nội dung hiển thị một cách trọn vẹn.

    Cấu hình

    Honor 4C được trang bị màn hình IPS 5 inch, độ phân giải 1280 x 720, mật độ điểm ảnh đạt 294 ppi. Nhờ sử dụng tấm nền IPS nên màn hình của chiếc điện thoại này cho góc nhìn khá tốt và ít bị biến dạng màu khi nhìn nghiêng. Dù độ phân giải chưa đạt Full HD nhưng qua sử dụng tôi lại cảm thấy khá hài lòng với màn hình của Honor 4C, hình ảnh vẫn sắc nét và không hề bị vỡ hạt hay răng cưa.

    Về phần sức mạnh, Honor 4C sở hữu vi xử lý lõi 8 HiSilicon Kirin 620 tốc độ 1,2 Ghz, sử dụng kiến trúc 64-bit, RAM 2GB, bộ nhớ trong 8 GB, hỗ trợ 2 SIM và 1 khe thẻ nhớ chuẩn micro SD tối đa 32 GB và pin dung lượng 2.550 mAh. Ngoài ra, chiếc điện thoại này còn được tích hợp chip xử lý âm thanh rời Hifi DSP cùng chuẩn âm thanh vòm DTS Surround 5.1 hứa hẹn sẽ đem đến trải nghiệm nghe nhạc cho người dùng tốt hơn.

    Hệ điều hành và giao diện

    Honor 4C hiện đang chạy phiên bản Android 4.4 cùng giao diện EMUI 3.0 được thiết kế và tùy biến riêng. Giao diện người dùng EMUI 3.0 trên chiếc điện thoại này hoạt động khá mượt, các icon cùng widget trông gọn gàng và nhiều màu sắc hơn. Bên cạnh đó, Honor cũng cung cấp nhiều chủ đề (theme) cho người dùng tùy chọn thay đổi nhằm làm mới giao diện cho chiếc điện thoại của mình.

    Phần thanh thông báo Notification bar đã được tùy biến lại, giờ đây khi vuốt từ góc trên của màn hình xuống, người dùng sẽ thấy tab Notifications nằm bên trái (nơi chứa các thông báo về tin nhắn, gọi nhỡ, mail...) và một tab Shortcuts nằm bên phải (nơi chứa các biểu tượng kích hoạt nhanh như Wifi, Bluetooth, GPS...). Theo cảm nhận riêng, phần thay đổi này đã giúp cho nội dung hiển thị trên thanh Notification bar được tách bạch và đỡ rối rắm hơn so với cách hiển thị trên giao diện Android gốc.

    Giờ đây khi vuốt từ góc trên của màn hình xuống, người dùng sẽ thấy tab Notifications nằm bên trái và một tab Shortcuts nằm bên phải.

    Giờ đây khi vuốt từ góc trên của màn hình xuống, người dùng sẽ thấy tab Notifications nằm bên trái và một tab Shortcuts nằm bên phải.

    Hiệu năng và thời lượng pin

    Tuy chỉ là thiết bị nằm ở phân khúc giá rẻ nhưng những gì mà Honor 4C làm được lại khiến tôi khá hài lòng. Để thử nghiệm khả năng xử lý tác vụ nặng của máy, tôi đã cài đặt và chơi một vài game như EA Sports UFC và Lara Croft: Relic Run. Trong quá trình vận hành game, máy hoạt động khá tốt và mượt, chỉ có phần đồ họa đã bị sụt giảm bớt do cấu hình máy không phải thuộc loại cao cấp. Bên cạnh đó, máy cũng không xảy ra hiện tượng quá nóng dù sử dụng trong thời gian dài.

    EA Sports UFC - một trong những game được tôi đưa ra thử nghiệm trên Honor 4C.

    EA Sports UFC - một trong những game được tôi đưa ra thử nghiệm trên Honor 4C.

    Về phần thời lượng pin, nhờ sở hữu dung lượng 2.550 mAh cùng cấu hình không quá "ngốn" pin nên thời gian sử dụng trên chiếc Honor 4C luôn được đảm bảo trong vòng 1 ngày hoặc hơn. Với thời gian chơi game UFC khoảng 50 phút, lượng pin máy chỉ sụt giảm khoảng 10% pin.

    Ngoài ra, máy còn có chế độ siêu tiết kiệm pin giúp kéo dài thời gian sử dụng máy lên đến 2 ngày hoặc hơn, tuy nhiên khi chọn chế độ này, máy sẽ chuyển về giao diện đơn sắc và người dùng chỉ có thể sử dụng một số tính năng cơ bản.

    Chế độ siêu tiết kiệm pin.
    Chế độ siêu tiết kiệm pin.

    Chất lượng camera

    Honor 4C được trang bị camera chính 13 MP (cảm biến Sony BSI CMOS) cùng khẩu độ f/2.0 và camera phụ độ phân giải 5 MP. Giao diện chụp ảnh của chiếc điện thoại này khá đơn giản và dễ sử dụng, bên cạnh đó nhà sản xuất cũng bổ sung thêm một số tính năng chụp ảnh như Beauty, quay Time-lapse, HDR, All-focus (chụp trước lấy nét sau) và Panorama.

    Đa phần các ảnh chụp của Honor 4C cho màu sắc khá ổn, không quá sặc sỡ và nịnh mắt, tuy nhiên độ tương phản có phần hơi thiếu. Qua quá trình trải nghiệm vài ngày, tôi nhận thấy camera của Honor 4C cho ra kết quả ảnh theo hướng thiếu sáng (khoảng độ 2/3 cho đến 1 stop), còn độ sắc nét nằm ở mức khá. Dưới đây là một số ảnh chụp trải nghiệm, mời các đọc giả xem qua và cảm nhận.

     

    Kết luận

    Với thiết kế chắc chắn, đầm tay, cấu hình khá ổn cùng thời lượng pin tốt, Honor 4C hứa hẹn sẽ làm hài lòng người dùng điện thoại ở phân khúc tầm trung. Bên cạnh đó, chỉ với mức giá 2.990.000 đồng, Honor 4C nhiều khả năng sẽ là lựa chọn sáng giá cho nhiều đối tượng người dùng từ học sinh, sinh viên và người dùng thu nhập không cao.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày