Đánh giá Huawei FreeBuds Pro 3: Toát lên vẻ hiện đại
Đã không còn ở lại với thị trường smartphone, nhưng những món phụ kiện của Huawei như smartwatch hay tai nghe không dây vẫn còn ‘tín’ lắm!
Huawei thực sự là một tập đoàn có khả năng ‘xoay sở’ rất tốt, sau những biến cố trong thị trường smartphone thì vẫn tạo các sản phẩm đáng mua trong thị trường laptop, smartwatch và đặc biệt là tai nghe không dây. Dòng FreeBuds của hãng qua từng thời kỳ vẫn được người dùng đánh giá cao khi đem lại chất lượng hoàn thiện cao, những tính năng cao cấp ở tầm giá dễ tiếp cận hơn đối thủ.
Cuối năm ngoái, dòng FreeBuds đã có thêm một thành viên mới và cũng là dòng flagship đầy hiện đại mang tên FreeBuds Pro 3.
Vẻ ngoài bóng bảy, có sự học hỏi từ ‘Táo’
Vẫn như mọi năm, dù là dòng tai nghe cao cấp hay giá rẻ thì Huawei cũng đóng gói đơn giản, chỉ là một hộp giấy với tông màu trắng chủ đạo.
Thứ ‘bắt mắt’ nhất ở mặt trước hộp là chiếc ‘tem vàng’ HWA và Hi-Res Audio Wireless - những tiêu chuẩn cho những sản phẩm âm thanh không dây. Những chuẩn này liên quan đến khả năng truyền tín hiệu từ nguồn phát tới tai nghe (với FreeBuds Pro 3 là CODEC L2HC và LDAC) cũng như khả năng tái tạo lại thành nhạc của màng loa.
Bộ phụ kiện trong hộp gồm có một dây sạc USB-C ngắn và 3 bộ đệm cao su mềm, cộng với 1 cặp đã được gắn sẵn ở tai nghe.
Hộp sạc nằm nay không có nhiều thay đổi về kiểu dáng, vẫn là hình oval và mở nắp theo hướng ngang. Phần này được làm bằng nhựa lì trừ một miếng nhỏ ở mặt sau đặt logo Huawei, được giới thiệu là có khả năng chống trầy xước tốt hơn so với thế hệ thứ 2.
Cầm hộp sạc của FreeBuds Pro 3 hay những cặp tai nghe cao cấp như AirPods Pro và Sony WF-1000XM4 ta vẫn thấy có những điểm khác biệt về chất lượng hoàn thiện. Ví dụ dễ thấy nhất là phần bản lề được cân chỉnh để cho cảm giác đóng, mở chắc chắn, khi đóng vào cũng rất khít giữa 2 nửa với nhau.
Cạnh dưới có cổng sạc USB-C và một chiếc loa nho nhỏ. Loa của hộp sạc sẽ phát ra những tiếng động khi đóng, mở hộp, bật chế độ kết nối hay đã kết nối thành công; cũng như phục vụ tính năng tìm kiếm khi thất lạc.
Vẫn giống như các thế hệ trước, FreeBuds Pro 3 có kiểu thiết kế ‘có đuôi’ dạng ngắn giống với cặp AirPods Pro 3. Điểm khác biệt đó là Huawei có phần đuôi vuông vắn hơn, đồng thời có thêm logo của hãng ở mặt ngoài.
Khác với hộp sạc thì tai nghe lại được làm bằng nhựa bóng, bóng tới mức bạn có thể soi gương bằng FreeBuds Pro 3 luôn! Vật liệu bóng bảy này sẽ giúp tai nghe có vẻ ngoài hiện đại, bắt mắt nhưng cũng có một nhược điểm nhỏ là dễ bám bẩn vân tay, mồ hôi từ tai nên sẽ phải lau chùi thường xuyên nếu muốn giữ được cái vẻ bắt mắt đó.
Một tính năng đã được Huawei ‘mượn’ từ Apple AirPods là cách điều khiển ‘bóp’ ở cạnh bên, kết hợp những tiếng ‘Tick’ nhỏ để mô phỏng nút bấm vật lý. Với FreeBuds Pro 3 thì hãng còn cắt lõm phần cảm ứng để người dùng dễ dàng ‘mò’ tay tới để điều khiển. Mặc định, ta sẽ bóp 1 lần để dừng, chơi nhạc, nhấn 2 lần để chuyển nhạc, 3 lần để chuyển giữa chế độ nghe môi trường và chống ồn chủ động và vuốt lên xuống để chỉnh âm lượng.
Về vấn đề thời lượng pin, FreeBuds Pro 3 có thể chơi nhạc 6.5 giờ độc lập và nâng lên 31 giờ khi kết hợp với hộp sạc, giảm xuống còn 4.5 và 22 tiếng khi sử dụng chống ồn chủ động. Thời lượng này có thể đánh giá là ‘đủ dùng’ chứ chưa nổi bật, với chỉ 4.5 tiếng nghe liên tục nếu dùng ANC thì những bạn sử dụng nhiều trong 1 lần (ví dụ như thường xuyên đi máy bay chuyến xa) thì sẽ cảm thấy hơi thiếu.
Có kiểu dáng giống AirPods Pro 3 nhưng FreeBuds Pro 3 ‘lên tai’ tôi vẫn đánh giá là thoải mái và kín hơn. Rất có thể vì phần ống dẫn âm của tai nghe được đặt ở một góc chéo phù hợp hơn, đi vào ống tai của người dùng một cách tự nhiên nên không bị ‘cấn’ ở đâu cả.
Chất âm đầy năng lượng, nhưng có hợp với bạn?
Có một nhược điểm của FreeBuds Pro 3 cũng như những cặp tai nghe khác từ Huawei đó là không hỗ trợ kết nối nhanh (tính năng này chỉ sử dụng được với smartphone Huawei chạy EMUI 10 trở lên), cũng như phần mềm điều khiển AI Life phải tải từ trình duyệt hoặc cửa hàng ứng dụng Huawei, không có trên Play Store.
Ứng dụng điều khiển AI Life có giao diện khá đơn giản, mọi thứ được sắp xếp trực quan nên những bước điều chỉnh ban đầu cũng rất nhanh. Phần điều chỉnh chất âm cũng được chia ra thành những profile có sẵn hoặc nâng cao hơn là chỉnh theo từng tần số.
Với tính năng chống ồn chủ động, tôi đặt tai nghe ở chế độ Dynamic tức là tự động điều chỉnh cường độ theo độ ồn của môi trường. FreeBuds Pro 3 có một ưu điểm đó là không gây ù, bí khó chịu nếu như ANC mà không bật nhạc, mặc dù cường độ chống ồn khá mạnh.
Đeo FreeBuds Pro 3 lên, những tiếng động liên tục như xe chạy ngoài đường, tiếng nói chuyện ở âm lượng vừa phải, tiếng gõ phím ở văn phòng được ‘tiêu tán’ một cách triệt để. Những âm thanh quá lớn (như tiếng hệ thống thoát khí dưới tầng hầm nhà tôi) hoặc tiếng nói chuyện quá lớn thì vẫn sẽ có thể nghe thấy, nhưng chỉ loáng thoáng mà thôi.
Đảm nhiệm khả năng tái tạo âm thanh của FreeBuds Pro 3 là hệ thống màng loa Hybrid bao gồm cả màng loa Dynamic và Balanced Armature. Kiểu màng loa này sẽ thể hiện được thế mạnh của cả 2 loại màng loa, bao gồm khả năng chơi âm trầm đậm, dày dặn của Dynamic và phần cao sáng, có độ sắc của màng BA.
Trên thực tế thì chất âm của FreeBuds Pro 3 cũng thể hiện đúng như vậy luôn! Tai nghe cho một chất âm V-Shape, với dải trầm và cao được đẩy mạnh hơn để tạo được không khí sôi động, đầy năng lượng. Trong đó đáng nói nhất là âm trầm, có lượng rất dồi dào và mỗi khi hiện ra thì đều thể hiện được sức nặng. Những âm trống trong bài Phong Long của LowG, Obito và Wokeup ‘đập’ tới người nghe, khỏe khoắn và dường như đứng ngang hàng với ca sĩ.
Kiểu âm này sẽ rất hợp với những bài nhạc nhạc trẻ, nhạc hiện đại như Rap, Dance, EDM, Pop… vì nghe rất ‘đã’, sự tương phản giữa âm trầm nặng và dải cao sáng khiến bạn chỉ muốn đứng lên và nhảy! Ngược lại, dải trung cũng vì vậy mà phải ‘lép vế’ 1 chút để cho 2 dải còn lại thể hiện. Giọng ca sĩ thường mỏng đẩy mạnh hơn ở đoạn trung cao (high-mid) nên có thể xảy ra sibilance (chói) với âm ‘Sh’, ‘Ch’.
Với những bài nhạc sôi động như đã kể trên, thì cách thể hiện dải trung có phần ‘điện tử’ như vậy thì không phải là vấn đề, vì bản thân những giọng hát cũng đã được chỉnh qua autotune rồi. Ngược lại với những bài nhạc cần có độ tự nhiên, chân thực hơn như Jazz, Ballad, Folk thì có một dải trung dày dặn và ấm áp thì sẽ phù hợp hơn.
Tiếp tục là một lựa chọn ‘uy tín’
Huawei FreeBuds Pro 3 nhìn chung đem lại một trải nghiệm sử dụng cao cấp, với ‘mỗi thứ được nâng cấp một chút’ so với phiên bản tiền nhiệm. Nếu như đang sở hữu FreeBuds Pro 2 có lẽ những nâng cấp này là chưa đủ để ‘xì tiền’, nhưng với những bạn đang chưa có tai nghe thì lại là một lựa chọn ‘uy tín’, hoàn thiện được tốt về nhiều mặt.
Tuy vậy, nếu bạn cần một cặp tai nghe có thời lượng sử dụng liên tục thật lâu (hơn 4.5 tiếng), muốn trải nghiệm âm thanh vòm (Spatial Audio) hoặc thích kiểu âm cân bằng, không V-Shape thì sẽ có những lựa chọn khác tốt hơn. Đây có lẽ cũng là những điều Huawei có thể cân nhắc cải thiện trong phiên bản FreeBuds Pro 4 kế nhiệm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng