Đánh giá khả năng chụp đêm của Nikon D850 so với những thiết bị tiền nhiệm
Cùng nhiếp ảnh gia Lance Keimig trải nghiệm Nikon D850 và cảm nhận khả năng chụp đêm của chiếc máy ảnh này.
Tháng 9/2017, Nikon giới thiệu chiếc DSLR D850 với giới mộ điệu và là một phiên bản mới để thay thế cho chiếc D810 đã hơn 3 năm tuổi. Mang trong mình những công nghệ mới nhất kế thừa từ ông anh Nikon D5, D850 hứa hẹn sẽ mang đến nâng cấp đáng kể về hình ảnh và hiệu năng hoạt động.
*Bài viết tóm lược dựa trên quan điểm đánh giá của nhiếp ảnh gia Lance Keimig
Lance Keimig là một giảng viên trong chương trình “National Parks at Night”, một chương trình workshop nhiếp ảnh tập trung chủ yếu về việc chụp ảnh thiên nhiên ban đêm tại các Vườn Quốc Gia ở Hoa Kỳ. Chương trình này có 5 giảng viên và cả 5 người đều sử dụng máy ảnh của Nikon, từ những chiếc Full-Frame tầm trung như D750 cho đến những chiếc cao cấp như D810, D3S, D4s và D5. Mặc dù mọi người đều khá hài lòng với chiếc máy mình đang có nhưng khi Nikon D850 ra mắt thì cũng là một lựa chọn rất tốt để xem xét cho việc nâng cấp.
Mặc dù mới chỉ được ra mắt cách đây vài tháng, nhưng chiếc Nikon D850 được giới thiệu sẽ mang rất nhiều thay đổi trong hầu hết những thể loại mà nó nhắm đến kể cả chụp ảnh vào ban đêm. Điều này đã kích thích Lance và các cộng sự muốn được thử nghiệm nó với các thiết bị mà họ đang sở hữu.
Mang trong mình cảm biến hình ảnh 46Mpx với nhiều tính năng và cấu hình ấn tượng, mặc dù được cho là sẽ kế thừa Nikon D810 nhưng D850 gần giống như một sự kết hợp giữa chiếc D810 với cảm biến nhiều “chấm" và D5 chụp tốc độ cao cho ảnh thể thao.
Được Nikon trang bị cảm biến BSI CMOS 45,7Mpx với nhãn FX (Full-Frame), D850 được hướng đến nhiếp ảnh phong cảnh, studio, kiến trúc… Với tốc độ chụp 9 khung hình/ giây và có thể chụp 51 ảnh liên tiếp đến khi đầy bộ nhớ đệm, Nikon D850 hoàn toàn phù hợp với chụp ảnh thể thao hoặc ảnh cưới, sự kiện. Cảm biến theo thiết kế Back-Side (BSI) cho phép chiếc máy này cải thiện khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng vì vậy nó hoàn toàn phù hợp với nhiếp ảnh ban đêm. Đây cũng là điều mà Lance và các đồng sự hướng đến.
Gần đây Lance đã có một khoảng thời gian sử dụng Nikon D850 (dường như là không đủ) và tiến hành so sánh nó với những máy ảnh cao cấp khác của Nikon đặc biệt là trong việc chụp ảnh ban đêm. Mặc dù các điều kiện ngoại cảnh và thời tiết không ủng hộ Lance, nhưng anh vẫn bỏ ra một vài đêm với chiếc D850 và cũng thu hoạch được một số ảnh để đọ sức cùng D750, D810 và D5.
Lady Boot Arch nhìn từ phía sau, Alabama Hills, Eastern Sierra, California. Nikon D850, Irix 11mm f/4 Blackstone. 15s , f/5.6, ISO 3200.
Đã có nhiều các bài đánh giá về chiếc máy này trên mạng, nên Lance chủ yếu tập trung vào cách thức xử lý và hiệu năng nó D850 trong chụp ảnh ban đêm, cụ thể là:
1. Ảnh chụp phong cảnh - thiên văn với ISO cao
2. Chụp ảnh phơi sáng đêm với ISO tiêu chuẩn
3. Chụp ảnh đêm tương phản cao với ánh sáng nhân tạo
Các tính năng chính và kinh nghiệm sử dụng
Nikon D850 nặng hơn một chút so với D810 nhưng bù lại nó cân bằng hơn và cầm khá thoải mái. Nó nặng hơn khoảng 250g so với D750 nhưng lại nhẹ hơn D5 khoảng 450g.
Cơ chế điều khiển và các nút bấm của D850 khá tương đồng với D810, ngoại trừ nút Mode và ISO được đổi vị trí với nhau giống như chiếc Nikon D5. Đây là một sự cải tiến hơn so với những chiếc máy khác giống như D750, có nút ISO được đặt sau lưng và bên trái của màn hình.
Flash cóc được loại bỏ để đảm bảo cho khả năng chịu thời tiết tốt hơn và dễ dàng lắp một kính ngắm lớn hơn với độ phóng đại lên đến 0,75 và độ phủ 100%. Ngoài ra trên kính ngắm còn được trang bị tấm chắn sáng để ngăn ánh sáng lọt vào khi chụp phơi sáng thời gian dài. Những nhiếp ảnh gia chuyên chụp đêm sẽ thích những điều này hơn nhiều so với một chiếc đèn flash cóc.
Màn hình trên Nikon D850 cũng được trang bị khớp nối giống như với D750 nhưng có độ phân giải lớn hơn và cảm ứng nhạy hơn. Màn hình này chỉ cho phép xoay theo một chiều nhất định và nó chỉ chủ yếu được dùng khi đặt máy ảnh ở vị trí góc chụp cao hoặc thấp theo phương nằm ngang. Trước đây màn hình cảm ứng trên máy ảnh Nikon chỉ có thể sử dụng ở chế độ phát lại thì với màn hình mới này đã có thể sử dụng trong chế độ Live-view và điều hướng.
Giống như các máy ảnh chuyên nghiệp khác của Nikon, D850 được trang bị 2 khe cắm thẻ nhớ, 1 sử dụng thẻ XQD và 1 sử dụng thẻ SD. Các nhân thì Lance thích máy ảnh sử dụng hai định dạng thẻ nhớ giống nhau hơn nhưng không thể phủ nhận thẻ XQD có tốc độ đọc/ghi rất nhanh vì vậy nó có thể tận dụng được tối đa tốc độ chụp cao với bộ đệm lớn và dữ liệu khổng lồ được xử lý từ cảm biến.
Một tính năng được các nhiếp ảnh gia chụp đêm rất hoan nghênh đó là các phím bấm trên Nikon D850 có thể phát sáng từ đó việc tìm kiếm và điều khiển trong bóng tối được dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng không giống như D4S, D5 và D500 thì chỉ có những phím bấm nằm bên trái của D850 mới có khả năng phát sáng.
Giống như D750, các cài đặt thời gian phơi sáng được làm thủ công từ X250 đến Bulb. Cài đặt thời gian này trông giống như là 2 dấu gạch ngang “--” trong Control Panel. Không giống với việc cài đặt thời gian trên D750, màn trập sẽ đóng sau 1694 giây bất kể thời gian chụp đã kết thúc hay chưa, nhưng với D850 thì màn trập có thể mở vô tận.
Tốc độ thấp nhất của màn trập được quy định sẵn trên D850 chỉ có 30 giây. Ho vọng Nikon sẽ cho phép mở rộng tốc độ này ra trong các phiên bản tiếp theo.
Trước đây việc lấy nét trong chế độ live-view vào buổi đêm vô cùng khó khăn vì chất lượng hình ảnh trên màn hình của các máy Nikon đời cũ không tốt. Hiện tại D850 đã khắc phục được điểm yếu đó bằng cách thêm cài đặt độ sáng màn hình theo các chế độ khác nhau và cho phép hỗ trợ lấy nét trong live-view bằng cách làm sáng viền chủ thể hoặc tạo các đường vằn sọc khu vực nét.
Petroglyphs, Volcanic Tablelands, Bishop, California. Nikon D850. 15s, f/9, ISO 6400.
Trên D850, vòng quay thay đổi chế độ đã được loại bỏ và thay thế bằng các nút bấm thân thiện hơn. Tuy nhiên nó lại làm mất đi các chế độ người dùng nhanh, nơi lưu những cài đặt đơn giản cho người dùng có thể gọi ra bất kỳ lúc nào. Nhưng đấy không phải vấn đề quá lớn, mà là đây:
1. SnapBridge Bluetooth: chuyển hình ảnh tới điện thoại của bạn. Mặc dù nó không đáng tin cậy lắm nhưng đó là cách duy nhất để đưa dữ liệu của GPS vào ảnh trên máy.
2. Chuyển ảnh qua Wifi với bộ phát tùy chọn của Nikon là Wireless Transmitter WT-7A trị giá 750$ (tương đương 17 triệu đồng).
Mặc dù có một số điểm bất lợi nhưng Nikon D850 lại cho phép sự tùy chỉnh rất cao và dễ dàng sử dụng. “Tôi không chắc rằng tôi sẽ đi bộ trên Pacific Crest Trail với nó trên lưng, nhưng với kinh nghiệm của tôi thì nó sẽ có cảm giac nặng hơn không đáng kể so với chiếc D750 mà tôi đang dùng" - Lance chia sẻ.
Hình ảnh
Các máy ảnh trước đây của Nikon đều sử dụng cảm biến của Sony, vì vậy D850 là một trong số ít các máy ảnh được sử dụng cảm biến do chính Nikon thiết kế. Đó là cảm biến Full-frame BSI CMOS với 45.7 Mpx. Công nghệ BSI là thiết kế cảm biến mới cho phép các điểm ảnh nhận được nhiều ánh sáng hơn, nó cho phép chất lượng hình ảnh tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu, cải tiến tốc độ đọc và xử lý dữ liệu ánh sáng.
Điều này với những nhiếp ảnh gia ban đêm vô cùng ý nghĩa vì họ sẽ có được những bản in chất lượng cao hơn từ D850.
Mesquite Flat Sand Dunes, Death Valley National Park. Nikon D850, Nikon 24-120mm f/4 tại 34mm, đèn Led Luxli với nhiệt độ màu 3200 K. 30 seconds, f/10, ISO 800.
Giống với người tiền nhiệm, Nikon D850 có ISO tiêu chuẩn là 64. Nó cho phép có thể mở rộng Dynamic Range tốt hơn so với mức ISO 100. Ứng dụng công nghệ Dual-Gain cho phép D850 có thể chụp cũng 1 lúc tại 2 độ nhạy sáng khác nhau đó là 64 và 400 đêm lại Dynamic range lớn hơn, rất phù hợp với các nhiếp ảnh gia chụp ban đêm.
Owens Valley Radio Observatory, California. Nikon D850, Irix 15mm f/2.4 Blackstone. 30s, f/3.2, ISO 64.
Hệ thống lấy nét của D850 tương tự D5 với 153 điểm trong đó có 99 điểm dạng cross-type. Điểm nét trung tâm và điểm đo sáng cho phép đo ở mức thấp nhất là -4EV. Mặc dù như vậy cũng chưa thể đo được ánh sáng của những ngôi sao nhưng đó cũng là cải tiến lớn so với các máy Nikon khác như D750 (-3EV) D810 (-2EV).
D850 không được trang bị bộ lọc khử răng cưa trên cảm biến, vì vậy nó cho hình ảnh sắc nét hơn nhưng lại dễ xuất hiện Moire nếu hình ảnh là các đường lặp đi lặp lại với chi tiết cao.
Chất lượng hình ảnh
Nikon D850 được sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau như đêm trăng tròn, chỉ có ánh sáng từ sao hoặc sử dụng ánh sáng nhân tạo kết hợp với ánh trăng. Nhiệt độ khá thấp, dao động từ -6°C đến 4°C nên không phải lo lắng về nhiễu xuất hiện khi phơi sáng ở thời gian dài.
Ảnh chụp tại ISO 25,600. Ken Lee ở Keane Wonder Mine, Death Valley National Park. Nikon D850, Nikon 14-24mm f/2.8 tại 24mm. 2s, f/6.3, ISO 25,600.
Thử nghiệm phơi sáng 30 phút với mức ISO tiêu chuẩn cho chất lượng hình ảnh tuyệt vời với cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Để công bằng thì những ảnh so sánh sẽ không chụp trong môi trường kiểm soát được vì sự thay đổi của môi trường thực tế còn nhiều khó khăn hơn rất nhiều.
Nikon D850, thử nghiệm và đánh giá
Các bạn có thể tự thử nghiệm và có những đánh giá của riêng mình, trong khuôn khổ bài viết sẽ mang đến những hình ảnh theo thử nghiệm của Lance và các đồng sự. Chủ yếu là các ảnh RAW định dạng DNG.
So sánh tại ISO 6400: Nikon D750, D810, D850. Download tại đây
Những hình ảnh này được thực hiện tuần tự trong một đêm rất lạnh và đầy gió ở Vermont ngay trước khi mặt trời mọc. Những đám mây gần đường chân trời được phản chiếu ánh sáng của Nam Burlington hoặc Williston, khoảng 20 dặm về phía bắc. Phần tiền cảnh được chiếu sáng bằng một chiếc đèn cầm tay được đưa theo khung hình trong suốt quá trình phơi sáng do ánh sáng từ chiếc đèn này có độ phụ rất nhỏ.
Dải tương phản động: Nikon D850. Download tại đây
Bạn có thể thấy trong thư mục những hình ảnh được chụp ban ngày tại Ubehebe Crater ở Death Valley National Park trước khi mặt trời lặn và trong một cơn bão cuốn theo bụi phủ mờ mịt. Có ba tập tin hiển thị những chỉnh sửa cơ bản của Lance với Lightroom, một tập tin ảnh gốc và một tập tin ảnh tại đài kính viễn vọng. Chúng ta có thể tùy chỉnh để nhận ra Dynamic Range đã giúp chúng ta cứu hình ảnh những gì.
So sánh ISO tiêu chuẩn và ISO cao: Nikon D750, D5 và D850. Download tại đây
Một trong hai thư mục sẽ là kết quả so sánh giữa Nikon D750 và D850 tại các giá trị phơi sáng chênh nhau 6EV với đèn nhân tạo kết hợp ánh sáng mặt trăng. Thư mục còn lại sẽ có ảnh so sánh của Nikon D850 với D5 khi chụp với ánh sáng tự nhiên của bầu trời sao cùng mức chênh lệch 6EV. Tất cả đều là ảnh RAW định dạng DNG.
Sự biến thiên của ISO: Nikon D5 và D850. Download tại đây
Hai thư mục chứa ảnh được chụp từ Nikon D850 và D5 với các ISO từ 100 đến 6400 (riêng với D850 có thêm ISO mặc định 64) với cùng tốc độ màn trập và khẩu độ. Những kết quả này được đưa vào Lightroom và với mỗi ảnh chênh lệch độ sáng sẽ được bù lại chênh lệch đó.
Kết quả cho thấy với Nikon D5 cho dynamic range thấp nhất ở chỉ số ISO tiêu chuẩn và nó cho kết quả tốt nhất bằng cách phơi sáng chính xác chứ không phải xử lý hậu kỳ. Còn Nikon D850 thì khác. Ngoài dynamic range thấp hơn với ISO 64, D850 còn cho phép sử dụng công nghệ Dual-gain cho phép sử dụng thêm ISO 400 trên cùng một ảnh. Kết quả tốt nhất sẽ đạt được khi chụp tại ISO 64, hoặc nếu chụp ảnh thiên văn để lấy các điểm sao, dải ngân hà thì nên chụp ở ISO 400 sau đó chúng ta có thể hậu kỳ thêm vào 4EV khi chuyển đổi tập tin RAW.
Vẽ bằng ánh sáng: Nikon D750, D810, D5 và D850. Download tại đây
Những hình ảnh này được chụp ở Racetrack Playa ở Death Valley cũng là lần so sánh duy nhất tập trung cả 4 chiếc máy. Do tính chất độc đáo của việc sử dụng ánh sáng nhân tạo đó là tốc độ di chuyển của đèn cũng như góc chiếu sáng, nên chúng tạo ra các điểm khác biệt trong ảnh. Tuy nhiên những ảnh này sẽ cho nhận xét chung về chất lượng ảnh trong điều kiện sáng có ánh trăng và ánh sáng nhân tạo.
Vậy chiếc máy Nikon nào phù hợp với bạn?
Mặc dù tất cả những chiếc máy trên đều là những chiếc máy có chất lượng rất tốt, nhưng câu hỏi đặt ra luôn là: Chiếc máy nào phù hợp với bạn?
Nikon D750
Mặc dù đã được ra mắt cách đây 3 năm nhưng D750 lại mang trong mình khá nhiều công nghệ nổi bật từ đàn anh. Với mức giá chỉ khoảng 34 triệu đồng, đây là một nâng cấp đáng kể nếu bạn đang sở hữu một chiếc máy cảm biến APS-C.
Sự chọn lựa D750 liên quan nhiều đến trải nghiệm người dùng. Nếu bạn không có nhu cầu in ấn với kích thước lớn hoặc hiển thị ảnh chỉ trên màn hình thì bạn hoàn toàn có thể chọn D750 và cân nhắc mua thêm một chiếc ống kính chất lượng cao.
Nikon D810
Với tuổi đời trên 3 năm và mức giá khoảng trên 50 triệu, không ít người sẽ không ngại ngần mà nâng cấp ngay lên chiếc D850 đời mới với nhiều công nghệ cao cấp. Tuy nhiên D810 vẫn dành cho những nhiếp ảnh gia chỉ cần độ phân giải 36Mpx và chi phí không quá cao. Bạn có thể tìm mua những chiếc cũ do những người dùng nâng cấp “để lại".
Nikon D5
Đây thực sự là một con thú. Nhanh, mạnh bền bỉ và chính xác là những gì để miêu tả nó. Tuy nhiên nó lại khá nặng và không thích hợp với việc đeo trên người di chuyển lâu. Nó có thể sẽ dành cho bạn nếu bạn trẻ, khỏe và có một hầu bao tương đối. Nhà báo, phóng viên thể thao, nhiếp ảnh gia chụp cưới..sẽ là những người cần đến nó. Với mức giá khoảng 130 triệu thì nó không những nặng về nghĩa đen mà còn nặng cả về nghĩa bóng.
Nikon D850
Và với Nikon D850, với mức giá chỉ bằng một nửa của chiếc D5 nhưng lại là một sự kết hợp rất hay giữa D5 và D810. Với độ phân giải lớn, tốc độ chụp nhanh và mạnh mẽ, D850 hầu hết phù hợp với mọi loại hình nhiếp ảnh khác nhau. Nó hướng đến những nhiếp ảnh gia cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đang tìm một chiếc máy cho công việc nghiêm túc.
Tuy có một vài điểm chưa thực sự tốt như Wifi và GPS nhưng chất lượng cảm biến kết hợp với các tính năng mới đã giúp Nikon D850 trở thành chiếc máy ảnh tốt nhất từng được sản xuất.
Theo Petapixel
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng