(GenK.vn) - Lumia 930 là sản phẩm đối trọng của Nokia trước hàng loạt sản phẩm cao cấp sẽ ra mắt từ nay cho tới mùa mua sắm cuối năm.
Tạo ra được 1 sản phẩm tốt đã khó, tạo ra được 1 sản phẩm tốt đủ sức cạnh tranh với các đối thủ , vực dậy cả 1 doanh nghiệp đang phải "ngồi chiếu dưới" càng khó khăn gấp bội. Nokia hiểu điều này hơn ai hết. Bất chấp việc các smartphone Lumia luôn được đánh giá cao, đã gần 3 năm nay chưa 1 sản phẩm cao cấp nào của hãng đạt được thành công về mặt thương mại. Những cái tên như Lumia 900, Lumia 920, 1020, 1520 nổi lên rồi lại vụt tắt mà không đem lại được 1 dấu ấn nào thực sự đáng kể trên thị trường.
Về với Microsoft, Nokia phần nào cất được gánh nặng "cơm áo gạo tiền" nhưng lại phải thêm 1 trọng trách khác: "Gánh vác thành bại của HĐH Windows Phone". Thành bại của Lumia không còn chỉ là chuyện của riêng Nokia mà còn là sự sống còn của cả 1 hệ sinh thái Windows Phone vốn đang sống trên lưng của Lumia.
Cơn sóng gió đầu tiên thử thách Nokia dưới trướng của Microsoft sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay với 1 loạt những cái tên đáng gờm như iPhone 6, loạt sản phẩm cao cấp đợt 2 từ các hãng lớn như LG, Sony, Samsung... báo hiệu 1 thời gian cạnh tranh vô cùng khốc liệt dành cho Nokia-Microsoft (từ đây xin tạm gọi là Nokia). Tuyên bố mình sẽ đi theo chiến lược "nông thôn bao vây thành thị", dùng các sản phẩm giá rẻ làm mũi nhọn tấn công thị trường nhưng Nokia vẫn kịp cho ra mắt 1 sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp: Lumia 930 để đương đầu với làn sóng siêu phẩm cuối 2014.
Liệu "cánh chim đầu đàn" Lumia 930 có đủ sức giúp Nokia giữ 1 chỗ đứng trong hàng ngũ của các smartphone cao cấp, chờ đợi những diễn biến tiếp theo của thị trường? Câu trả lời sẽ đến trong bài viết dưới đây.
Thiết kế
Với kinh nghiệm gần 30 năm sản xuất thiết bị cầm tay, Nokia từng rất nổi tiếng với các sản phẩm "cục gạch" bền bỉ, dày dặn thậm chí có phần cục mịch. Bước vào kỷ nguyên smartphone, khởi đầu từ xu hướng của chiếc N9 chạy MeeGo, Nokia chọn đi theo 1 ngôn ngữ thiết kế mềm mại, trẻ trung và "nhã" hơn với việc sử dụng chất liệu nhựa cứng nhiều màu sắc và gia công nguyên khối. Lumia 930 cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bán ra với 4 màu: Xanh lá, vàng cam, đen và trắng, phiên bản xanh lá và vàng cam với màu sắc khá choé chắc chắn sẽ thu hút nhiều ánh nhìn lúc bạn rút máy ra giữa đám đông trong khi những ai "trầm" hơn vẫn có thể lựa chọn màu đen hoặc trắng truyền thống.
Cầm Lumia 930 trên tay, ấn tượng đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là "đáng tin cậy". Cảm giác rắn rỏi, chắc chắn đến từ trọng lượng tương đối lớn: 167g so với 1 smartphone màn hình chỉ có 5 inch. Viền nhôm vuông vắn được phay tiện tỉ mỉ của Lumia 930 cũng góp phần khiến máy cho cảm giác vững chãi và nam tính hơn so với người tiền nhiệm như 920 hay 1020. Mặt lưng nhựa được hoàn thiện nhám giúp giảm bám vây tay cho cảm giác êm mượt khi chạm vào và được làm cong, ôm sát vào lòng bàn tay khi cầm giúp tăng ma sát cũng đem lại cảm giác an tâm, thoải mái khi cầm Lumia 930 trên tay.
Nokia rõ ràng cũng không có ý định đâm đầu vào cuộc chạy đua độ mỏng khi bề dày của Lumia 930 tới 9.8mm. Cá nhân tôi nhiệt liệt ủng hộ quyết định này. Cảm giác trên tay 1 chiếc điện thoại "mình trắm", đầy đặn khi cầm trên tay bao giờ cũng thoải mái hơn 1 miếng phẳng lì, to bè, mỏng dính, nhìn thì đẹp nhưng cầm lại khó chịu.
Khi so sánh với các thái cực thiết kế như Galaxy S5: quá tập trung vào sự thoải mái mà bỏ quên cảm giác cao cấp hoặc Xperia Z2: Quá chú trọng vào vẻ ngoài bóng bẩy nhưng cho cầm nắm vướng víu thì Lumia 930 đã tìm được 1 chỗ đứng trung lập, cân bằng và hài hoà giữa cảm giác thoải mái với ấn tượng về sự cao cấp.
Lumia 930 sở hữu 1 thiết kế rắn rỏi, nam tính hơn so với các smartphone thuộc dòng Lumia trước đó dù rằng hơi hướm đơn giản, chân phương vẫn rất đậm chất. Tuy đơn giản trong thiết kế nhưng chất lượng gia công, hoàn thiện của máy rất xuất sắc, khó có thể tìm được 1 góc thô cứng, cấn tay ngay trên 1 sản phẩm viền nhôm khá vuông vắn.
Một điểm nữa tôi cảm thấy cần phải khen ở Lumia 930 là việc Nokia tỏ ra rất chăm chút cho phần mặt kính của máy. 4 viền lớp kính phủ trên màn hình được tỉa tót rất tỉ mỉ, vuốt cong về 4 mép máy và hơi vồng lên khi đi vào phía trong màn hình. Kiểu màn hình với mép cong đã từng xuất hiện trên chiếc N9 và Lumia 800 trước đó của Nokia.
Viền màn hình cong không chỉ giúp mặt trước của máy nhìn bóng bẩy hơn mà còn cho cảm giác vuốt từ mép màn hình vào được liền lạc, sướng tay.
Dù vậy những ai có ý định dán màn hình có lẽ sẽ cảm thấy khó chịu với màn hình cong viền kiểu này vì các miếng dán sẽ không "ăn" được hết mép, để lại phần rìa ngay trên màn hình gây cảm giác chắp vá.
Các phím cứng của Lumia 930 được bố trí hợp lý, phản hồi phím tốt, hành trình vừa phải. Phím bấm camera truyền thống của dòng Windows Phone cũng là 1 sự bổ sung đáng giá nhất là khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng sử dụng phím bấm trên viền máy sẽ dễ vững tay máy hơn so với dùng phím mềm.
Nhìn chung về tổng quan thiết kế của Lumia 930 là 1 thiết kế rất mẫu mực và hài hoà. Mặc dù có người sẽ cho rằng sự mẫu mực ấy là có phần đơn điệu nhưng cá nhân tôi đánh giá cao việc Nokia duy trì được 1 ngôn ngữ thiết kế riêng có và sáng tạo vừa đủ trong bối cảnh các hãng smartphone hiện vẫn đang loay hoay tìm cho mình lối thiết kế cân bằng giữa đẹp mắt và cảm giác trên tay thoải mái.
Màn hình
Lại một điểm nữa cần phải khen ở Lumia 930. Màn hình của Lumia 930 là loại 5 inch, phân giải 1080p thuộc dòng AMOLED tích hợp lớp phủ phân cực để giảm loá ngoài nắng mà Nokia gọi là ClearBlack Display.
Thử nghiệm thực tế, màn hình trên Lumia 930 là thiết bị đầu tiên tôi thấy tận dụng được các ưu thế của màn AMOLED như độ bão hoà màu cao, màu đen sâu, tiết kiệm pin khi hiển thị màu tối trong khi không chịu bất kỳ điểm yếu nào của màn hình AMOLED truyền thống như bị ngả xanh khi hiển thị màu trắng hoặc hiển thị kém ngoài nắng.
Lý do là Nokia tích hợp tính năng tự cân chỉnh màu sắc trên màn hình ngay trong Settings của Lumia 930. Người dùng có thể điều chỉnh tất cả các thông số liên quan tới màu sắc như cân bằng trắng, độ bão hoà màu, ngả màu...
Khả năng tuỳ chỉnh cân bằng màu, cân bằng trắng và độ bão hoà màu khiến màn hình của Lumia 930 có thể thoả mãn mọi ý thích, nhu cầu về hiển thị của người dùng. Một tính năng cực kỳ hữu dụng mà tôi hi vọng sẽ sớm trở thành xu thế trên sản phẩm của các hãng khác.
Ở chế độ mặc định màn hình của 930 có xu hướng ngả tím nhưng khi áp dụng chế độ chỉnh tay, người viết đã có thể tái hiện màu trắng "phau", điều tôi chưa bao giờ gặp trên 1 màn hình thuộc họ AMOLED. Đây thực sự là 1 tính năng mà tất cả các hãng sản xuất khác nên học tập ngay, đặc biệt là Samsung vì mặc dù là hãng đi đầu trong công nghệ AMOLED nhưng các Samsung cũng chưa bao giờ thực sự khắc phục được bệnh ngả màu trên màn hình của mình.
Khả năng hiển thị ngoài nắng của Lumia 930 với sự hỗ trợ của ClearBlack Display và khả năng điều chỉnh tương phản của màn hình ở điều kiện nắng chói, cũng vượt trội so với tất cả các smartphone khác dù rằng độ sáng của màn hình không hề "chói chang" do thuộc họ màn AMOLED.
Ngay cả trong điều kiện nắng gắt nhất, khi chiếc Note 3, 1 máy cũng dùng màn AMOLED chỉ hiển thị ở mức tạm nhìn được với màu đen bị thổi thành xám nhờ và các màu sắc khác đều trở nên nhợt nhạt thì màn hình của Lumia 930 vẫn cho màu sắc khá tươi, rất ít bóng nắng. Giao diện Windows Phone vốn sử dụng các mảng màu, text có độ tương phản cao càng khiến khả năng hiển thị dưới nắng của Lumia 930 xuất sắc hơn.
Lumia 930 đã bỏ bớt tính năng Glance, cho phép xem nhanh giờ, thông báo trên màn hình bằng cách phẩy tay qua cảm biến tiệm cận của máy nhưng giữ nguyên tính năng Double Tap, cho phép bật màn hình bằng cách gõ đúp lên màn hình đang tắt. Tôi cho rằng sự tinh giản này rất hợp lý vì Glance thoạt nhìn thì có vẻ thú vị nhưng rất ít khi sử dụng trong khi Double Tap thì tôi thấy rất tiện và dùng thường xuyên nhất là khi thao tác máy bằng 1 tay.
Dù có chất lượng hiển thị xuất sắc về mọi mặt nhưng màn hình của 930 không phải là không có tì vết. Khi hạ độ sáng của màn hình xuống thấp, có 1 giá trị độ sáng mà từ đó trở xuống sẽ khiến màn hình đột nhiên ngả tím rất nặng, màu trắng của nền các trang web bị ngả tím thẫm khiến việc đọc web rất khó chịu ở độ sáng thấp, việc điều chỉnh cân bằng màu giúp cải thiện vấn đề nhưng người dùng sẽ phải tự điều chỉnh lại khi máy trở lại độ sáng màn cao hơn.
Tại độ sáng thấp, màn hình của Lumia 930 bị ngả tím rất nặng trong khi màn hình của Galaxy Note 3 vẫn giữ được màu trắng tương đối sạch sẽ.
Hiệu năng, thời lượng pin
Từ khi nhảy lên con tàu Windows Phone, Nokia luôn tỏ ra rất thảnh thơi trong việc nâng cấp cấu hình cho các smartphone của mình. Lumia 930 cũng rất "vô tư" xài lại cấu hình của 1 chiếc smartphone ra mắt trước đó tới 8 tháng là Lumia 1520 mà vẫn tỏ ra khá dư dả về sức mạnh xử lý trong khi các sản phẩm như Galaxy S5 hay Xperia Z2 với thời gian nâng cấp chỉ 6-7 tháng nếu vẫn "bình mới rượu cũ" đã bị coi là lạc hậu về cấu hình.
Sử dụng vi xử lý Snapdragon 800 ở xung nhịp 2.2 GHz cùng với 2GB RAM, nhưng Lumia 930 vẫn gánh vác nhẹ nhàng tất cả các tác vụ hệ thống, thao tác trượt, cuộn trên Windows Phone 8.1. Bạn sẽ rất hiếm khi nhìn thấy hiện tượng lag, giật trên 930, lần duy nhất tôi cảm thấy máy "ngập ngừng" đó là khi dùng thử tính năng màn hình khoá mới trên WP 8.1, một tính năng vẫn đang trong giai đoạn Beta sơ sinh.
Tác vụ mà tôi thấy Lumia 930 tỏ ra "ì ạch" nhất lại chính là chụp ảnh. Thời gian bắt ảnh của máy khá chậm, dù không lâu như chiếc 1020 nhưng rõ ràng tốc độ chụp của máy không tức thời được như các đối thủ chạy Android như S5, Z2. Có vẻ như tốc độ chụp chậm của máy là do máy phải lưu cùng 1 lúc 2 file hình ảnh với 2 phân giải: 20MPx và 5MPx.
Mặc dù gánh vác WP 8.1 khá nhẹ nhàng nhưng Lumia 930 vẫn bị bệnh quá nhiệt ám ảnh. Tản nhiệt qua phần khung nhôm, Nokia chọn vị trí heat sink ngay ở viền 2 bên của máy đúng vào chỗ tay người dùng cầm vào khi cầm máy ở chế độ dọc.
Tác vụ khiến máy nóng lên nhanh nhất là quay phim, chụp ảnh. Dùng camera chỉ 1-2 phút cũng có thể khiến phần viền nhôm của máy nóng lên rất nhanh, gây cảm giác khó chịu cho người dùng.
Nhìn chung không có gì để phàn nàn về hiệu năng của Lumia 930, tuy nhiên nếu Nokia chăm chút hơn cho phần tản nhiệt thì máy sẽ bớt được 1 điểm trừ rất khó chịu.
So sánh với truyền thống pin tốt của các máy chạy Windows Phone khác, thời lượng pin của Lumia 930 lại khiến tôi hơi thất vọng. Lumia 930 chỉ có thể trụ được gần hết 1 ngày làm việc chưa phải hết công suất (rút sạc 7h sáng, hết pin lúc 6h30 chiều) với thời lượng sử dụng: 3G, WiFi bật 24/24, duyệt web 2h30p, email push 24/24 và nghe gọi 30p, nhắn 20 tin và chat Line 30p, xem 1 file phim 1080p copy vào bộ nhớ của máy trong 1h20p.
Nắp lưng không nguyên khối nhưng cũng không tháo ra để thay pin được là 1 điểm trừ của Lumia 930
Nếu bạn là người thường xuyên di động và sử dụng nhiều thì việc cân nhắc 1 bộ sạc dự phòng là điều cần thiết. Ở đây đáng ra Nokia có thể cải thiện thời lượng pin của Lumia 930 bằng cách làm nắp lưng tháo rời được để thay được pin vì dù sao phần lưng nhôm-nhựa của máy cũng không tiện nguyên khối với nhau.
Phần mềm
Cùng với Lumia 630, Lumia 930 là 1 trong 2 thiết bị đầu tiên trong dòng Lumia được bán ra với WP 8.1 cài sẵn. Với nhiều bổ sung quan trọng như thanh thông báo Action Center, Cortana, LiveTiles mới cho phép đặt hình nền v....v...., Lumia 930 mang nhiều cải thiện về mặt phần mềm so với các đàn anh cả về hình thức lẫn tính tiện dụng.
Trước hết là tính năng Action Center đem tính năng trung tâm thông báo giống như Android và iOS lên WP 8.1. Các thông báo được hiển thị dưới dạng text và nhóm theo từng ứng dụng là 1 cải thiện lớn so với các thông báo trên từng ô LiveTiles như ở các phiên bản trước. Thông báo từ các ứng dụng không còn dễ bị bỏ sót như trước đây nữa. Tính năng bật tắt nhanh các kết nối cũng giúp việc dùng máy tiện hơn rất nhiều thay vì phải vào tận setting, mất rất nhiều thao tác chỉ để bật tắt WiFi như trước đây dù rằng Microsoft vẫn có thể tối giản thêm số thao tác cần để bật tắt kết nối.
Về tổng thể, WP hoạt động mượt mà, ổn định và nhìn khá lạ mắt khi so sánh với các HĐH khác như iOS hay Android. Thiết kế chân phương, cổ điển của Lumia 930 cũng rất "ăn rơ" với sự đơn giản của Windows Phone.
Thực tế là khi đã quen với LiveTiles trên Windows Phone bạn có thể thấy rõ những ưu điểm của nó so với cách tổ chức màn hình theo icon như iOS hay Android. Nổi bật nhất trong số đó là việc có rất ít không gian trống trên màn hình của WP, tất cả đều được tận dụng để hiển thị thông tin nên bạn có thể nắm bắt được nhiều hơn chỉ từ 1 cái liếc mắt ngay sau khi mở khoá màn hình. Bên cạnh đó với dung lượng bộ nhớ 32GB Lumia 930 có dung lượng trống tới gần 30GB có nghĩa là HĐH và file hệ thống chỉ chiếm hơn 2GB, 1 con số ấn tượng vì các máy Android thường chiếm phần dung lượng phục vụ riêng cho hệ thống vào khoảng 5-6GB.
Dù vậy, do sử dụng giao diện dựa chủ yếu vào text và các hình khối rất đơn giản, ít icon nên giao diện của Windows Phone có phần rối rắm với những người chưa quen. Đơn cử như việc phần settings của máy được bố trí khá lộn xộn với rất nhiều đầu mục, không được tổ chức thành nhóm, ngay như 2 thiết lập về độ sáng và cân bằng màu sắc của màn hình lại được bố trí rất xa nhau, thậm chí cũng không sắp xếp theo alphabe cũng gây khó khăn cho việc tìm kiếm.
Các mục trong Settings sắp xếp lộn xộn rất khó tìm kiếm nội dung cần dùng.
Số lượng và chất lượng ứng dụng trên Windows Phone cũng là 1 điểm yếu lớn của HĐH này khi so sánh với các đối thủ khác. Các dịch vụ của Google thường được người dùng Việt Nam sử dụng như Youtube, Google Maps, Google Apps... không được hỗ trợ một cách chính thức nên đến tận giờ người dùng Windows Phone vẫn phải dùng trang web Mobile để xem Youtube. Nokia và Microsoft bù đắp yếu điểm này bằng 1 loạt các dịch vụ cây nhà lá vườn như Here Maps, Bings, Office Mobile... nhưng sự thực là chúng vẫn không hoàn toàn thay thế được các dịch vụ của Google với cơ sở dữ liệu được địa phương hoá rất chi tiết.
Số lượng và chất lượng ứng dụng miễn phí trên WP cũng chưa theo kịp Android hay iOS. Với số lượng người dùng nhỏ, doanh thu từ quảng cáo trên ứng dụng miễn phí của nền tảng WP thua kém rất nhiều so với 2 HĐH còn lại. Đó chính là lý do vì sao các ứng dụng có chất lượng, được lập trình viên đầu tư nghiêm túc trên WP thường bị tính phí để đảm bảo nguồn thu ổn định. 1 vài ứng dụng free trên Android và iOS nhưng chưa có hỗ trợ chính hãng khi lên Windows Phone bị tính phí như MyTube (thay cho Youtube), InTheKnow (thay cho Google Analytics) là những ví dụ điển hình. Đây cũng là 1 vấn đề lớn vì tại Việt Nam với tâm lý chưa quen trả tiền để sử dụng phần mềm thì việc chuyển đổi sang Windows Phone từ các HĐH khác gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh đó không phải người Việt nào cũng sở hữu thẻ thanh toán quốc tế để mua ứng dụng trên Windows Phone Store dù rằng giá của các ứng dụng này cũng không đắt lắm, thường dao động trong khoảng 1-3 USD (25-80 ngàn, chưa tính phí ngân hàng).
Cá nhân tôi là người sử dụng chủ yếu các dịch vụ của Google như Gmail, Google Apps, Youtube nên cảm thấy bị hạn chế rất nhiều khi sử dụng Lumia 930 trong hơn 2 tuần dùng máy. Ngược lại, nếu như công ty của bạn sử dụng hệ thống email trên nền Microsoft Exchange hoặc Outlook thì Windows Phone lại được tích hợp rất chặt chẽ với các hệ thống cây nhà lá vườn sẽ là 1 lợi thế lớn so với các HĐH khác.
Nhìn chung phần mềm vẫn là điểm kém cạnh tranh nhất của các máy Windows Phone, Lumia 930 cũng không phải là 1 ngoại lệ. Phiên bản 8.1 đã có nhiều cải thiện so với các phiên bản trước nhưng Windows Phone vẫn còn 1 chặng đường rất dài để bắt kịp với các đối thủ như Android, iOS.
Camera
Sử dụng cảm biến 20 MPx, tính năng camera trên Lumia 930 gây cho tôi ấn tượng tốt xấu lẫn lộn. Điểm đầu tiên cần chê về camera của Lumia 930 là phần mềm, được cài sẵn hẳn 2 ứng dụng camera, 1 cái của Windows Phone và 1 cái là Nokia Camera, việc chọn phần mềm nào để dùng cũng có thể gây nhầm lẫn cho người mới sử dụng.
Lời khuyên ở đây là nếu như bạn chỉ cần 1 ứng dụng chụp ảnh đơn giản, dễ dùng, nhiều hiệu ứng tích hợp sẵn thì ứng dụng Camera của WP là lựa chọn đúng đắn còn nếu bạn muốn tận dụng hết sức mạnh của camera trên Lumia 930 thì nên dùng Nokia Camera.
Nokia Camera với dày đặc tuỳ chỉnh hấp dẫn những ai đã dùng qua DSLR.
Ở đây tôi sẽ đánh giá khả năng chụp ảnh của Lumia 930 qua Nokia Camera. Có chế độ "Manual" chi tiết nhất trên tất cả các dòng smartphone ở thời điểm hiện tại, Nokia Camera cung cấp rất nhiều tuỳ chỉnh gần như 1 máy ảnh DSLR, từ khả năng thiết lập ISO, lấy nét tay, đặt tốc độ màn trập (lên tới 4s), điều chỉnh cân bằng trắng, bù sáng v...v.... Với khả năng chỉnh tay thời gian phơi sáng tới 4s, Lumia 930 có thể xử lý được những tình huống mà tất cả các camera phone khác đều đầu hàng. Bên cạnh đó trong 1 số trường hợp ngược sáng, ảnh chụp từ máy bị bệnh ám tím khá nặng đồng thời do tính năng OIS nên ảnh thường bị méo tại viền. Tần suất ảnh dính bệnh ám tím xảy ra khá thường xuyên nhưng không cố định, cùng 1 khung cảnh, 2 lần chụp khác nhau lại cho ra 2 kết quả khác nhau nên tôi nghi ngờ đây là 1 sự cố về phần mềm. (xem slide ảnh ở dưới).
Do máy khá nhỏ, tư thế cầm máy không có điểm tì nên ảnh dễ rung nhoè. Cá nhân tôi là 1 tay máy khá vững nhưng thường xuyên gặp tình trạng rung, nhoè ảnh khi tốc độ màn trập xuống dưới 1/25 dù chế độ ổn định quang học của Lumia 930 hoạt động khá hiệu quả. Khi chỉnh thời gian phơi sáng trên 1/5 s thì việc dùng chân máy hoặc điểm tì là điều kiện bắt buộc khi chụp ảnh với Lumia 930.
Âm hưởng chung của ảnh từ Lumia 930 là màu sắc khá ấm, nước ảnh trong, ít nhiễu ngay cả trong điều kiện thiếu sáng, dynamic range rộng so với các camera phone khác dù độ chi tiết chưa thực sự cao. Như đã nói ở trên, mỗi khi bấm nút chụp, Lumia 930 lưu đồng thời 2 bức ảnh ở 2 độ phân giải: 20Mpx và 5Mpx (có thể tắt chế độ này).
Cũng giống như các camera thuộc dòng PureView khác, Lumia 930 sử dụng thuật toán độc quyền của Nokia để hồi quy dữ liệu từ 4 điểm ảnh lân cận về 1 điểm ảnh, biến bức ảnh gốc 20MPx thành 1 bức ảnh 5Mpx với độ nét cao và ít nhiễu hơn. Dù rằng sự cải thiện về chất lượng không nhiều như Lumia 1020 nhưng chất lượng của bức ảnh với phân giải 5MPx trên Lumia 930 đã tiệm cận rất gần các máy ảnh point n shot khoảng 3-5 triệu, một kết quả rất ấn tượng cho 1 camera bị giới hạn cả về hệ thống quang học lẫn kích thước cảm biến.
Clip quay từ Lumia 930 có độ nét cao, màu sắc tươi tắn cũng như có khả năng chống rung tốt, khả năng lấy nét liên tục và chuyển đổi giữa các vùng sáng tối khá nhanh.
Bên cạnh tính năng manual rất mạnh, Pro Camera lại có ít tính năng hơn các ứng dụng chụp ảnh mặc định của các hệ máy khác. Đơn cử như việc Pro Camera không tích hợp chế độ HDR (chỉ chụp bracketing mà không tự ghép thành HDR), chế độ Panorama cũng hoạt động không trực quan...
Thiếu vắng chế độ HDR tự động là 1 điểm thiệt thòi của Lumia 930 vì dù có Dynamic range khá rộng so với các đối thủ nhưng ảnh chụp ở chế độ thường của Lumia 930 vẫn không thể so sánh được với các máy có HDR ở điều kiện ánh sáng âm.
Ảnh chụp từ Galaxy Note 3 với chế độ HDR ở điều kiện tương tự cho thấy nhiều chi tiết mà Lumia 930 bỏ qua do không có HDR.
Nhìn chung dù được mệnh danh là ông vua không ngai của camera trên smartphone nhưng điều đó không có nghĩa là ai cầm Lumia 930 cũng chụp ra được những bức ảnh "lung linh
như trên mạng" mà việc sử dụng camera của máy đòi hỏi những kiến thức nhất định về nhiếp ảnh để tận dụng hết sức mạnh của camera. Nếu bạn không phải là 1 tay máy chuyên nghiệp và chỉ dùng điện thoại chủ yếu để chụp ảnh "cho vui" thì có lẽ 1 chiếc Xperia Z2 hay iPhone 5s sẽ đơn giản và phù hợp hơn.
Kết luận
Bán ra ở thị trường Việt Nam, chính sách giá của Lumia 930 có thể được coi là "mềm" hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng đẳng cấp: Chỉ 13 triệu đồng phân phối chính hãng mà đã được tặng kèm "1 đống quà": Gói bảo hiểm rơi vỡ ngập nước của AIG và 1 loạt ưu đãi khác từ Nokia và nhà phân phối. Để có được giá bán 13 triệu, Nokia quyết định không bán kèm... tai nghe theo máy. Dù chất lượng tai nghe theo máy của tất cả các hãng đều khá xoàng xĩnh nhưng việc cắt bỏ 1 phụ kiện quan trọng như vậy cũng là 1 động thái khó hiểu. Bên cạnh đó, việc Nokia không tham gia cuộc chạy đua cấu hình, dùng lại vi xử lý của năm 2013 cũng là 1 yếu tố giúp cắt giảm giá thành của Lumia 930 so với các đối thủ khác.
Tổng quan, Lumia 930 là 1 sản phẩm khá toàn diện về mọi mặt từ thiết kế cho tới màn hình, hiệu năng, camera. Nokia cũng rất tự tin khi không lao theo những cuộc chạy đua về cấu hình hay độ mỏng mà vẫn giữ cho mình chất "riêng". Nếu như bạn có thể chung sống cùng Windows Phone thì ở thời điểm hiện tại sẽ rất khó để tìm được 1 sản phẩm nào đem lại chất lượng và tính năng sử dụng tốt trong tầm giá như Lumia 930.
Ưu:
Camera chất lượng tốt, nhiều tuỳ chỉnh
Màn hình xuất sắc
Thiết kế chắc chắn, đẹp, nhiều màu để lựa chọn
Giá dễ chịu
Nhược:
HĐH Windows Phone còn nhiều hạn chế
Camera cho chất lượng ảnh không đồng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm
Thời lượng pin chưa tốt
(Bài và ảnh: Minh Lết)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng