Đánh giá máy chơi game PC cầm tay ROG Ally: Thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, chơi tốt được game nặng nhưng vẫn tồn tại vài điểm trừ
So với các máy chơi game cầm tay trên thị trường, ROG Ally là một sản phẩm tốt với thiết kế đẹp mắt, cấu hình mạnh, màn hình chất lượng tốt, hiệu năng chơi game AAA ở mức Khá cùng kho thư viện game đa dạng và dễ dàng cài đặt, nhưng vẫn tồn tại vài điểm trừ
- Garmin công bố bộ đôi smartwatch thể thao Fēnix 7 Pro và Epix Pro thế hệ mới
- PlayStation 5 phiên bản Slim sắp ra mắt, có giá chưa tới 10 triệu
- Tạo chất riêng cho chiếc bàn của bạn với Samsung Smart Monitor
- Chiếc loa để bàn với vẻ ngoài 'siêu sặc sỡ', tích hợp cả sạc nhanh GaN
- Bang & Olufsen Beosound A5 ra mắt tại Việt Nam: Loa di động đầy chất thơ, thiết kế mô-đun độc đáo!
Vừa qua, ASUS đã giới thiệu ROG Ally, máy chơi game cầm tay chạy trên nền tảng Windows 11 đầu tiên của hãng, đánh dấu việc lần đầu tiên hãng công nghệ này đặt chân vào lĩnh vực Handheld PC. Với giá đặt trước là 17,990,000 VND cho cấu hình cao cấp nhất, ROG Ally dự kiến sẽ tới tay người dùng tại Việt Nam trong tháng 7 này.
Trong bối cảnh các máy chơi game PC cầm tay hiện có trên thị trường như Steam Deck, GPD, AyaNeo, AOKZOE hay OnexPlayer đều được mang về Việt Nam dưới dạng 'xách tay', ROG Ally cũng là thiết bị duy nhất hiện nay được phân phối chính hãng tại Việt Nam.
Thiết kế chuẩn công thái học
Thiết kế của ROG Ally lựa chọn hướng đi an toàn và không quá khác biệt so với khuôn mẫu của các thiết bị chơi game cầm tay khác trên thị trường. Máy trang bị một màn hình cỡ lớn nằm giữa, với hai cụm tay cầm điều khiển đặt hai bên. Toàn bộ vỏ máy được sơn phủ màu trắng với hoàn thiện nhám cho cảm giác cao cấp, đồng thời không bám dấu vân tay.
Với kích thước 280 × 113 × 39 mm và trọng lượng chỉ 608g (để so sánh Steam Deck nặng 669g), ROG Ally có trọng lượng khá nhẹ, vốn có thể giảm bớt cảm giác ''đầm tay' khi cầm máy. Bù lại, phần tay cầm được thiết kế với góc nghiêng 2 độ và 14 độ, cùng hoạ tiết chống trượt tại các vị trí tiếp xúc với bàn tay mang tới cảm giác khá thoải mái nếu phải sử dụng trong thời gian dài.
Với cách bố trí phím bấm, ROG Ally có nhiều điểm tương tự như Switch. Chẳng hạn, cụm cần điều khiển analog trái/phải của ROG Ally được bố trí bất đối xứng, thay vì đặt song song nhau như ở Steam Deck. Theo đó, cần analog trái nằm trên và cụm Dpad nằm ở dưới, trong khi cần analog phải nằm ở dưới cụm 4 nút ABXY.
Tương tự, các nút cò như RB-RT/LB-LT nằm ở trên, cùng các nút phụ quanh máy để vào menu/setting. Hai bên màn hình của ROG Ally cũng được trang bị các phím tắt để mở nhanh các chức năng như View, Menu, Command Center và ứng dụng Armoury Crate.
Cấu hình đủ tốt để chơi game AAA
ROG Ally được trang bị màn hình IPS với kích thước 7 inch cùng độ phân giải FullHD theo tỷ lệ 16:9. Đây là màn hình cảm ứng hỗ trợ tần số quét 120Hz, tốc độ phản hồi 7ms, được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla® Glass DXC và Gorilla® Glass Victus™. Chưa hết, màn hình này còn hỗ trợ FreeSync™ Premium chống xé hình, giúp cho việc chơi các game hành động được mượt mà.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, chất lượng hiển thị của màn hình ROG Ally khá tốt. Các chi tiết hình ảnh được thể hiện rõ nét nhờ độ phân giải Full HD, trong khi màu sắc được thể hiện rực rỡ và chân thật nhờ sử dụng tấm màn IPS với độ bao phủ màu sRGB đạt 0108.6%. Với độ sáng có thể lên tới 500 nits, ROG Ally có khả năng hiển thị tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, trong nhà hay ngoài trời.
Xét về sức mạnh, ROG Ally cũng là mẫu máy chơi game PC cầm tay đầu tiên được trang bị APU mới nhất của AMD là Z1 Extreme, cùng 16GB RAM LPDDR5 và ổ SSD dung lượng 512GB mang tới tốc độ load game cực nhanh. So với các đối thủ trên thị trường như Steam Deck, vốn sử dụng APU tùy chỉnh cũng từ AMD, Z1 Extreme của ROG Ally đương nhiên mạnh mẽ hơn rất nhiều về tốc độ xử lý.
Được phát triển dựa trên cấu trúc Zen 4, tiến trình 4nm, Z1 Extreme trang bị chip xử lý 8 nhân 16 luồng, cùng GPU thuộc kiến trúc RDNA 3, và có thể đạt công suất tối đa 30W khi cắm sạc. Để so sánh, APU Zen 2 tùy chỉnh 4 nhân của Steam Deck có công suất tối đa 15W khi cắm sạc hoặc sử dụng pin.
Ngay cả khi đặt lên bàn cân với con chip di động đáng gờm của AMD là Ryzen 7 6800U, vốn đang được tích hợp trên các mẫu máy chơi game PC cầm tay như Aya NEO 2, Z1 Extreme cũng tỏ ra vượt trội hơn về hiệu năng.
Điều này có nghĩa, cấu hình của ROG Ally hoàn toàn đủ sức để chơi được các tựa game AAA mới nhất trong vài năm trở lại đây. Tất nhiên, định nghĩa 'chơi được' ở đây không có nghĩa là người dùng có thể đặt thiết lập đồ họa của các game này ở mức cao nhất, và vẫn mong đạt được mức FPS cao.
Trên thực tế, khi thử nghiệm các tựa game AAA có đồ họa 'khủng' (và có cấu hình yêu cầu ở mức cao) như Death Stranding, A Plague Tale: Innocence, FIFA 23 hay Hitman 3, ROG Ally vẫn có thể chạy tốt ở mức khung hình 30 FPS tiêu chuẩn giống như trên console, với thiết lập đồ họa ở mức Thấp - Trung và độ phân giải Full HD.
Bản thân ROG Ally cũng đi kèm theo một số tùy biến giúp người dùng tăng FPS. Đơn cử tính năng AMD RSR có thể giúp nội suy (upscale) hình ảnh từ độ phân giải thấp hơp (720p) lên 1080p, với chất lượng hình ảnh không bị giảm quá nhiều so với độ phân giải gốc (native resolution), trong khi tốc độ khung hình tăng lên đáng kể (so GPU chỉ phải render ở độ phân giải thấp).
Đương nhiên, thời lượng sử dụng của pin cũng làm một điều được nhiều người dùng quan tâm với một máy chơi game cầm tay. Theo đó, ROG Ally có 3 chế độ hoạt động, cho phép người dùng lựa chọn giữa việc tối ưu thời lượng pin hay tối ưu hiệu suất.
Chẳng hạn, ở chế độ Silent (im lặng), giới hạn điện năng cho máy sẽ dừng ở ngưỡng 10 watt, phù hợp khi người dùng chơi các tựa game có cấu hình nhẹ, đồ họa đơn giản, cùng thời lượng sử dụng lâu nhất có thể. Trong khi đó, ở chế độ Performance (Hiệu suất), giới hạn điện năng được nâng lên 15 watt. Cuối cùng, chế độ Turbo sẽ được kích hoạt khi đang cắm sạc, với nguồn điện chính sẽ tăng lên ngưỡng 30-35 watt.
Theo tuyên bố của Asus, ROG Ally có thời lượng sử dụng tối đa lên tới 8 tiếng. Tất nhiên con số này chỉ để tham khảo, khi nó còn phụ thuộc vào thiết lập đồ họa, độ phân giải của từng tựa game, cũng như chế độ hoạt động. Mặc dù vậy, với các tinh chỉnh phù hợp, người dùng vẫn có thể đạt được mức sử dụng pin từ 2-3 tiếng khi chơi các game AAA - tương đương với các máy chơi game cầm tay hiện có trên thị trường. Ngay cả trong trường hợp cạn sạch pin, thời gian sạc của ROG Ally cũng không quá lâu, nhờ vào cục sạc siêu nhanh công suất lên tới 65W.
Trải nghiệm Windows 11 trên máy chơi game cầm tay
Một trong những yếu tố khác biệt lớn nhất giữa ROG Ally và Steam Deck là hệ điều hành. Trong khi Steam Deck chạy SteamOS tùy chỉnh của Valve dựa trên Linux, thì ROG Ally chạy trên hệ điều hành Windows 11 quen thuộc. Đây vừa là điểm mạnh lớn nhất, nhưng cũng vừa là điểm yếu đáng kể của ROG Ally.
Xét về điểm cộng, bất kỳ tựa game PC nào cũng sẽ tương thích 100% với ROG Ally mà không gặp vấn đề gì. Nhờ chạy trên Windows 11, ROG Ally có thể dễ dàng cài đặt mọi game từ nhiều nền tảng game PC khác nhau như Steam, Origin, Epic Games, GOG Games, Xbox Game Pass mà không bị giới hạn. Điều này mang tới một thư viện game khổng lồ và phong phú cho người chơi lựa chọn.
Tương tự, việc tải các phần mềm, ứng dụng phổ biến trên ROG Ally cũng rất thoải mái, do chúng đã hỗ trợ sẵn Windows như trên PC hay laptop. Ngoài việc chơi game, người dùng hoàn toàn có thể thực hiện các tác vụ như lướt web, xem Youtube, hay thậm chí là...lập trình, do ROG Ally bản chất vẫn là một chiếc PC thu nhỏ.
Ở chiều ngược lại, thư viện game của Steam Deck chắc chắn sẽ ít đa dạng hơn so với ROG Ally, trong khi ứng dụng từ nhiều nền tảng chưa tương thích với Linux. Điều này có nghĩa, người dùng sẽ phải 'vọc vạch' và cài đặt thêm ứng dụng bên thứ ba nếu muốn cài đặt game từ các nền tảng ngoài Steam, kèm theo rủi ro là game có thể không hoạt động ổn định như trên Windows.
Tuy nhiên, nếu xét về điểm trừ, việc chạy Windows cũng khiến ROG Ally chưa có được mức độ tối ưu hóa về phần mềm/phần cứng - tương tự như những gì Valve đã làm trên SteamOS với Steam Deck. Điều này đã thể hiện rõ ở các bài đánh giá hiệu năng, khi với cùng một thiết lập đồ họa, hiệu năng của game trên SteamOS thường tốt hơn so với trên Windows.
Bên cạnh đó, mặc dù có một số mức độ điều chỉnh phần mềm mà bạn có thể thực hiện ở đây – chẳng hạn như điều chỉnh cài đặt nguồn, độ phân giải và đặt giới hạn tốc độ khung hình thông qua Armory Crate – mức độ tùy biến về phần mềm/phần cứng của ROG Ally vẫn chưa đủ sâu.
Trên thực tế, trải nghiệm sử dụng ROG Ally khiến người dùng có cảm giác như đang sử dụng một chiếc PC hay laptop thu nhỏ để chơi game, khác hoàn toàn với các trải nghiệm thường thấy trên thiết bị chơi game thuần túy như console hay máy chơi game cầm tay như Switch. Ngay cả khi so với Steam Deck, trải nghiệm sử dụng trên ROG Ally cũng không thực sự mượt mà, tiện lợi, dễ sử dụng, do thiếu giao diện người dùng chuyên dụng như SteamOS.
Ứng dụng Armory Crate của Asus thực hiện đủ tốt công việc quản lý game từ nhiều nền tảng phân phối game PC khác nhau, nhưng nó chưa thực sự trực quan và thiếu nhiều chức năng như hệ điều hành được tùy biến để tập trung vào việc chơi game của Valve.
Một điểm trừ khác là Ally (so với Steam Deck và Switch) là thiếu tính năng tạm dừng và tiếp tục game chỉ bằng một nút bấm. Trên các thiết bị kiểu vậy, người chơi có thể bấm nút để tạm dừng game và đưa thiết bị cầm tay vào chế độ ngủ. Sau khi bật nguồn trở lại, bạn sẽ tiếp tục ở đúng nơi bạn đã dừng lại trong game.
Trong khi đó, trên ROG Ally, nếu muốn tạm dừng chơi, người chơi sẽ phải lưu game, sau đó bấm nút Thoát khỏi game. Ở lần chơi game tiếp theo, người chơi sẽ phải lần lượt làm lại các bước như khởi động game và load lại file save. Tất nhiên, đây là điểm đặc trưng của việc chơi game trên PC, nhưng với một thiết bị cầm tay như ROG Ally, điều này sẽ giảm bớt trải nghiệm của những người dùng mong muốn chơi game mọi lúc, mọi nơi.
Tạm kết
Nhìn chung, ROG Ally là một sản phẩm đủ tốt với thiết kế đẹp mắt, cấu hình mạnh, màn hình chất lượng hiển thị tốt, hiệu năng chơi game AAA ở mức Khá cùng kho thư viện game đa dạng và dễ dàng cài đặt. Tuy nhiên, máy cũng có nhiều điểm trừ về thời lượng sử dụng pin, cũng như giao diện, trải nghiệm sử dụng chưa thực sự mượt mà và tối ưu cho người dùng. Tuy nhiên, với lợi thế giá bán tốt so với cấu hình, cùng chế độ bảo hành chính hãng, ROG Ally là một lựa chọn hợp lý với những người dùng muốn trải nghiệm game PC ở chế độ cầm tay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng