Đánh giá ổ cứng mạng WD My Cloud - Giải pháp đám mây cho hộ gia đình
(GenK.vn) - Là một phiên bản thu gọn hơn của My Cloud EX4, My Cloud được đơn giản hóa trong khâu cài đặt và thiết kế để hướng tới hộ gia đình thay vì doanh nghiệp cỡ nhỏ.
WD là hãng phần cứng nổi tiếng thế giới chuyên sản xuất các loại thiết bị lưu trữ và đưa ra các giải pháp lưu trữ tiện lợi dành cho nhiều đối tượng. Cách đây không lâu, WD đã có tung ra sản phẩm WD My Cloud EX4 với mục tiêu hướng tới một server mini cho một công ty cỡ vừa và nhỏ. Tuy có nhiều tiện ích thú vị nhưng WD My Cloud Ex4 lại có giá không phù hợp với những người có thu nhập không cao.
Đáp ứng lại nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng thấp hơn mức doanh nghiệp, WD tiếp tục tung ra một thiết bị tương tự My Cloud Ex4 nhưng nhỏ hơn, dễ sử dụng hơn và giá thành cũng rẻ hơn tương đối nhiều (khoảng 5 triệu đồng bản 3TB) để phục vụ cho mục đích lưu trữ gia đình là WD My Cloud.
GenK đã có trong tay một bộ My Cloud để sử dụng và trải nghiệm trong một thời gian ngắn những tính năng có trên sản phẩm này.
Tổng quan về WD My Cloud
Thiết kế bắt mắt.
My Cloud thực chất xét trên phương diện hộ gia đình thì nó có chức năng tương tự một ổ cứng mạng NAS mà chúng ta vẫn dùng cho mạng nội bộ trong gia đình. cổng giao tiếp trao đổi dữ liệu có trên My Cloud là một cộng LAN chuẩn Gigabit có thể cho tốc độ truyền tải danh nghĩa lên tới 1 Gigabits tương đương với khoảng 125 MB/s. Tuy nhiên để đạt được tốc độ chuẩn này thì người dùng cần đảm bảo cả thiết bị thu cũng phải hỗ trợ chuẩn Gigabits này đồng thời cáp nối 2 thiết bị cũng phải được bấm theo chuẩn Gigabits.
Ngoài việc là một ổ cứng lưu trữ chung cho toàn bộ mạng LAN thì My Cloud có thêm một chức năng "thời thượng" hơn chút là tính năng lưu trữ đám mây. Tính năng Cloud trên WD có thể sử dụng khi chúng ta cắm ổ vào mạng LAN có kết nối Internet, khi đó người dùng có thể thiết lập các tài khoản bằng email và mật khẩu để truy cập từ ngoài mạng nội bộ vào ổ cứng để lấy dữ liệu từ bất cứ nơi đâu có kết nối Internet. Điều này chúng ta có thể tạm tưởng tượng như có một server Dropbox đang đặt ở nhà của các bạn và chỉ cần có tài khoản các bạn có thể truy cập dữ liệu của mình từ bất cứ đâu. Đó là toàn bộ tính năng của My Cloud chúng ta sẽ tiếp tục đi sâu hơn vào phần sử dụng.
Thiết kế thay được đầu cắm sạc phù hợp với nhiều loại ổ điện.
Đánh giá sơ bộ về phần NAS của My Cloud
Về các cổng kết nối, ở mặt sau của My Cloud, chúng ta chỉ còn 1 cổng nguồn, một cổng Ethernet và 1 cổng USB 3.0 thay vì 2 cổng mỗi loại như trên My Cloud Ex4. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là giải phải lưu trữ gia đình không có nhu cầu nhiều về việc đảm bảo chất lượng mạng hay nguồn điện nên không cần đến 2 cổng.
Từ phải sang trái: cổng nguồn, cổng Ethernet, Cổng USB 3.0, nút Reset phần mềm.
Về kết nối, mặc dù trên lý thuyết thì chỉ cần cắm WD vào mạng nội bộ có internet ở bất kỳ nhánh nào là có thể truy cập từ mọi thiết bị trong nhà, tuy nhiên đó là trên Cloud Ex4 nhưng còn trên My Cloud thì không hỗ trợ truy cập khác lớp mạng nội bộ do đây là sản phẩm hướng tới hộ gia đình (có nghĩa là để truy cập từ mọi vị trí thì toàn bộ mạng LAN phải cùng 1 lớp mạng kể cả router và modem ví dụ 192.168.2.1). Chúng tôi thử test cắm My Cloud trên nhánh song song với nhánh LAN cắm Router Wifi từ cùng 1 Modem chính đi ra thì việc truy xuất dữ liệu từ máy tính sang My Cloud bị cản lại khiến việc truy cập không thành.
Điểm sáng của WD My Cloud ở mảng lưu trữ nội bộ này chính là khả năng tạo ảnh dữ liệu hiện có để khôi phục khi bị hỏng, thay cho kiểu backup bằng Raid của Ex4 (yêu cầu ít nhất 2 ổ cứng) tuy không thể đảm bảo dữ liệu hoàn toàn nhưng cách này vừa khiến My Cloud hạ giá thành vừa tạo thành 1 lớp bảo vệ tạm thời của dữ liệu trong ổ.
Vì là ổ cứng mạng hỗ trợ chuất Gigabits nên cáp mạng kèm theo ổ cũng sử dụng loại CAT5e cao cấp và bấm sẵn chuẩn theo chuẩn Gigabits.
Chúng tôi tiến hành thử nghiệm truy xuất dữ liệu từ các thiết bị gia đình bao gồm PC nối LAN Smart TV và điện thoại kết nối qua Wifi tất và cáp dẫn dùng chuẩn 10/100Mbps thông thường thì đảm bảo xem phim 1080p trực tiếp từ ổ ở mức khung hình chấp nhận được (khoảng 26FPS) còn phim chuẩn 720p thì hoạt động trơn chu không vấp váp. Tất nhiên vì điều kiện không có đủ cáp chuẩn Gigabits nên tốc độ chỉ đạt tới mức đó, nếu như đầu tư mạng nội bộ chuẩn Gigabits từ A-Z thì chuyện xem phim 1080p hay 2K thông qua mạng Lan là điều không có gì phải bàn.
Phần mềm quản lý chưa được tối giản
Nếu My Cloud Ex 4 vì lý do bảo mật và tính chuyên sâu khi dùng cho doanh nghiệp nên phần mềm quản lý có phần phức tạp và khó sử dụng thì đáng lẽ ra phần mềm trên My Cloud phải đơn giản đi nhiều. Nhưng trên thực tế phần mềm quản lý của My Cloud vẫn dựa trên cùng 1 nền tảng với My Cloud Ex 4. Việc đơn giản hóa giao diện mà WD nhắc đến chỉ là cắt bỏ những tính năng không cần thiết chứ chưa được dễ sử dụng như các dịch vụ đám mây như Dropbox hay SkyDrive.
Tất nhiên đây cũng không phải phần quá đáng quan tâm vì việc làm phức tạp những thứ này chỉ vì duy nhất 1 lý do là tạo ra sự bảo mật tối đa trên các thiết bị của WD. Vì thế mà khi đồng bộ đám mây, My Cloud gần như không có nguy cơ người dùng bị kẻ gian hack vào mạng gia đình và lấy cắp tư liệu cá nhân trong ổ.
Đánh giá mảng "đám mây" của My Cloud
Về tốc độ truy cập
Mảng Cloud là phần tạo nên sự khác biệt giữa My Cloud và các hệ thống NAS phổ biến hiện nay. Về phần này chất lượng của My Cloud bị ảnh hưởng một phần không nhỏ bởi chất lượng đường truyền Internet gia đình của mỗi người.
Cụ thể là với Internet cáp đồng phổ thông hiện nay có tốc độ Down/Up vào khoảng 6Mb/512Kb thì tốc độ truy xuất dữ liệu ổ cứng từ Internet sẽ bị giới hạn bởi tốc độ Upload của đường truyền là 512Kb tương đương khoảng 60KB/s với tốc độ này thì việc lấy một bức ảnh cỡ 4MB từ ổ cứng My Cloud ra điện thoại từ 1 nơi nào đó sẽ mất khoảng hơn 1 phút.
Chính vì lý do này mà My Cloud có vẻ phù hợp hơn với những gia đình đã nâng cấp đường truyền lên cáp quang, một dạng cáp mạng có đặc tính là tốc độ Download bằng tốc độ Upload cùng rơi vào khoảng 6Megabits với gói gia đình. Với tính hình cáp quang đang được phổ cập như hiện nay thì điều này không phải khó khăn quá lớn.
Về tính bảo mật
Để truy cập được vào My Cloud từ ngoài mạng nội bộ, chúng ta buộc phải đăng ký với My Cloud và điền mã xác nhận 2 chiều cho lần đầu tiên thì mới có thể tự do truy cập vào kho dữ liệu thoải mái. Việc đăng kí tài khoản sẽ phải thực hiện trên mạng LAN với các bước tương đối dễ hiểu. Chúng tôi không có gì phàn nàn về phần này vì nó là điểm không thể thiếu.
Về ứng dụng dùng cho Cloud
Ứng dụng gốc được WD thiết kế dành cho tất cả các hệ điều hành bao gồm Windows, MAC, Android và iOS đều có chung một tính năng là quản lý và truy cập dữ liệu. Muốn sao chép hoặc tải dữ liệu qua lại giữa My Cloud và máy tính chỉ cần kéo thả file hoặc folder giữa các cửa sổ. Tính năng này thực sự rất hữu ích khi phải làm việc nhiều với dữ liệu trên My Cloud. Hướng dẫn cụ thể về sử dụng phần mềm trên My Cloud các bạn có thể xem chi tiết hơn tại đây.
Bên cạnh đó, một ứng dụng khác dành cho điện thoại là WD Photos nghe có vẻ tối ưu dành cho điện thoại chuyên để lưu trữ ảnh đã chụp từ điện thoại lên Cloud thì lại có tính năng không khác gì công cụ quản lý chung vì người dùng phải mở ứng dụng, chọn ảnh muốn up và chọn upload thì ảnh mới được đẩy lên Cloud, không tiện lợi và tự động như iCloud có sẵn trên iPhone.
Đánh giá về chất lượng phần cứng
Về chất lượng phần cứng, không cần nghi ngờ gì vì từ trước đến nay sản phẩm của WD luôn được đánh giá cao về độ bền bỉ cũng như chất lượng bảo hành. Thực ra nói về đánh giá chất lượng phần cứng chúng tôi cũng không có cách nào ngoại trừ việc để nó hoạt động 24/24 trong vòng 1 tuần lễ, và tất nhiên kết quả là nó hoạt động một cách bình thường, không có lỗi xảy ra dù truy cập từ trong mạng hay ngoài mạng từ bất cứ thời điểm nào trong quá trình sử dụng. Dù thời gian khá ngắn ngủi để quyết định độ bền của một sản phẩm nhưng ít ra nó cũng phần nào nói lên được sự ổn định của WD My Cloud trong khi sử dụng.
Tổng kết
Nếu như My Cloud Ex4 có giá quá cao (20 triệu đồng chưa có ổ cứng) đối với hộ gia đình thì My Cloud đích thực là giải pháp thay thế hoàn hảo với mức giá hoàn toàn chấp nhận được với hộ gia đình ( Các dung lượng 2 TB, 3 TB và 4 TB lần lượt có giá là 3.950.000 VND; 4.890.000 VND và 6.390.000 VND).
Ưu điểm:
- Chất lượng phần cứng tốt.
- Áp dụng nhiều công nghệ cao cấp
- Độ bảo mật cao.
Nhược điểm:
- Cài đặt chưa thực sự dễ dàng.
- Phần mềm cần đầu tư nhiều hơn.
- Chưa phù hợp với hộ gia đình sử dụng Internet cáp đồng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng