Đánh giá Oppo HA1 – Amplifier hi end cho dân sành nhạc
Mức giá gần 30 triệu Đồng khiến cho Oppo HA1 đứng ngang hàng với những sản phẩm cao cấp dành riêng cho cộng đồng hâm mộ âm thanh cá nhân nói chung tại Việt Nam.
Thưa các bạn độc giả, trong bài viết trước chúng tôi đã đem tới cho các bạn bài đánh giá chi tiết cặp đôi tai nghe cao cấp đến từ thương hiệu Oppo Digital, PM1 và PM2. Có thể nói, với những người không quá khắt khe trong chất âm, thì cả PM1 lẫn PM2 đều là những sản phẩm cao cấp cần thử qua.
Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ đến với một sản phẩm khác của Oppo Digital, thương hiệu đánh vào thị trường giải trí cao cấp. Đó chính là chiếc headphones amplifier mang tên HA1. Ở thời điểm hiện tại, HA1 đang được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam với giá 29.990.000 VNĐ.
Thiết kế
Ấn tượng đầu tiên đối với người sử dụng khi lần đầu chiêm ngưỡng HA1 không khác gì so với cặp đôi tai nghe PM1 và PM2, đó là sự chắc chắn và chất lượng build cao cấp của hệ thống phần cứng trang bị cho HA1. Nặng, chắc chắn, sở hữu những cụm chức năng đơn giản những lại vô cùng dễ sử dụng là một điểm cộng lớn dành cho mẫu amplifier này.
Ở mặt trước , HA1 được trang bị một màn hình màu 4,3 inch, đủ lớn (thậm chí là rất lớn trong số những sản phẩm cao cấp) để hiển thị đầy đủ thông tin, từ chuẩn input, chất lượng bản thu cho tới cả múc âm lượng hay spectrum hiển thị dải âm của bản nhạc có thể được thấy rất rõ ràng. Nói vui một chút, nếu thiếu đi chiếc màn hình này, hoặc nếu Oppo sử dụng một màn hình chất lượng thấp hơn, thì giá trị thẩm mỹ của HA1 chắc chắn giảm đi vài phần.
Hai bên màn hình là hai núm điều chỉnh. Trong khi volume knob được trang bị cả một mô tơ để hiển thị đúng mức âm lượng khi dùng điều khiển từ xa, thì núm vặn thứ hai ở bên phải màn hình lại nhỏ hơn, và dùng cơ cấu điều khiển theo nấc để chuyển đổi chế độ input mong muốn, hoặc ấn xuống để tùy chỉnh màn hình và chế độ gain của amplifier.
Trong khi đó, số lượng tùy chọn input/output của HA1 lại là một điểm cộng khác. Oppo đã cực kỳ hào phóng khi cung cấp tương đối đầy đủ những tùy chọn cho người sử dụng, từ khả năng kết nối tín hiệu âm thanh qua USB, Optical, AES dành cho digital, cho tới cả XLR balanced lẫn RCA dành cho những người sử dụng thiết bị xuất tín hiệu analog. Trong khi đó, giống như input, người sử dụng cũng có đủ lựa chọn output, từ RCA, XLR cho tới hai cổng tín hiệu tai nghe 6.3mm và XLR ở mặt trước của thiết bị.
Ngần đó vẫn là chưa hết, khi Oppo thậm chí còn tặng kèm cả một antenna bluetooth, cho phép người dùng kết nối các thiết bị di động qua chuẩn kết nối không dây và biến Oppo trở thành một thiết bị nhận tín hiệu âm thanh số không dây. Bên cạnh đó, dưới núm vặn volume là cổng USB dành cho các thiết bị chạy iOS, cho phép người dùng thưởng thức âm nhạc một cách thoải mái mà không cần lo lắng tới những kết nối rắc rối.
Bên cạnh cỗ máy HA1, nhà sản xuất đóng gói kèm một chiếc điều khiển từ xa, một jack chuyển 3.5 sang 6.3mm và dây điện nguồn để sử dụng cùng thiết bị. Tuy nhiên đây là một trong số hai nhược điểm về mặt thiết kế của HA1. Nếu muốn sử dụng chung với các thiết bị âm nhạc có kết nối digital hay analog, thì người sử dụng sẽ phải trang bị cho mình cáp tín hiệu riêng.
Trong khi đó, nhược điểm thứ hai chính là ở chân đế của Oppo HA1. Qua sử dụng cho thấy, thiết bị tỏa khá nhiều nhiệt. Tuy nhiên nếu kê thêm 4 chân đế có độ cao khoảng từ 3 đến 5cm ở bốn chân của thiết bị, thì nhiệt năng tỏa ra sẽ giảm đi rất nhiều ở mặt trên chiếc amplifier nhờ vào việc tản nhiệt ở mặt đáy được củng cố.
Tựu chung lại, xét về mặt thiết kế bên ngoài và cảm quan, cỗ máy đến từ Oppo Digital xứng đáng nhận được điểm 9/10 với kết cấu vững chãi, chắc chắn và gần như đầy đủ những tùy chọn cho người sử dụng.
Âm thanh
Có thể tôi phải thú nhận một điều, rằng cuộc đua âm thanh số đã có tốc độ phát triển nhanh hơn hẳn so với những gì tôi từng dự kiến. Chỉ một hai năm về trước, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm rất nhiều tới những thiết bị số nhỏ gọn, tạo ra cả một thị trường thiết bị âm thanh số với chất lượng cao, những chiếc máy nghe nhạc sở hữu chip giải mã âm thanh Wolfson với khả năng chơi nhạc 24bit native xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Nhưng rồi kỷ nguyên 32 bit, cũng như DSD đã và đang bắt đầu thâm nhập vào thị trường đất nước hình chữ S. Những thiết bị cao cấp phục vụ cho cộng đồng nhạc số cũng có được những người quan tâm, thậm chí là đầu tư về phục vụ cho thú vui âm thanh của bản thân.
Trước đây, chúng tôi đã từng gửi tới các bạn độc giả bài đnáh giá chi tiết những thiết bị cho phép người dùng chơi nhạc số chuẩn DSD native như ifi Nano hay Aune S16. Oppo HA1, may mắn thay, cũng là một sản phẩm tương tự.
Sở hữu chip DAC Sabre32 ES9018, HA1 đủ sức mạnh để giải mã những file âm thanh chuẩn DSD mà không cần convert sang chuẩn PCM, đáp ứng nhu cầu khắt khe cho những người sành nhạc hay những audiophile khó tính. Tuy nhiên để làm được điều này, những người sử dụng máy tính cần có sự trợ giúp của một số phần mềm kèm theo, ở trường hợp của tôi là driver asio DSD. Nếu không có những phần mềm như thế này, HA1 vẫn sẽ chuyển đổi file DSD sang chuẩn PCM để xuất ra các kênh output.
Màn hình HA1 hiển thị khá rõ ràng chuẩn file nhạc mà nó đang giải mã, ví như PCM 192/24 hay DSD 5.6448 MHz (DSD128).
Thử nghiệm cho thấy, âm thanh mà HA1 tái tạo có sự cân bằng nhất định ở cả ba dải, từ đó đem lại chất nhạc cân bằng, chiều lòng những người khó tính đi tìm những sản phẩm thỏa mãn gu âm nhạc của họ. Sức mạnh của chip Opamp trên HA1 cũng nằm ở mức tương đối khi có thể kéo được những chiếc tai nghe khó chiều chuộng nhất như LCD2, HD800 hay K1000, dĩ nhiên là không thể sánh được với những anh tài của làng âm thanh thế giới, nhưng ngần đó vẫn đủ đem lại trải nghiệm âm thanh ở mức khá tốt cho người sử dụng. Tuy nhiên ở âm lượng cao, âm thanh không hề bị xé rách, gây ra những tiếng distort khó chịu cho người nghe.
Thử nghiệm với Audeze LCD2 và Sennheiser HD580 cho thấy DAC của HA1 có chất lượng tốt, background sạch sẽ, không tạp âm gây khó chịu trong quá trình nghe, đó là lúc kết nối HA1 với những amplifier khác thông qua output preamp để so sánh. Một điều người sử dụng cần nhớ là HA1 có khả năng kết nối với toàn bộ hệ thống giải trí gia đình, nên nếu muốn núm vặn volume của HA1 ngừng làm việc, người dùng nên lựa chọn chế độ Bypass để bỏ qua sự can thiệp của HA1 vào âm lượng các bản nhạc và để các amplifier khác hoàn thành công việc của mình.
Đối với chip Opamp của HA1, như đã nói ở trên, nó không thể trở thành thiết bị duy nhất có khả năng “cày kéo” mọi loại headphone khó chiều nhất, tuy nhiên âm thanh vẫn được đánh giá cao. Trong những bản jazz vocal, dải mid có một chút gì đó gai góc, đời thường và hết sức tự nhiên, trong khi âm trầm được phân bố mạnh vào dải mid bass. Những âm thanh contrabass, những tiếng bập bùng của bộ gõ không có độ sâu và độ dày như tôi đã kỳ vọng, tương tự với đó là dải âm cao khi những nốt nhạc piano cao vút không sắc gọn đến gai người. Nhưng ở một chừng mực nhất định, âm thanh của HA1 lại rất dễ nghe và đem lại cảm giác “laidback” cần có cho những người thưởng thức âm nhạc để thư giãn.
Cho dù mid dày và mid bass có lực, nhưng âm thanh mà HA1 tái tạo lại không hề tù túng chút nào, ngay cả khi thử nghiệm với những chiếc in ear monitor nhỏ gọn và nhạy cảm. Âm trường thoáng đãng, có độ rộng nhất định, các nhạc cụ tách bạch, dễ nghe đã giúp những bản giao hưởng hay nhạc hòa tấu có được cái chất mà người nghe mong chờ. Tuy nhiên âm trường của HA1 chỉ có độ rộng, khi độ sâu vẫn còn là thứ người nghe mong mỏi khi thưởng thức âm nhạc thông qua amplifier tích hợp của thiết bị này.
Tổng kết
Mức giá này khiến cho Oppo HA1 đứng ngang hàng với những sản phẩm cao cấp dành riêng cho cộng đồng hâm mộ âm thanh cá nhân nói chung tại Việt Nam. Có thể Oppo HA1 không phải là một lựa chọn cho tất cả mọi người chơi âm thanh, thế nhưng chất âm dễ nghe, và đặc biệt hơn cả là chất lượng build đã khiến cho HA1 trở thành một trong số những sản phẩm high end đáng mơ ước đối với nhiều người chơi âm thanh tại Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn Oppo Digital Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành bài viết này.
>>Đánh giá chi tiết Oppo PM1 & PM2 – Tai nghe siêu đắt tại Việt Nam
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng