Đánh giá phím cơ CM Storm MECH: "hàng ngon" cho game thủ
Với mức giá "mềm" hơn khá nhiều so với khi vừa ra mắt, CM Storm MECH sẽ là một lựa chọn tốt cho các bạn muốn bắt đầu trải nghiệm phím cơ, phục vụ nhu cầu chơi game (sử dụng nhiều combo trên bàn phím) cũng như đánh máy, gõ văn bản.
Cooler Master là một thương hiệu được người dùng máy tính Việt Nam ưa chuộng với rất nhiều sản phẩm, từ PSU (nguồn máy tính) chất lượng cao, vỏ case đắt tiền hay những bộ tản nhiệt vô cùng đẹp mắt. CM Storm là công ty con của Cooler Master, chuyên tập trung vào mảng thiết bị chơi game (gaming gear). Thời gian qua CM Storm đã trình làng rất nhiều phụ kiện chơi game khác nhau và dần chiếm được cảm tình của nhiều game thủ trên toàn thế giới.
CM Storm MECH
Vài hôm trước, chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc những hình ảnh đầu tiên về chiếc phím cơ CM Storm MECH có giá bán tham khảo 2.200.000 VND. MECH gây ấn tượng với thiết kế hầm hố, vóc dáng kỳ lạ với vỏ nhôm cực rắn chắc, bàn phím Full led, trang bị 5 nút macro bên cạnh việc mang lại cho người dùng cảm giác gõ phím thoải mái khi làm việc cũng như chiến game.
Tuy nhiên, để đánh giá một cách chi tiết hơn về thiết kế, tính năng và quá trình sử dụng thực tế, xin mời các bạn theo dõi bài review của chúng tôi.
THIẾT KẾ
Về thiết kế, MECH gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với vẻ ngoài cứng cáp, kích thước khổng lồ và vẻ sang trọng của lớp kim loại. Nếu như nhiều mẫu bàn phím cơ hiện tại trên thị trường Việt Nam đang sở hữu ngoại hình tương đối tiêu chuẩn, vuông thành sắc cạnh, thì MECH lại mang một phong thái hoàn toàn khác.
Phần tay cầm để giúp di chuyển MECH một cách dễ dàng, tuy nhiên khiến cho kích thước tăng lên đáng kể
Các bạn có thể thấy điểm đặc biệt đầu tiên là phần tay cầm để giúp di chuyển MECH một cách dễ dàng. Tuy nhiên thiết kế này khiến cho kích thước của Mech tăng lên đáng kể, khiến người sử dụng thấy khá vướng víu khi sử dụng cùng laptop hoặc mang ra onlan (diện tích mặt bàn ở các gaming center khá khiêm tốn và việc đặt MECH có thể chiếm diện tích sang máy bên cạnh).
Điểm cộng cho MECH là phần kê tay có diện tích lớn gắn liền với bàn phím giúp người sử dụng thoải mái hơn.
Điểm nhấn cuối cùng về mặt thiết kế của chiếc phím cơ này là tấm nhôm dày phủ lên mặt bàn phím khiến sản phẩm có cảm giác sang trọng hơn cũng như dễ dàng tháo ra để vệ sinh. Bên cạnh đó, vì chất liệu kim loại là nhôm nên bộ phận này không ảnh hưởng quá nhiều đến trọng lượng sản phẩm.
Khung nhôm của MECH có thể tháo ra khá dễ dàng vì nó được gắn với sản phẩm bởi ốc vít 5 cạnh
Ở dưới phím space và cạnh phần numpad lộ ra phần bảng mạch.
Khi sử dụng bạn cần chú ý tránh để nước đổ vào những khu vực này, có thể gây chập, hỏng bàn phím
MECH cũng được tích hợp chip âm thanh USB, giúp người dùng không phải cắm thêm dây loa, mic vào máy tính và 2 cổng USB 3.0 truyền tải dữ liệu với tốc độ cao
Số phím nhận được cùng lúc (N-Key rollover)
Theo kinh nghiệm của mình, một chiếc bàn phím nhận được 6 phím cùng lúc (6KRO) là đã đủ để chấp nhận khi sử dụng cũng như chơi game nhưng chắc chắn nhận toàn bộ các phím cùng lúc (NKRO) sẽ là tuyệt vời nhất. Bạn có thể test NKRO trên chiếc bàn phím của mình tại đây: LINK
Test thử CM Storm MECH với 8 phím WASD và move
Thật tốt là CM Storm MECH có thể nhận 64 phím một lúc với cổng USB, điểm làm nên sự khác biệt của chiếc phím cơ này so với những đối thủ khác trong cùng phân khúc. Thường thì những hãng hãng gaming gear khác chỉ đặt khoảng 10 keys roll over ở cổng USB và hỗ trợ nhiều hơn qua cổng PS/2.
Với khả năng nhận nguyên gần như cả bàn phím, bạn sẽ thoải mái thực hiện các combo và chẳng phải lo lắng tình trạng khi ấn quá vội sẽ dẫn tới tình trạng nhận không đủ phím, trong Fifa Online chẳng hạn?
Tần suất gửi tín hiệu (Polling Rate):
Polling rate là số lần bàn phím gửi tín hiệu trên một giây. Nếu bạn thấy bàn phím có polling rate là 200Hz thì có nghĩa là trong 1s, bàn phím này sẽ gửi tín hiệu đến máy tính 200 lần.
Chỉ số này trên CM Storm MECH là 1000 Hz - nghĩa là gửi đi 1000 tín hiệu trên 1s. Cá nhân mình thì cho rằng người dùng sẽ không đủ phản xạ để cảm nhận được khác biệt giữa 1/1000s và 1/200s (trừ phi bạn là siêu nhân) nên con số này không có quá nhiều ý nghĩa, tất nhiên cao thì vẫn tốt hơn.
LED
Hệ thống LED sẽ khiến chiếc phím cơ của bạn lung linh hơn, gây ấn tượng ở vẻ bên ngoài và hợp tông màu với các gaming gear khác như chuột, bàn di, headphone, case,... Với các game thủ thường xuyên cày đêm, ánh sáng LED phát xuyên qua keycap sẽ giúp họ xác định vị trí phím bấm một cách dễ dàng hơn, tránh hiện tượng gõ nhầm.
MSTORM MECH sở hữu hệ thống đèn LED full backlit
CMStorm MECH sở hữu hệ thống đèn LED full backlit (tất cả các phím), LED màu trắng với 5 độ sáng khác nhau cùng 3 chế độ chạy: sáng toàn bộ, tắt mở liên tục, sáng cụm WASD, macro và 4 phím di chuyển (phục vụ riêng các game thủ).
Chế độ LED cụm WASD và macro phục vụ các game thủ "chơi đêm"
Nhìn chung, chất lượng đèn của MECH khá tốt và đẹp, sử dụng không bị mỏi mắt. Bên cạnh đó tấm thép (plate) trắng phía bên dưới các phím sẽ giúp phản xạ đèn nền đẹp mắt hơn các loại phím khác không có plate.
Hệ thống phím Macro
Theo CMStorm, hệ thống phím macro của MECH được tối ưu hóa từ phần cứng cao cấp "ARM CBRE 32 BIT 72MHz". Bộ vi xử lý này sẽ tăng cường khả năng playback cho Macros, hoạt động mượt mà hơn và khả năng ghi chép lại cũng chính xác hơn. Chiếc phím cơ này được trang bị 5 phím macro cùng 15 profiles cho phép bạn thiết lập thoải mái.
Trải nghiệm với tựa game Dota 2, có 2 hero cần rất nhiều thao tác bấm phím khi cast skill cũng như trong combat là Invoker và Meepo, mọi chuyển trở nên đơn giản hơn sau khi mình set macro và chỉ cần ấn 1 nút duy nhất cho những combo phức tạp trước đó.
Bạn không cần nhanh tay như w33 (game thủ Dota nổi tiếng với hero Meepo)
Tuy nhiên, dãy nút macro ở bên trái cũng gây một số bất tiện khi mình mới làm quen với chiếc phím cơ này. Hầu hết người dùng có thói quen định vị bàn phím bằng cách đặt ngón út tay trái vào nút ngoài cùng (Left Ctrl) nhưng đối với MECH thì vị trí đó là nút macro M5. Tất nhiên sau một vài ngày sử dụng thì tay mình vẫn quen và thích nghi, giống như những gì đã trải nghiệm với Razer Blackwidow Chroma.
KEYCAP
Có lẽ không một người chơi phím cơ nào lại không để ý đến bộ keycap của nó. Keycap của MECH cấu tạo từ nhựa ABS (Acrylonitrile Butadiene Styrene) thay vì PBT (Polybutylene Terephthalate). Có nhiều ý kiến cho rằng keycap ABS dễ bị ố vàng và mờ chữ hơn so với PBT trong quá trình sử dụng.
Keycap của MECH cấu tạo từ nhựa ABS thay vì PBT (nhựa PBT dày, cứng và chống nhiệt tốt hơn)
Tuy nhiên bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách vệ sinh bàn phím thường xuyên, nhất là trong môi trường ẩm ướt nhiều khói bụi như Việt Nam. Keycap của CM Storm Mech cũng được phủ một lớp UV khá dày và cao so với các một số phím cơ khác trên thị trường.
Key puller đi kèm MECH. Đầu tiên bạn đặt phần kẹp của puller lên keycap như hình
Ấn nhẹ nhàng để phần kẹp bám vào 2 bên của phím
Nhẹ nhàng rút ra
Khi mới chơi phím cơ thì việc bỏ ra một số tiền vài trăm nghìn cho tới hơn 1 triệu để thay đổi keycap có thể chưa cần thiết. Tuy nhiên khi bạn đã thực sự đam mê mechkey thì khoản tiền đầu tiên mà bạn nên đầu tư là dành cho set keycap PBT - dày hơn, cứng hơn, chống nhiệt và hóa chất tốt hơn ABS. Thực tế chất lượng của keycap sẽ làm thay đổi đáng kể cảm giác khi bạn gõ phím. Một set PBT bình dân 34 hoặc 37 phím có thể mua với giá khoảng 500.000 VND hoặc rẻ hơn cho hàng second hand.
Cảm giác gõ & độ ồn
Để nói về switch thì đơn giản chỉ có 2 loại switch phổ biết nhất hiện nay của 2 hãng Kailh và Cherry, các bạn có thể thấy số lượng sử dụng Cherry áp đảo hoàn toàn với Kailh vì độ bền của switch cũng như sử dụng có phần thích hơn. Switch của CM Storm Mech có 3 loại : Brown, Red và Green.
Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo của các loại switch cũng như nhu cầu sử dụng, chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin cơ bản:
Cherry MX Blue switch
Có tiếng click, có khấc. Lực nhấn : 50g
Thường được xem là loại switch có cảm giác nhấn tốt nhất, rất hợp với khi gõ văn bản. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là có thể gây ồn cho người xung quanh và rất nhạy cảm với bụi bẩn. Dẫu sao bạn cũng không nên quá lo lắng, blue switch nếu sử dụng giữ gìn, vệ sinh thường xuyên thì đây là loại switch dùng rất sướng tay
Cherry MX Brown switch
Không tiếng click, có khấc. Lực nhấn : 45g
Cảm giác nhấn khá giống Blue Switch nhưng không có tiếng click, nhưng cũng vì thế mà cảm giác phản hồi của Brown không thực sự rõ ràng như trên Blue. Thích hợp với hầu hết mọi nhu cầu sử dụng: gõ văn bản, chơi game,... Về lâu dài thì brown switch rất ổn định, do tính cân bằng và đa năng của nó.
Cherry MX Red switch
Không tiếng click, không khấc. Lực nhấn : 45g
Là loại switch nhẹ nhất trong tất cả các loại switch, thích hợp với các loại game cần tốc độ nhanh, tap nhiều phím liên tục. Cảm nhận ban đầu khi mới dùng red switch là trơn tuột và nhẹ vì bạn sẽ không nhận ra được khi nào đã ấn nút. Tuy nhiên, chơi phím cơ là cả một quãng thời gian dài trải nghiệm và 10 ngón tay của bạn sẽ dần thích nghi với lực nhấn cũng như hành trình của phím.
Khi đã quen tay thì lợi thế gõ êm của red sẽ bắt đầu gây nghiện cho bạn với kỹ năng gõ lướt, không chạm đáy (non bottom out), mang lại cái cảm giác mà dân chơi phím cơ vẫn gọi là "Typing on a cloud of boobs".
Cherry MX Black switch
Cấu tạo tương tự với red switch nhưng nặng hơn. Là loại switch nặng nhất và hoạt động rất êm ái. Thích hợp cho game thủ cảm thấy red switch quá nhẹ.
Quay lại với CMStorm MECH, khi mình trải nghiệm với các tựa game Esport hiện nay như Dota 2, League of legends, Fifa Online hay một số game thực hiện các combo như DMC4, Assasin Creed,... thì chiếc phím cơ này mang lại một hiệu suất tuyệt vời. Điểm khác biệt giữa brown và red, black là khi mình gõ vẫn có khấc (tacticle), đủ để biết đã nhấn phím hay chưa mà lại không gây ồn ào cho người xung quanh. Bên cạnh đó, MECH cũng khá phù hợp cho nhu cầu đánh máy, gõ văn bản thường xuyên.
Brown switch thích hợp với hầu hết mọi nhu cầu sử dụng: gõ văn bản, chơi game,...
Mình có thực hiện so sánh độ ồn của CMStorm MECH so với 2 chiếc phím cơ khác, 1 cũng của CM Storm: NovaTouch - phát ra rất ít tiếng ồn và Razer BlackWidow Chroma sử dụng green switch. Tất nhiên clip này chỉ mang tính tham khảo và các bạn có thể theo dõi ở 2 clip sau:
CMStorm MECH vs CMStorm NovaTouch
CMStorm MECH vs Razer BlackWidow Chroma
TỔNG KẾT
Ưu điểm:
- Thiết kế rất đẹp, cứng cáp, chắc chắn.
- Cảm giác gõ tốt, không gây ồn ào.
- Phần kê tay đi kèm.
- Hệ thống đèn LED hợp lý, dãy phím Macro hỗ trợ chơi game.
- Tích hợp chip âm thanh USB, giúp người dùng không phải cắm thêm dây loa và mic vào máy tính.
- Dùng tới 5 cổng xuất tín hiệu nhưng chỉ cần 1 cáp USB 3.0.
Nhược điểm:
- Kích thước khổng lồ, không phù hợp để mang đi offline hay onlan.
- Dùng kết nối USB 3.0 Type B, nếu mất dây sẽ rắc rối hơn dây mini USB hoặc USB type A thường được dùng ở các mech key khác.
- Đệm tay không tháo rời được.
Với mức giá "mềm" hơn khá nhiều so với khi vừa ra mắt, CM Storm MECH sẽ là một lựa chọn tốt cho các bạn muốn bắt đầu trải nghiệm phím cơ, phục vụ nhu cầu chơi game (sử dụng nhiều combo trên bàn phím) cũng như đánh máy, gõ văn bản.
Xin cảm ơn Hà Nội Computer đã hỗ trợ sản phẩm cho chúng tôi trong quá trình thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng