Đánh giá sâu Nvidia GTX 1080: Trái ngon nhưng chưa đủ chín
Mạnh hơn 28% so với GTX 980 Ti trên màn hình 2K - đây là một kết quả quá đỗi ấn tượng, đặc biệt khi GTX 1080 chưa phải flagship của series 1000. Tuy vậy nhiều khả năng GTX 1080 sẽ không thoát khỏi cái dớp của GTX 980.
Đến hẹn lại lên, mùa hè là thời điểm Nvidia tung ra các flagship mới. Đầu tháng 6, chúng ta đã chứng kiến sự ra mắt của GTX 1080 - card đồ họa được cho là mạnh thứ 3 trong series GTX 1000, chỉ sau GTX 1080 Ti và GTX Titan. Đặc biệt, giới công nghệ lại càng sục sôi khi những thông tin ban đầu cho thấy GTX 1080 mạnh gần bằng GTX 980 Ti SLI. Thực hư thế nào, hiệu năng thực sự chiếc card tới đâu,
Nvidia GTX 1080
Dù có nhiều hạn chế về nhiệt độ hoạt động cũng như tiếng ồn, bản reference do Nvidia thiết kế bao giờ cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm nhờ thiết kế kinh điển không bao giờ chán mắt. Bên cạnh đó, chúng cũng dễ dàng độ tản nước hơn hẳn các bản custom nên các dân chơi PC cực kỳ ưa chuộng.
GTX 1080 cũng giữ vững được truyền thống này. Dù chỉ sử dụng tản nhiệt lồng sóc từ đời cổ lai hy, chiếc card trông vẫn cực kỳ hấp dẫn nhờ các đường nét gọn gàng mà tinh tế.
Tiết kiệm điện năng là một trong những điểm ưu việt của series 1000. GTX 1080 chỉ yêu cầu 1 nguồn phụ 8 pin, ít hơn “khủng long” các đời trước 1 nguồn 6 pin, đồng nghĩa điện năng tiêu thụ thấp hơn ít nhất 75W.
Chiếc card có 3 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI và 1 cổng DVI, hỗ trợ màn hình độ phân giải 4K.
Với thế hệ GTX 10 trên nền Pascal mới nhất này, sẽ có khá nhiều hạn chế liên quan tới việc chạy nhiều VGA cùng lúc. Cụ thể, phương thức SLI mới sẽ gây khó dễ cho những ai muốn lắp 3 - 4 chiếc GTX 1080 vào máy mình. Hiện tại, sẽ chỉ có 1 số nhỏ các trò chơi và ứng dụng hỗ trợ SLI 3 & 4-way thông qua cầu HB SLI.
GPU GP104 được sản xuất trên tiến trình 16 nm, nhờ vậy điện năng tiêu thụ giảm đi rất nhiều, cũng như kích thước GPU được thu hẹp gần 1 nửa. GTX 1080 là card đồ họa đầu tiên sử dụng công nghệ bộ nhớ GDDR5X, cho băng thông cao gấp đôi so với GDDR5 truyền thống. Tuy nhiên bề rộng nhớ của GPU bị cắt chỉ còn 256 bit (so với 384 bit của GTX 980 Ti). Vì vậy băng thông của GTX 1080 thậm chí còn thấp hơn người tiền nhiệm một chút, khiến chúng ta không thể không nghĩ đến tình huống nghẽn băng thông.
Asus GTX 1080 Strix
Khác với các năm trước, chỉ ít ngày sau khi Nvidia chính thức bán ra GTX 1080, các đối tác của hãng như Asus, Gigabyte, MSI… ngay lập tức giới thiệu các bản custom độ tản nhiệt của riêng họ. Trong số đó, Asus là hãng đầu tiên tại Việt Nam đưa ra phiên bản độ, có tên là Strix.
GTX 1080 Strix được làm lại hoàn toàn tản nhiệt, trang bị tới 3 quạt nhằm khắc phục hoàn toàn nhược điểm nhiệt độ của phiên bản Nvidia reference.
Asus rất táo bạo khi thiết kế chiều dày tản nhiệt chỉ chiếm 2 slot PCI, trong khi nhiệt lượng và GPU GP104 tỏa ra là không hề nhỏ.
Mặt lưng card được gắn tấm back-plate rất đẹp, vừa đỡ bo mạch chống cong, vừa tản nhiệt cho các linh kiện ở mặt sau, lại vừa tăng độ ngầu cho sản phẩm.
Phiên bản custom này của Asus có thêm một chân 6 pin, nhằm cung cấp nhiều điện năng hơn để ép xung ổn định.
GTX 1080 Strix được ép xung sẵn cao hơn 11% so với bản chuẩn của Nvidia. Tuy nhiên xung nhớ vẫn giữ nguyên như mặc định.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z170 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-6600K @4,6 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 8 GB Avexir Core Series DDR4 2666 MHz
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 650W
Xin cám ơn ASRock Việt Nam và Công ty Máy tính Vĩnh Xuân đã tài trợ bo mạch chủ ASRock Z170 Extreme4 cho cấu hình thử nghiệm của chúng tôi.
Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã tài trợ kit nhớ Avexir Core Series DDR4 2666 MHz cho testbench của chúng tôi.
Kết quả thử nghiệm
Tổng kết hiệu năng:
Trong bài test nhanh ở độ phân giải Full HD, hiệu năng trung bình của GTX 1080 chỉ hơn GTX 980 Ti khoảng 15%. Tiến lên độ phân giải 1440p (điểm ảnh nhiều hơn 2,5 lần), con số này tăng lên 28% - nghĩa là gần gấp đôi. Điều này chứng tỏ hiện tượng nghẽn cổ chai đã xảy ra ở độ phân giải Full HD, dù rằng cấu hình test của chúng tôi chạy Core i5-6600K ép xung 4,6 GHz. GTX 1080 sinh ra không dành cho các màn hình dưới 27 inch.
Bên cạnh đó, nhìn vào điểm số của chiếc Asus Strix dù ép xung 11% nhưng sức mạnh chỉ tăng thêm 4%. Có vẻ như xung nhân đối với GTX 1080 không mang nhiều ý nghĩa. Tôi sẽ thử ép xung bộ nhớ ngay bây giờ.
Ép xung bộ nhớ
Vì chỉ được cầm card 1 ngày, không có nhiều thời gian mà vọc vạch nên tạm thời tôi chỉ đưa xung nhớ lên 1400 MHz (tăng 19%). Và đây là kết quả của 3 phần mềm 3Dmark:
Rõ ràng điểm số tăng không nhiều, vì thế ép xung GTX 1080 không phải là một nội dung hấp dẫn cho lắm.
Kết luận
Mạnh hơn 28% so với GTX 980 Ti trên màn hình 2K - đây là một kết quả quá đỗi ấn tượng, đặc biệt khi GTX 1080 chưa phải flagship của series 1000. Hiệu năng của GTX 1080 Ti và GTX Titan thực sự rất đáng mong đợi.
Tuy nhiên, vốn xung nhịp đã quá cao, gần như vắt kiệt năng lực của GPU nên khía cạnh ép xung của GTX 1080 gần như không hấp dẫn. Bên cạnh đó, các card “đuôi 80 không Ti” của Nvidia thường chịu số phận hẩm hiu làm nền cho 2 sản phẩm chặn trên, chặn dưới là “đuôi 80 có Ti” và “đuôi 70”. Có thể nhìn thấy ngay ví dụ nhãn tiền ở series 900, doanh số của GTX 980 rất kém so với 970 và 980 Ti.
GTX 1080 là phát súng mở màn ấn tượng cho series GTX 1000 - thế hệ mà chúng ta đang kỳ vọng mang bước nhảy vọt về hiệu năng bên cạnh điện năng tiêu thụ thấp. So sánh về giá bán hiện tại, GTX 1080 đắt hơn GTX 980 Ti khoảng 18% và mạnh hơn 28% (bản reference) - nghĩa là p/p cũng tương đối ổn, nhưng còn kém rất xa những gì Nvidia nói với chúng ta trước đây.
Ưu:
- Mạnh hơn flagship thế hệ trước gần 30%.
- Điện năng tiêu thụ thấp hơn.
Nhược:
- Hạn chế khi chạy SLI 3 -4 chiếc GTX 1080 cùng lúc
- Ép xung hiệu năng không tăng mấy.
- Không mạnh như Nvidia quảng cáo ban đầu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng