(GenK.vn) - Dù rất khó, thậm chí còn khó hơn Flappy Bird nhưng game mới của Hà Đông lại thiếu đi yếu tố gây ức chế mà chỉ tạo cảm giác tuyệt vọng cho người chơi
Một trong những hiện tượng Internet lớn nhất những năm qua của người Việt là cú cất cánh đầy ngoạn mục của Flappy Bird. Khởi điểm là 1 trò chơi với game play không thể đơn giản hơn, Flappy Bird leo lên ngôi vua mobile game bằng những cú rơi "như đập mẹt" của chú chim môi dày.
Thành công rực rỡ mà không tiêu tốn 1 đồng nào cho marketing (ít nhất là trong thời gian đầu), Flappy Bird trở thành tiêu điểm của làng game mobile trong suốt hơn 1 năm qua, khơi mào cho 1 phong cách làm game mới: game...chọc tức người chơi. Rất nhiều tựa game muốn sao chép công thức thành công của Flappy Bird bằng cách kết hợp game play đơn giản nhưng khó ghi điểm, dễ chết liên tục. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chưa có 1 game nào thành công trong việc nối gót Flappy Bird.
Lối chơi chọc tức của Flappy Bird từng đem đến thành công rực rỡ cho tựa game này và châm ngòi cho cả 1 thể loại game mới: Game gây ức chế.
Sau khi đưa Flappy Birds Family trở lại trên Fire TV hồi đầu tháng, Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của chú chim ngu lại một lần nữa tái xuất giang hồ với sản phẩm mới nhất: Swing Copters. Vẫn là đồ hoạ mang phong cách game 8bit với lối chơi đơn giản, điều khiển thông qua duy nhất 1 thao tác chạm màn hình và độ khó cực cao, liệu thể nghiệm Swing Copters của chính Hà Đông có lặp lại vinh quang xưa cũ của người tiền nhiệm vắn số? Câu trả lời sẽ đến trong bài review dưới đây.
Game play: Đơn sơ nhưng không đơn giản
Nếu có một lần vào các Casino lớn của nước ngoài các bạn sẽ thấy có một bàn chơi lúc nào cũng đông nghịt người: Các máy đánh bạc tự động (slot machine). Được mệnh danh là "những tên cướp 1 tay" do người chơi kéo 1 chiếc cần ở cạnh máy để khởi động vòng quay và khả năng lột sạch người chơi đến đồng lẻ cuối cùng. Luật chơi rất đơn giản: trong 3-5 ô cửa sổ trên máy, nếu người chơi quay được 2 hình giống nhau ở cạnh nhau sẽ nhận được 1 phần thưởng với giải thưởng tăng dần tới 1 triệu đô nếu có được tất cả các ô hiển thị số 7. Cách chơi đơn giản, số tiền đặt cược cực nhỏ (thường là đồng xu 1$) với khả năng trúng giải tới 1 triệu USD, máy đánh bạc mang lại tới 70% lợi nhuận cho các casino ở Mỹ.
Bí mật khiến "những tên cướp 1 tay" có thể trói người chơi hàng giờ và tiêu đến đồng xu cuối cùng là cảm giác "suýt trúng". Các máy đánh bạc tự động tiêu chuẩn với 3 vòng quay và 256 mặt số đều được thiết kế để tỉ lệ hiển thị 2 số 7 hoặc có 3 số 7 ngấp nghé trong khung hình (không trúng thưởng) rất cao (khoảng 1/256) trong khi tỉ lệ hiển thị 3 số 7 cùng lúc (giải thưởng cao nhất) chỉ là 1/17 triệu. Rất nhiều người chơi biết điều này, nhưng rồi từng người 1 vẫn tình nguyện để casino lột sạch túi tiền của mình bởi cảm giác "gần trúng" khiến họ tiếc rẻ và muốn thử lại lần nữa.
Điều làm nên thành công cho "độc thủ tướng cướp" cũng chính là công thức làm nên thành công của Flappy Bird. Nhiều người cho rằng độ khó cao chính là điều thôi thúc người chơi replay, nhưng sự thực là cảm giác "suýt thêm 1 điểm" mỗi lần chú chim môi dày lao đầu vào ống nước, chỉ cần "nhanh tay, đúng thời điểm hơn 1 tí" chính là thứ khiến người chơi muốn bấm replay liên tục bất chấp bao nhiêu lần chim ngu lăn ra chết.
Cơ chế điều khiển của Swing Copters khó hiểu đến mức người viết cảm thấy cần tutorial trước khi vào game thay vì 1 hình minh hoạ rất mơ hồ như thế này.
Rất tiếc ở khía cạnh này, Swing Copters đã không thành công trong việc tạo ra cảm giác "suýt trúng" của Flappy Bird. Thoạt nhìn, game play của Swing Copter khá đơn giản: chỉ bấm liên tục hoặc bấm giữ để điều khiển chú chim bay theo ý muốn, tránh các chướng ngại vật. Tuy nhiên nếu như Flappy Bird chỉ có 2 xu hướng chuyển động tiến ngang và rơi xuống theo trọng lực rất dễ liên tưởng và tính toán thì con sâu đeo chong chóng tre của Swing Copters có đường bay không quy luật, khó đoán định và khó điều khiển hơn rất nhiều. Ngay khi cất cánh, chú sâu đã bay theo về trái hoặc phải 1 cách "random" không theo quy luật lại càng làm game khó nhằn hơn. Cái khó của Swing Copters giống như việc điều khiển 1 chiếc xe mất lái, người chơi dễ cảm thấy tuyệt vọng và xếp xó game thay vì bực bội muốn thử lại như Flappy Bird.
Bên cạnh đó cơ chế điều khiển của Swing Copters cũng rất khó nắm bắt. Đối với Flappy Bird, đường bay tuyến tính, cách thao tác chỉ "1 chạm", độ mạnh nhẹ của cú đập cánh không phụ thuộc thời gian thao tác trên màn hình khiến game hầu như không cần hướng dẫn mà cả trẻ con cũng có thể nắm bắt được cách điều khiển ngay 1,2 lần chơi đầu. Còn ở Swing Copters người viết phải mất 1 vài lần chơi mới lờ mờ hiểu ra độ "bẻ lái" phụ thuộc vào tần suất và thời gian chạm tay. Ở Flappy Bird người chơi có thể giữ nhịp cho chú chim môi dày và có tần suất thao tác khá ít, ngay cả người chơi không quá khéo tay cũng có thể ghi được 1 vài điểm nếu biết giữ nhịp tốt, Swing Copters đòi hỏi tần suất thao tác cực nhanh và khéo, ngay cả 1 vài gamer chuyên nghiệp được người viết mời thử qua Swing Copters cũng nhận xét game đòi hỏi tay nhanh và khéo hơn cả những game console đối kháng phức tạp như Tekken.
Đặt cạnh Flappy Bird, Swing Copter nhìn như World of Warcraft.
Lối chơi và cách điều khiển "đơn sơ mà không đơn giản" cùng đòi hỏi khắt khe về phản xạ ngón tay khiến Swing Copters kén người chơi hơn, khó thu hút cộng đồng lớn trải ở nhiều độ tuổi, đối tượng, cả nam lẫn nữ như Flappy Bird.
Đồ hoạ và hệ thống phần thưởng
Vẫn sở hữu lối đồ hoạ theo phong cách 8bit, với màu sắc tươi tắn và hình ảnh ngộ nghĩnh, nhân vật chính của Swing Copters trông hao hao những con sâu trong trò chơi bắn đạn đối kháng Worm từng rất nổi tiếng tại Việt Nam cách đây vài năm trong khi cánh quạt gắn trên đầu của chú sâu này lại dễ làm ta liên tưởng tới... chong chóng tre của Doraemon. Không có 1 hình ảnh "thuần Việt" nào trong game nhưng tất cả đều rất gợi mở và gần gũi với người chơi Việt.
Thu thập đủ 4 huy chương sẽ mở khoá nhân vật ẩn, 1 nét mới của Swing Copters so với Flappy Bird.
Một bổ sung đáng giá của Swing Copters là việc game có thêm cơ chế phần thưởng khi người chơi đạt điểm cao để unlock hệ thống nhân vật ẩn. Nếu so sánh với game tiền nhiệm thì đây là 1 bổ sung cực kỳ giá trị vì nó kích thích tính tò mò của người chơi thay vì chỉ là những huy chương "vô bổ" khi đạt điểm cao. Rất tiếc là do người viết chơi suốt 2 ngày vẫn không đột phá cảnh giới 1 điểm nên chưa có điều kiện trải nghiệm thêm tính năng này của game.
Kết luận
Mặc dù có hình thức tương tự nhưng thực tế game play và các tính năng bonus của Swing Copters phức tạp hơn Flappy Bird rất nhiều. Độ khó cao hơn nhưng cũng dễ khiến người chơi tuyệt vọng hơn có lẽ sẽ khiến Swing Copters khó lòng giành được số lượng người chơi lớn như người anh em của mình.
Ở thời điểm bài viết này được chấp bút, đã có hơn 50 ngàn lượt tải của Swing Copters trên Google Play Store chỉ sau 2 ngày ra mắt. Rõ ràng Flappy Bird là 1 bệ phóng tuyệt vời cho thương hiệu dot GEAR của Hà Đông, nhưng nói một cách công tâm thì Swing Copters chưa đạt được đẳng cấp của người tiền nhiệm.
Hiện tại đã có thể tải về Swing Copters bản cho Android và iOS.
>> Cha đẻ Flappy Bird chính thức ra Swing Copters trên Android và iOS
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng