Đánh giá tai nghe Edifier Stax Spirit S3: Đem huyền thoại trở lại?
Edifier Stax Spirit S3 là cặp tai nghe muốn đem trở lại kiểu âm thanh “audiophile” của các sản phẩm có dây truyền thống, đây có phải là nhiệm vụ khả thi?
Đôi dòng lịch sử
Stax - một cái tên không phải là ai cũng biết nhưng một khi đã hỏi những người chơi âm thanh thì chắc chắn là sẽ “nhẵn mặt”. Họ nhẵn mặt không phải vì sản phẩm của hãng này được nhiều người sử dụng, hoàn toàn ngược lại!
Những cặp tai nghe của Stax có giá bán khá cao, ít thì chục triệu, đắt thì chạm ngưỡng 105 triệu đồng như sản phẩm flagship của hãng là cặp SR-009S. Hãng này dường như đã trở thành “huyền thoại”, với lịch sử phát triển lâu đời (từ 1938) cùng bộ sưu tập toàn các sản phẩm cao cấp mà ai cũng muốn 1 lần trải nghiệm.
Thị trường thay đổi, những ai muốn sự tiện dụng thì đã chuyển qua tai nghe In-ear dạng không dây, còn ai có điều kiện hơn và muốn có chất âm tốt nhất thì dần chuyển qua chơi loa. Các hãng âm thanh thay đổi bản thân kịp thời như Sennheiser, Sony thì có sức trụ lại, còn những cái tên chậm trễ trong việc thích ứng thì biến mất hoặc bị mua lại.
Vào 2012, Stax được một hãng âm thanh khác là Edifier mua lại. Mặc dù vẫn tiếp tục ra mắt các sản phẩm có dây truyền thống, sớm muộn gì Stax dưới sự dẫn dắt của Edifier cũng sẽ thử nghiệm với thị trường tai nghe không dây.
Thương hiệu Stax trở lại ở thế giới hiện đại
Tua nhanh đến 10 năm sau thì điều này đã trở thành hiện thực với cặp Edifier S3. Mặc dù được ra mắt dưới thương hiệu Edifier (thường sản xuất những cặp tai nghe tầm thấp và trung), S3 là một sản phẩm ở phân khúc cận cao cấp hướng tới chất lượng âm thanh cao, và có biệt danh “Stax Spirit” - mang linh hồn của Stax.
Ở vỏ hộp, hãng quảng cáo các công nghệ truyền dẫn bao gồm Hi-res và Snapdragon Sound. Chuẩn Snapdragon Sound cho phép truyền nhạc 24-bit 96kHz qua sóng Bluetooth nhờ CODEC aptX HD.
Dòng chữ “Stax Spirit” được hãng sử dụng làm hình họa trang trí cho hộp luôn!
Mở hộp sản phẩm, ta thấy hộp đựng khóa kéo được làm bằng nhựa cứng và 2 túi vải.
Túi vải đựng 2 tấm đệm tai thay thế. Loại đệm tai này gọi là “Ice Feeling” làm bằng dải thoáng khí hơn đệm bằng da, dùng cho các mùa nóng để thoát mồ hôi.
Bộ phụ kiện trong hộp gồm có dây sạc Type-C, dây nghe nhạc 3.5mm, đầu chuyển 6.3mm và một miếng nhựa để tháo đệm tai, thay thế bằng loại “Ice Feeling” như đã đề cập ở trên.
Thiết kế bên ngoài của cặp tai nghe có thể được miêu tả bằng một từ duy nhất là “nghiêm túc”. Toàn thân tai được làm bằng nhựa màu đen nhám, với phần mặt ngoài của cup tai có họa tiết các-bon đan chéo và logo dành riêng cho dòng Stax Spirit màu vàng.
Phần gọng có thể được gập lại để giúp ta cất gọn tai nghe vào trong hộp khóa kéo.
Phần đệm tai được làm dày cộng với khoang bên trong tai cũng khá sâu nên đeo lên tai của ta không chạm vào các thành phần ở bên trong.
Ở cup bên phải là 3 nút bấm điều khiển gồm nút nguồn kiêm nhận cuộc gọi, chơi / dừng nhạc và 2 nút chỉnh âm lượng và chuyển bài hát khi nhấn giữ; cùng với đó là cổng cắm 3.5mm.
Cạnh phải có cổng sạc Type-C. Trong một lần sạc đầy Edifier S3 dùng được trong 80 tiếng, cùng với đó là sạc nhanh 10 phút để tiếp tục sử dụng trong 11 tiếng. Edifier vẫn nổi tiếng với các sản phẩm có thời lượng sử dụng rất lâu, Edifier S3 có nhiều công nghệ truyền dẫn mới nhưng vẫn có tác động tiêu cực gì.
Tuy vậy, một trong những lý do để tai nghe có thời lượng sử dụng lâu như vậy là vì không phải “gánh” tính năng hiện đại nhưng rất tốn năng lượng là chống ồn chủ động ANC. Tai nghe sẽ phụ thuộc toàn bộ vào khả năng chống ồn thụ động của đệm tai, chứ không sử dụng phần mềm để triệt tiêu tạp âm như các sản phẩm như Sony WH-1000XM5 hay Apple AirPods Max được.
Chất âm xứng đáng với tên tuổi?
Trước khi nói về âm thanh, ta sẽ tải phần mềm điều khiển tai nghe trên smartphone dành cho Edifier S3 có tên là Edifier Connect. Không có nhiều tính năng phụ trợ nên đa phần những thứ ta có thể chỉnh được trên phần mềm dành cho Edifier S3 bao gồm các tùy chỉnh về âm thanh: chỉnh âm tùy thuộc vào loại đệm sử dụng, giữa 3 chế độ nhạc là “Classic”, “Hi-fi” và “Stax”, chế độ chơi game để giảm độ trễ và chỉnh công dụng của các nút bấm vật lý.
Ta có thể đặt một thanh điều khiển nhanh trên bảng công cụ hay widget bên ngoài màn hình chính để điều chỉnh chức năng hay truy cập nhất cũng như liên tục cập nhật thời lượng pin để chủ động đi sạc khi sắp hết.
Điểm khiến các sản phẩm đến từ Stax trở nên đắt đỏ nằm ở việc những cặp tai nghe của hãng này sử dụng màng loa tĩnh điện (Electrostatic) với tốc độ phản hồi nhanh hơn so với loại Dynamic thông dụng, nhờ đó tái tạo âm thanh một cách chính xác hơn. Nhưng loại màng loa này đòi hỏi phải có điện áp lớn, kéo theo là phải dùng các bộ Amp chuyên dụng nên không phù hợp với tai nghe không dây.
Edifier vì vậy mà chuyển tới một loại màng loa cao cấp khác cũng đang thịnh hàng hiện nay là màng từ phẳng - Planar. Hãng quảng cáo là loại được sử dụng bên trong S3 là loại hoàn toàn mới có tên là EqualMass được phát triển cùng với hãng nổi tiếng với màng từ phẳng là Audeze.
Nói hơi nhiều về công nghệ, nhưng cuối cùng thì cặp tai nghe này nghe như thế nào? Edifier S3 được tinh chỉnh âm theo một hướng “truyền thống”, giống với những cặp tai nghe có dây trước đây thường theo đuổi - tức tạo một nền âm sạch, mỗi dải âm không lấn vào nhau và chú trọng nhiều vào tính chân thực và độ chi tiết hơn là sự sôi động.
Nếu như đang nghe các cặp tai nghe V-shape, bass-head như Sony WH-1000XM4, WH-1000XM5 thì bạn sẽ cảm thấy chất âm của cặp tai nghe này hơi “lạ”, vì phần trầm của Edifier S3 không có nhiều về lượng. Thay vào đó, dải âm này tạo được bộ bật và tốc độ phản hồi rất nhanh - một ưu điểm đặc trưng của loại màng loa từ phẳng có trong cặp tai nghe này.
Kiểu âm trầm này chắc chắn sẽ không giúp Edifier S3 nổi bật hơn các cặp tai nghe khác ở thể loại nhạc “xập xình” như Dance, Trap, Hip-Hop, nhưng sẽ là thế mạnh ở các bài nhạc có trống “thật” như Let’s Start From Here của Joanna Wang. Các nhịp trống được chơi đúng vị trí, tạo độ bật tốt và ngắt đúng lúc để nhường “đất diễn” cho thành phần quan trọng hơn là giọng ca sĩ.
Thứ mà Edifier muốn hướng sự chú ý của người nghe hơn là dải trung và cao. Giọng ca sĩ qua cách thể hiện của Edifier S3 mang hơi hướng tự nhiên, không thêm độ dày hay màu mè. Giống với âm trầm, kiểu chỉnh âm trung này sẽ không thể gây ấn tượng được ngay từ lần đầu nghe, cần có một chút thời gian chiêm nghiệm để thấy được cái hay của nó: chân thực, độ chi tiết cao.
Đoạn trung cao (high-mid) và dải âm cao (treble) cũng được đẩy cao lên một chút so với thông thường, cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng. Về ưu điểm, đoạn âm này chứa nhiều nhạc cụ dây như violin, guitar nên chúng được thể hiện một cách nổi bật, những bài nhạc như Carousel của Ottmar Liebert chơi qua Edifier S3 thực sự ấn tượng. Ngược lại tai nghe có thể gặp hiện tượng chói (sibilance) nhẹ đối với 1 số bài hát, tất nhiên chưa đến mức khó chịu nhưng cũng là một thứ đáng để tâm.
Điểm tôi cảm thấy ấn tượng nhất với Edifier S3 không nhằm ở từng dải âm mà là cách cặp tai nghe này thể hiện âm trường và sắp đặt các thành phần của bài nhạc. Nhờ có âm trường rộng rãi (với một cặp tai nghe dạng đóng) và nền âm sạch sẽ nên S3 dành được những không gian riêng cho trống, các nhạc cụ, giọng ca sĩ để chúng không chồng chéo với nhau, tạo sự rõ ràng.
Nói riêng về các chế độ âm thanh có thể được điều chỉnh trên smartphone của Edifier S3, chế độ được chọn mặc định là “Hi-fi” và theo tôi cũng là chế độ tối ưu nhất. “Classic” đưa chất âm gần với người nghe hơn để tạo độ gần gũi, cũng vì vậy mà làm giảm độ rộng của âm thanh (âm trường) đi.
Chế độ “Stax” được làm ra để giả lập kiểu âm của những cặp tai nghe của hãng âm thanh Nhật Bản, có phần hơi mỏng và có âm trường thiên về chiều dọc hơn là chiều ngang. Kiểu âm này cũng đáng để thử, nhưng vẫn không tối ưu được bằng “Hi-fi”.
Chất âm truyền thống còn chỗ đứng trong thời điểm hiện nay?
Có lẽ nói tóm gọn và dễ hiểu, Edifier Stax Spirit S3 là một cặp tai nghe được chỉnh âm theo hướng “truyền thống” bên cạnh các tính năng hiện đại như Bluetooth, aptX HD, Hi-res. Kiểu âm thanh này đi ngược lại với xu hướng chung của hiện nay là V-shape, nhiều âm trầm để nhạc trở nên “xập xình” hơn của Sennheiser, Sony, Apple và Samsung, thứ mà mọi người vẫn gọi là “chất âm thị trường”.
Tôi vẫn tin rằng thị trường vẫn có chỗ đứng cho những cặp tai nghe như Edifier S3, khi không hề thiếu các bạn đi tìm một chất âm cân bằng, sạch sẽ nhưng đã quá “chán ngán” với việc phải set-up Amp/DAC lằng nhằng. Mức giá 9 triệu đồng là không phải rẻ, nhưng cũng không hề cao cho khả năng tái tạo âm thanh mà nó đem lại.
Khuyết điểm của Edifier Stax Spirit S3 chắc chắn vẫn là việc nó không có chống ồn chủ động, vẫn là một thế mạnh của nhà sản xuất công nghệ lớn so với một hãng âm thanh như Edifier. Đây sẽ là cặp tai nghe dùng để thưởng thức nhạc một chỗ hơn là dành cho các bạn thường xuyên phải “dịch chuyển”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng