Đánh giá trình duyệt "made in Vietnam" của coder 15 tuổi: hơi chậm, còn nhiều lỗi nhưng rất đáng khích lệ
KT Browser là thành quả của Nguyễn Anh Khoa, một học sinh 15 tuổi tại Kon Tum phát triển.
Trong 2 bài viết mới đây, chúng tôi đã đề cập tới vụ việc trang web của trình duyệt KT Browser bị đánh sập bằng Ddos, vốn là sản phẩm của Nguyễn Anh Khoa, một học sinh lớp 10 đang theo học tại Kon Tum.
Cụ thể, khi truy cập vào địa chỉ kt-browser.com do Nguyễn Anh Khoa tạo ra, người dùng chỉ nhận được thông báo: "Trang web tại http://www.kt-browser.com/ có thể tạm thời không hoạt động hay được chuyển vĩnh viễn sang địa chỉ web mới".
Em Nguyễn Anh Khoa, 15 tuổi, tác giả của trình duyệt KT Browser.
Chấp nhận khó khăn, Khoa tiếp tục đưa lên một trang web mới, sử dụng tên miền khác và máy chủ tốt hơn.
Về phía sản phẩm của Nguyễn Anh Khoa, KT Browser, một trình duyệt web thu hút được khá nhiều sự chú ý, với giao diện hiện đại mang phong cách Material, các tính năng như trợ lý ảo, tự động chặn quảng cáo, mạng ảo VPN miễn phí ...
Chúng tôi đã tiến hành dùng thử sản phẩm này và quyết định thực hiện một bài đánh giá nhanh trình duyệt "made in Vietnam" vô cùng "non trẻ" này.
Đầu tiên, bạn có thể tải về KT Browser cho máy tính theo đường dẫn sau: TẢI VỀ
Một vấn đề bạn cần lưu ý ngay khi mới tải bộ cài đặt của KT Browser, đó là việc trình duyệt này bị hệ thống bảo mật của Windows nhận diện là virus và xóa ngay.
Khắc phục vấn đề này, bạn cần tắt Windows Defender đi, sau đó mới tiến hành tải về và cài đặt.
Giao diện cài đặt của KT Browser cung cấp khá nhiều thông tin, đưa ra cho người dùng 2 lựa chọn cài đặt, tùy thuộc vào phần cứng của hệ thống.
Theo đó, với các máy cấu hình yếu, RAM dưới 4GB thì nên lựa chọn phần "Nhỏ gọn, tùy biến cho máy yếu hoặc chạy Windows XP".
Đây là một điểm cộng, với việc cho phép người dùng lựa chọn, Nguyễn Anh Khoa đã phần nào cho thấy sự quan tâm của mình tới trải nghiệm thực tế của người dùng.
Sau đó chỉ cần nhấn nút cài đặt, và bộ cài đặt sẽ tiến hành tải về dữ liệu nặng khoảng 200MB của trình duyệt từ máy chủ. Hiện tại máy chủ của KT Browser đã hoạt động ổn định và có thể tải về khá nhanh.
Mở trình duyệt lên lần đầu tiên, bạn sẽ cần cung cấp một số thông tin như trình duyệt bạn dùng trước đây, gợi ý về khả năng chặn quảng cáo, công cụ tìm kiếm và nơi bạn sống (phụ vụ cho thông tin thời tiết).
Ngay sau đó, trình duyệt sẽ mở lên ở giao diện "Trang Chủ". Hiện thị ở dạng thẻ, trang chủ của KT Browser có phần rất giống với giao diện của Google Now. Tại đây có các thẻ cung cấp thông tin thời tiết và tin tức nóng hổi. Bạn hoàn toàn có thể tùy biến hay tắt các thẻ này trong phần cài đặt của trình duyệt.
Nhưng lúc này, cũng là lúc các vấn đề xuất hiện dù thực sự tôi không chắc nó là lỗi hay "tính năng". Không thể truy cập trực tiếp vào giao diện cài đặt khi mở trình duyệt, thay vào đó bạn cần truy cập tới một trang web, sau đó mới có thể mở giao diện cài đặt.
Bên trong giao diện này, ấn tượng đầu tiên mà người dùng có được chính là thiết kế phẳng giống với Material Design. Được biết, giao diện này cũng do chính Nguyễn Anh Khoa thiết kế.
Lúc này, bỗng nhiên một lỗi lớn xuất hiện, trình duyệt KT Browser liên tục bị Force Closed sau khi tôi thử thay đổi lõi của trình duyệt và không thể khắc phục. Mặc định, KT Browser cho phép bạn chọn 3 lõi, đầu tiên là Chromnium đã rất quen thuộc, sau đó là Gecko được dùng trên Firefox và cuối cùng là Trident trên các trình duyệt Internet Explorer trước đây.
Một vấn đề khác nữa, khi trình duyệt này đóng lại, tôi mới nhận ra rằng nó không hề tạo Shortcut ở màn hình desktop cũng như không cài đặt vào thư mục Program Files trong ổ C như thường lệ. Tìm kiếm một chút, hóa ra thư mục cài đặt của KT Browser nằm tít trong phần AppData của tài khoản người dùng (C:\Users\"Tên User"\AppData\Local), thậm chí đây còn là một thư mục ẩn.
Khi cài đặt lại tôi mới để ý thấy một tùy chọn là "Đăng ký NGEN - giúp tăng tốc phần mềm". NGEN ở đây chính là Native Image Generator, một bộ công cụ giúp xử lý dữ liệu hình ảnh nhanh chóng, tăng tốc cho các phần mềm trên máy.
Cài đặt xong lần thứ 2, tôi tìm hiểu tiếp các tính năng khác, bỏ qua bộ chuyển đổi lõi trình duyệt, nguyên nhân gây ra lỗi trước đó.
Đáng chú ý nhất, có lẽ là việc trình duyệt được tích hợp VPN, cho phép bạn thay đổi vùng để sử dụng một số dịch vụ không khả dụng ở Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một số tính năng nhỏ, bao gồm tích hợp bộ gõ tiếng việt, bật tính năng tiết kiệm dữ liệu thường xuất hiện trong một số trình duyệt "made in Vietnam" trước nay.
KT Browser cũng hỗ trợ người dùng truy cập mạng TOR, vốn được biết đến như cánh cửa đưa người dùng vào thế giới hacker. Tuy nhiên, do một số lý do tôi chưa thể kiểm chứng khả năng hoạt động của tính năng này.
Tổng quan, KT Browser là một trình duyệt có rất nhiều tính năng, nhưng hầu hết trong số đó "chưa kịp lớn". Nói cách khác, Nguyễn Anh Khoa hiểu được người dùng cần gì, nhưng việc áp dụng và đưa ra sản phẩm cuối cùng chưa thực sự hoàn thiện.
Ở thời điểm hiện tại, nếu coi KT Browser là một trình duyệt để sử dụng có lẽ không khả thi. Nhưng cũng không thể nhìn nhận nỗ lực của Nguyễn Anh Khoa chỉ dừng lại ở "trò vui" của một học sinh mê lập trình.
Còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng nhà phát triển trẻ tuổi này đã biết quan tâm tới những yếu tố để có thể làm nên một sản phẩm thương mại tốt, từ giao diện cho tới cách tích hợp tính năng.
Tôi không thể dành những lời khen cho KT Browser, bởi nó chưa mang tới sự hài lòng cho người dùng. Nhưng bản thân Nguyễn Anh Khoa và các sản phẩm của em rất đáng nhận được những sự khích lệ từ cộng đồng.
Trình duyệt còn cho phép bạn lựa chọn giao diện ban đêm.
Nguyễn Anh Khoa không phải học sinh trẻ tuổi duy nhất có đam mê với công nghệ thông tin và lập trình web. Nhưng vụ việc gần đây cho thấy bản lĩnh và niềm đam mê của em khi quyết tâm theo đuổi đến cùng để bảo vệ "đứa con" của mình.
Để ủng hộ cho những lập trình viên trẻ của nước nhà, việc hữu ích nhất chính là tải về và dùng thử các sản phẩm trẻ, sau đó tìm nhặt lỗi và góp ý ngược với nhà phát triển, thay vì thực hiện các hành vi DDos mang tính phá hoại, dập tắt ngọn lửa đam mê của các em.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng