Đánh giá TV có tâm nhất: bật 6 TV OLED suốt 9 tháng trời chỉ để kiểm tra lỗi burn-in

    Nguyễn Hải,  

    Tính khách quan và cách đánh giá có phương pháp của Rtings đối với hiện tượng burn-in trên những chiếc TV OLED là lý do đây là trang web đánh giá TV chính xác bậc nhất thế giới.

    Đầu tháng Chín vừa qua, hãng đánh giá sản phẩm Rtings đã công bố kết quả kiểm tra về khả năng burn-in (hiện tượng lưu ảnh) trên các TV OLED của LG. Nhưng đó lại không phải tin vui với những hãng đang sở hữu TV OLED như LG hay Sony. Bài kiểm tra kéo dài nhiều tháng của Rtings cho thấy, các TV OLED của LG xuất hiện hiện tượng burn-in sau 4.000 giờ hoạt động, ít hơn nhiều so với con số 30.000 giờ mà công ty công bố.

    Kết luận này được Rtings đưa ra sau quá trình mô phỏng lại việc sử dụng TV thông thường từ tháng Một năm nay. Để bắt chước các cách sử dụng TV khác nhau, Rtings bật cùng lúc 6 TV LG phiên bản 2017 C7 OLED với 6 loại nội dung khác nhau, liên tục trong vòng 5 giờ và sau đó tắt đi khoảng 1 giờ. Việc bật tắt này được thực hiện 4 lần mỗi ngày. Và sau 4.000 giờ thử nghiệm theo cách này, họ có được kết quả trên. Thậm chí, bài test này vẫn đang được tiếp tục cho đến thời điểm bài viết này được hoàn thành.

    Đánh giá TV có tâm nhất: bật 6 TV OLED suốt 9 tháng trời chỉ để kiểm tra lỗi burn-in - Ảnh 1.

    Nhưng để thấy được bài kiểm tra này lại là tin xấu như thế nào đối với màn OLED trên TV, có lẽ chúng ta cần phải thấy được ngành công nghiệp đánh giá sản phẩm (đặc biệt các thiết bị công nghệ) hoạt động như thế nào.

    Cách hoạt động của ngành công nghiệp review

    Có bao giờ bạn thắc mắc làm thế nào các reviewer công nghệ lại được trên tay sớm các thiết bị ngay cả khi chúng chưa ra mắt không? Lý do rất đơn giản, chính các công ty công nghệ là người đã cung cấp các thiết bị đó cho những người đánh giá để họ đưa ra nhận định về sản phẩm của mình.

    Nhưng tại sao các hãng đó lại chọn reviewer này mà không phải reviewer kia để đánh giá sản phẩm của mình? Nhiều người có thể cho rằng, đó là vì reviewer này có nhiều người theo dõi hơn hay các reviewer khác. Đó chỉ là một phần lý do, còn nguyên nhân chính là vì, các hãng cho rằng reviewer đó sẽ đánh giá tích cực về sản phẩm của mình hơn những người khác.

    Đánh giá TV có tâm nhất: bật 6 TV OLED suốt 9 tháng trời chỉ để kiểm tra lỗi burn-in - Ảnh 2.

    Đó chính là cách "trả tiền" gián tiếp của những công ty lớn để ảnh hưởng đến các reviewer. Bằng sự ràng buộc này, những công ty sẽ có đánh giá tích cực về sản phẩm của họ, còn các reviewer thu hút thêm số người theo dõi kênh của mình khi được sớm trên tay các sản phẩm mới. Qua đó, họ có thể có thêm các nguồn doanh thu khác, ví dụ như khoản tiền do YouTube chi trả khi có lượt xem lớn hoặc doanh thu từ quảng cáo cho những hãng khác.

    Đó là mối quan hệ win-win cho cả nhà sản xuất cũng như các reviewer, nhưng nó lại là thiệt thòi cho những người tiêu dùng, khi những bài đánh giá có thể trở nên kém khách quan hơn, do các reviewer chỉ nhấn mạnh đến các ưu điểm, nhưng lại lờ đi hoặc nói giảm nhẹ về các khuyết điểm.

    Rtings – ngoại lệ hiếm hoi đứng ngoài cuộc chơi này

    Tuy nhiên, Rtings lại là ngoại lệ hiếm hoi trong ngành công nghiệp review sản phẩm này.

    Thứ nhất, họ không nhận sản phẩm từ các hãng công nghệ gửi cho mình. Theo tuyên bố trên trang web của mình, Rtings cho biết: "Chúng tôi mua các sản phẩm cho riêng mình, thử nghiệm chúng và sau đó khuyến nghị mua sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi đặt tất cả các sản phẩm dưới cùng điều kiện thử nghiệm, để có thể dễ dàng so sánh chúng với nhau."

    Đánh giá TV có tâm nhất: bật 6 TV OLED suốt 9 tháng trời chỉ để kiểm tra lỗi burn-in - Ảnh 3.

    Chính việc họ tự bỏ tiền ra mua sản phẩm để thử nghiệm – giống như bất kỳ người tiêu dùng bình thường nào – thay vì trông chờ vào sản phẩm được tặng từ các hãng khiến cho bài đánh giá của họ trở nên khách quan hơn. Không những vậy, để đảm bảo hơn nữa tính không thiên vị của mình, trang web của họ không hề đặt quảng cáo (một số trang đánh giá sản phẩm vẫn đặt quảng cáo của các hãng).

    Nhưng vậy họ kiếm tiền bằng cách nào – họ cũng là những con người như chúng ta chứ? Phải và hiện tại, theo website của mình, họ chỉ có hai cách kiếm tiền duy nhất: từ những người ủng hộ trực tiếp. Với những người này, họ sẽ được tiếp cận sớm với các phương pháp đánh giá quan trọng, được phản hồi các câu hỏi nhanh hơn (trong vòng 2 ngày làm việc) và đính kèm giá trong các bài review của Rtings.

    Nguồn thu nhập thứ hai của họ đến từ việc làm affiliate (liên kết bán hàng) cho những trang thương mại điện tử như Amazon.com. Mặc dù là một trang thương mại điện tử nhưng với mục tiêu mang đến cho khách hàng – người tiêu dùng – sự phục vụ tốt nhất và lợi ích lớn nhất, rõ ràng những bài đánh giá khách quan của Rtings chẳng gây hại gì cho Amazon mà còn có tác dụng ngược lại.

    Đánh giá TV có tâm nhất: bật 6 TV OLED suốt 9 tháng trời chỉ để kiểm tra lỗi burn-in - Ảnh 4.

    6 chiếc tivi OLED LG hiển thị 6 loại nội dung khác nhau, thời sự, thể thao, game, phim truyện.

    Có thể thấy Rtings đang nỗ lực hết sức để những bài đánh giá của mình khách quan nhất có thể giữa thế giới review vốn đầy cảm tính và cám dỗ này. Chính vì vậy, kết quả đánh giá của Rtings đối với hiện tượng burn-in trên những chiếc TV OLED lại là điều không tốt với các hãng sở hữu TV OLED như Sony hay LG.

    Và có lẽ không phải đợi đến khi có kết quả đánh giá từ Rtings, bản thân sản phẩm của LG đã tự mình cất lên tiếng nói. Đầu năm nay, màn hình TV OLED của LG dùng để hiển thị lịch trình chuyến bay tại sân bay quốc tế Incheon Hàn Quốc đã có dấu hiệu bị burn-in chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng. Sau sự cố này, sân bay đã phải chuyển sang sử dụng màn hình LCD.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày