Đánh giá Xiaomi Mi Audio Receiver: giá rẻ nhưng chất lượng không rẻ
Xiaomi mới đây đã giới thiệu một sản phẩm nhỏ nhắn mang tên Mi Audio Receiver, với chức năng biến các cặp tai nghe thường thành không dây. Với giá bán rất rẻ, chỉ 400 ngàn liệu đây có phải là "của rẻ của ôi"?
Xiaomi Mi Audio Receiver là một thiết bị nhỏ gọn, với chức năng thêm Bluetooth cho các cặp tai nghe hay loa có dây. Chỉ cần cắm tai nghe hay loa vào sản phẩm này, người dùng có thể chơi nhạc từ thiết bị phát qua Bluetooth. Sản phẩm hữu dụng nhất với những ai muốn biến những cặp loa cổ thành loa không dây hiện đại, hoặc sử dụng với tai nghe để tránh vướng víu lúc đi đường.
Đây không phải là sản phẩm đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng của loại thiết bị này, Sony cùng với một số hãng âm thanh khác cũng đã ra hàng loạt các sản phẩm tương tự từ lâu rồi. Nhưng tại sao sản phẩm từ Xiaomi lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy. Câu trả lời có lẽ là giá bán và thiết kế. Bộ sản phẩm này có kích thước cực nhỏ, nhưng được trau truốt nên không thua gì các sản phẩm từ Apple cả, kèm theo đó là giá bán rất rẻ, chỉ 400 ngàn đồng. Trong bài viết mở hộp trước ta đã tìm hiểu về thiết kế, và ở bài đánh giá ngắn này ta sẽ đi sâu hơn về trải nghiệm sử dụng thực tế.
Có lẽ ta sẽ đi từ nhược điểm trước, 2 nhược điểm lớn của Mi Audio Receiver đó là thiết mất nút tăng giảm âm lượng và thời lượng pin không thực sự ấn tượng. Nút tăng giảm âm lượng là một phần không thể thiếu với các tai nghe không dây để người dùng không bao giờ phải dùng rút điện thoại ra khỏi túi khi nghe nhạc. Với thiết kế nhỏ bé thì phần pin của thiết bị rất nhỏ, chỉ có dung lượng 97 mAh, cho thời gian nghe nhạc chỉ khoảng 4 tiếng. Con số này rất nhỏ kể cả so với các cặp tai nghe không dây nhét trong nhỏ bé với thời lượng trung bình lên tới 7 giờ. Tôi sử dụng 1 tuần với mỗi ngày khoảng 1 tiếng thì phải sạc tới 2 lần.
Để bù đắp cho các nhược điểm này thì Mi Audio Receiver "bù đắp" cho người dùng ở trải nghiệm âm thanh. Nói một cách công bằng thì sức kéo tai nghe của sản phẩm dừng lại ở mức trung bình, chỉ tương đương như chiếc iPhone 6 mà mình sử dụng cùng, vì nó được thiết kế chỉ để dùng với các tai nghe nhét trong dễ chơi mà thôi. Nhưng chất lượng âm thanh của sản phẩm cũng khá tốt, với chất âm sáng sủa và cho chi tiết khá. Chất âm của nhấn nhiều vào phần trung cao (high mid) cũng như âm cao (treble) nên nghe so sánh với iPhone 6 có phần hơi chói ở một vài bài đầu tiên nghe, nhưng sử dụng lâu cũng quen dần.
Sự khác biệt với nguồn phát cắm dây thể hiện rõ hơn nếu sử dụng các cặp tai nghe cao cấp như chiếc Earsonics Velvet này, âm trầm không có sức nặng được so với sử dụng có dây, nhưng phần cao thì lại sắc hơn so với iPhone 6 và chiếc LG G2 mà tôi sử dụng. Phần trung được đưa rất tiến, đem lại cảm giác rõ ràng và sắc xảo. Với các tai nghe thiếu phần cao thì bộ phát này sẽ bổ sung thêm giúp chất âm trở nên sáng sủa hơn. Sản phẩm cũng có phần nền âm sạch sẽ, không bị xì như các cặp tai nghe không dây chất lượng thấp.
So riêng về chất âm, Mi Receiver có thể thay thế được hầu hết các điện thoại trên thị trường. Nhưng sản phẩm sẽ không thể sánh được với các điện thoại tập trung vào tính năng nghe nhạc với các bộ DAC rời như LG V20, G6 và tất nhiên là không có cửa so với các máy nghe nhạc ở tầm giá trung hoặc cao cấp. Với những ai sử dụng các cặp tai nghe cao cấp (từ tầm giá 3 triệu trở lên) vẫn nên sử dụng các giải pháp có dây để tận dụng được hết khả năng của tai nghe.
Điểm đáng khen của sản phẩm đó là độ trễ với nguồn rất thấp, vì vậy không cho cảm giác ảnh đi trước lời khi xem phim hay video trên Youtube. Đây là một điểm yếu của các cặp tai nghe không dây được thiết kế kém, không ảnh hưởng tới nghe nhạc nhưng tạo hiện tượng trễ cực kì khó chịu khi xem video. Rất may là Xiaomi đã làm tốt ở phần này.
Trở lại với câu hỏi, liệu Xiaomi Mi Audio Receiver có phải là một "của ôi" vì giá rẻ bất ngờ của nó không? Câu trả lời chắc chắn là không vì trải nghiệm mà sản phẩm đem lại là rất khả quan. Sản phẩm này sử dụng tốt với các cặp tai nhét trong ở tầm giá rẻ và trung mà không làm giảm chất lượng của chúng, thậm chí cũng có thể dùng được với các cặp tai đắt tiền để nghe ngoài đường để tránh vướng víu. Nhưng người dùng cũng phải chấp nhận một số nhược điểm đi kèm với cái giá rẻ đó bao gồm không có điều khiển âm lượng, pin dùng dừng lại ở mức kém và khả năng phối ghép hạn chế với tai nhét trong. Đây là một sản phẩm đáng mua, tuyệt vời với tầm giá nhưng không hẳn là hoàn hảo.
Ưu điểm
- Nhỏ gọn, hoàn thiện tốt
- Giá bán thấp, chỉ 400 ngàn đồng
- Độ chi tiết âm khá
- Âm trung rõ ràng và sáng sủa
- Thêm âm cao cho tai nghe và loa thiếu phần này
Nhược điểm
- Thời lượng pin không ấn tượng
- Thiếu nút chỉnh âm lượng
- Âm trầm lượng không nhiều
- Phần cao có thể chói nếu nghe không quen
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng