Đánh giá Zenfone 3 Max: Thiết kế theo xu hướng, vân tay nhạy, pin ấn tượng trong tầm giá
Trong dòng sản phẩm Zenfone 3 ra mắt năm nay, Zenfone 3 Max là mẫu smartphone rẻ nhất. Liệu đây có phải là bản nâng cấp đáng giá so với Zenfone Max năm 2015 hay không?
Zenfone 3 Max cung cấp cho người dùng thời lượng pin khủng trong phân khúc smartphone tầm trung - thấp. Máy phù hợp với những người dùng thường xuyên phải di chuyển, ghét phải sạc điện thoại thường xuyên.
Thiết kế và chất lượng
Thoạt nhìn, tôi không nghĩ Zenfone 3 Max là một smartphone của Asus bởi thiết kế của máy hoàn toàn khác so với phiên bản trước. Thiết kế lưng máy cong quen thuộc của dòng Zenfone không còn được áp dụng trên 3 Max. Thay vào đó, Asus cố gắng chạy theo xu hướng khi áp dụng thiết kế viền và các góc bo tròn cùng khung nhôm cho Zenfone 3 Max.
Nhìn từ đằng sau, nếu che logo Asus đi thì chắc tôi không dám nói đây là một chiếc Zenfone
Chính điều này khiến máy mất điểm trong mắt các fan Asus Zenfone, những người vốn rất thích thiết kế mặt lưng cong vừa vặn với lòng bàn tay của các mẫu Zenfone.
Thực tế, sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện ra thiết kế Zenfone 3 Max giống hệt thiết kế của Xiaomi Mi Note 3 chỉ khác ở chỗ Mi Note 3 có camera sau và cảm biến vân tay hình tròn còn 3 Max có camera và cảm biến vân tay hình vuông.
Chắc đây là hai anh em cùng cha bị thất lạc từ lâu và giờ mới tìm thấy được nhau
Dẫu vậy, Zenfone 3 Max cũng có một số ưu điểm so với thiết bị tiền nhiệm Zenfone Max. Với việc sử dụng khung nhôm, giảm kích thước màn hình xuống 5.2 và giảm dung lượng pin xuống 4.100 mAh, 3 Max nhỏ và nhẹ hơn khá nhiều so với Max. Nhờ vậy, 3 Max sẽ phù hợp với nhiều đối tượng người dùng hơn chứ không chỉ còn dành riêng cho những anh chàng thích dùng điện thoại vừa to vừa nặng như thằng bạn cao 1 mét tám của tôi nữa.
Ở cạnh trên của máy chỉ có duy nhất jack cắm tai nghe 3.5 mm, cạnh dưới có cổng sạc và micro. Cạnh phải là nơi đặt nút nguồn, nút chỉnh âm lượng và cạnh trái là nơi đặt khay SIM đa năng có thể lắp 2 SIM hoặc một SIM và một thẻ nhớ.
Cạnh phải của máy có nút nguồn và nút chỉnh âm lượng
Phía sau của máy có camera 13 MP, đèn flash và cảm biến vân tay. Cảm biến laser hỗ trợ tự động lấy nét trên Zenfone Max không được trang bị cho Zenfone 3 Max. Khe loa cũng được đặt ở nửa dưới phía sau máy, ngay bên dưới logo Asus.
Ở mặt trước của máy logo Asus được chuyển xuống cạnh dưới, ba nút điều hướng vật lý được loại bỏ, thay bằng nút phần mềm trên màn hình, một điều hiếm thấy trên các dòng Zenfone. Camera trước của máy có cảm biến 5 MP.
Mặt sau có camera, cảm biến vân tay, đèn LED và khe loa
Nhìn chung, mặt trước của máy sạch và tạo cảm giác sang chảnh với kính cong 2.5 D chứ không còn ngầu, lạnh lùng như Zenfone Max trước đây.
Hệ điều hành, ứng dụng và giao diện người dùng
Zenfone 3 Max chạy Android 6.0 và được cài sẵn giao diện ZenUI cùng một loạt phần mềm rác.
Kể từ khi dòng Zenfone xuất hiện tới nay, cứ mỗi dòng khi một dòng smartphone mới được trình làng là lại có thêm rất nhiều ứng dụng rác được cài đặt. Ngay cả một người quen thuộc với Zenfone như tôi cũng cảm thấy khó chịu và phải dành nhiều thời gian để tinh chỉnh, gỡ bỏ rất nhiều ứng dụng mới có thể yên tâm sử dụng. Các ứng dụng rác này cũng chiếm dụng dung lượng lưu trữ của người dùng.
Các ứng dụng rác cài sẵn mà hầu như tôi không bao giờ đụng tới trên Zenfone 3 Max gồm trình duyệt Pufin, ứng dụng du lịch TripAdvisor, ứng dụng mua sắm Lazada.... Ngoài ra, còn rất nhiều ứng dụng rác khác do chính Asus thiết kế cho người dùng nhưng tôi chỉ thấy các ứng dụng như MiniMovie (tạo các đoạn phim ngắn), PhotoCollage (ứng dụng ghép ảnh) có chút ít tác dụng.
Hơn nữa, trong khi lướt Facebook, màn hình của Zenfone 3 Max có vẻ quá nhạy, thường xuyên trượt nhiều hơn so với mong muốn của tôi. Bàn phím mặc định trên Zenfone 3 Max được cập nhật tính năng lướt như Swiftkey và có vẻ hữu dụng hơn so với các phiên bản trước nhưng vẫn khó dùng, đoán từ chậm.
Màn hình
Kích thước màn hình Zenfone 3 Max bị giảm xuống mức 5.2 inch so với 5.5 inch của Zenfone Max nhưng độ phân giải vẫn được giữ nguyên ở mức 1280 x 720 pixel.
Nhìn chung màn hình Zenfone 3 Max khá ưa nhìn
Nhìn chung, chất lượng hình ảnh của máy ở mức chấp nhận được so với tầm giá. Tuy nhiên, do ba nút điều hướng được đặt vào màn hình cộng với việc viền màn hình quá dày nên trông hơi thô kệch. Độ bão hòa và độ tương phản màu sắc của Zenfone 3 Max trội hơn so với các anh em khác trong dòng Zenfone trước đây.
Camera
Có lẽ ý thức được rằng Zenfone 3 Max chỉ tập trung vào pin chứ không phải chụp ảnh nên Asus đã loại bỏ cảm biến laser hỗ trợ lấy nét tự động đã từng được trang bị cho Zenfone Max.
Dù khả năng tự động lấy nét không tốt như Zenfone Max nhưng chất lượng ảnh chụp bởi Zenfone 3 Max lại khá hơn. Nhìn chung, ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng của camera 13 MP phía sau Zenfone 3 Max có màu sắc phong phú, độ tương phản cao.
Ảnh thể hiện được nhiều chi tiết và tốc độ chụp khá ấn tượng. Tuy nhiên, màu sắc ảnh ấm hơn một chút so với bình thường. Dưới đây là một số bức ảnh mẫu tôi chụp bởi Zenfone 3 Max:
Ảnh chụp bởi Zenfone 3 Max thể hiện được nhiều chi tiết
Tuy nhiên tông màu hơi ấm
Độ tương phản ở mức tốt so với Zenfone Max
Ảnh panorama
Hiệu suất
Zenfone 3 Max sử dụng chip bốn lõi MT6737T tốc độ 1.45 GHz của MediaTek, 3 GB RAM. Với cấu hình này, máy không phải là smartphone có thể chạy những ứng dụng và game tốt nhất hiện tại. Nó là smartphone dành cho các tác vụ hàng ngày và có thời lượng pin khủng. Nhưng máy hoàn toàn có thể chạy các ứng dụng mạng xã hội và các ứng dụng tương tự một cách mượt mà.
Viền đen khá dày phía trong cộng với ba nút điều hướng khiến màn hình trông khá cục mịch
Dẫu vậy, qua thử nghiệm của tôi các game như Need For Speed: No Limits, Sim City: Built It hay Asphalt 8 chạy khá ổn định trên Zenfone 3 Max ở thiết lập trung bình hoặc cao. Zenfone 3 Max còn được cài sẵn ứng dụng Game Genine, một ứng dụng thú vị cho phép bạn truyền hình trực tiếp quá trình chơi game trên smartphone lên YouTube hoặc Twitch.
Chất lượng cuộc gọi của Zenfone 3 Max ở mức chấp nhận được. Micro ngăn tiếng ồn của máy hoạt động tốt trong khi loa thoại hơi bé khiến tôi gặp khó khi nghe điện thoại ở môi trường ồn ào.
Cảm biến vân tay
Thực sự mà nói đây là nâng cấp đáng giá của Zenfone 3 Max so với thiết bị tiền nhiệm. Cảm biến vân tay có tốc độ xử lý khá nhanh, mở khóa màn hình trong khoảng 0,3 giây, và hỗ trợ tới 5 vân tay khác nhau.
Cảm biến vân tay khá nhạy
Ngoài mở khóa màn hình, cảm biến vân tay trên Zenfone 3 Max còn có thể được dùng để trả lời cuộc gọi, khởi động camera và chụp ảnh.
Pin
Chẳng phải nói chắc các bạn cũng biết rằng pin khủng là ưu điểm nổi trội nhất của Zenfone 3 Max. Máy có pin 4.100 mAh bên trong, kém 900 mAh so với đàn anh Zenfone Max. Máy không có tính năng sạc nhanh bởi không sử dụng chip Snapdragon của Qualcomm. Tuy nhiên, thời gian sạc cũng không quá lâu nhờ sử dụng củ sạc 5V 2A. Thời gian sạc từ 0 tới 100% là 2 giờ 45 phút. Bạn cũng có thể dùng Zenfone 3 Max như một cục sạc dự phòng, sạc ngược cho các smartphone khác.
Qua thử nghiệm của tôi, Zenfone 3 Max có thể phát video liên tục trong 12 giờ 30 phút. Thời lượng pin của Zenfone 3 Max là ấn tượng so với các sản phẩm cùng mức giá nhưng đương nhiên là không vượt qua được Zenfone Max.
Kết
Zenfone 3 Max chỉ là một bản cập nhật chứ không phải bản nâng cấp của Zenfone Max. Kích thước màn hình nhỏ hơn, thân máy mỏng và nhẹ hơn chính là lý do khiến thời lượng pin bị giảm đi.
Mặc dù thời lượng pin của Zenfone 3 Max vẫn ở mức cao hơn so với các smartphone Android bình thường nhưng không còn ấn tượng như trước và thậm chí cũng chẳng ấn tượng lắm nếu so sánh với các smartphone khác trong dòng Zenfone 3.
Dẫu vậy, với mức giá chỉ 4,49 triệu đồng, Zenfone 3 Max là một sự lựa chọn đáng chú ý trong phân khúc sản phẩm có giá từ 4 tới 5 triệu đồng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng