Đánh giá Zotac GTX 750 Ti: Cuộc soán ngôi ngoạn mục
(GenK.vn) - Nắm giữ ngôi vương VGA không nguồn phụ, Zotac GTX 750 Ti đang là một trong những card đồ họa đáng mua nhất thời điểm hiện tại.
Thời gian gần đây, làng card đồ họa chứng kiến hiện tượng…rename hàng loạt: HD 7850 rename thành R7 265, HD 7870 rename thành R9 270 và 270X, GTX 670 rename thành GTX 760, GTX 680 rename thành GTX 770…
Tất nhiên người dùng cũng được hưởng lợi bởi các sản phẩm “bình mới rượu cũ” này đều được đặt giá thấp hơn thế hệ cũ. Thế nhưng sự nhàm chán là không thể tránh khỏi bởi kiến trúc và hiệu năng sản phẩm đều đã rõ mồn một từ rất sớm trước khi sản phẩm lên kệ.
Bởi thế từ khi được Nvidia hé lộ, bộ đôi GTX 750 và GTX 750 Ti đã thu hút được mọi con mắt khi mang trên mình kiến trúc Maxwell mới. Với cặp song kiếm này, Nvidia đã tung đòn chí mạng vào AMD trong cuộc chiến không nguồn phụ - cuộc chiến mà Nvidia vẫn chịu lép vế bấy lâu nay, đồng thời cho thấy tiềm năng của Maxwell trên khía cạnh hiệu năng / W.
Cách đây không lâu GenK đã gửi đến độc giả bài đánh giá chi tiết Zotac GTX 750 – một card đồ họa có p/p ổn trong tầm giá và ưu điểm không nguồn phụ. Nhân vật chính ngày hôm nay sẽ là gương mặt còn lại: Zotac GTX 750 Ti – cũng là một sản phẩm không nguồn phụ với hiệu năng mạnh hơn GTX 750. Sản phẩm hiện đang được yết giá 3.850.000 VNĐ (theo báo giá của Hanoi Computer).
Với giá khá sát với bức tường sừng sững Zotac GTX 660 Synergy, liệu Zotac GTX 750 Ti nói riêng và cả dòng GTX 750 Ti nói chung có phải là sản phẩm đáng mua trong thời điểm này?
Zotac GTX 750 Ti
Zotac GTX 750 Ti sử dụng thiết kế quen thuộc của hãng dành cho các sản phẩm tầm trung cấp và phổ thông. Hình thức của chiếc card quá ư quen thuộc, giống hệt những GTX 650, GTX 650 Ti, GTX 750 tôi đã giới thiệu gần đây.
Hình thức vẫn là điểm yếu truyền thống của Zotac ở các sản phẩm tầm giá này. Hướng đến giảm giá thành nhưng không giảm chất lượng sản phẩm, họ luôn thu ngắn bo mạch tới mức tối đa có thể. Đồng thời hãng cũng không sa đà vào các chi tiết thừa như tản nhiệt lõi đồng, heatpipe… cho các GPU tỏa nhiệt thấp.
Zotac cũng có cái lý của họ bởi ở phân khúc này, đa số người dùng chỉ trang bị thùng máy phổ thông với nắp hông đóng kín nên VGA có đẹp cũng chẳng khoe ra được. Không những thế các thùng mày dạng này thường hẹp và lưu thông khí kém, board mạch ngắn có lợi thế ít cản trở dòng không khí lưu thông bên trong.
Zotac GTX 750 Ti không yêu cầu nguồn phụ, nghĩa là điện năng tiêu thụ của chiếc card không vượt quá 75W. Một bộ nguồn công suất thực 300W đã là quá đủ để đáp ứng sản phẩm này.
GTX 750 Ti không hỗ trợ SLI nên không có sự hiện diện của cầu SLI trên chiếc card.
Card được trang bị 3 cổng xuất hình: 2 cổng DVI và 1 cổng HDMI.
Board mạch ngắn nên linh kiện nằm tương đối sát nhau. Zotac GTX 750 Ti sử dụng thiết kế nguyên mẫu của Nvidia với 3 phase điện. Mỗi phase được trang bị 2 mosfet trở kháng thấp.
Chip nhớ được trang bị trên card do Samsung sản xuất, mang mã K4G41325FC-HC03.
GPU GM107 sản xuất trên tiến trình 20 nm, được trang bị 1,87 tỉ transistor. Xung quanh GPU có 4 miếng đệm đỡ tản nhiệt, có tác dụng ngăn chặn sứt mẻ board mạch khi người dùng siết ốc lắp lại tản nhiệt sau khi vệ sinh trét keo.
Zotac sử dụng quạt tản nhiệt 9 cánh đặc trưng của hãng. Loại quạt này có ưu điểm độ ồn thấp trong khi vẫn đảm bảo cung cấp đủ áp lực khí cho tản nhiệt. Toàn bộ tản nhiệt được làm bằng nhôm khối. Chưa rõ nhiệt độ hoạt động của sản phẩm thế nào nhưng với điện năng tiêu thụ dưới 75W, GM107 chắc chắn sẽ không tỏa nhiều nhiệt.
Phụ kiện đi kèm card bao gồm 2 sách hướng dẫn, 1 đĩa driver và 1 cổng chuyển DVI - Dsub.
Card được ép xung nhẹ lên 1033/1350 MHz so với mặc định 1020/1350 MHz của Nvidia.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Card đồ họa:
Zotac GTX 750 Ti – 1033/1250 MHz (xung gốc của Nvidia 1020/1250 MHz)
Zotac GTX 750 – 1033/1253 MHz (xung gốc của Nvidia 1020/1250 MHz)
Zotac GTX 660 Synergy – 993/1502 MHz (xung gốc của Nvidia 980/1502 MHz)
Sapphire R7 260X OC – 1050/1500 MHz (xung gốc của AMD 1100/1625 MHz)
Zotac GTX 750 Ti sẽ được so tài cùng 3 card đồ họa khác trong tầm giá của nó. HD 7790 giờ đã clear hàng nên tôi không đưa vào đây. Có một điều khá lạ là chiếc Sapphire R7 260X OC lại có xung nhịp thấp hơn bản ref của AMD (mà vẫn đặt tên là OC??). Giá tham khảo 4 mẫu card đồ họa này:
- Zotac GTX 750: 3.450.000 VNĐ (không nguồn phụ)
- Sapphire R7 260X OC: 3.520.000 VNĐ (cần nguồn phụ)
- Zotac GTX 750 Ti: 3.850.000 VNĐ (không nguồn phụ)
- Zotac GTX 660 Synergy: 4.250.000 VNĐ (cần nguồn phụ)
Phần mềm và game thử nghiệm
- Nvidia Driver 335.23 WHQL
- AMD Driver Catalyst 14.2 beta 1.3
- 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
- 3DMark 11: Thiết lập Performance Preset (1280 x 720)
- 3DMark 2013: Fire Strike
- Batman: Origins (DX 11)
- BioShock Infinite (DX 11)
- Crysis 3 (DX 11)
- Dirt 3 (DX 11)
- Hitman Absolution (DX 11)
- Metro: Last Light (DX 11)
- Sleeping Dogs (DX 11)
- Sniper Elite V2 (DX 11)
- Tomb Raider (DX 11)
3DMark Vantage
Đầu tiên cứ khởi đầu nhẹ nhàng với 3DMark Vantage đã. GTX 750 Ti với ưu điểm không nguồn phụ vẫn hơn điểm R7 260X cần nguồn phụ.
3DMark 11
3DMark 11 lại chấm R7 260X hơn điểm chiếc card không nguồn phụ mạnh nhất hiện nay.
3DMark 2013
3DMark 2013 là phần mềm benchmark mới của FutureMark. Phần mềm có 3 bài test, trong đó Fire Strike là bài test nặng VGA nhất thường được sử dụng làm thước đo chung.
Batman: Origins (DX 11)
Là một game thân Nvidia, không có gì lạ khi ngay cả GTX 750 cũng lấn lướt được R7 260X. Nhìn chung các card đồ họa đều có thể chiến max setting game này (không bật PhysX). Trong test này GTX 660 mạnh hơn GTX 750 Ti 37%.
BioShock: Infinite (DX 11)
Thiết lập cao nhất cho BioShock, GTX 750 Ti và GTX 660 vẫn băng băng về đích. GTX 750 Ti cho min FPS cao nhất, cao hơn cả GTX 660, có lẽ cảnh game này tận dụng được ưu điểm của kiến trúc mới. Trong test này GTX 660 mạnh hơn GTX 750 Ti chỉ 13%.
Crysis 3 (DX 11)
Với thiết lập cao nhất tắt khử răng cưa, GTX 750 Ti tỏ ra đuối sức rõ rệt trước GTX 660. R7 260X vẫn yên vị ở vị trí dưới cùng. Game này GTX 660 hơn GTX 750 Ti 36%.
Dirt 3 (DX 11)
GTX 750 Ti vẫn thể hiện hiệu năng cao hơn đối thủ có nguồn phụ đến từ AMD. Game này GTX 660 mạnh hơn GTX 750 Ti 30%.
Hitman: Absolution (DX 11)
Là một game tối ưu kiến trúc cho card AMD, R7 260X vượt lên so với GTX 750 Ti dù không nhiều. Dù thiết lập cao nhất và khử răng cưa 4xMSAA, chiếc card vẫn cho khung hình tạm ổn. Trong game này GTX 660 mạnh hơn GTX 750 Ti 24%.
Metro: Last Light (DX 11)
Có thể thấy nếu không gặp phải game ưa AMD, GTX 750 Ti lập tức vượt lên ngay, mạnh hơn chiếc card 1 nguồn phụ R7 260X. Trong bài test này GTX 660 mạnh hơn GTX 750 Ti chỉ 14%.
Sleeping Dogs (DX 11)
Game này khoảng cách giữa 2 chiếc card Nvidia nới rộng tới 40%!
Sniper Elite V2 (DX 11)
GTX 660 bỏ xa người em không nguồn phụ tới 47%!
Tomb Raider (DX 11)
Cũng là một game ưa AMD nhưng R7 260X không vượt qua nổi GTX 750 Ti. Trong game này khoảng cách giữa GTX 660 và GTX 750 Ti chỉ là 24%.
Ép xung - Nhiệt độ - Độ ồn
Thời điểm tôi thực hiện bài test này, nhiệt độ phòng đang là 20 độ C.
Đối với chiếc Zotac GTX 750 tôi review trong bài viết trước, bios không cho phép kéo quá 1168 MHz dù tiềm năng OC của chiếc card vẫn còn. Tham khảo review GTX 750 Ti của một số hãng khác cũng mắc phải tình trạng tương tự. Rất may chiếc Zotac GTX 750 Ti trong tay tôi cho kéo thoải mái.
Mức xung cao nhất và chiếc card có thể chạy ổn định là 1250/1500 MHz – tương đối cao so với xung nhịp mặc định. Xung nhớ có thể kéo lên cao nữa nhưng tôi chỉ dừng ở 1500 MHz bởi mức này đã đủ băng thông cho GPU rồi. Hiệu năng sau ép xung tăng lên 17,3%.
Nhiệt độ hoạt động của Zotac GTX 750 Ti (nhiệt độ phòng 20 độ C, benchtable):
- Idle: 26 độ C.
- Gaming (Default 1033/1350 MHz): 59 độ C; fan 42%.
- Gaming (@1250/1500 MHz): 61 độ C, fan 43%.
Quạt tản nhiệt 9 cánh trong suốt này của Zotac có độ ồn rất thấp. Trong quá trình chạy thử nghiệm, card hoạt động cực êm không phát ra tiếng động nào. Tôi dùng phần mềm tăng tốc quạt để test độ ồn tại một số mốc:
- 60%: Để ý thấy tiếng động nhỏ nếu lắng tai nghe.
- 80%: Tiếng động chuyển thành tiếng rít nhỏ nhưng vẫn tương đối nhỏ.
- 100%: Nghe thấy rõ tiếng động từ quạt tản nhiệt nhưng chưa đến mức ồn ào, nếu đặt trong case sẽ không cảm giác được.
Như vậy người dùng có thể hoàn toàn yên tâm về cả nhiệt độ lẫn độ ồn của Zotac GTX 750 Ti, dù rằng card chỉ trang bị tản nhiệt nhôm khối 1 quạt.
Tổng kết
Tương quan hiệu năng của Zotac GTX 750 Ti và một số card đồ họa trong tầm giá lân cận:
Trong quá trình test, tôi nhận thấy hiệu năng tương đối giữa GTX 750 Ti và GTX 660 có sự dao động mạnh tùy vào phép thử từ 13 -> 47% (tôi đã ghi rõ ở từng game). Điều này nghĩa là mỗi site phần cứng sẽ cho ra kết quả khác nhau tùy vào bộ phép thử của họ. Ví dụ như Techpowerup đánh giá GTX 660 chỉ mạnh hơn GTX 750 Ti chỉ 20%. Ngoài Techpowerup đa số các bài review khác đều ra kết quả chênh lệch nhau nhưng nhìn chung con số họ ghi nhận được đều dao động quanh mốc 30% nên biểu đồ tương quan hiệu năng của tôi ở trên có thể tham khảo được.
Nhìn chung Zotac GTX 750 Ti là một sản phẩm khá thú vị. Chiếc card không tạo ra được đột phá nào về p/p nhưng yếu tố không nguồn phụ là một ưu điểm không thể chối cãi. Nhờ ưu điểm đó, đây là sản phẩm thích hợp để nâng cấp cho những hệ thống cũ không trang bị sẵn bộ nguồn công suất cao. Điện năng tiêu thụ thấp cùng hiệu năng ổn cũng khiến Zotac GTX 750 Ti là một lựa chọn sáng giá cho game net. Card chưa đủ sức chiến max setting các game nặng nhưng nhìn chung người dùng có thể tự tin chọn thiết lập từ High trở lên trong đa số game (tắt khử răng cưa).
Trong tầm giá từ 3 đến 4 triệu đồng, đây là sản phẩm có hiệu năng mạnh nhất cùng p/p khá ổn so với các gương mặt còn lại như GTX 650 Ti, GTX 750, R7 260X. Nhìn lên phía trên, chiếc GTX 660 Synergy của chính Zotac có vẻ sẽ tạo sức ép cho GTX 750 Ti. Tuy nhiên GTX 660 yêu cầu 1 nguồn phụ và có TDP vào khoảng 140W nên tính cả chênh lệch về yêu cầu PSU, 2 sản phẩm chênh nhau khoảng 550.000 VNĐ -> đủ không gian cho Zotac GTX 750 Ti chen chân.
Giờ đây GTX 750 Ti đã thay thế GTX 650 và HD 7750 để trở thành VGA không nguồn phụ mạnh nhất thế giới, hiệu năng hơn gần gấp đôi so với thế hệ trước.
Chiếc Zotac GTX 750 Ti trong bài viết hiện có giá 3.850.000 VNĐ. Ngoài mã VGA này, Zotac còn một mã khác mang tên Zotac GTX 750 Ti OC với tản nhiệt 2 quạt, board mạch dài đẹp hơn, ép xung sẵn 1046/1350 MHz và đặc biệt trang bị 1 nguồn phụ hứa hẹn ép xung cao và ổn định.
Ưu:
- Điện năng tiêu thụ thấp, không yêu cầu nguồn phụ.
- P/p ổn trong tầm giá 3 – 4 triệu đồng.
- Tản nhiệt hiệu quả, êm ái.
- Bảo hành 4 năm.
Nhược:
- Không hỗ trợ SLI.
- Không có cổng chuyển mini HDMI – HDMI đi kèm.
- Hình thức không đẹp.
Giá tham khảo một số sản phẩm khác trong tầm giá theo báo giá của Hanoi Computer:
- MSI GTX 750 Ti Gaming: 3.980.000 VNĐ
- Asus GTX 750 Ti PH: 4.150.000 VNĐ
- Asus GTX 750 Ti OC: 4.550.000 VNĐ
- Zotac GTX 650 Ti 2 GB: 3.150.000 VNĐ
- Zotac GTX 750: 3.450.000 VNĐ
- Zotac GTX 660 Synergy: 4.250.000 VNĐ
- Sapphire R7 260X OC: 3.520.000 VNĐ
- MSI R7 260X OC: 3.850.000 VNĐ
Xin cám ơn Hanoi Computer đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng