“Nghèo đói không phải là một ranh giới cho các chương trình khoa học công nghệ”, Solomon Belay, giám đốc Đài thiên văn đầu tiên của Ethiopia nói.
Ethiopia, một trong số các quốc gia nghèo bậc nhất Châu Phi mới xây một đài quan sát thiên văn bằng nguồn vốn tư nhân. Đây sẽ là bước đi đầu tiên của họ hướng tới việc xây dựng một cơ quan vũ trụ quốc gia với đầy đủ chức năng. Chỉ với khoảng 3 triệu USD, đất nước Đông Phi này đã đánh dấu sự gia nhập cùng Nigeria, Nam Phi, Ai Cập, trở thành một trong số ít quốc gia Châu Phi có chương trình không gian riêng. Chính phủ Ethiopia hy vọng động thái này sẽ góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp và truyền thông của đất nước.
Đài quan sát thiên văn sẽ là công trình đầu tiên trong dự án không gian của Ethiopia
Để đạt được thành tựu này, chính phủ Ethiopia cũng đã phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích. Nhiều người nói rằng đất nước đông dân thứ 2 Châu Phi nên tập trung các nguồn tài chính của mình để chiến đấu với nạn đói nghèo và suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, ít trong số họ biết rằng chính phủ Ethiopia không mất một đồng tiền nào trong ngân khố và cả các khoản viện trợ quốc tế để xây dựng dự án. Toàn bộ kinh phí xây dựng được tài trợ bởi Ethiopian Space Science Society (ESSS), một cơ quan tư nhân thành lập bởi nhà tài phiệt Mohammed Alamoudi.
Đài quan sát thiên văn đầu tiên của Ethiopia được đặt trên đỉnh núi Entoto ở độ cao 3.200 m đã mở cửa và đi vào hoạt động khoảng 3 tháng. Hệ thống của nó gồm hai kính thiên văn cỡ lớn, một máy quang phổ để đo bước sóng của bức xạ điện từ. Mục đích trong giai đoạn hiện tại của công trình là cung cấp cơ sở đào tạo các nhà thiên văn, nhà khoa học và các kỹ sư trẻ cho Ethiopia.
“Khoa học là một phần của chu kỳ phát triển. Nếu không có khoa học và công nghệ, đất nước sẽ chẳng thể phát triển”, Abinet Ezra, giám đốc truyền thông của ESSS nói. ”Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay chỉ là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ yêu thích và tham gia khám phá, nghiên cứu khoa học công nghệ”.
Chính phủ Ethiopia đã có kế hoạch mở rộng dự án, thiết lập một cơ quan không gian quốc gia theo từng giai đoạn. Bước tiếp theo, họ sẽ xây dựng thêm một đài quan sát hiện đại hơn ở vùng núi xung quanh Lalibela phía bắc. Các kỹ sư tại Viện Công nghệ Ethiopia cũng có kế hoạch thử những quả tên lửa đầu tiên của họ. Mục đích của Ethiopia là trong vòng 5 năm tới sẽ đưa vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo.
“Chúng tôi sử dụng các ứng dụng của chương trình không gian trong các hoạt động thường ngày từ điện thoại di động cho tới dự báo thời tiết”, Kelali Adhana, Giám đốc Hiệp hội Thiên văn quốc tế khu vực Đông Phi cho biết. “Chúng tôi không thể trì hoãn dự án này, chúng tôi không cho phép mình sống trong nghèo đói và kể cả lạc hậu về khoa học công nghệ”.
Những lập luận cho rằng các chính phủ không nên lãng phí tiền cho các dự án thăm dò không gian không phải là mới. Trong nhiều thập kỷ, rất nhiều người đã phàn nàn rằng nước Mỹ đang lãng phí tiền cho NASA. Gần đây, chính phủ Ấn Độ và Pakistan cũng phải nhận những chỉ trích mặc dù chương trình không gian của họ được đánh giá là thành công với một chi phí cực kì rẻ.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao Ethiopia phải bỏ tiền đầu tư cho các chương trình không gian khi mà thậm chí người dân vẫn còn chưa đủ ăn? Họ giả định hai điều: thăm dò không gian đã trực tiếp lấy tiền từ nguồn vốn cho các dự án chống đói nghèo và nghiên cứu không gian chẳng giúp gì cho việc giúp xóa nạn nghèo đói. Cả hai điều này đều sai lầm.
Họ không biết rằng số tiền mà các quốc gia đang chi cho thiên văn học là rất nhỏ so với những thứ như chiến tranh, thuốc lá và pháo hoa. Đó là còn chưa thống kê các khoản tiền tham nhũng và ưu đãi thuế cho người giàu có. Vì vậy, chi tiền cho khoa học không bao giờ đáng nhận lại những sự chỉ trích và lên án. Ấn Độ chi cho Tổ chức nghiên cứu không gian của họ 1,1 tỷ USD, ít hơn cả 1% GDP của họ trong năm 2014. NASA cũng chỉ nhận được một khoản tương tự mỗi năm từ chính phủ Mỹ.
Quan trọng hơn nữa, đầu tư cho chương trình không gian thậm chí còn mang lại những nguồn lợi nhuận đáng kể. Chúng ta sẽ không thể đo đếm hết được những gì mà vô vàn bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ đã được hình thành từ các chương trình không gian. Các nhà máy, các khu nghiên cứu cũng tạo ra cơ hội việc làm và quan trọng hơn là tập hợp các nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần hình thành kho tàng kiến thức cho nhân loại.
Bên trong đài quan sát thiên văn đầu tiên của Ethiopia
Chỉ cần tưởng tượng một đất nước khi ta đến mà không có GPS, không có dự báo thời tiết, không có truyền hình vệ tinh, nó sẽ còn hơn cả nghèo đói. Một vệ tinh sẽ giúp Ethiopia dự đoán mùa màng, giúp thúc đẩy nông nghiệp , mở ra các cơ hội về dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, y tế, giáo dục cũng có thể được thúc đẩy. Và rõ ràng đó là những thứ không thể thiếu trong cuộc chiến đói nghèo.
“Nghèo đói không phải là một ranh giới cho các chương trình khoa học công nghệ”, Solomon Belay, giám đốc Đài thiên văn đầu tiên của Ethiopia đồng thời là một giáo sư vật lý thiên văn nói. “Khoa học và công nghệ góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi ngành nông nghiệp của chúng tôi”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Ethiopia không nên đặt quá nhiều tham vọng cho chương trình không gian ở thời điểm này. Họ chỉ nên tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu giúp cho người dân như nông nghiệp hay viễn thông. “Chúng tôi không vội vàng để tiến sâu vào vũ trụ”, Solomon nói.
Theo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng