Đây chính là từ mà các CEO công nghệ nổi tiếng không bao giờ dùng

    Ngocmiz,  

    Tuy các kỹ sư, quản lý sản phẩm, nhân viên sales hay ngay cả các lãnh đạo cấp cao khác liên tục sử dụng từ này nhưng những nhà sáng lập này lại không bao giờ đụng đến nó. Tại sao vậy?

    Gokul Rajaram, một nhà đầu tư công nghệ tại Thung lũng Silicon từng có dịp làm việc với các CEO/founder của Facebook, Google và Square mới đây đã chia sẻ về điều thú vị ông quan sát được ở những con người nổi tiếng này trên mạng blog Medium.

    Trong bài viết, ông nhận định rằng cả Mark Zuckerberg, Larry Page và Jack Dorsey đều giống nhau ở nhiều điểm, nhưng có một điểm đáng chú ý nhất mà Rajanam nhận thấy: “Trong tất cả các cuộc gặp và buổi họp mà tôi từng tham dự với họ, cho dù là với nhóm nhỏ hay toàn công ty, các founder này đều không nhắc đến một từ.”

    Tuy các kỹ sư, quản lý sản phẩm, nhân viên sales hay ngay cả các lãnh đạo cấp cao khác liên tục sử dụng từ này nhưng những nhà sáng lập này lại không bao giờ đụng đến nó.

    Đó là từ “Doanh thu”.

    Đúng vậy, doanh thu – chỉ số cơ bản mà các nhân viên, nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và giới truyền thông thường dùng để đo lường, đánh giá hoạt động cũng như tiềm năng phát triển của một công ty.

    Vậy các founder này sẽ nói gì với nhân viên và các nhà đầu tư?

    Họ tường thuật một cách hấp dẫn về công ty, về mục tiêu cũng như chiến lược dài hạn, về cách mà công ty có thể chinh phục được một thị trường nào đó. Họ luôn bị ám ảnh về khách hàng và sản phẩm.

    Tất nhiên, bạn có thể đặt ra những câu hỏi như làm thế nào để đánh giá độ thành bại, nếu không phải là bằng doanh thu? Làm thế nào để khuyến khích nhân viên, nếu không phải là những con số doanh thu? Làm thế nào để đặt ra mục tiêu tăng trưởng, nếu không phải là một mốc doanh thu nào đó?

    Câu trả lời là:

    - Họ đánh giá độ thành bại qua thị phần – tỷ lệ phần trăm khách hàng trong thị trường mà họ đang hoạt động sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty.

    - Họ khuyến khích nhân viên bằng cách trở thành người kể chuyện hấp dẫn, luôn bắt đầu câu chuyện bằng chữ “Tại sao”. Họ gia tăng năng suất làm việc của công ty bằng cách hối thúc nhân viên nghĩ sâu hơn về những gì khách hàng mong muốn để xây dựng những sản phẩm ấn tượng, khác biệt có thể phục vụ người dùng tốt hơn các đối thủ trên thị trường.

    - Họ đặt mục tiêu tăng trưởng dựa trên lượng người dùng, số nhà quảng cáo hay các chỉ số tương tác khác thay cho những con số doanh thu.

    Tất cả những điều này đều là xuất phát từ điều mà các nhà sáng lập nổi tiếng này găm trong đầu ngay những ngày đầu thành lập công ty: Doanh thu là một chỉ số không phản ánh được kịp thời mức độ phát triển của công ty. Doanh thu thực chất chỉ là kết quả của cả một quá trình làm đúng ở những khía cạnh quan trọng khác như mục đích, chiến lược, khách hàng, sản phẩm hay nhân sự.

    Zuckerberg, Page và Dorsey cũng hiểu rằng những CEO luôn đặt mục tiêu tăng trưởng và khuyến khích nhân viên bằng doanh thu thay cho khách hàng, sản phẩm,… đều đang thể hiện sai cách. Nó sẽ khiến tất cả mọi người nghĩ quá nhiều đến doanh thu mà quên đi những thứ quan trọng hơn như sản phẩm hay trải nghiệm người dùng. Dưới đây là một vài ví dụ:

    - Larry Page phát biểu trong một buổi review quảng cáo của Google năm 2016: “Mấy mẫu quảng cáo này tệ và chẳng nhắm đúng người dùng chút nào. Làm lại đi.” Tạo ra những mẫu quảng cáo nhắm đúng mối quan tâm của người dùng chắc chắn sẽ mang về doanh thu rất cao.

    - Mark Zuckerberg tại một cuộc họp toàn công ty của Facebook năm 2011: “Mục tiêu của chúng ta là có được Một Tỷ Người Dùng Hàng Tháng.” Xây dựng được một sản phẩm có 1 tỷ người dùng hàng tháng chắc chắn sẽ mang về doanh thu rất cao.

    - Jack Dorsey tại một buổi họp của Square năm 2013: “Bất cứ người bán hàng nào cũng có hai nhu cầu lớn nhất là vốn và khách mua. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ hai thứ này?". Sản phẩm cho vay vốn của Square sẽ được ra mắt và cấp vốn cho tới 1 triệu USD cho người bán – điều này chắc chắn sẽ mang về doanh thu rất cao.

    Chính vì vậy mà nếu bạn vẫn thường nhắc đến doanh thu trong các cuộc trò chuyện với nhân viên nội bộ hay các diễn đàn bên ngoài, hãy giảm bớt nó trong từ điển của mình.

    Điều này chắc chắn không dễ, nhưng nói chuyện doanh thu luôn là con đường tắt khiến chúng ta ám ảnh với nó và bỏ qua những điều quan trọng hơn.

    Đã có nhiều ý kiến trái chiều đối với quan điểm này của Rajaram. Thực tế, nhiều vị CEO tuyệt vời vẫn luôn nghĩ tới mô hình kinh doanh cũng như doanh thu của công ty mình. Chỉ có điều, họ hiểu về những khía cạnh biểu hiện cho doanh thu rõ ràng hơn bất cứ ai khác và cũng ít khi dùng doanh thu để khuyến khích các nhân viên của mình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày