Vào thời điểm răng sữa bắt đầu mọc, 7 tuần tuổi của chó tương ứng với 9 tháng tuổi của con người.
Không ai biết từ đâu và từ bao giờ, mọi người nói rằng nếu muốn đổi tuổi chó ra tuổi của con người, chỉ cần lấy nó nhân với 7. Có nghĩa là nếu bạn nuôi một con chó 3 năm, thì nó đã trưởng thành tương đương một người 21 tuổi rồi.
Sự thật là gì? Công thức đơn giản đó chỉ là một huyền thoại. Không có bất kỳ một cơ sở khoa học nào cho phép nhân với 7, mặc dù đúng là con người luôn tò mò không biết liệu người bạn đồng hành của mình đã già nua tới đâu?
Trên thực tế, tìm ra một công thức chính xác để ước lượng tuổi chó trên thang đo của con người không phải chuyện dễ dàng gì. Nhưng bây giờ, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học California San Diego cuối cùng đã làm được điều đó.
Họ đã dựa trên một cơ chế được gọi là biểu sinh methyl hóa trong DNA, cho phép đồng bộ quá trình lão hóa của hai loài lại với nhau. Kết quả, đây mới chính là công thức để ước lượng tuổi của chó trên thang đo của con người:
Tuổi người của chó = 16ln(tuổi chó) 31.
Trong trường hợp bạn quên mất ln là gì, thì nó là logarit tự nhiên, hay logarit cơ số e có thể được tính bằng một công cụ trên website này. Hoặc bạn cũng có thể copy/paste toàn bộ công thức trên lên Google, rồi thay số và nhấn enter để có được kết quả.
Hãy thử tính tuổi người của một con chó 3 tuổi xem sao: 16ln3 31 = 48,5 tuổi. Một khoảng cách khá xa so với con số 21 phải không? Vậy hãy cùng tìm hiểu xem các nhà khoa học đã tìm ra công thức này như thế nào, liệu nó có đáng tin cậy hơn phép nhân với 7 hay không?
Đây là công thức chính xác nhất để đổi tuổi chó ra tuổi người
Công trình mới của các nhà khoa học vừa được đăng lên bioRxiv, một cơ sở dữ liệu chứa các bài báo đang được bình duyệt và xem xét xuất bản. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã trình bày về cơ chế methyl hóa của DNA.
Cơ chế biểu sinh này bắt nguồn từ hiện tượng lão hóa của cơ thể sinh vật. Khi cả người và chó nhà (Canis lupus quenis) già đi, sẽ ngày càng có nhiều nhóm methyl được thêm vào DNA của chúng ta cũng như của chó.
Các nhóm methyl này có thể thay đổi hoạt động của một đoạn DNA mà không làm thay đổi chính DNA đó. Chúng mang những chức năng đặc biệt riêng trong cơ thể. Nhưng sự tích lũy của nhóm methyl theo thời gian tạo ra một hệ quả, cho phép chúng ta đếm chúng để tính chính xác tuổi thọ con người. Cũng vì vậy mà cơ chế methyl hóa được gọi là chiếc đồng hồ biểu sinh của cơ thể.
Dựa trên cơ sở lý thuyết đó, Tina Wang và Trey Ideker, hai nhà di truyền học đến từ Đại học California San Diego đã cùng đi đến một ý tưởng: Tại sao không so sánh hai chiếc đồng hồ biểu sinh của con người và của chó với nhau?
Trên thực tế, tuổi thọ của chó nằm trong một phổ rộng được ghép lại bởi nhiều loài khác nhau. Những loài chó lớn như Ngao Pháp (Dogue de Bordeaux) chỉ sống trung bình được 6-7 năm. Giống chó nhỏ như Chihuahua lại có thể kéo dài tuổi thọ tới 17-18 tuổi.
Mặc dù vậy, tất cả các loài chó đều có một quỹ đạo phát triển, sinh lý và bệnh lý tương tự nhau. Các nhà khoa học có thể chọn một loài chó bất kỳ để đồng bộ các cơ chế biểu sinh DNA của nó với con người, qua đó so sánh tuổi thọ của cả hai loài. Và họ đã chọn chó tha mồi Labrador cho nghiên cứu này.
Dữ liệu di truyền của chó Labrador đã được so sánh với hồ sơ methyl hóa được tổng hợp từ máu của 320 người trong độ tuổi từ 1 đến 103. Để chuẩn hóa và đối chiếu thêm, họ còn so sánh biểu sinh DNA của chó Labrador với dữ liệu di truyền của 133 con chuột.
"Sử dụng kỹ thuật sắp xếp trình tự nhắm mục tiêu, chúng tôi mô tả các methylome của 104 con chó Labrador trong độ tuổi 16, đạt độ phủ> 150X trong các khối tổng hợp của động vật có vú", các nhà khoa học viết trong báo cáo.
"So sánh với methylome của con người, dữ liệu cho thấy mối quan hệ phi tuyến tính khi chuyển đổi tuổi con chó sang năm của con người, và khi đồng bộ hóa các cột mốc sinh lý chính giữa hai loài và hiệu chỉnh sang so với chuột".
Sự tương đồng tuổi thọ lớn nhất xảy ra khi so sánh chó nhỏ với người trẻ và chó già với người già. Sự đồng bộ của đồng hồ biểu sinh cho phép nhóm nghiên cứu rút ra một công thức tính tuổi chó theo năm người, chính là công thức: Tuổi người của chó = 16ln(tuổi chó) 31.
Sử dụng công thức này, một số cột mốc nhất định trong quá trình phát triển của chó và chúng ta đã được đồng bộ tốt với nhau. Chẳng hạn vào thời điểm răng sữa bắt đầu mọc, 7 tuần tuổi của chó tương ứng với 9 tháng tuổi của con người. Tuổi thọ trung bình của chó là 12 năm cũng tương ứng với tuổi thọ trung bình của người ở mức 70 năm.
Chó Labrador được dùng để chuẩn hóa công thức tính tuổi theo năm người.
Tuy nhiên, vẫn có các cột mốc khác chưa được đồng bộ một cách chuẩn chỉnh. Chẳng hạn, chó trải qua tuổi dậy thì và đạt tới độ trưởng thành về mặt tình dục nhanh hơn con người. Vì vậy, khoảng thời gian giữa tuổi thiếu niên và trung niên của chúng không khớp với chúng ta.
Một con chó Labrador 5 tuổi được tính vào khoảng 56 tuổi con người. Nhưng quá trình methyl hóa xảy ra ở chó chậm lại khi chúng già đi, vì vậy con người có thể bắt kịp tốc độ lão hóa của chúng ở đoạn cuối của phổ tuổi.
Tất nhiên, việc so sánh DNA của từng loài chó với con người mới có thể cho ra những công thức đổi tuổi chính xác nhất dành cho chúng. Nhưng trước khi các nhà khoa học làm được điều đó, sử dụng công thức của riêng chó Labrador lúc này sẽ cho phép bạn có một ước tính chính xác hơn so với phép nhân với 7 rồi. Bởi chó Labrador cũng có tuổi thọ trong khoảng 10-14 tuổi, mức trung bình của đa số các loài chó.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng