Đây là lý do nhiều người không thể vừa giao tiếp bằng mắt vừa trò chuyện

    Kuroe,  

    Không vừa nói chuyện vừa giữ giao tiếp bằng mắt được? Đừng lo, nếu không luyện tập thì hầu như ai cũng vậy cả thôi.

    Mới đây, một nghiên cứu cho thấy rằng, việc một số người trong chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc nhìn thẳng vào mắt người khác để nói chuyện, là điều bình thường và hoàn toàn có cơ sở khoa học.

    Hóa ra, việc không tự tin trong giao tiếp chỉ là một phần nhỏ lý do dẫn đến điều này. Còn nguyên nhân chính là bởi, thực tế não bộ con người rất khó để có thể vừa nghĩ ra từ để nói, vừa tập trung nhìn thẳng vào mắt người đối diện trong cùng một lúc. Hiện tượng này trở nên đặc biệt rõ ràng khi người nói cố gắng sử dụng những từ ngữ mà bình thường, họ vốn ít khi dùng đến.

    Các nhà khoa học đến từ trường Đại học Kyoto - Nhật Bản - đã tiến hành thử nghiệm giả thuyết này. Họ mời 26 tình nguyện viên tham gia trò chơi nối từ, vừa chơi vừa nhìn thẳng vào mắt của một gương mặt được tạo ra nhờ máy tính.

    Bí kíp thường được lưu truyền trước mỗi buổi phỏng vấn: giữ eye-contact khi đối thoại
    "Bí kíp" thường được lưu truyền trước mỗi buổi phỏng vấn: giữ eye-contact khi đối thoại

    Các tình nguyện viên tham gia cho biết, khi nhìn thẳng vào gương mặt đối diện, họ cảm thấy khó cỏ thể nối từ hơn bình thường.

    "Mặc dù việc giao tiếp bằng mắt và giao tiếp bằng lời tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau, nhưng hầu hết mọi người thường xuyên tránh nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện," - các nhà nghiên cứu cho biết.

    "Điều này gợi ý rằng, hai quá trình kể trên có một mối liên hệ nào đó với nhau".

    Các tình nguyện viên tham gia được nhìn vào hai nhóm gương mặt: nhìn trực tiếp vào mắt, và quay mặt đi. Trong quá trình tham gia, họ sẽ được yêu cầu nghĩ nhanh từ nối vào các danh từ có sẵn.

    Các tình nguyện viên mất nhiều thời gian hơn để nối từ khi được yêu cầu giữ giao tiếp bằng mắt, đặc biệt là với những từ khó, hoặc những từ có quá nhiều lựa chọn. Nhóm nghiên cứu cho rằng, sở dĩ điều này diễn ra là bởi não bộ khi đó phải xử lý quá nhiều thông tin cùng một lúc.

    Tất nhiên, điều này không có nghĩa là vừa giao tiếp bằng mắt, vừa đối thoại là điều bất khả thi. Chỉ là, hai công việc này đều sử dụng chung một "nguồn tài nguyên" giao tiếp, và đôi khi thật khó để làm cả hai việc cùng lúc.

    Số lượng người tham gia vào thí nghiệm này là quá ít để có thể đưa ra được kết luận chắc chắn, nhưng giả thuyết này có vẻ vẫn hết sức thú vị. Và đây cũng không phải là nghiên cứu duy nhất cho thấy rằng, não có thể bị "quá tải" khi phải giữ eye contact quá lâu.

    Vào năm ngoái, nhà tâm lý học người ý Giovanni Caputo đã cho thấy rằng, tập trung nhìn vào mắt người khác chỉ trong vòng 10 phút cũng là đủ để gây ra tình trạng ảo giác. Nguyên nhân được cho là đến từ quá trình thích ứng thần kinh - xảy ra khi não bộ thay đổi phản ứng với những kích thích không thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn như, bạn sẽ cảm thấy mặt bàn ngay khi đặt tay lên, nhưng một thời gian dài sau đó, cảm giác này sẽ mờ dần đi.

    Hiện tại, các nhà nghiên cứu tại trường đại học Kyoto đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa hình thái giao tiếp bằng lời và không bằng lời nói.

    Vậy nên, khi đang nói chuyện với một ai đó mà họ chợt quay đi, có thể đó không phải là cử chỉ thô lỗ - mà chỉ đơn thuần là não bộ của họ đang bị quá tải mà thôi.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày