Đây là lý do vì sao nói "Chip iPhone 7 đe dọa đến Intel" lại không buồn cười như những gì bạn nghĩ
Đúng là về hiệu năng tổng thể thì các con chip Apple nói riêng và ARM nói chung sẽ còn theo sau Intel dài dài, nhưng hãy nhìn vào nhu cầu thực tế của phần đông người dùng "mù công nghệ" và bạn sẽ thấy bước đột phá của A10 Fusion sẽ khiến Intel phải đau đầu đủ đường.
Không phải vô cớ mà báo giới nhắc rất nhiều đến sự kiện chip iPhone 7 đã đạt mức ngang ngửa với CPU trên laptop của Intel trong thử nghiệm nhân đơn (single-core) của Geekbench. Trong benchmark này, A10 Fusion đã dễ dàng vượt qua vi xử lý Intel của nhiều mẫu Mac, bao gồm cả chiếc Mac Pro 2013 dùng Xeon E5.
Sẽ là rất ngớ ngẩn nếu như chúng ta nói một con chip trên iPhone 7 có thể đánh bại các mẫu chip desktop của Intel trong những tác vụ nặng ký, nhưng kết quả đáng nể mà iPhone 7 vừa đạt được trên Geekbench Single Core cho thấy những bước tiến quan trọng trên con đường trọng tâm mà Apple đã chọn: xử lý đơn luồng cho di động. Với A10, Apple vừa tạo ra gọng kìm có thể siết chặt miếng bánh vốn đã quá nhỏ của Intel hiện tại.
Đơn/Đa nhiệm: Chip Apple nay có thể đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn người dùng Intel
PC đã về vườn và ánh hào quang của sân khấu hi-tech nay đã thuộc về smartphone. Nhưng ít ra thì trên PC, chip ARM vẫn chưa thực sự có chỗ đứng và chip Intel thì vẫn cứ áp đảo về hiệu năng tổng thể (đa nhân).
Song, thế mạnh này có ý nghĩa đến mức nào? Bạn có thể là game thủ chiến game offline cấu hình cao hoặc là lập trình viên cần cài đặt app/web server lên laptop cá nhân, nhưng kể cả như vậy thì bạn vẫn thuộc thiểu số rất ít trong cộng đồng người dùng công nghệ nói chung. Tại sự kiện GDC năm nay, một hãng game đã từng tuyên bố game thủ nào có trên 10 tựa game Steam thì sẽ "không có mấy ý nghĩa" với thị trường game 99,3 tỷ USD.
Điểm benchmark Single-Core của một số mẫu iPhone 7.
Điểm benchmark Single-Core của một số mẫu Mac Pro 2013 dùng Xeon E5.
Với sự bành trướng của đám mây, các nhu cầu điện toán cá nhân hiệu năng "khủng" cũng rất có thể sẽ thu nhỏ trong tương lai: ví dụ, việc triển khai code lên máy chủ "trên mây" càng ngày càng dễ dàng không kém gì triển khai code lên máy của lập trình viên hoặc máy chủ trong mạng nội bộ. Sử dụng một chiếc máy ít nhân CPU, ít RAM để code ra những hệ thống phần mềm phức tạp nhiều module không phải là quá khó tưởng tượng. Game thủ có thể sẽ tìm được giải pháp streaming qua những dịch vụ như PlayStation Now – miễn là hạ tầng đám mây đáp ứng được nhu cầu băng thông lớn.
Đến khi bạn nhìn sang những trường hợp sử dụng casual trên PC, bạn sẽ còn thấy nhu cầu đa nhiệm ở mức độ cần đến đầy đủ hiệu năng của chip Core (cũng là thế mạnh duy nhất của dòng chip này) là cực kỳ thấp. Về bản chất, chúng ta là những sinh vật đơn nhiệm và sẽ chỉ tập trung vào một cửa sổ tại mỗi thời điểm: nhu cầu phổ biến nhất về sức mạnh điện toán thực ra chỉ là chuyển đổi giữa nhiều ứng dụng càng nhanh càng tốt. Đó lại là một nhu cầu phụ thuộc vào RAM hơn là vào chip.
Ví dụ, tôi đang có 4 cửa sổ Windows: cửa sổ chính là Words (cho bài viết này), một cửa sổ Chrome nhiều tab để tham chiếu thông tin cho bài viết, một cửa sổ foobar để bật nhạc ra loa và một cửa sổ Skype để gọi điện cho em trai đang du học. Kể cả có nhiều cửa sổ hơn nữa thì nếu không chơi game hay không deploy app, tất cả nhu cầu sử dụng của tôi (hay những người dùng văn phòng) vẫn có thể được chip Core i3 hay chip Core i5 lõi kép đáp ứng tốt. Trong những trường hợp sử dụng khá thông thường như thế này, tôi không hề cần đến sức mạnh lõi tứ của Intel.
Nhưng nếu như nhu cầu của rất nhiều người dùng phổ thông có thể được đáp ứng bằng chip Core lõi kép thì có lý do gì chip Apple A10 không thể thay thế chip Intel để đáp ứng những nhu cầu phổ thông đó ngay trên "sân nhà" của Intel? Hãy nhớ rằng A10 Fusion đang có hai nhân như rất nhiều mẫu chip "phổ thông" của Intel, và hiệu năng mỗi nhân đều đã ngang ngửa nhân của Xeon E5 đời cũ.
Hiệu năng thực tế: Apple đã chặn đường lên di động của Intel
Với sự trưởng thành của A10 Fusion, chip Intel chỉ còn một thế mạnh lớn nhất là hiệu năng đa nhiệm áp đảo. Nhưng đã trong nhiều năm, kể cả khi các con chip A_ vẫn còn yếu đuối, Intel vẫn không thể giành lấy dù chỉ một miếng bánh nhỏ trên thị trường di động. Lý do? Nhu cầu đa nhiệm trên smartphone là cực kỳ cực kỳ nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều so với PC. Dù ngày nay cả iOS và Android đều đã hỗ trợ tải (load) dữ liệu dưới nền và cũng hỗ trợ mở 2 cửa sổ ứng dụng trên màn hình, cách hoạt động phổ biến nhất của app di động vẫn là 1 app chiếm toàn bộ màn hình. Các chu trình dưới nền lại gần như chẳng bao giờ đòi hỏi quá nhiều tài nguyên CPU.
Kể cả trong trường hợp mở 2 cửa sổ ứng dụng trên màn hình, những con chip như A8X và A9X cũng đã đáp ứng tốt. A10 Fusion thậm chí còn mạnh hơn cả A8X và A9X nữa.
Có lẽ chính nhờ hiểu rõ nhu cầu điện toán hiện nay không đòi hỏi khả năng đa nhiệm quá khủng khiếp nên Apple đã luôn tập trung tùy biến ARM để tối ưu hiệu năng nhân đơn và cho đến tận ngày hôm nay chip Apple vẫn chỉ có 2 lõi (A10 Fusion có 4 lõi nhưng vì là big.LITTLE nên tại mỗi thời điểm chỉ có 1 trong 2 bộ lõi kép big hoặc LITTLE được kích hoạt). Kết quả: chip Apple lúc nào cũng có vẻ yếu hơn chip Android nhưng hiệu năng ứng dụng thực tế thì lại cao hơn. Điểm multi-core của Apple gần như chắc chắn sẽ đứng sau những chiếc Android của năm ngoái nhưng điểm single-core thì lại đứng đầu của năm nay.
Thậm chí, điểm single-core của S7 edge trên Geekbench (chưa đến 1.900) còn thua xa điểm của iPhone 6s Plus (khoảng 2.400). Những con số này có thể là vô nghĩa với trải nghiệm người dùng cuối, nhưng trong trải nghiệm thực tế thì iPhone luôn cho những chiếc smartphone Android hít khói về tốc độ load app.
Qualcomm, Samsung và nhiều hãng khác đã dành rất nhiều năm nhưng vẫn không vượt qua được thế mạnh này của Apple. Intel thậm chí còn không đánh bại được Qualcomm hay MediaTek khi những con chip Atom chỉ "le lói" một chút rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại mảnh đất Android. Đến năm nay, hiệu năng nhân đơn A10 đã ngang ngửa với chip Xeon của Intel – gã khổng lồ chip gần như không có một cơ sở nào để vượt mặt Apple về hiệu năng nhân đơn nữa cả.
Đó là về công nghệ, còn về thị phần thì sao? Ngay cả trong một năm khá u ám như năm 2015, tốc độ mua smartphone của người dùng vẫn cao gấp 5 lần tốc độ mua PC: theo số liệu IDC, trong năm ngoái chỉ có 276 triệu mẫu PC được bán ra trong khi doanh số smartphone đạt tới mốc 1,43 tỷ máy. Trong quý 4, doanh số smartphone của riêng Apple đã cao hơn tổng doanh số của toàn bộ ngành sản xuất PC (71,9 triệu máy).
Điều này có nghĩa rằng nếu tính trên quy mô của toàn bộ thị trường điện toán thì dòng chip A của Apple cũng có vai trò quan trọng chẳng kém gì toàn bộ danh mục x86 của Intel. Trong danh mục này, những con chip có tiềm năng di động như Atom hay Core M chỉ chiếm một phần quá nhỏ.
Nói tóm lại, cú sốc A10 Fusion đã tạo ra một tình cảnh xấu đủ đường cho Intel: thị phần thấp trên thị trường người tiêu dùng, thế mạnh duy nhất (đa nhiệm) thực chất lại không mấy ý nghĩa và thậm chí là trên khía cạnh có ý nghĩa nhất (đơn nhân) thì cũng đã bị đối thủ bỏ qua. Trong một bài viết tới, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc phân tích khả năng và những hệ lụy xảy ra khi Apple thực sự đẩy mạnh A10 thành một lựa chọn thay thế cho chip Intel x86.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng