Đây sẽ là căn bệnh tiếp theo không thể được điều trị, vì chủng vi khuẩn kháng thuốc đã lan rộng
Hơn 10 triệu người mắc bệnh mỗi năm, giai đoạn muộn có thể dẫn đến tử vong.
Trong một tương lai gần, giang mai có thể trở thành căn bệnh gây tử vong tiếp theo mà không thể được điều trị. Các nhà khoa học đưa ra lời cảnh báo trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Microbiology. Giữa bối cảnh một chủng vi khuẩn gây bệnh giang mai đang phát triển rất nhanh để chống lại kháng sinh điều trị, con người lại có rất ít biện pháp để ngăn chặn sự lan rộng của loại "siêu vi khuẩn" này.
Giang mai khả năng cao sẽ là căn bệnh tiếp theo không thể được điều trị vì vi khuẩn kháng kháng sinh
Thời gian trước đây, có hai chủng vi khuẩn gây bệnh giang mai phổ biến là Nichols và Street Strain 14 (SS14). Chúng đều rất nhạy cảm với một loại kháng sinh truyền thống là penicillin.
Tuy nhiên, trong một phân tích mẫu bệnh phẩm giang mai được thực hiện bởi Đại học Zurich Thụy Sĩ, các nhà nghiên cứu tìm thấy một tiểu bộ của chủng SS14 là SS14- Ω, bây giờ mới là vi khuẩn phổ biến nhất gây bệnh. Nguyên nhân không nằm ngoài dự kiến, 90% các mẫu SS14- Ω được phân tích thể hiện sự đề kháng với kháng sinh điều trị.
Phát hiện mới này là một lời cảnh báo, nói rằng vi khuẩn giang mai đã ngày một thích nghi tốt hơn với thành tựu của y học hiện đại. Các trường hợp nhiễm khuẩn mạn tính đã tăng tới chóng mặt, hơn 71% tính từ năm 2011, theo số liệu thống kê mới nhất ở Anh.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Mỹ. Số ca mắc giang mai tại quốc gia này cũng tăng 15% giữa giai đoạn 2013-2014. Và tiếp tục tăng 19% trong giai đoạn 2014-2015, theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kì (CDC).
Cho tới thời điểm hiện tại, không có một nghiên cứu trên diện rộng để các nhà khoa học chắc chắn bao nhiêu phần trăm trong số này đến từ vi khuẩn kháng kháng sinh. Nhưng ít nhất, một chủng mới vi khuẩn kháng thuốc đã được tìm thấy chứng minh cho giả thuyết giang mai sẽ ngày càng khó điều trị. Thậm chí, nó có thể trở thành một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gây tử vong vô phương cứu chữa.
Trong những năm 2012-2013, một nghiên cứu về giang mai tại 13 quốc gia đã chỉ ra một chủng vi khuẩn giang mai kháng thuốc đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều so với trước đây. Nó đã đạt tới bước cuối cùng của việc phát triển quần thể vi khuẩn kháng thuốc.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Zurich chỉ ra đó là chủng SS14- Ω, đã trở nên đặc biệt kháng macrolide, một nhóm kháng sinh bao gồm rất nhiều loại: erythromycin, spiramycin, azthromycin, rovamycin, tylosin... Thêm vào đó, nó cũng thể hiện cả khả năng kháng penicillin. Điều này đã gây lo ngại cho rất nhiều chuyên gia y tế.
Giang mai đang bùng phát, chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến là chủng kháng thuốc
Lola Stamm, một nhà dịch tễ học đến từ Đại học North Carolina cho biết nghiên cứu cảnh báo các bác sĩ nên kìm chế lại việc kê đơn kháng sinh. “Họ cần phải rất thận trọng trong việc sử dụng thuốc lớp macrolide để điều trị giang mai”, bà nói.
Tiến sĩ Stamm cũng cho biết giang mai hiện tại vẫn có thể được điều trị khi nó chưa kháng tất cả các loại kháng sinh. Nhưng sẽ là một kịch bản tồi tệ trong tương lai, nếu nhiều loại thuốc tiếp tục bị lạm dụng.
Ước tính năm 2008 cho thấy có khoảng 10.6 triệu trường hợp mắc giang mai trên toàn thế giới. Nhiều bệnh nhân trong số này thậm chí còn không biết mình mắc bệnh và con số sẽ tiếp tục gia tăng.
Tiến sĩ Yvonne Doyle đến từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho biết sự trở lại của bệnh giang mai là thực trạng đáng lo ngại tại London. Kể từ năm 2010, số ca nhiễm bệnh tăng tới 163%. “Trong khi chúng tôi đã nhận thấy sự gia tăng trong nhiều bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục vài năm gần đây, giang mai là bệnh nổi lên như một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất tại thủ đô”, Tiến sĩ Doyle nói.
Thông thường, một người mắc giang mai sẽ có một vết loét không đau hoặc nổi mẩn đỏ trên bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc bên trong miệng. Chúng sẽ kéo dài hơn một tháng trước khi chuyển biến sang giai đoạn mới.
Các triệu chứng đặc trưng tiếp theo là sốt, đau đầu, đổ mồ hôi ban đêm. Nếu không được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, nó có thể tiến triển thành giang mai giai đoạn muộn. Tại thời điểm này, bệnh gây nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như tim mạch, tê liệt, ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và thậm chí tử vong.
Cách duy nhất để phòng chống và ngăn ngừa giang mai là quan hệ tình dục an toàn và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.
Thống kê cho thấy kháng kháng sinh có thể gây ra 10 triệu cái chết mỗi năm vào năm 2050
Nghiên cứu cảnh báo về tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh giang mai được công bố sau một báo cáo được ủy quyền bởi Thủ tướng Anh David Cameron. Trong đó, các nhà khoa học dự báo kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu cái chết trên toàn thế giới vào năm 2050.
Trở lại thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 700.000 trường hợp tử vong mỗi năm gây ra bởi vi khuẩn kháng thuốc, tập trung trong các bệnh truyền nhiễm như nhiễm trùng, sốt rét, HIV/AIDS và bệnh lao.
Biện pháp để ngăn chặn vấn đề này không gì khác ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân về kháng kháng sinh. Đồng thời, chính hệ thống y tế cũng phải cải tổ để giảm thiểu những đơn thuốc kê sai, tránh lạm dụng số lượng kháng sinh ít ỏi mà từ lâu chúng ta đã không còn điều chế thêm được nữa.
Tham khảo Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng