Đứng trước nguy cơ mất tới một nửa lợi nhuận từ Android vì "con troll" Oracle, Google có thể sẽ lựa chọn một giải pháp tưởng chừng rất vô lý nhưng lại có lợi cho cả Google và đối thủ truyền kiếp của hãng – Apple.
Đọc phần 1 của bài viết tại đây
Microsoft tham chiến
Kịch bản ở phía trước là hết sức rõ ràng: khi chuyển sang sử dụng OpenJDK làm nền móng cho Android, Google đã phó mặc phần lớn quyền kiểm soát của hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới cho đối thủ. Trong tuyên bố chuyển sang sử dụng OpenJDK, Google tuyên bố bước đi này là "giảm phân mảnh" – điều mà các nhà sản xuất chắc chắn không mong muốn vì họ cần phải tạo ra thế mạnh riêng cho sản phẩm của mình. Giờ đây, để tạo ra các phiên bản Android tối ưu cho phần cứng của mình, Samsung, Huawei, Qualcomm, NVIDIA… sẽ phải trả tiền cho Oracle.
Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi một gã khổng lồ khác tham chiến: Microsoft. Động thái cắt giảm mạnh mẽ sản lượng Lumia trong năm vừa qua của Microsoft cho thấy hãng này đã sẵn sàng từ bỏ "khối u" Windows Phone, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra một phiên bản Android do chính Microsoft nắm quyền kiểm soát. Một trong những động thái đáng chú ý nhất của chiến lược dài hơi này là vào tháng 3 vừa qua, khi các dịch vụ Microsoft được cài đặt mặc định lên bộ ROM Cyanogen OS. Khác với CyanogenMod, Cyanogen OS là bộ ROM được cung cấp cho các nhà sản xuất cài đặt sẵn lên smartphone xuất xưởng của họ.
Microsoft là "bạn thân" của Oracle
Nhưng chỉ một bộ ROM rõ ràng là chưa đủ để Microsoft thực sự "giằng" được Android về tay mình. Hãy thử nhìn mà xem, các nhà sản xuất Trung Quốc đã luôn tự tạo ra Android của riêng họ, nhưng những bản Android này luôn đi sau Android-của-Google một bước, vì Google lúc nào cũng nắm phần nhân cốt lõi, lúc nào cũng sáng tạo xong (và bán các sáng tạo đó tới tay các đối tác) rồi mới chịu công bố rộng rãi.
Vấn đề là ở chỗ nếu dùng OpenJDK thì Oracle sớm hay muộn cũng sẽ thế chỗ Google kiểm soát Android, và Oracle đã cùng Microsoft ký một thỏa thuận hợp tác khổng lồ vào năm 2013. 2 bên sẽ không ngần ngại gì để mở rộng thỏa thuận đó để bao gồm cả Java lẫn Android của tương lai.
Ngay chính Microsoft hiện cũng đã nắm trong tay một khối lượng bản quyền lớn tới mức khoản tiền hãng này thu được từ các nhà sản xuất Android còn lớn hơn cả tiền thu được từ Windows Phone. Tất cả những điều này đều vẽ nên một kịch bản duy nhất: phiên bản Android do Microsoft và Oracle phối hợp tạo ra hoàn toàn có đủ sức để chống lại Android của Google. Qua OpenJDK, Oracle đã nắm sẵn phần nhân có ý nghĩa sống còn với hiệu năng, còn Microsoft thì nắm một loạt bản quyền để thương thảo với các nhà sản xuất cùng các dịch vụ đủ để thế chỗ cho Google.
Một ngôn ngữ khác cho Android
Kể cả còn giữ được ít nhiều quyền kiểm soát Android thì Google vẫn sẽ gặp khó khăn. Vị thế độc tôn của Android đã luôn khiến các nhà sản xuất phải quỵ lụy trước Google; chừng nào còn dùng OpenJDK thì Google cũng không còn thao túng được Android như trước đây. Khẩu hiệu "mã nguồn mở" được Google dành cho Android nay đã quay trở lại làm hại Google khi hãng này mắc phải một sai lầm tai hại: sử dụng lại ngôn ngữ từ một công ty đã quá cáo già trong lĩnh vực "chặt chém" trên mã nguồn mở.
Rõ ràng còn tiếp tục gắn bó với Java thì tương lai của Android-của-Google còn tăm tối.
Các ngôn ngữ khác? C thì quá phức tạp so với Java, ngôn ngữ gần nhất với Java là C# thì lại do Microsoft làm chủ trong khi các ngôn ngữ như PHP và Javascript thì chỉ phù hợp với nền web. Số lượng lựa chọn của Google là không nhiều, nhưng dựa theo các thông tin gần đây thì gã khổng lồ tìm kiếm đã đưa ra một lựa chọn có thể khiến nhiều bất ngờ: Swift, ngôn ngữ do Apple sáng tạo ra.
Apple và Google không (nên) ghét nhau như bạn tưởng
Bạn có thể sẽ chỉ ra rất nhiều lý do để chứng minh vì sao Google không nên dùng Swift, nhưng lý do cốt lõi nhất vẫn sẽ mang một màu sắc tương tự như vấn đề của Oracle và Java: dù là mã nguồn mở nhưng Swift vẫn thuộc quyền kiểm soát của Apple. Trong tất cả các công ty, Apple có vẻ là ông lớn căm ghét Google nhất: Steve Jobs đã từng khẳng định Android là "bản nhái" của iOS và kêu gọi "thánh chiến" chống lại hệ điều hành này.
Nhưng Steve Jobs đã ra đi và mối quan hệ giữa Google với Apple cũng không nhất thiết phải tồi tệ đến vậy.
Dù đã từng đi trước về nhiều tính năng phần mềm như giao diện GUI hay mô hình chợ ứng dụng thì về bản chất, Apple vẫn là một công ty phần cứng. Tương tự, dù nắm trong tay hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới nhưng Google vẫn "sống" bằng nguồn thu quảng cáo do các dịch vụ dữ liệu như tìm kiếm, Gmail, YouTube, Maps v…v… mang lại.
Không phải vô cớ mà trước khi Android ra đời, mối quan hệ giữa Apple và Google đã từng rất tốt đẹp. YouTube đã từng là một ứng dụng mặc định trên iOS, và cựu CEO, chủ tịch Google (nay là Alphabet) Eric Schmidt đã từng ngồi trong ban quản trị của Apple! Lý do là bởi 2 mảng làm ăn kinh doanh cốt lõi của 2 công ty rất tương thích với nhau. Người tiêu dùng thèm khát phần cứng chất lượng cao, nhưng nếu iOS vắng bóng hoàn toàn các dấu chân của Google thì các iFan cũng sẽ cảm thấy khó chịu.
"Cái gai" Android vẫn tồn tại, nhưng thực tế là Google vẫn đang trả cho Apple 1 tỷ USD mỗi năm để được tiếp tục là bộ máy tìm kiếm mặc định của Safari. Google cũng sở hữu một kho ứng dụng đầy đủ trên nền iOS, bao gồm cả những dịch vụ cốt lõi nhất, sinh lời nhiều nhất như Google Search (tích hợp trợ lý ảo Now), Gmail, YouTube, Google Maps, Google Music và bất cứ dịch vụ nào khác bạn có thể kể tên. Rõ ràng mục tiêu của Google không phải là để tận diệt iOS mà là để bán được càng nhiều quảng cáo càng tốt.
Chính Apple cũng đã từ bỏ hoàn toàn các nỗ lực lấn sân sang quảng cáo trực tuyến. Thậm chí Táo còn không phát triển bất cứ một dịch vụ mạng nào trừ khi dịch vụ đó là bắt buộc phải có để tạo nên thành công của iOS và iPhone, iPad.
Hãy nhớ rằng khi lựa chọn một ngôn ngữ mã nguồn mở thì bạn sẽ phó mặc phần nhiều số phận của mình vào tay công ty nắm quyền kiểm soát ngôn ngữ đó. Từ góc độ của Google, hồi phục mối quan hệ với Apple sẽ là hợp lý và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc trao cho Oracle và Microsoft quyền kiểm soát Android. Oracle vẫn là một công ty phần mềm và cũng là một con "troll bản quyền" chính hiệu. Microsoft đã mang tham vọng phục hận di động và thay thế các sản phẩm của Google bằng Bing, OneDrive, Skype trong nhiều năm trời.
Còn Apple thì vẫn đóng góp hàng tỷ USD vào doanh thu quảng cáo của Google. Trên bàn đàm phán, chắc chắn Apple cũng sẽ đưa ra những rằng buộc dễ chịu hơn Oracle (và Microsoft).
Siết chặt gọng kìm di động
Nếu hất cẳng Oracle bằng Swift, Google cũng sẽ tạo ra một thiên đường cho cộng đồng các nhà phát triển. Thay vì phải học hỏi 2 ngôn ngữ (Java và Objective C/Swift) để có thể viết ra những ứng dụng phủ sóng toàn bộ thị trường di động, họ sẽ chỉ cần đầu tư vào một ngôn ngữ duy nhất. Là một ngôn ngữ sinh sau đẻ muộn, Swift "lai" giữa các loại ngôn ngữ script và ngôn ngữ truyền thống, vừa đảm bảo hiệu năng lại vừa cho phép giảm thiểu quá trình phát triển ứng dụng.
Một kịch bản như vậy sẽ là cũng sẽ giúp Apple và Google siết chặt quyền kiểm soát của mình lên thế giới di động toàn cầu. Ngay từ bây giờ, các nhà phát triển ứng dụng đã ưa thích nền tảng của Apple hơn là nền tảng của Google rồi. Nếu ngôn ngữ của Apple có thể cho phép họ đặt chân lên Android thì Java, OpenJDK, Oracle hay Microsoft cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Những khó khăn thì sao? Thế giới đã có sẵn hàng tỷ thiết bị chạy Android, nhưng về mặt lý thuyết, Google vẫn có thể phát hành một bộ runtime Swift cho các thiết bị cũ để đưa những ông lớn đang nắm quyền kiểm soát Java trở lại về… chiếu dưới. Đây sẽ là một hành trình lâu dài và tốn kém, nhưng vẫn sẽ là cái giá có thể chấp nhận được nếu Google còn muốn giữ quyền kiểm soát "con đẻ" Android trong tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đích thân "nhá hàng" smartphone màn hình gập ba đầu tiên, sẽ ra mắt trong năm nay
Chiếc Galaxy gập ba sẽ sớm được Samsung trình làng trong năm nay, tuy nhiên mức giá có thể sẽ vô cùng đắt đỏ.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng