Dế nham thạch: loài vật huyền thoại chỉ xuất hiện sau phun trào núi lửa, cỏ vừa lên là biến mất
Không ai biết bình thường, loài dế bí ẩn này trú ở đâu, sống cuộc sống như thế nào. Chỉ hay khi vụ phun trào núi lửa vừa dứt được đôi ba tháng, khi lớp dung nham bắt đầu nguội đi, chúng lại bất thần xuất hiện.
Từ lâu người ở Hawaii, một đảo núi lửa nằm ở phía Bắc Thái Bình Dương đã biết đến sự tồn tại của loài dế nham thạch thoắt ẩn thoắt hiện như ma quái này. Cứ sau một vụ phun trào núi lửa, trên cái nền trống huơ trống hoác chưa có lấy một mụn sự sống hồi sinh, chúng lại có mặt. Nhưng khi mầm cỏ đầu tiên vừa trồi lên, tất cả đột ngột biến mất, không để lại bất cứ dấu vết nào.
Tiên phong dọn nhà vào thế giới tro than vừa nguội
Năm 2018 sau gần 100 năm yên ắng, núi lửa Kilauea của Hawaii bất chợt bùng nổ, bắn cột bụi tro và khói lên cao cả 9km, tràn thác dung nham nuốt chửng những cánh đồng, nhà cửa, con đường, thậm chí là cả một bến thuyền.
Phải mất vài tháng, dòng dung nham nóng chảy đỏ lòm mới dần nguội bớt, phơi bày quang cảnh tan hoang, đen nhẻm, vô hồn. Thế nhưng với dế nham thạch - "cư dân" bé nhỏ, đáng yêu của Hawaii, thì cái thế giới chết cháy ấy lại là ngôi nhà lý tưởng nhất.
Chúng vội vàng dọn vào ở, trở thành sự sống đa bào sớm nhất có mặt giữa hoang tàn. "Ở đâu có dung nham núi lửa vừa nguội, ở đó có dế nham thạch," - Marlene Zuk, nhà côn trùng học của ĐH Minnesota ở St. Paul, Mỹ khẳng định.
Tên khoa học của dế nham thạch là Caconemobius fori. Chúng là 1 trong 15 phân loài của Caconemobius, nhà dế sống rải rác theo bờ Thái Bình Dương và trong quần đảo Hawaii.
Trong khi hầu hết phân loài dế Caconemobius đều có thể được tìm thấy dưới các tảng đá trên các bãi biển, thì Caconemobius fori chỉ bất thần xuất hiện sau một vụ phun trào núi lửa không lâu.
Và rồi chúng lại bất thần biến mất sạch sẽ, không để lại bất cứ một dấu vết nào để dò tìm.
Ăn thực vật mục nát và uống bọt biển
Phải đến tận năm 1978, loài dế ưa sống trong các cánh đồng nham thạch mới nguội này mới được các nhà khoa học xác nhận và đặt tên.
Trong mảnh đất tan hoang, chúng nhẫn nại gặm xác thực vật khô nát bị gió cuốn từ bên ngoài vào, mắc kẹt trong các khe dung nham và uống bọt biển. Theo phân tích thì trong bọt biển có chứa một hợp chất protein là albumen (lòng trắng trứng). Chúng cung cấp lượng dinh dưỡng quan trọng cho dế nham thạch sinh trưởng tốt.
Chúng ăn xác thực vật và bọt biển
Có 2 lợi thế lớn cho nhà dế nham thạch trong cánh đồng dung nham vừa nguội, là phạm vi sinh tồn rộng và không có đối thủ cạnh tranh thức ăn. Ban ngày, chúng ẩn nấp trong các khe dung nham đen nhẻm, đêm xuống mới lặng lẽ mò ra ngoài kiếm ăn.
Sau vụ phun trào núi lửa Kilauea năm ngoái, Zuk lập tức nhận ra cơ hội có một không hai để nghiên cứu kỹ lưỡng về loài dế bí ẩn này đã đến. Cô nhanh chóng lên đường tới Hawaii, bởi "khi cỏ mọc lên là đã quá muộn mất rồi."
Vốn dĩ, thế mạnh của nhà côn trùng là có cánh. Nhờ có cánh, chúng dễ dàng di chuyển và tạo ra âm thanh gọi bạn tình. Kỳ lạ là dế nham thạch, loài dế sống trong môi trường khắc nghiệt nhất lại không hề có cánh. Lẽ dĩ nhiên chúng cũng không thể bay hay cất tiếng gáy tán tỉnh lẫn nhau.
Giao phối kiểu... tự sát
Mặc dù đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa biết dế dung nham hấp dẫn đối phương bằng cách nào, nhưng đã quan sát được tập tính giao phối rùng rợn bậc nhất. Trong lúc làm... chuyện ấy, dế dung nham cái sẽ cắn vào chân con đực, thong thả hút máu (thực ra là chất dịch hemolin, vì côn trùng chưa phát triển cái gọi là máu).
Sau một lần quan hệ, dế đực có thể mất từ 3-8% trọng lượng cơ thể. Thời tiết trong vùng dung nham mới nguội cực khô và nóng, nên phải đánh đổi cả một lượng chất dịch quý giá như thế này quả thực là ván cược lớn.
"Thông thường khi nói về kén giống trong thế giới tự nhiên, chúng ta hay thấy con cái mới là kẻ có quyền lựa chọn," - Jeremy Marshall, một nhà nghiên cứu côn trùng của Đại học bang Kansas ở Manhattan cho biết. "Song với trường hợp hoạt động giao phối gây hiểm cho con đực, trật tự lựa chọn sẽ bị đổi ngược lại."
Nhưng nhà Lava có đi theo "lẽ thường" này không thì chúng ta lại vẫn chưa thể biết. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa có xác nhận nào. Họ thậm chí còn chưa tìm ra tín hiệu hóa học giữa dế nham thạch đực và cái. Cũng chưa biết chúng ưa tụ tập thành nhóm hay sống riêng lẻ.
Tuy nhiên, trong đợt "ra quân" này, Marlene Zuk đã quyết tâm lật mở mọi bí ẩn. Cô cũng có kế hoạch bắt một số dế Lava cái mang thai về nuôi trong phòng thí nghiệm, để có thể tìm hiểu một cách kỹ càng. Thế nên chúng ta có thể trông đợi vào nỗ lực của Zuk và các nhà nghiên cứu hỗ trợ khác.
Tham khảo: Atlas Obscura, Science Mag
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng