Để thành công trong ngành công nghệ, biết code giỏi thôi là chưa đủ
Liệu code giỏi không thôi đã đủ để bạn thành công trong sự nghiệp?
Theo bài viết của Bernard Chan, sáng lập viên trường khởi nghiệp ALPHA Camp
Với tư cách là một kỹ sư điện và một người từng tham gia bootcamp (khóa học cơ bản/chuyên sâu theo dạng hội trại) lập trình, dưới đây là lời khuyên tôi đúc rút được ra sau cả quá trình làm việc: Học code không thôi là chưa đủ nếu mục tiêu của bạn là bắt đầu một sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hay khởi nghiệp một startup công nghệ.
Gần đây, những bootcamp lập trình hay trường dạy code dường như đang bùng nổ khắp mọi nơi với cam kết hướng dẫn code web/app từ A đến Z cho cả người chưa biết gì. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này: Biết đọc code là một trong những kỹ năng quan trọng trong thời đại ngày nay.
Thế nhưng sau khi phỏng vấn một số ứng viên tiềm năng cho công ty của mình, tôi ngày càng lo ngại về lối tư duy cũng như những kỳ vọng của mọi người đối với những khóa học như các bootcamp.
Tôi từng tham gia một khóa bootcamp về lâp trình từ năm 2012. Thời điểm đó, tôi mới đóng cửa startup đầu tay, vừa bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực giáo dục vừa làm việc cho một quỹ đầu tư. Hiểu những hạn chế của bản thân khi còn là một nhà sáng lập startup không biết nhiều về công nghệ, tôi tham gia bootcamp không phải để khởi động sự nghiệp lập trình viên mà để chuẩn bị tốt hơn cho vai trò là một nhà đầu tư vào các startup công nghệ cũng như một doanh nhân khởi nghiệp công nghệ sau này.
Nhiều bạn học cùng tôi tại bootcamp coi đó như một đòn bẩy cho sự nghiệp phát triển phần mềm của họ. Thế nhưng cuối cùng thì yếu tố quyết định việc ai sẽ thành công trong lĩnh vực này lại không liên quan nhiều đến khả năng code.
Theo định nghĩa thì lập trình hay code là khả năng chuyển thể những suy nghĩ con người sang thành các câu lệnh hướng dẫn cho máy tính hiểu và làm theo. Kỹ năng này có nhiều thang bậc, từ việc xây dựng được một sản phẩm phần mềm cho đến việc trở thành một nhà phát triển phần chuyên nghiệp.
Đơn giản hãy sánh với lĩnh vực thân thuộc với chúng ta hơn là tiếng Anh: viết văn tiếng Anh trôi chảy, mạch lạc thì khác xa với việc trở thành một nhà văn, nhà báo. Kỹ năng yêu cầu trước sau vẫn là tiếng Anh, thế nhưng mức độ thì lại khác nhau hoàn toàn.
Theo Larry Wall, người đã tạo ra ngôn ngữ lập trình Perl, lập trình viên nên có 3 nét tính cách tuyệt vời sau:
- Lười biếng: chính là thứ thúc đẩy các nhà phát triển đi tìm những giải pháp phần mềm hiệu quả giúp tránh lãng phí nguồn lực (đôi khi là cả thời gian, công sức).
- Thiếu kiên nhẫn: cảm giác tức giận khi thấy máy tính/chương trình không hoạt động được như mong muốn – dẫn đến việc anh ta sẽ thiết kế ra những sản phẩm phản ứng lại tốt hơn những điều này.
- Ngạo mạn: phẩm chất giúp lập trình viên tạo ra sản phẩm với lòng tự hào và sự cẩn trọng sao cho không ai muốn chê bai gì về nó.
Những phẩm chất của các lãnh đạo tuyệt vời trong ngành công nghệ
Tuy không phải một lập trình viên chuyên nghiệp nhưng tôi từng có cơ hội quan sát nhiều lãnh đạo tuyệt vời trong ngành công nghệ cũng như rút ra nhận xét về những phẩm chất chung của họ.
Tư duy giải quyết vấn đề
Công nghệ được tạo ra là để giải quyết vấn đề. Một nhà phát triển cần có tư duy luôn chủ động tìm cách giải quyết vấn đề và biết bóc tách chúng ra thành những phần nhỏ dễ nuốt hơn. Việc ngồi code chỉ là một phần vấn đề mà thôi.
Trí tò mò
Twitter, Apple, Google – tất cả những công ty tuyệt vời này đều từng khởi đầu là những “dự án phụ” làm chơi của các nhà sáng lập. Nhiều nhà phát triển tài năng đã thành công nhờ việc luôn tò mò tìm hiểu mọi thứ hoạt động ra sao hay tìm cách giải quyết sáng tạo cho các vấn đề họ nhìn thấy.
Khả năng tự học hỏi
Các nhà phát triển chắc chắn sẽ thường xuyên đối mặt với các vấn đề và thách thức họ chưa từng gặp phải trước đây. Khả năng tự tìm được câu trả lời cho các vấn đề hay học hỏi từ việc làm thử - thất bại là đặc biệt quan trọng với tất cả các nhà phát triển.
Kỹ năng làm việc nhóm
Xây dựng sản phẩm thường đòi hỏi rất nhiều việc phức tạp được thực hiện bởi một đội ngũ nhiều người như người quản lý sản phẩm (product manager), designer, lập trình viên front-end, back-end,… Biết cách làm việc và phối hợp hiệu quả trong với đội nhóm cũng là một trong những kỹ năng cơ bản các công ty đòi hỏi ở lập trình viên hiện nay.
Sự bền bỉ
Đây là một phẩm chất thì đúng hơn là một kỹ năng, thế nhưng cũng đặc biệt quan trọng. Những người mới bắt đầu học code thường rất dễ nản bởi phải đổi mặt với nhiều khó khăn khi những dòng code họ viết ra không hoạt động được như họ kỳ vọng. Chỉ khi vượt qua được giai đoạn này, họ mới thể đi tiếp sự nghiệp lập trình.
Lập trình nhìn chung mới chỉ là một kỹ năng giúp bạn điều khiển máy tính hoạt động theo ý muốn. Thế nhưng nó vẫn là chưa đủ để thực sự hiểu về công nghệ cũng như thành công trong lĩnh vực này. Nếu bạn mong muốn trở thành một nhà phát triển tài năng, được nhiều công ty săn đón thì bạn cần phát triển cả kỹ năng tư duy, học hỏi và quan trọng nhất là thái độ làm việc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng