Có lẽ khi Blizzard tung ra WarCraft III, họ không ngờ có một ngày sản phẩm của mình lại bị hack tràn lan đến như vậy. Nhưng thật ra, người ta không hack để đánh trên dòng map melee chính thống của hãng. Mà người ta hack để chơi DotA, một custom-map trứ danh chạy trên WarCraft III.
Không chỉ hack map, một loại hack phổ biến mà nhiều game thủ còn hack chuyển tiền, hack custom-kick,… như một cách để chiến thắng trong DotA. Và chúng ta đều biết hack có thể phá hoại một trận đấu như thế nào. Nó làm mất đi tính công bằng của trận đấu, làm người chơi bình thường bị ức chế và sẽ càng ngày có nhiều người hack hơn,…
Hack gì cũng có trong DotA.
Kể từ lúc DotA mới chập chững phát triển từ năm 2008 cho đến nay thì tệ nạn hack (map) ngày càng trở nên phổ biến. Hack có mặt khắp nơi, từ DotA public cho đến DotA clan war (Competitive DotA), ngay cả những thể loại map DotA for fun (giải trí) mới như DotA OMG hay DotA Imba cũng không được các cheater buông tha.
Dần dần, cộng đồng càng mất niềm tin vào DotA, họ nghĩ game nào cũng có hack dù Garena liên tục có những động thái chống hack như tạo khu vực báo cáo hack/cheat, giới hạn level vào những room cao,… nhưng hack vẫn cứ tiếp diễn khiến những game thủ đam mê DotA chỉ còn cách chấp nhận “sống chung với lũ”. Chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu căn cơ của căn bệnh hack này, biết đâu có thể tìm ra được cách hạn chế phần nào việc hack:
Blizzard phát hành Warcraft III phiên bản đầu tiên Reign of Chaos vào năm 2002, lúc đó, tựa game này được xem là một thành công lớn của thể loại game RTS (Real-Time Strategy).
WarCraft 3: Reign of Chaos làm vẻ vang thêm cho hãng game Blizzard.
Nhưng gần 10 năm sau, WarCraft III vẫn còn vô cùng phổ biến nhờ DotA, một custom-map với lối chơi nhập vai (RPG) thú vị. Tuy nhiên, trong khi WarCraft III nói chung sử dụng Battle.Net, một hệ thống thi đấu trực tuyến của Blizzard có sẵn trong game thì DotA lại sử dụng Garena để kết nối người chơi lại với nhau. Dù Garena vẫn hỗ trợ chơi các custom-map khác chứ không riêng gì DotA trên Garena, nhưng thật sự DotA mới là game chính để thu hút hàng triệu người chơi.
Garena rất thành công với DotA nhưng khi bạn không phải chính là người tạo ra nó, bạn sẽ khó mà kiểm soát nó hoàn toàn. DotA ngày càng trở nên phổ biến và cái gì đến cũng sẽ đến, nhiều hacker lập tức viết tools để hack nhằm nâng cao chiến thắng và khuếch trương danh tiếng của mình. Tại sao không thể ngăn chặn các bản hack? Nếu thật sự Blizzard là hãng tạo ra WarCraft III, đáng lẽ họ có thể nhanh chóng viết ngay một bản vá mới để ngăn chặn những tool đó hoạt động. Vì xét cho cùng, các tool đó chỉ hoạt động dựa trên một nguyên lý nào đó của tựa game này mà thôi.
Việc ra bản vá của Blizzard không nhắm vào việc chống hack.
Thế nhưng như chúng ta thấy việc anti-hack bằng cách vá game của WarCraft III như muối bỏ biển. Bạn có biết rằng, mỗi khi Blizzard tung một bản cập nhật mới (patch) thì phải mất thời gian bao lâu không? Nhanh thì vài tháng, lâu thì đến 1 năm. Trong khi hacker lại có thể viết tools trong 1 ngày.
Game Đột Kích (CF) của hãng VTC cũng lâm vào tình trạng hack tràn lan như DotA. Dù NPH liên tục đưa ra những bản vá nhưng hack vẫn cứ tiếp diễn, và DotA cũng vậy. Garena ở đây ví như VTC, còn hãng sản xuất CF ví như Blizzard. Khi cả 2 không cùng song hành thì việc dẹp nạn hack gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Đột kích của VTC cũng gặp vấn nạn hack như DotA Việt Nam.
Chưa hết, không phải cứ Blizzard cho ra patch mới là người chơi nào cũng cập nhật WarCraft III liền. Mặc dù tựa game này có hệ thống Battle.Net có thể tự động kiểm tra patch rồi sau đó cập nhật patch mới cho người chơi. Nhưng hiện nay còn rất ít người chơi online với nhau qua Battle.Net, họ chơi trên Garena vì nó tiện lợi hơn nhiều. Chính vì vậy, dù Blizzard đã tung ra patch 1.26 nhưng chúng ta vẫn dùng 1.24e để chơi DotA.
Như vậy, có thể chốt lại căn bệnh hack của DotA hoành hoành là vì những lý do sau:
Engine của WarCraft III còn nhiều nhược điểm để các hacker khai thác.
Blizzard ra bản vá chậm nhưng hacker lại viết tool gần như ngay lập tức.
Blizzard và Garena không có sự thống nhất trong việc triển khai game nên khó đối phó với vấn nạn hack.
Hiện nay các game dựa trên DotA như HoN, LoL, DotA 2 có rất ít hack/cheat. Đơn giản vì họ đã làm được những điều sau:
Hãng phát triển, sản xuất cũng như triển khai game là một như với HoN là S2 Games, LoL là Riot Games và DotA 2 là Valve. Việc có được trong tay toàn bộ source game và nguyên lý vận hành một máy chủ giúp ích rất nhiều trong việc chống hack.
Các game được cập nhật liên tục mỗi khi người chơi kết nối vào server, như vậy thì các hacker không thể ngồi viết tool liên tục để hack game. Kể cả nếu có hacker chịu ngồi viết, thì cùng lắm vài tuần là tool đó sẽ không còn hữu dụng nữa.
Các game đều có thu phí theo một cách nào đó, thế nên người chơi sẽ ít hack hơn vì nếu không sẽ mất luôn account mà mình đã bỏ tiền vào.