Dịch chuyển tức thời, du hành liên hành tinh, và những sai lầm thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng
Phim khoa học viễn tưởng thường được xây dựng dựa trên những giả thuyết, lý thuyết khoa học thực tiễn, thế nhưng đôi khi các nhà sản xuất cũng bỏ qua tất cả để trí tưởng tượng có thể phát huy một cách hiệu quả nhất.
- Sự thật về vòng tròn 'trên trời rơi xuống' ở Namibia khiến các nhà khoa học đau đầu suốt 5 thập kỷ
- Sức mạnh của Superman dưới góc nhìn khoa học: Hư cấu, nhưng không phải là bất khả thi
- Dưới cái nhìn của khoa học giác quan thứ 6 là gì?
- Các nhà khoa học vừa tạo ra loại sơn nhẹ nhất thế giới, chỉ cần 1,4kg cũng đủ để sơn toàn bộ một chiếc máy bay Boeing 747
- Tại sao một số nhà khoa học tin rằng than đá có thể đến từ vũ trụ?
Những bộ phim khoa học viễn tưởng thường được xây dựng dựa trên những cơ sở lý thuyết khoa học thực tiễn, sau đó thêm thắt những yếu tố hư cấu để giúp mang lại câu chuyện thú vị và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, có không ít tác phẩm lại hoàn toàn bỏ qua khía cạnh “thực tiễn” này, và chỉ tập trung vào khâu sáng tạo, và kết quả là dẫn đến không ít sai lầm cơ bản khá hài hước.
Theo thời gian, dòng phim khoa học viễn tưởng ngày càng phát triển và được khán giả đón nhận rộng rãi. Thế nhưng những sai lầm đó không những không được khắc phục, mà ngược lại, ngày càng lặp lại nhiều lần, khiến cho khán giả cũng bỏ qua và mặc định cho rằng những gì diễn ra trên màn ảnh là hợp lý.
Các hành tinh có trọng lực giống Trái Đất
Dù là trong những chuyến du hành khám phá không gian sâu thẳm của MCU hay Star Wars, dường như rất nhiều hành tinh, mặt trăng đều có lực hấp dẫn giống với Trái Đất. Bất chấp khối lượng của một thế giới ra sao, các nhân vật sẽ không bao giờ bị đè bẹp bởi trọng lượng cơ thể của chính họ, và cũng không nảy “tưng tưng” trên bề mặt hành tinh. Điều này khá là vô lý, bởi lực hấp dẫn phụ thuộc khá nhiều vào khối lượng.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết, mặc dù trong vũ trụ có khá nhiều hành tinh có kích thước tương đương Trái Đất, thế nhưng không có hành tinh nào được xem là bản sao hoàn hảo cho ngôi nhà chung của chúng ta. Chính vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu các cư dân của Tatooine sở hữu cơ thể vạm vỡ, rắn chắc hơn vì môi trường trọng lực cao, hoặc mềm mại, mỏng manh hơn với môi trường trọng lực thấp, thay vì có vóc dáng và hình thể giống với người Trái Đất.
Di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng
Phim khoa học viễn tưởng thường mô tả khả năng di chuyển của những con tàu vũ trụ nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Xét trên khía cạnh kích thước quá rộng lớn của vũ trụ, điều này khá là hợp lý, bởi có rất nhiều hành tinh nằm ở những khoảng cách rất xa nhau. Tuy nhiên, theo thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein cho biết, khả năng di chuyển với tốc độ ánh sáng chỉ khả thi với những vật thể có khối lượng tĩnh bằng 0 mà thôi.
Để tăng tốc đến mức độ tốc độ ánh sáng, vật thể sẽ cần một nguồn năng lượng vô hạn. Thế nhưng những vật chất có khối lượng sẽ không thể đạt đến ngưỡng tốc độ này hoặc cao hơn, giống như những gì được mô tả trong phim khoa học viễn tưởng. Lúc này, du hành nhanh hơn ánh sáng sẽ kết thúc trong thất bại hoặc trong tình trạng tan rã ngay lập tức.
Nhân giống giữa các loài khác nhau
Theo BBC cho biết, các nhà khoa học đã chứng minh rằng con người không thể sinh sản với những chủng loài khác. Mặc dù các phân loài của loài người, như Neanderthals, là hoàn toàn có thật, thế nhưng sự khác biệt về gen giữa con người và động vật hay sinh vật ngoại lai khiến cho những thế hệ “con lai”, về cơ bản, là không thể xảy ra.
Dẫu vậy, những đứa con mang hai dòng máu của người Trái Đất và người ngoài hành tinh vẫn luôn được xem là một trong những ý tưởng được nhiều nhà làm phim khoa học viễn tưởng yêu thích. Ví dụ nổi bật nhất có lẽ phải kể đến Mr. Spock, nhân vật được yêu thích nhất nhì của loạt phim Star Trek. Trên thực tế, điều này chỉ khả thi khi người ngoài hành tinh có những bộ phận, cơ quan sinh sản tương thích và phù hợp với người Trái Đất. Có quá nhiều yếu tố chống lại kiểu lai tạo như thế này.
Khả năng tàng hình
Xuất phát từ những truyền thuyết Hy Lạp cổ đại, khả năng tàng hình từ lâu đã trở thành một siêu năng lực rất được yêu thích trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, đặc biệt là dòng phim siêu anh hùng. Tuy nhiên, để một người, hoặc một vật thể, trở nên vô hình, ánh sáng cần phải uốn quanh cơ thể họ, hoặc đi xuyên qua họ thay vì phản xạ lại.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc biến một vật thể hữu hình trở nên vô hình là điều gần như không thể. Tuy nhiên, ngay cả công nghệ phát triển hơn trong tương lai, siêu năng lực này vẫn được xem là bất khả thi vì nhiều lý do khác nhau. Võng mạc của con người cần hấp thụ ánh sáng về mặt hóa học để có thể nhìn được. Chính vì vậy, nếu ánh sáng “né tránh” họ, họ sẽ trở nên tàng hình, nhưng đổi lại là cũng mất luôn thị giác của mình. Lúc này, những sinh vật vô hình sẽ phải tìm cách sinh tồn dựa trên những giác quan còn lại, cũng như học cách di chuyển mà không cần dùng đến thị giác.
Mọi chủng loài đều hít thở trong cùng điều kiện khí quyển
Bầu khí quyển, cũng giống như trọng lực, là hoàn toàn khác biệt giữa các hành tinh khác nhau. Đó là lý do vì sao các loài động vật luôn phải tiến hóa để sinh tồn và thích nghi với điều kiện không khí trong một môi trường cụ thể. Tuy nhiên, trong phim khoa học viễn tưởng, khi người ngoài hành tinh xuất hiện trên Trái Đất, họ không hề gặp bất cứ khó khăn nào về hô hấp với bầu không khí chứa đầy oxi và ni-tơ của chúng ta. Ngược lại, con người, dù đúng là thường mặc những bộ đồ du hành vũ trụ, cũng có thể dễ dàng di chuyển, thậm chí là hít thở trên những hành tinh khác, bất chấp điều kiện tại đó có khác biệt như thế nào so với Trái Đất.
Trong thực tế, những phi hành gia rất khó để xác nhận vị trí của những bầu khí quyển mà họ có thể hít thở được trong vũ trụ. Sự sống trên cạn không chỉ đơn thuần là cần đến oxi, mà đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa ni-tơ, oxi và một số loại khí khác. Và sự trộn lẫn sai cách thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể gây chết người.
Những vụ nổ trong không gian
Rất nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng đã khai thác đề tài chiến tranh trong vũ trụ, với những chiến binh siêu tốc, những phi thuyền không gian khổng lồ, và đương nhiên là cả những vụ nổ hoành tráng, bắt tai bắt mắt. Star Wars là một trong những thương hiệu tiên phong cho ý tưởng về những vụ nổ lớn giữa không gian sâu thẳm. Đây cũng là một trong những điểm “ăn tiền” nhất của loạt phim này.
Tuy nhiên, trong thực tế, những vụ nổ dữ dội như vậy khó có thể xảy ra bên ngoài bầu khí quyển giàu oxi (theo Science ABC). Đúng là các phi thuyền có chứa một lượng lớn oxi để đảm bảo khả năng hô hấp cho phi hành đoàn, thế nhưng hiện tượng phát nổ trong không gian sẽ cực kỳ khác biệt so với những gì diễn ra trên màn ảnh lớn. Nếu một con tàu phát nổ khi đang di chuyển với tốc độ cao, bản thân vụ nổ đó cũng sẽ tiếp tục di chuyển với cùng tốc độ, không chịu tác động của trọng lực hay ma sát. Điều này sẽ khiến cho sức công phá của vụ nổ lớn hơn rất nhiều.
Giao tiếp siêu sáng
Rất nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng từng khai thác khả năng giao tiếp nhanh hơn ánh sáng của con người và những chủng tộc ngoài hành tinh. Vũ trụ là một vùng không gian vô cùng rộng lớn, và khoảng cách từ Trái Đất đến một hành tinh khá “gần” như Mặt trời là khoảng 8 phút ánh sáng. Những khoảng cách như vậy khiến cho việc liên lạc vô tuyến trở nên bất khả thi, với độ trễ có thể kéo dài lên đến hàng thế kỷ.
Tuy nhiên, theo tạp chí Forbes cho biết, tương tự như khả năng di chuyển với tốc độ nhanh hơn ánh sáng, hình thức giao tiếp siêu sáng là điều không thể trong thực tế. Một trong những bộ phim về người ngoài hành tinh được đánh giá cao nhất trong làng điện ảnh thế giới, Contact, thậm chí đã tái hiện lại vấn đề mà liên lạc qua radio trong vũ trụ gặp phải. Bộ phim này cho thấy tần số vô tuyến ngày càng trở nên chậm trễ hơn khi khoảng cách của máy phát với Trái Đất tăng lên. Mặc dù sóng vô tuyến di chuyển với tốc độ ánh sáng, thế nhưng đến một khoảng cách nhất định, các đài phát thanh sẽ bị vô hiệu hóa, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bên ngoài không gian.
Hiệu ứng âm thanh trong vũ trụ
Phim khoa học viễn tưởng sẽ trở nên cực kỳ nhàm chán nếu không có hiệu ứng âm thanh. Thế nhưng, âm thanh lại là điều bất khả thi trong môi trường chân không, bởi chúng được tạo ra từ sự rung động. Không có không khí hay bất kỳ một hình thức rung động nào khác, ngay cả những vụ nổ khổng lồ, quy mô lớn ngoài vũ trụ cũng không có gì ngoài ánh sáng, nhiệt độ và hàng loạt mảnh vụn (theo Caltech).
Trong khi đó, phim truyện không chỉ là một phương tiện hình ảnh, mà còn là một phương tiện âm thanh để mang lại trải nghiệm giải trí trọn vẹn cho khán giả. Vì vậy, thật khó để các nhà làm phim bỏ qua yếu tố trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng với đề tài không gian, vũ trụ. Dĩ nhiên, cũng có những nhà sản xuất đặc biệt tuân thủ theo thực tế, ví dụ như Stanley Kubrick, người từng tận dụng cực kỳ hiệu quả sự im lặng tuyệt đối của không gian trong 2001: A Space Odyssey.
Dịch chuyển tức thời
Dịch chuyển tức thời là một trong những sáng kiến vĩ đại nhất của khoa học viễn tưởng. Nó loại bỏ yếu tố du hành với tốc độ nhanh hơn ánh sáng, hay những chuyến hành trình dài ngày giữa các vì sao. Thay vào đó, con người và các vật thể có thể nhanh chóng “tốc biến” đến những thiên hà xa xôi chỉ trong nháy mắt.
Về mặt lý thuyết, dịch chuyển tức thời có thể thực hiện được ở cấp độ hạ nguyên tử. Thế nhưng, theo IBM cho biết, nó không thể xảy ra với bất cứ thứ gì lớn hơn và phức tạp hơn như con người hay như sinh vật sống. Về cơ bản, dịch chuyển tức thời liên quan đến việc sao chép một photon từ một vị trí này sang một vị trí khác, và xóa đi photon gốc. Giới khoa học đã từng thử nghiệm thành công điều này, nhưng một sự sống hữu cơ phức tạp và nặng hơn rất nhiều so với bất kỳ loại hạt đơn lẻ nào.
Ngay cả với những chiếc siêu máy tính mạnh nhất, việc sao chép và dịch chuyển 1 cơ thể trong quãng đường nửa thiên hà cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực so với một hành trình thông thường.
Du hành giữa các thiên hà
Việc di chuyển từ thiên hà này sang thiên hà khác cũng đã trở thành yếu tố không quá xa lạ trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên trong thực tế, khoảng cách giữa các thiên hà lại lớn đến mức khó tin. Ví dụ, Andromeda, thiên hà gần nhất với dải ngân hà của Trái Đất, cách chúng ta đến 2,5 triệu năm ánh sáng.
Về lý thuyết, một con tàu vũ trụ tiên tiến, tối tân có thể thực hiện được hành trình như vậy. Thế nhưng, khoảng thời gian kéo dài đến hàng triệu năm đã biến ý tưởng đó thành bất khả thi (theo Space cho biết). Con người mới chỉ tồn tại được vài nghìn năm trên Trái Đất, và ý tưởng về việc hàng triệu thế hệ cùng sinh sống trên một con tàu để di chuyển đến một thiên hà khác đúng là rất hư cấu và không thể tưởng tượng nổi.
Bên cạnh đó, lượng năng lượng cần thiết để cung cấp cho con tàu đó trong suốt hành trình cũng là một bài toán hóc búa. Dĩ nhiên là về mặt lý thuyết, nếu có đủ thời gian, việc tăng tốc lên gần tốc độ ánh sáng là điều có thể xảy ra trong không gian, thế nhưng nhu cầu về tài nguyên sẽ trở thành vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa. Đó là chưa kể đến những yếu tố khác như lương thực, nước uống, không khí dành cho những người sinh sống trên tàu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng