Từ Nokia đến Samsung, đã không dưới một lần các hãng phần cứng thống trị thị trường phải vội vã bám đuổi theo những đột phá có trên iPhone để rồi phải chấp nhận hậu quả quá nặng nề.
Với đợt thu hồi quy mô lên tới 2,5 triệu máy, chắc chắn Galaxy Note7 đang nắm giữ vị trí "vệt đen" lớn nhất trong toàn bộ lịch sử smartphone cảm ứng của Samsung. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là vì sao smartphone đến từ một công ty bề thế và có thể coi là có "biệt tài" về chu trình sản xuất như Samsung lại có thể phát nổ?
Theo các chuyên gia khẳng định với Korea Times, lý do trực tiếp là bởi cathode và anode bên trong pin của Note7 bị tiếp xúc với nhau gây nóng pin và cháy nổ. Có lẽ đó không phải là câu trả lời mà nhiều người chờ đợi. Câu hỏi thực sự cần hỏi là: Vì sao Samsung lại có thể để cho một sự cố nguy hiểm như vậy xảy ra? Đây là công ty đã có hàng chục năm phát triển điện thoại di động nói chung và gần 10 năm phát triển smartphone cảm ứng nói riêng.
Có thể lý do là bởi Samsung đã quá vội vã đón đầu iPhone mới. Nếu như mọi năm những chiếc Galaxy Note và iPhone ra mắt khá gần nhau thì năm nay Samsung lại phát hành điện thoại "đỉnh" của mình trước Apple hẳn một tháng. Note7 là một chiếc điện thoại rất mỏng nhưng lại có màn hình lớn – nói cách khác, rất dễ gặp vấn đề về pin. Khi ra mắt Note7 quá vội vàng, Samsung chắc hẳn đã tạo ra nhiều lỗ hổng trong chu trình đảm bảo chất lượng, vốn có nhiệm vụ lọc tìm và loại bỏ những rủi ro như sự cố về pin.
Điều này có nghĩa rằng cuộc chạy đua với Apple là nguyên nhân gián tiếp khiến cho Galaxy Note7 gặp sự cố và phát nổ.
Đây không phải là lần đầu tiên các đối thủ của Apple vội vã chạy theo các thay đổi do hãng này mang tới và rồi vấp ngã quá đau đớn. Năm 2013, Apple ra mắt chiếc iPhone 5s có cảm biến vân tay, đèn flash kép và quan trọng nhất là vi xử lý 64-bit. Trong khi thay đổi từ 32-bit lên 64-bit là một thay đổi "vô hình" với người dùng, động thái quá bất ngờ của Táo đã làm hại Qualcomm:
"Con chip 64-bit của Apple đã đâm vào da thịt của chúng tôi. Không chỉ riêng chúng tôi mà thực ra là tất cả mọi người. Chúng tôi bị bất ngờ, không kịp trở tay. Ở thời điểm đó sự khác biệt về hiệu năng là không lớn và nhiều phần mềm sẽ không nhận được sự cải thiện nào cả. Nhưng nói theo kiểu hơi ngớ ngẩn thì giờ smartphone đã có thêm 32 bit nữa và giờ tất cả mọi người đều thèm muốn 64-bit", một nhân viên của Qualcomm tiết lộ với HubSpot.
Sau đó, vị giám đốc marketing của Qualcomm còn khẳng định bước tiến lên 64-bit của Apple là "một chiêu trò marketing vô nghĩa, không đem lại cho người dùng bất cứ lợi ích nào". Kết quả là Qualcomm cách chức vị lãnh đạo này, lên tiếng đính chính về lợi ích của 64-bit và vội vàng đâm đầu vào phát triển Snapdragon 810 cho kịp ngày ra mắt vào năm 2015.
Đó có lẽ là quyết định sai lầm nhất trong lịch sử Qualcomm, bởi 64-bit cho đến giờ vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng (ngoại trừ về mặt marketing) nhưng Snapdragon 810 thì lại gặp phải sự cố tản nhiệt khiến cho một loạt các đối tác của Qualcomm khốn đốn. Chỉ riêng Samsung vì sở hữu Exynos tự phát triển nên thoát được khỏi "tai nạn" của Qualcomm, còn lại cả HTC, Sony, LG lẫn Xiaomi đều khốn đốn khi Snapdragon 810 liên tục khiến smartphone bị treo và người dùng bị bỏng tay.
Với một công ty đã có bề dày kinh nghiệm như Qualcomm, việc sản phẩm đầu bảng bị gặp lỗi quá nhiệt là rất khó hiểu. Một lần nữa lý do lại gói gọn quanh hai chữ "iPhone 5s": theo các nguồn tin nội bộ, khi 5s ra đời Qualcomm đã đóng cửa toàn bộ các dự án phát triển chip 32-bit đang dang dở và vội vã phát triển mẫu chip 64-bit đầu tiên của mình. Thậm chí, Qualcomm vội vàng đến mức từ bỏ nhân Krait tùy biến trên các thế hệ Snapdragon trước đó và chỉ sử dụng nhân "chuẩn" của ARM cho Snapdragon 810.
Dù sao thì Qualcomm đến năm nay cũng đã hồi phục, nhưng có những sự vội vã đã giết chết cả những gã khổng lồ thống trị. Đầu năm 2011, CEO Stephen Elop lên tiếng cảnh báo rằng Nokia đang là một "con thuyền bốc cháy". Chiếc iPhone đã ra mắt được 4 năm, Android cũng đã trưởng thành với Galaxy S và S2 nhưng Nokia vẫn chưa tung ra được đối thủ thực sự nào cả.
Nokia lúc này có hai lựa chọn: một nền tảng đầy tiềm năng trên nền UNIX mang tên MeeGo và một nền tảng do Microsoft phát triển mang tên Windows Phone 7. Ai cũng biết "tội đồ" Elop đã lựa chọn Windows Phone và bất lực chứng kiến con thuyền cháy chìm dần.
Không phải vô cớ mà Elop lựa chọn Windows Phone: qua nhiều năm phát triển, MeeGo lúc này vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Elop cho rằng Nokia thực sự cần một hệ điều hành "hiện đại" (tức là ngang ngửa với iOS và Android) để có thể cạnh tranh với Apple và Samsung càng sớm càng tốt. Không thể ra mắt kịp cho năm 2011, MeeGo buộc phải chết.
Nhưng nếu Nokia kiên nhẫn phát triển MeeGo hơn một chút thì mọi chuyện đã khác. Windows Phone cho đến giờ vẫn không thể "ngóc đầu" dậy vì không thể thu hút các nhà phát triển từ bỏ iOS hay Android, song MeeGo vào năm 2009 đã sở hữu nền tảng phát triển mã nguồn mở Qt và cũng đã thu hút được nhiều đối tác như Rovio, Qik, Novell và AMD. Hướng đi mở và/hoặc hợp tác sâu rộng đã giúp cho Android và Symbian đạt được thành công rộng khắp, nhưng đáng tiếc rằng Nokia vì quá gấp rút nên lại lựa chọn một hệ điều hành "đóng" của Microsoft.
Những câu chuyện tương tự đã xảy ra kể từ những ngày đầu tiên của iPhone. Sau khi thành công của iPhone được chứng minh, rất nhiều đối thủ cũng chạy đua ra mắt "câu trả lời" và rồi tự vấp vào chân mình ngã sấp mặt. BlackBerry là một trong số đó: ngay chính các nhân viên của RIM cũng gọi mẫu Storm được ra mắt để đối đầu với iPhone là "Sh*t Storm" ("Bão... Phân") vì có chất lượng quá dở tệ. Ngay trước thềm ra mắt, chiếc Storm vẫn liên tiếp gặp phải các vấn đề như màn hình dễ vỡ, tốc độ cảm ứng quá chậm và một đống bug phần mềm.
Bất chấp sự thật hiển hiện là Storm vẫn đang gặp quá nhiều lỗi, RIM không có lựa chọn nào khác ngoài cách đưa hàng tới các nhà mạng Verizon để phân phối.
BlackBerry Storm, niềm đau của nhà sáng lập Mike Lazaridis.
Lý do? Verizon đã quá nóng lòng chờ đợi một chiếc smartphone cảm ứng đầu tiên có thể đánh bại iPhone, đến mức mà họ đã trao cho RIM hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của Dâu Đen. RIM không thể lỡ hẹn với bản hợp đồng "khủng" đó. Kết quả là tất cả các bên cùng bước vào cơn "Sh*t Storm" của RIM. Verizon lỗ 500 triệu USD, còn BlackBerry kể từ đó đến nay vẫn chưa thể hồi phục.
Có số phận tương tự như Storm là chiếc Pre của Palm. Mang trong mình rất nhiều đột phá công nghệ sau này sẽ ảnh hưởng đến iPhone và Android nhưng Pre cũng bị ra mắt quá vội vã dưới sức ép của Sprint – cũng như Verizon, Sprint lúc này cũng rất cần một sản phẩm đối trọng với iPhone. Chính sự vội vã này đã khiến cho Palm Pre gặp phải nhiều vấn đề về chất lượng như màn hình dễ vỡ, jack cắm tai nghe kết nối không tốt, bàn phím gõ đúp và tai tiếng nhất là sự cố "Oreo Twist": do gờ nối quá mỏng manh, phần màn hình của Pre sẽ bị bẻ chéo trên thân bàn phím.
Cuối cùng, với doanh số làng nhàng và quá nhiều yêu cầu đổi trả từ người tiêu dùng, Pre đã không thể cứu được Palm thoát khỏi tình cảnh khói khăn do thiếu vốn. Bị bán lại cho HP, Palm lụi tàn dần khi chính cả nhà sản xuất PC số 1 thế giới cũng không thể phát huy được tiềm năng của webOS.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng