Của rẻ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với của ôi.
Không thể tin nổi khi chỉ với khoảng 9 triệu đồng, tức là mức giá ở phân khúc tầm trung, chúng ta đã có thể sở hữu một chiếc flagship thực thụ với cấu hình mạnh như Xiaomi Mi 6. Snapdragon 835, RAM 6GB, camera kép, loa kép, cảm biến vân tay siêu âm... tất cả những công nghệ đỉnh cao đều được tích hợp trên chiếc máy này. Phải chăng Xiaomi đã cắt giảm ở Mi 6 thứ gì đó để đạt được mức giá tốt đến vậy?
Thời gian vừa qua, người hàng xóm của Xiaomi là Huawei đã gặp phải một bê bối khá lớn khi bị "bắt quả tang" sử dụng nhiều loại chip nhớ khác nhau cho chiếc P10 của mình. Cụ thể, Huawei đã sử dụng đến ba loại bộ nhớ, bao gồm UFS 2.1 mới nhất, UFS 2.0 chậm hơn một chút và cả eMMC 5.0 "rùa bò", gây nên sự khác biệt đáng kể về hiệu năng. Kết hợp với mức giá tương đồng dành cho mọi phiên bản, người dùng đã tỏ ra hết sức tức giận trước Huawei và khiến hãng này buộc phải công khai xin lỗi.
Thực tế, tốc độ bộ nhớ trong chưa bao giờ là một yếu tố được các hãng tập trung quảng cáo. Nhưng khi xét đến tầm ảnh hưởng mà nó đem lại đến hiệu năng, có lẽ người dùng cũng nên bắt đầu quan tâm đến nó nhiều hơn, như những gì họ đã và đang làm với CPU, GPU và RAM. Vậy chiếc Mi 6 của chúng ta thể hiện ra sao?
Phải nói rằng Mi 6 làm tôi thật sự cảm thấy ấn tượng. Qua những thử nghiệm với AndroBench 5.0.1 (một phần mềm chuyên đánh giá tốc độ bộ nhớ trong), Mi 6 đạt được kết quả chỉ kém cạnh Galaxy S8 chút ít, và vượt trội hơn đa số những mẫu smartphone Android cao cấp hiện nay.
Mặc dù Xiaomi không công bố chính thức, tuy nhiên từ những kết quả trên, rất có thể công nghệ bộ nhớ trong của Mi 6 là UFS 2.1 mới nhất, tương tự như Galaxy S8. Điều này càng trở nên có cơ sở hơn khi Snapdragon 835 - con chip mà Mi 6 sở hữu cũng hỗ trợ chuẩn này. Do hiện tại Samsung vẫn là cái tên đi đầu trong lĩnh vực sản xuất bộ nhớ UFS, không loại trừ khả năng Xiaomi Mi 6 đang sử dụng chính con chip NAND mà Samsung trang bị trên Galaxy S8, với dung lượng 64GB và mã hiệu KLUCG4J1ED-B0C1. Để có thể biết được câu trả lời chính xác, cách duy nhất là "mổ bụng" chiếc máy này ra - một điều mà tôi chưa có cơ hội thực hiện.
Bộ nhớ UFS 2.1 64GB mà Samsung đang sản xuất
Tuy vậy, một điều mà chúng ta có thể khẳng định là Xiaomi không hề tỏ ra "hà tiện" với các thành phần linh kiện của Mi 6, ít nhất là với các thành phần có vai trò quan trọng trong việc đem lại một trải nghiệm mượt mà tới người dùng. Nếu như năm ngoái, Xiaomi từng tung ra một phiên bản Mi 5 giá rẻ (1999 NDT) với chip Snapdragon 820 bị hạ xung và RAM chỉ là 3GB so với mức 4GB của bản cao cấp, thì năm nay, hãng sẵn sàng tăng giá khởi điểm của Mi 6 (2499 NDT), bù lại người dùng có một sản phẩm "xứng tầm đẳng cấp" hơn rất nhiều, khi CPU, GPU, RAM và bộ nhớ trong đều là những thứ tốt nhất hiện nay.
Bằng việc đặt chất lượng lên hàng đầu chứ không còn coi giá bán là yếu tố chi phối, ông lớn Trung Quốc đang cho thấy một hướng đi mới nhằm thay đổi suy nghĩ của người dùng - vốn chỉ coi thế mạnh duy nhất của Xiaomi là giá bán. Điều này sẽ giúp Xiaomi giành được nhiều lợi thế hơn ở cuộc chiến cao cấp, khi mà các sản phẩm sẽ không cạnh tranh với nhau về giá bán mà là chất lượng.
Mặc dù vậy, cấu hình cũng chỉ là một phần. Trong các bài viết sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nói về các đặc điểm khác của Mi 6 như camera, loa kép, cảm biến vân tay hay thời lượng pin để đi đến kết luận cuối cùng về độ "chất" của chiếc máy này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng