Điểm số không phải là yếu tố quyết định tương lai của con trẻ

    PV,  

    Điểm số không đại diện cho tương lai của con trẻ, kết quả chỉ là kiểm tra việc ôn luyện kiến thức và khả năng làm chủ tình hình của trẻ, đừng vì thành tích mà quy kết cho con cái mình là học sinh kém, hay chỉ có học sinh hư điểm mới thấp.

    Sau đợt thi cuối kỳ môn toán, thầy giáo đứng trên bục giảng và công bố về kết quả thi: "Lần thi học kỳ này, tổng thể kết quả tương đối tốt, tuy nhiên cũng có vài bạn nên tự kiểm điểm lại tại sao mình lại bị điểm kém."

    Nghe vậy, trong lớp một cậu bé cúi gằm mặt xuống, rõ ràng người mà thầy đang nhắc đến chính là cậu. Khi thầy giáo gọi tên người có thành tích cao nhất trong lớp thì cậu bạn đó đã rất tự hào lên nhận bài kiểm tra và phát biểu về kinh nghiệm học tập của mình.

    Lời nói tiếp theo của thầy giáo khiến cậu muốn tìm một cái lỗ nẻ nào để chui xuống: “Bài thi lần này điểm thấp nhất là 1 điểm của bạn X, mời bạn lên đây nhận bài về”. Cả lớp hơn 40 đôi mắt lập tức đổ về phía cậu bé khiến cậu bé khó khăn lắm mới bước lên được bục giảng.

    "Cậu cũng phát biểu một chút về kinh nghiệm luôn bảo vệ được chiếc ghế số 1 của mình đi…” – một cậu bạn cùng lớp khác mỉa mai nói , cả lớp nghe vậy đều phá lên cười. Cậu bé đỏ mặt, không nói câu nào lẳng lặng về chỗ ngồi.

    Cậu bé rất buồn, cậu không biết phải nói thế nào với bố mẹ về thành tích của mình. Trong bữa ăn tối, cậu đã lấy bài thi ra và ngập ngừng nói với bố mẹ: "Kết quả thi toán của con có rồi, con được có 1 điểm”.

    Bố mẹ cậu bình tĩnh cầm bài thi của cậu lên xem và điều bố cậu nói ngay sau đó đã khiến cậu vô cùng ngạc nhiên: "Con bố đã biết làm bài thi rồi cơ đấy, nhớ ngày trước bố đi thi run quá còn quên cả ghi tên mình vào bài thi, tay thì run lẩy bẩy, bà nội còn bảo bố không làm được bài nên cố tình quên viết tên, haha”.

    Còn mẹ thì xoa đầu cậu và nói: "Mẹ tin rằng lần sau con sẽ làm tốt hơn thế này, đi rửa tay ăn cơm thôi con, hôm nay mẹ làm món sườn rim mà con thích đấy.”

    Các chuyên gia về giáo dục trẻ em hoàn toàn đồng ý và đánh giá cao cách xử sự trên của bố mẹ cậu bé. Giả sử rằng, nếu cha mẹ cậu bé chỉ vì cậu bị điểm 1 mà trách mắng cậu, cậu bé sẽ buồn phiền, tủi thân bởi chính bản thân cậu cũng không muốn mình lúc nào cũng đội sổ như vậy.

    Sự trách mắng của cha mẹ sau đó sẽ trở thành áp lực tâm lý cho trẻ, khiến mỗi lần đến kỳ thi chúng sẽ rất lo lắng, chúng sẽ bị mất tập trung và tinh thần uể oải khi ôn và học bài, dẫn đến điểm thi lần sau cũng chả khả quan hơn.

    Rồi tình trạng trách mắng cứ kéo dài sẽ khiến trẻ từ cảm giác hối hận biến thành khó chịu và hoài nghi cha mẹ mình có thật sự thương yêu mình?

    “Đằng nào thì cũng thế” có cố gắng thì vẫn bị trách mắng nên các em vẫn cứ làm những việc trái ý bố mẹ và cố ý chọc tức bố mẹ mình.

    Làm cha mẹ, chúng ta không thể quyết định thái độ của thầy cô và bạn bè với con cái của mình, tuy nhiên chúng ta có thể quyết định làm thế nào để chính mình đối xử đúng mực với con cái của chúng ta.

    Nếu cha mẹ không thể chấp nhận con mình một cách vô điều kiện, thì chúng sẽ cảm thấy cô đơn và dần dần sẽ mất đi lòng tin vào người khác.

    Các bậc cha mẹ cần phải biết rằng, điểm số không đại diện cho tương lai của con trẻ, kết quả chỉ là kiểm tra việc ôn luyện kiến thức và khả năng làm chủ tình hình của trẻ, đừng vì thành tích mà quy kết cho con cái mình là học sinh kém, hay chỉ có học sinh hư điểm mới thấp. Làm như vậy là bạn đang đẩy con mình vào sự dằn vặt và tự phá hoại bản thân mình.

    Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm riêng, cũng giống như mỗi phím nhạc chúng phát ra những âm sắc khác nhau, nếu bạn yêu cầu con mình phải giống như những bạn bè khác đồng nghĩa với việc bạn đang giết dần tâm hồn của trẻ.

    Cuối cùng, các chuyên gia nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng, đừng chỉ nhìn vào thành tích của trẻ mà hãy để trẻ được phát triển toàn diện.

    Thống kê chứng minh rằng, thế giới ngày nay những người thành đạt thường không phải học sinh giỏi nhất, và những người có thành tích tầm trung như đứng thứ 7 đến thứ 17 lại có nhiều khả năng thành công lớn trong tất cả các khía cạnh hơn.

    Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, học sinh có điểm quá tốt thông thường cha mẹ các em và bản thân các em quá chú trọng thành tích mà bỏ qua các kĩ năng giao lưu bạn bè trong cuộc sống.

    Những trẻ em như vậy thường thiếu cảm xúc và tính cách thờ ơ trong mọi sự việc, ngược lại những học sinh có thành tích xếp loại trung thường không bị điểm số chi phối, nên có nhiều năng lượng để học hỏi thêm những kiến thức khác nhau và phát triển giao lưu bạn bè tốt hơn, nhờ đó chúng sẽ tạo ra được nền tảng vững chắc cho sự phát triển sự nghiệp cho tương lai.

    Chính vì vậy, những bậc phụ huynh đang có con được thành tích cao cũng nên xem xét hành động và thái độ con trẻ để điều chỉnh lại việc học tập cho phù hợp, bên cạnh đó cũng đừng quên cho chúng tiếp thu thêm các kiến thức xã hội bên ngoài.

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày