Điện thoại có khả năng dự đoán bệnh trầm cảm

    Billvn,  

    Các nhà khoa học đang nghiên cứu áp dụng điện thoại vào việc dự đoán bệnh trầm cảm ở con người.

    Trong một thế giới mà điện thoại di động đã trở nên quá phổ biến và hầu như ai cũng thường xuyên nhìn xuống màn hình, tay liên tục thao tác nhắn tin, chơi game và thậm chí là không có mục đích gì với chiếc điện thoại thì các nhà khoa học đang cố gắng nghiên cứu tìm ra sự kết nối giữa điện thoại với thói quen và sức khỏe tâm thần nói chung.

    Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Journal of Medical Internet Research cho biết một chiếc điện thoại có khả năng dự đoán sự trầm cảm ở một con người tốt hơn là tự bản thân họ nhận thức được vấn đề. Theo David Mohr, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu thì: "Chúng tôi thấy rằng mọi người ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại và điều này càng cho thấy có thể họ đang chán nản".

    Hơn nữa, nghiên cứu cũng nhận ra rằng những người dành nhiều thời gian cho điện thoại có liên quan đến vấn đề trầm cảm và các dữ liệu từ điện thoại có thể dự đoán chính xác đến 87% rằng họ có đang mắc phải chứng bệnh này hay không.

    Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu tuyển chọn 28 người tình nguyện từ Craigslist với độ tuổi từ 19 đến 58 tuổi. Điện thoại của họ sau đó được cài đặt ứng dụng theo dõi vị trí và ghi nhận lại cách họ sừ dụng điện thoại.

    Đối với phần đầu của nghiên cứu, những người tham gia sẽ được giao nhiệm vụ tham gia trả lời một câu hỏi để giúp các chuyên gia xác định họ có đang bị trầm cảm hay không. Kết quả, một nửa trong số những người tham gia cho thấy có triệu chứng bị trầm cảm. Các ứng dụng sẽ theo dõi vị trí của những người tham gia mỗi năm phút và hỏi họ những câu hỏi liên quan đến tâm trạng nhiều lần trong ngày.

    Các dữ liệu từ điện thoại được các nhà nghiên cứu thu thập bao gồm một số nơi mà những người tham gia đến mỗi ngày, họ dành thời gian bao lâu tại đó và mức độ sử dụng điện thoại thường xuyên của họ. Việc thu thập kết quả khách quan này sau đó được tiến hành phân tích cùng với kết quả trả lời câu hỏi của giai đoạn đầu.

    Một trong những mục tiêu của cuộc nghiên cứu là tìm ra sự kết nối giữa những dữ liệu có liên quan như những nơi thường đến, mức độ sử dụng điện thoại thường xuyên… nhằm tìm ra các giải pháp cho việc điều trị bệnh trầm cảm.

    Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dành phần lớn thời gian cho một hoặc hai nơi trong ngày như đi làm và rồi về nhà thường dễ bị trầm cảm hơn số còn lại. Những người năng di chuyển giữa các nơi lại ít bị trầm cảm hơn. Mohr giải thích rằng khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhịp sinh học hay chu kỳ hoạt động hàng ngày của một người sẽ bị rối loạn và bị hạn chế.

    Đào sâu hơn, các nhà khoa học cho biết những người sử dụng điện thoại từ 68 phút/ ngày trở lên dễ bị trầm cảm hơn, những người không bị trầm cảm chỉ sử dụng khoảng 17 phút/ngày. Vì sao những người bị trầm cảm sử dụng điện thoại nhiều hơn? Theo Mohr thì điện thoại là một cách để họ quên lãng công việc hiện tại. Những người bị trầm cảm hay đang trong tâm trạng không thoải mái thường trốn tránh các nhiệm vụ hay công việc của mình và sử dụng điện thoại là một cách để họ phân tâm sự chú ý của mình sang việc khác.

    Nghiên cứu này có mục đích cuối cùng là tạo ra được một phần mềm giúp sớm phát hiện vấn đề trầm cảm ở người và giúp ích cho quá trình điều trị.

    Một nghiên cứu tương tự trước đó cho thấy những người chụp ảnh "tự sướng" nhiều cũng đang đối mặt với một số vấn đề tâm lý nhẹ.

    Tham khảo: Neowin

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày