Điều gì khiến kỳ giông axolotl có thể đột ngột biến từ động vật sống dưới nước thành sinh vật sống trên đất liền?

    Đức Khương, phunuvietnam.vn 

    Sự xuất hiện của các hình thái kỳ giông axolotl hiếm gặp là kết quả của việc chúng ta đang điều chỉnh môi trường sống tự nhiên của chúng.

    Kỳ giông axolotl đã thu hút công chúng quốc tế kể từ khi chúng lần đầu tiên được đưa đến Paris từ Mexico vào năm 1864. Người châu Âu trên khắp lục địa bắt đầu nuôi những con kỳ giông này, đánh dấu sự khởi đầu của việc buôn bán chúng như một loài vật nuôi một cách rộng rãi bởi loài vật này dễ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Cuối cùng, khi axolotl ngày càng trở nên phổ biến, một số chủ sở hữu bắt đầu nhận thấy một điều kỳ lạ: vật nuôi của họ bắt đầu "tiến hóa" từ động vật sống dưới nước thành động vật trên cạn.

    Con người đã khiến cho kỳ giông axolotl có thể đột ngột biến từ động vật sống dưới nước thành sinh vật sống trên đất liền - Ảnh 1.

    Axolotl, còn được gọi là Ambystoma mexicanum, là một loài kỳ giông sống dưới nước nổi tiếng với khả năng tái tạo tủy sống, tim và các chi. Những loài lưỡng cư này cũng dễ dàng tạo ra các tế bào thần kinh mới trong suốt cuộc đời của chúng. Năm 1964, các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng các axolotl trưởng thành có thể tái tạo các bộ phận trong não của chúng, ngay cả khi một phần lớn bị cắt bỏ hoàn toàn. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy loài kỳ giông đặc biệt này có cả khả năng xây dựng lại cấu trúc mô ban đầu bị hạn chế.

    Courtney Bailey, một chủ nuôi đã kể chi tiết về sự biến đổi của con kỳ giông axolotl có tên Gollum của mình trên internet. Mặc dù Bailey đã biết về những biến đổi hiểm gặp của loài kỳ giông axolotl, nhưng cô ấy không bao giờ mong đợi sẽ chứng kiến sự thay đổi này tận mắt.

    "Đây là vẻ ngoài ban đầu của Gollum khi tôi mới mua nó. Nó là một con vật khá đẹp đẽ với bàn chân có màng, mang lông tơ ở cổ và một nụ cười nhỏ dễ thương trên khuôn mặt. Giống như những con kỳ giông axolotl khác, nó được cho là sẽ sống dưới nước trong suốt cuộc đời của mình. Nhưng một ngày nọ, tôi nhận thấy rằng có vẻ như nó đang ốm, và tôi đã cách ly hoàn toàn nó với những con kỳ giông khác trong bể. Trong vòng một tuần, vẻ ngoài của nó bắt đầu thay đổi, nó không còn màng ở chân, thay đổi màu sắc và không còn muốn sống dưới nước nữa".

    Con người đã khiến cho kỳ giông axolotl có thể đột ngột biến từ động vật sống dưới nước thành sinh vật sống trên đất liền - Ảnh 2.

    Tính đến năm 2010, kỳ giông axolotl hoang dã đã sắp tuyệt chủng do quá trình đô thị hóa ở thành phố Mexico và hậu quả do ô nhiễm nguồn nước, cũng như sự du nhập của các loài xâm lấn như cá rô phi và cá rô. Chúng hiện được CITES đánh giá là loài nguy cấp và IUCN là loài cực kỳ nguy cấp trong tự nhiên với số lượng ngày càng giảm. Chúng đã từng là một thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống của người Aztec và đã từng được bán làm thực phẩm, mặc dù sự hiếm có của chúng hiện nay khiến điều đó trở nên khó khăn và thường là bất hợp pháp.

    Sự tiến hóa này của loài kỳ giông axolotl cho tới nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng điều này xảy ra bởi hai lý do. Thứ nhất, kỳ giông axolotl hiện đang là một loài cực kỳ nguy cấp trong tự nhiên do môi trường sống bị suy thoái. Chúng từng sinh sống ở các hồ nước cao xung quanh thành phố Mexico, nhưng giờ đây chỉ còn một số ít trong số chúng sống sót trong một vài kênh rạch nội địa trong khu vực do đó chúng phải tiến hóa để có thể sinh sống trong một môi trường mới.

    Thứ hai, như chuyên gia về kỳ giông axolotl, tiến sĩ Catherine McCusker từ Đại học Massachusetts Boston chia sẻ với IFLScience, tất cả những con kỳ giông axolotl bị nuôi nhốt trên khắp thế giới ngày nay đều có nguồn gốc từ ít nhất là sáu cá thể. Và vì giao phối cận huyết lâu dài, mang lại rất nhiều rủi ro về sức khỏe, bởi vậy các nhà lai tạo đã cố gắng tăng tính đa dạng di truyền của chúng và làm cho những con axolotl khỏe mạnh hơn bằng cách lai tạo những cá thể bị nuôi nhốt với kỳ giông hổ, một họ hàng gần của chúng.

    Con người đã khiến cho kỳ giông axolotl có thể đột ngột biến từ động vật sống dưới nước thành sinh vật sống trên đất liền - Ảnh 3.

    Kỳ giông hổ là một họ hàng gần của axolotl. Chúng thường có màu xám, xanh lá cây - đen, có mắt to, cổ dài, bốn chi chắc khỏe và phần đuôi lớn. Những cá thể kỳ giông trưởng thành hiếm khi nhìn thấy ở khu vực thoáng bởi chúng thường sống trong các hang, khu vực tăm tối, ẩm ướt gần ao hồ, suối tại Mỹ, Nam Canada, miền đông Mexico.

    Bằng cách lai giữa axolotl với kỳ giông hổ, con người đã tạo ra một loài sinh vật có thể tự do lựa chọn môi trường sống của chúng. Một số sẽ vẫn là axolotl dưới nước, trong khi một số khác có thể "tiến hóa" để trở thành những biến thể axolotl hiến, sống trên cạn - một điều có thể hơi khó hiểu đối với chủ sở hữu vật nuôi.

    McCusker, người nghiên cứu sự tái sinh của loài kỳ giông axolotl cho biết: "Sự thay đổi rõ ràng đầu tiên là mang của chúng bắt đầu thoái triển. Sau khi hoàn thành quá trình này, chúng không thể thở dưới nước nữa và do đó, chúng sẽ sống trên cạn".

    Con người đã khiến cho kỳ giông axolotl có thể đột ngột biến từ động vật sống dưới nước thành sinh vật sống trên đất liền - Ảnh 4.

    Hình dạng của kỳ giông axolotl giống như được lai giữa một con kỳ giông và một con nòng nọc. Tuổi thọ trung bình của axolotl trong điều kiện nuôi nhốt là khoảng 10 năm và có khả năng kỳ nhông sẽ sống lâu hơn. Trong thực tế, một số người nuôi đã kể lại tuổi thọ của chúng có thể lên đến 20 năm. Tuy nhiên, điều này là khá hiếm.

    Tham khảo: Earthlymission; IFLScience; ZME


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày