Đồ họa Iris trên Haswell: Có đủ thay thế card rời?

    MT,  

    Đồ họa Iris hứa hẹn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các card đồ họa rời tầm thấp và tầm trung đến từ Nvidia hay AMD.

    Đều đặn mỗi năm, Intel lại tung ra thị trường một dòng CPU mới. Năm 2011, chúng ta chứng kiến sự ra đời của Sandy Bridge; năm ngoái, Intel ra mắt Ivy Bridge; và năm nay là kiến trúc Haswell. Mỗi dòng chip ra sau đều cho hiệu năng cao hơn, tiêu thụ điện bằng (hoặc ít hơn) so với thế hệ tiền nhiệm. Tuy nhiên, điểm thú vị nhất về các vi xử lý gần đây của Intel không phải là năng lực CPU mà lại là GPU tích hợp trên con chip. 
     
    Bước tiến về đồ họa tích hợp trên chip Intel có thể nói là rất ấn tượng trong 1 thập kỷ trở lại đây: Nếu như GPU trên các dòng chip trước Sandy Bridge có thể nói là gần như vô dụng và không thể chơi được các game cao cấp, thì đồ họa HD 4000 graphics trên Ivy Bridge đã có 1 bước nhảy vọt, giúp người dùng không cần tới card rời để chơi các game đồ họa cao, ít nhất là ở các mức setting cũng như độ phân giải thấp. Đây gần như là điều không tưởng cách đây 3 năm. 
     
    Với Haswell, Intel tiếp tục cải tiến đồ họa tích hợp nhằm giúp người dùng có thể trải nghiệm gaming mà không cần tới card đồ họa rời. Và vừa mới đây, gã khổng lồ x86 đã chính thức công bố chi tiết về đồ họa tích hợp trên dòng chip Core i thế hệ 4 có tên mã Haswell. 
     
    Đồ họa Iris trên Haswell: Có đủ thay thế card rời? 1
    “HD Graphics” được đổi tên thành “Iris”
     
    Trên các CPU Ivy Bridge, tùy vào model chip mà người dùng sẽ có 1 trong 3 phiên bản GPU tích hợp bao gồm: HD Graphics 4000, phiên bản cho hiệu năng cao nhất (và cũng là phiên bản phổ biến nhất); HD Graphics 2500, phiên bản này hiệu năng kém hơn HD 4000 mặc dù có cùng kiến trúc, HD 2500 chỉ có 6 EU (đơn vị xử lý) đồ họa trong khi con số này của HD 4000 là 16; phiên bản thứ 3 là HD graphics cho hiệu năng ngang với HD 2500 nhưng bị cắt bỏ tính năng encode video có tên QuickSync (tính năng do chính Intel phát triển) cũng như 1 số tính năng liên quan tới xử lý video khác. 
     
    Trong khi đó, GPU trên Haswell được phát triển ra nhiều phiên bản hơn, cụ thể là 5 phiên bản, và "phủ sóng" lên nhiều loại thiết bị với nhiều mức tiêu thụ điện năng và mức giá hơn. Tuy nhiên, trong công bố của mình, Intel chỉ tập trung vào 3 phiên bản có hiệu năng cao nhất. 
     
    Đồ họa Iris trên Haswell: Có đủ thay thế card rời? 2
    Chúng ta sẽ bắt đầu bằng ultrabook, dòng laptop mỏng nhẹ do Intel khởi xướng và là dòng thiết bị sẽ được trang bị 2 trong 3 phiên bản GPU cao cấp nhất trên Haswell. Phiên bản GPU cao cấp hơn trong số 2 phiên bản này được Intel đặt cho một cái tên hoàn toàn mới: đồ họa Iris Graphics 5100. Bài test 3DMark11 của Intel cho thấy rằng phiên bản này cho hiệu năng cao hơn 2 lần so với HD 4000 trên Ivy Bridge, một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu đầy đủ vấn đề thì không phải tất cả đều hoàn hảo.
     
    Đồ họa Iris 5100 sẽ bị giới hạn vào các con chip có TDP 28W, mức tiêu thụ điện khá cao so với TDP 17W của các con chip Sandy Bridge và Ivy Bridge dùng trên ultrabook hiện nay. Trước đây, chúng ta đã từng bàn tới cách đánh giá TDP và SDP của Intel và thấy rằng tiêu chí của Intel khá mập mờ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể Iris 5100 sẽ có mặt trên các ultrabook cỡ lớn (màn hình 13 inch). Bên cạnh đó, một điều nên lưu ý rằng tiêu chuẩn ultrabook có thể sẽ được Intel điều chỉnh và cũng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong tương lai, các laptop màn hình lớn, chip mạnh cũng sẽ được gọi là ultrabook.
     
     
    Với các ultrabook nhỏ hơn và có thể sẽ rẻ hơn, chúng sẽ được trang bị các model chip với phiên bản GPU còn lại, Intel HD Graphics 5000. Các benchmark của Intel cho thấy phiên bản này cho hiệu năng cao hơn khoảng 1,5 lần so với HD 4000, một mức tăng cũng rất ấn tượng, đặc biệt là khi xét tới TDP của con chip vẫn đạt mức 15W. Như vậy có thể thấy Intel ưu ái dành 1 tên riêng "Iris" để gọi GPU mạnh nhất của họ, còn các phiên bản đồ họa khác vẫn giữ cách đặt tên HD Graphics như cũ. 
     
    2 phiên bản GPU nói trên có lẽ là 2 phiên bản phổ biến nhất mà chúng ta sẽ thấy trên các ultrabook tương lai. Tuy nhiên, Intel còn có một phiên bản GPU mạnh hơn cả Iris 5100 và là phiên bản GPU tích hợp mạnh nhất dành cho các laptop cỡ lớn 15 inch (như MacBook Pro 15 inch). Phiên bản này có tên Iris Pro Graphics 5200.  Iris Pro Graphics 5200 tương tự như Iris 5100 xét về số đơn vị xử lý, nhưng được bổ sung thêm một lượng nhỏ eDRAM tích hợp vào gói CPU để giúp tăng hiệu năng. Đây là phiên bản đồ họa trên dòng Haswell 4 nhân H-series với TDP 47W; trong khi Iris 5100 sẽ có mặt trên dòng U-series 2 nhân với TDP 28W. 
     
    Đồ họa Iris trên Haswell: Có đủ thay thế card rời? 3
    Intel đã tiến hành các bài benchmark và cho thấy Iris Pro 5200 mạnh hơn khoảng 2,5 lần so với HD Graphics 4000. Nếu những con số này là chính xác, Iris Pro 5200 sẽ có hiệu năng ngang với các card đồ họa rời tầm trung hiện nay. Điều này mở ra một tiềm năng rằng các nhà sản xuất PC có thể cho ra đời những chiếc laptop kích thước nhỏ hơn, pin lớn hơn, trong khi hiệu năng sẽ ngang với các laptop kích thước lớn hơn, có card đồ họa rời, và pin bé hơn hiện nay. 
     
    Đồ họa Iris trên Haswell: Có đủ thay thế card rời? 4
    Iris Pro 5200 cũng sẽ hiện diện trên 1 vài CPU dành cho máy tính để bàn, giống như các CPU Ivy Bridge cho desktop dùng hậu tố S để biểu thị các CPU có TDP thấp, và hậu tố K để chỉ các chip không khóa hệ số nhân. Chip Haswell cho desktop sẽ sử dụng hậu tố R để cho biết nó là model được trang bị GPU Iris Pro 5200. Phiên bản 5200 dành cho desktop sẽ cho hiệu năng cao hơn 1 chút so với bản trên laptop và bài benchmark 3DMark11 của Intel cho thấy nó cho hiệu năng cao hơn gần gấp 3 lần so với Core i đời cũ. 
     
    Cuối cùng, chúng ta còn có 2 phiên bản thấp cấp trong dòng GPU trên Haswell. Intel không công bố nhiều về hiệu năng của chúng cũng như đem ra các so sánh với Ivy Bridge, tuy nhiên chắc chắn 2 phiên bản này sẽ có hiệu năng 3D thấp hơn 3 phiên bản ở trên. Phiên bản có hiệu năng kém nhất có thể sẽ được gọi với cái tên "Intel HD Graphics" dùng cho các chip Pentium và Celeron.
     
    Hầu hết các GPU Haswell cũng sẽ hỗ trợ các tính năng bao gồm: Direct3D 11.1, OpenGL 4.1, và OpenCL 1.2; một phiên bản QuickSync mạnh hơn; DisplayPort 1.2, hỗ trợ băng thông cao hơn so với chuẩn DisplayPort 1.1 của HD 4000; cải tiến khả năng hỗ trợ tốt hơn cho độ phân giải 2K và 4K.
     
    Kết: Những ưu điểm và hạn chế tiềm năng
     
    Đồ họa Iris trên Haswell: Có đủ thay thế card rời? 5
    Nói về ưu điểm, nếu hiệu năng thực tế của GPU Haswell có thể đạt được như những gì Intel quảng bá, Haswell sẽ là một bước tiến lớn về đồ họa tích hợp so với Ivy Bridge và đe dọa mạnh mẽ tới tự tồn tại của dòng đồ họa rời cấp thấp và tầm trung của các đối thủ AMD, Nvidia. Tuy nhiên, bài benchmark của chính Intel cũng cho thấy rằng sức mạnh của Iris thay đổi tùy theo từng chuẩn, ví như điểm 3DMark11 cao hơn so với 3DMark06 hay chuẩn 3DMarkVantage.
     
    Điểm yếu đó là dòng CPU của Intel vốn đã rất "loạn" với quá nhiều tên gọi, thì nay với rất nhiều phiên bản GPU, người dùng sẽ càng khó khăn hơn khi chọn mua Haswell. Hiện tại, nếu bạn định chọn cho mình 1 chiếc ultrabook, đồ họa bạn nhận được gần như chắc chắn là HD 4000 graphics. Với Haswell, mọi việc không đơn giản như thế, bạn phải tìm hiểu chi tiết hơn về các phiên bản GPU cũng như hiệu năng của chúng khi chọn mua chip.
     
    Rất có thể Intel sẽ hướng người dùng tới cách nhận diện rằng Iris 5100 sẽ dùng cho các ultrabook 13 inch và HD 5000 sẽ dùng cho các ultrabook 11 inch, tuy nhiên chúng ta sẽ phải chờ sự xuất hiện của sản phẩm thực tế mới có thể đưa ra nhận định 1 cách chính xác. 
     
    Tham khảo: Arstechnica
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày