Do Kwon liệu có phải là Elizabeth Holmes của thị trường tiền số?
(Tổ Quốc) - Tại sao những nhà sáng lập như Do Kwon hay Elizabeth Holmes không bao giờ nhận sai?
- Tựa game đua xe miễn phí trên nền tảng blockchain Việt ra mắt, hướng đến metaverse dành cho người mê tốc độ
- Hai nhà khoa học đề xuất loạt khái niệm vật lý mới, hạt và lực tạo bức tường vô hình bao quanh một thiên hà
- Đây là cách các đạo diễn tạo ra những cảnh quay one-shot ấn tượng nhất trong loạt bom tấn đình đám thế giới
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả David Z Morris đăng trên Coindesk.
Đồng Luna, loại tiền số liên kết với đồng TerraUSD (UST) nhằm tạo ra một đồng stablecoin mà không phải neo vào đồng USD, đang trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Tính đến phiên 13/5/2022, đồng Luna chỉ còn có giá 0,00018 USD, tức giảm hơn 99,9% so với phiên trước đó.
Xin được nhắc là tại thời kỳ đỉnh cao, đồng Luna có giá đến 116 USD, thế nhưng giờ đây đồng tiền này đã có lúc còn bị các sàn giao dịch như Binance từ chối vì trở nên gần như vô giá trị.
Rõ ràng, hệ sinh thái Luna/Terra đã sụp đổ và khả năng hồi phục là gần như bằng 0 bởi động lực chính của thị trường này đến từ những nhà đầu cơ tham lam, thế nhưng họ đã mất niềm tin và nhà sáng lập Do Kwon sẽ chẳng còn cứu cánh nào cho đứa con của mình.
Trong lịch sử, đã có rất nhiều dự án hay đế chế từng sụp đổ như Luna mà ví dụ điển hình là Theranos hay Enron. Tất cả họ đều mang danh "siêu lừa" và có vẻ nhà sáng lập Do Kwon cũng có chung một vài đặc điểm với những "danh nhân" này.
Tự lừa dối chính bản thân mình
Người ta thường nói đỉnh cao của sự lừa đảo là kẻ đi lừa tự huyễn hoặc được cả chính bản thân mình. Gần đây nhất là nữ tỷ phú tự thân Elizabeth Holmes được tạp chí Forbes định giá 4,5 tỷ USD vào năm 2015, trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014, được ví như Steve Jobs khi thành lập Theranos nhằm xét nghiệm máu nhanh cho người dân. Thế rồi năm 2021, vị "nữ tỷ phú" này đối mặt bản án 20 năm tù khi Theranos hóa ra chỉ là một "cú lừa".
Theo Morris, cả Holmes lẫn Do Kwon đều mù quáng tin tưởng vào những gì mình đang làm kể cả khi mọi chuyện vỡ lở. Bất chấp Luna đã trở nên gần như vô giá trị nhưng Do Kwon vẫn không chịu thừa nhận sai lầm và vẫn cố gắng tìm kiếm nguồn vốn đổ vào con thuyền đang chìm dần, trong khi cái lỗ này đã được hình thành từ khi dự án Luna bắt đầu.
Rõ ràng, Do Kwon là một người bán tin vào sản phẩm mình chào hàng, kể cả khi nó trở thành cú lừa khiến các nhà đầu tư điêu đứng với hàng tỷ USD bốc hơi. Đây sẽ trở thành một trong những luận điểm bào chữa tại tòa án khi luật sư cố chứng minh Do Kwon không cố tình lừa nhà đầu tư.
Tương tự như vậy, "nữ tỷ phú" Holmes thành lập Theranos vào năm 19 tuổi khi chẳng có nhiều kiến thức công nghệ chuyên môn về thứ mình đang làm. Thậm chí khi mọi thứ đã rõ ràng trở thành cú lừa thì các luật sư của Holmes vẫn bào chữa rằng cô không cố tình lừa nhà đầu tư, rằng nhà sáng lập nãy vẫn luôn tin vào những gì mình làm.
Trong khi Holmes lập nghiệp ở tuổi 19 thì Do Kwon cũng khởi nghiệp ngoài 20 tuổi. Giống như Theranos, Do Kwon cũng hứa hẹn với các nhà đầu tư về một tương lai tiền số sáng sủa, không neo vào tài sản ổn định hay chịu chi phối bởi bất cứ ngân hàng nào.
Trên thực tế, tất cả những gì Do Kwon làm là lặp lại các dự án tiền số mà anh đã từng thấy bại trước đây, cải thiện chút ít và sao chép y nguyên. Thế nhưng trong cuộc chơi tiền số, những con bạc chẳng bao giờ sáng mắt.
Cả Do Kwon và Holmes đều bắt đầu những cú lừa từ thứ nhỏ nhất. Trong khi Kwon thực hiện các cú lừa bằng những đồng tiền số trước Luna thì Holmes giả mạo kết quả xét nghiệm máu và cả 2 đều không nhận thức được, hoặc cố tính như vậy, rằng họ đang lừa đảo mọi người cũng như chính bản thân mình.
Lại một lần nữa, những nhà sáng lập như Do Kwon phải đứng trước vành móng ngựa khi các nhà đầu tư tin tưởng giao cho anh hàng chục tỷ USD để đưa vốn hóa Luna lên 40 tỷ USD còn UST là 18 tỷ USD. Giờ đây, cả 2 đồng tiền số đều vô giá trị.
Không nhận sai
Những nhà tâm lý học theo trường phái Sigmund Freud đều cho rằng chúng ta chẳng bao giờ kiểm soát được hành vi khi các quyết định đều ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ bản năng gốc. Đây là lý do khiến nhiều thứ tưởng chừng như hiển nhiên bị làm lu mờ và khiến những người bốc đồng, nóng nảy từ chối cả những sự thực rõ ràng nhất.
Bởi vậy trong khi đáng lẽ nên thừa nhận sai lầm thì những nhà sáng lập này càng mạnh miệng và phản ứng dữ dội hơn mà theo các chuyên gia tâm lý học là kiểu "Phản ứng công thức" (Reaction Formation). Hành vi này sẽ khiến những tay lừa đảo sử dụng tuyên bố to tát để át đi các mối nguy hại hay những lời tố cáo về dự án của họ.
Khi phóng viên John Carreyou của tờ WSJ lần đầu tiên công khai những bằng chứng lừa đảo của Theranos, nhà sáng lập Holmes đã phản ứng bực tức và thậm chí công khai xúc phạm trên truyền thông nhà báo này. Dù bằng chứng đã rõ nhưng Holmes liên tục phủ nhận cũng như đảm bảo rằng cô không làm gì sai.
Tương tự, Do Kwon liên tục xúc phạm những lời chỉ trích lừa đảo, gọi họ là "lũ gián". Vào tháng 11/2021, Do Kwon gọi một bài đăng về sự yếu kém của đồng Luna là "thứ ngu ngốc nhất mà tôi từng độc trong thập niên này". Thế rồi khi 2 bài phân tích khác trong tháng 1/2022 cho thấy sự bất ổn của dự án thì Kwon cũng thẳng thừng chửi các chuyên gia là "đồ ngu ngốc", "kẻ khốn nạn"...
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng sự phản ứng thái quá này lại là chiến lược marketing hiệu quả khi chúng thu hút sự chú ý của dư luận, còn nhà đầu tư thì hiểu nhầm rằng đó là động thái bình thường khi một nhà khởi nghiệp bị đổ oan.
Một số nghiên cứu cho thấy sự tức giận làm khiến nhiều người gia tăng được sự tự tin trong tranh cãi. Hệ quả là khi bị chỉ trích, họ tức giận để rồi nghĩ mình vẫn đúng hơn là tự đặt ra các câu hỏi khó khăn và thừa nhận sai lầm.
Lợi dụng người nổi tiếng
Cả Kwon và Holmes đều hiểu một điều: Họ cần những tên tuổi lớn đảm bảo cho dự án của mình nếu muốn thu hút nhà đầu tư. Vậy là Holmes lợi dụng những tên tuổi lớn như Henry Kissinger, George Schultz và James Mattis, vốn là những người nổi tiếng nhưng thiếu kinh nghiệm về công nghệ sinh học. Thế nhưng chả sao cả, nhà đầu tư biết đến họ và đổ tiền cho cú lừa Theranos.
Tương tự, Do Kwon cần những tên tuổi lớn cho Luna và thế là hàng loạt quỹ nổi tiếng như Coinbase Ventures, Pantera Capital hay Jump Trading xuất hiện.
Theo Morris, những quỹ đầu tư này có lẽ chẳng quan tâm đến khả năng thành công của Luna mà là câu chuyện marketing của Do Kwon nhiều hơn, cũng tương tự như những gì Theranos từng làm. Các quỹ đầu tư sẽ vẫn thu được lợi nhuận từ những khoản chiết khấu ban đầu khi ký kết hợp đồng ngay cả khi dự án thất bại.
Thậm chí một số thuyết âm mưu còn cho rằng những người như Holmes hay Do Kwon chỉ là nạn nhân của các quỹ đầu tư, khi họ bị sử dụng làm công cụ marketing kiếm lời và phải chịu trận khi dự án đổ vỡ.
Bất kể thế nào, việc Luna đổ vỡ đã gần như chắc chắn nếu không có phép màu thực sự nào diễn ra. Tuy nhiên trong tương lai, chắc chắn vẫn sẽ còn những cú lừa khác diễn ra và câu hỏi là khi nào và bao nhiêu người sẽ mất tiền nữa.
*Nguồn: Coindesk, The Guardian
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng