"Nhật Bản đang dịch chuyển mạnh các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, song doanh nghiệp phần mềm Việt Nam không đón được "làn sóng" này", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Vài năm nay, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển rất nhiều đơn hàng gia công phần mềm về các nước ASEAN theo công thức ASEAN Trung Quốc (ASEAN plus China) thay cho công thức Trung Quốc 1 (China plus One). Cơ hội mở rộng thị trường và tăng trưởng đột phá doanh thu đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam rất lớn.
Tại cuộc gặp gỡ đầu năm của Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) mới đây, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software tiếp tục nhấn mạnh: "Cơ hội từ thị trường và khách hàng Nhật Bản vẫn không giới hạn. Đang có tới 30% doanh nghiệp Nhật hoạt động ở thành phố Đại Yên - Trung Quốc muốn chuyển dịch cơ hội đầu tư sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam... Nhiều loại công việc như dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) không yêu cầu quá khó về khả năng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành mà chỉ cần đòi hỏi thời gian huấn luyện về tiếng Nhật, thậm chí học sinh cấp 3, trung cấp, cao đẳng cũng có thể làm được".
"Đáng buồn là nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chỉ ngắm nghía một hồi rồi không làm. Đến giờ có thể nói vì không quyết tâm "đón sóng" nên doanh nghiệp Việt Nam đã không đón được "làn sóng" đưa các dịch vụ ra ngoài Trung Quốc của doanh nghiệp Nhật Bản", ông Hoàng Nam Tiến tiếc nuối.
Ước tính mỗi năm Nhật Bản chi khoảng 30 tỷ USD cho nhu cầu gia công phần mềm, nhưng đến giờ các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ trong số 30 tỷ USD này. Ngay cả “đại gia” như FPT năm 2013 cũng chỉ mới kiếm được khoảng 35 triệu USD từ các hợp đồng gia công phần mềm cho khách hàng Nhật.
Vẫn tiếp tục có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tìm đối tác kinh doanh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm cảnh báo Việt Nam đang có nguy cơ giảm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ làm gia công phần mềm khác trong khu vực. Nhiều năm trước, với lợi thế nhân công giá rẻ, Việt Nam từng là lựa chọn số 1 của các công ty CNTT Nhật Bản. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của hãng NeoIT, năm 2011, chi phí lao động CNTT tại Việt Nam rẻ hơn 40% so với tại Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng gần đây, chi phí nhân công mà phía Việt Nam đưa ra đã được tăng lên đáng kể trong khi ngày càng nhiều nước tham gia thị trường gia công phần mềm thế giới với giá thấp hơn. Một số quốc gia khác như Myanmar, Philippines... bắt đầu được nhiều doanh nghiệp Nhật đánh giá cao hơn Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt chưa khai thác được nhiều cơ hội kinh doanh với đối tác Nhật Bản, trong đó đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực biết tiếng Nhật và các công cụ cần thiết hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, chẳng hạn đến giờ Việt Nam vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về nhân lực CNTT với những số liệu cụ thể về số lượng người, trình độ tương ứng,... để doanh nghiệp có thể "trưng" ngay con số chính thống khi đối tác Nhật muốn biết khả năng đáp ứng nhân lực cho việc thực hiện đơn hàng.
Trao đổi với ICTnews, một giám đốc công ty quy mô khoảng 50 nhân viên chuyên gia công xuất khẩu phần mềm sang Nhật cho biết vừa tham gia "Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản", chỉ sau vài cuộc gặp gỡ với đối tác Nhật đã có lượng đơn hàng đủ cho cả năm, không dám tìm thêm đơn hàng khác vì không lo đủ nhân lực triển khai.
Đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp Nhật Bản là thường giới thiệu cho nhau những đối tác, khách hàng đã tạo được uy tín và niềm tin. Một doanh nghiệp Nhật Bản chọn điểm đến là quốc gia khác thay vì Việt Nam sẽ có thể kéo theo sự chuyển hướng lựa chọn của hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản khác.
Quay lại 1 năm về trước, Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình đã từng lưu ý: “Việc doanh nghiệp Nhật chuyển địa điểm đặt hàng gia công phần mềm giống như đàn cá di chuyển từ nơi này sang nơi khác khi biển động. Điều tôi lo sợ nhất là khi gặp đàn cá lớn như vậy, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có nguy cơ “thủng lưới”. Mà nếu “thủng lưới” với Nhật Bản thì “cá” sẽ đi hết luôn”.
TS. Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cũng từng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp phần mềm: “Nếu chúng ta không chuẩn bị để đón thời cơ thì chắc chắn “cá” sẽ chuồn đi nơi khác. Các hiệp hội, doanh nghiệp nên tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn tiếng Nhật, chí ít với 1 khóa học buổi tối khoảng 6 tháng thì những nhân viên trẻ cũng biết giao tiếp chào hỏi, đáp ứng yêu cầu tiếp cận khách hàng. Không có lý gì trong những năm tới các doanh nghiệp CNTT Việt Nam lại để thủng lưới”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng