Đọc cuối tuần: Con người có thể ngủ 2 tiếng mỗi ngày để sống nhiều hơn 10 năm cuộc đời hay không?
Leonardo da Vinci, Nikola Tesla, Thomas Edison và Napoleon chẳng một ai ngủ theo lịch trình Uberman cả.
Kể từ khi thế giới bước vào một kỷ nguyên tăng tốc, Định luật Moore đã làm cho số lượng transistor trên một chip bán dẫn tăng gấp đôi sau mỗi năm. Nhờ đó mà mọi thứ đều trở nên nhỏ hơn và nhanh hơn từng ngày, con người bắt đầu có được máy vi tính, điện thoại và internet...
Nhưng dường như việc kết nối nhanh hơn và hiệu quả hơn cũng sinh ra một thế hệ trẻ khát khao nhiều hơn. Chúng ta thích sống vội, muốn có được nhiều niềm vui, đọc được nhiều thông tin hơn mỗi ngày. Tất cả mọi người đều khao khát thành công sớm, họ nghĩ rằng để làm được điều đó chỉ còn cách học tập và làm việc không ngừng nghỉ.
Vấn đề là ở chỗ, giống như diện tích của một con chip bán dẫn, thời gian là thứ không thể sinh ra thêm được. Đối mặt với thực tế phũ phàng rằng mỗi ngày chỉ có 24 giờ, nhiều người bắt đầu coi giấc ngủ là một sự phí phạm.
Tại sao con người phải ngủ 8 tiếng mỗi ngày, và đánh mất tới một phần ba cuộc đời của mình chỉ để nằm một chỗ?
Vào khoảng những năm 2000, khi Định luật Moore đã đẩy số lượng transistor trên một con chip đạt tới mức 50-100 triệu. Trên internet, một biểu đồ có tên Lịch trình Giấc ngủ Uberman bắt đầu được lan truyền khắp các blog. Nó thể hiện một ý tưởng vô cùng hấp dẫn, thứ chắc chắn sẽ hút hồn bất kể ai nhìn vào đó.
Lịch trình Giấc ngủ Uberman nói rằng con người có thể chỉ cần ngủ 2 tiếng mỗi ngày, chính xác là chợp mắt 20 phút sau mỗi 3 tiếng 40 phút. Nó kéo dài thời gian tỉnh giấc của một người lên tới 22 tiếng mỗi ngày, so với người bình thường, một người ngủ Uberman sẽ có thêm cho mình 6 giờ đồng hồ.
Cứ mỗi tuần, họ sẽ sống thêm được nhiều hơn 2 ngày. Con số trong một năm là 2.190 giờ tương đương với 91 ngày thức giấc liên tục. Bắt đầu thực hành giấc ngủ Uberman từ tuổi 20, bạn sẽ sống nhiều hơn người khác tới 10 năm cuộc đời.
Cùng với đó là vô số lợi ích bao gồm: tăng thời lượng giấc ngủ REM, cải thiện năng suất làm việc, khả năng sáng tạo, tâm trạng và có được những giấc mơ Lucid...
Hãy tưởng tượng, bạn có thể làm gì trong 10 năm với năng suất làm việc sáng tạo ấy? Tất cả sẽ được bạn chuyển hóa thành kiến thức, kinh nghiệm, tiền bạc và dĩ nhiên cả hạnh phúc cùng vô số niềm vui.
Nhiều bài báo nói rằng Leonardo Da Vinci, Nikola Tesla, thậm chí cả Napoleon đã đều ngủ kiểu Uberman để đạt tới thành công của họ. Nhưng thực tế thì tấm biểu đồ - trông như chiếc bánh sinh nhật cắt sáu này - có hiệu quả hay không?
Trong cuộc sống hiện đại, hầu hết chúng ta đều chỉ ngủ một giấc mỗi đêm. Bạn đi ngủ vào khoảng 9-10 giờ tối, có thể muộn hơn. Nhưng nếu bạn đã cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng, sau đó thức toàn bộ thời gian còn lại trong ngày, bạn sẽ thuộc mẫu người ngủ đơn pha (Monophasic Sleep).
Tổ tiên của chúng ta, những người săn bắn hái lượm nhiều khả năng cũng ngủ đơn pha. Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học California đã rút ra kết luận này sau khi nghiên cứu 3 tộc người tiền hiện đại còn sót lại ở Châu Phi và Nam Mỹ. Họ là những người Hadza ở Tanzania, Tsimane ở Bolivia và người San ở Namibia, tất cả đều vẫn đang sống trong một "nền kinh tế" săn bắn hái lượm.
Quan sát từ nghiên cứu cho thấy, mặc dù những thổ dân sống tách biệt ở hai lục địa, họ cùng đi ngủ vào một khoảng thời gian giống nhau, hơn 3 tiếng sau khi mặt trời lặn. Những người thổ dân thức dậy tự nhiên trước khi mặt trời mọc, ngủ liền một giấc mỗi đêm và không bao giờ ngủ vào ban ngày khi mặt trời còn chiếu sáng.
Vậy là tổ tiên của chúng ta có thể không phải những người thích ngủ trưa. Ngủ trưa được tính vào mô hình giấc ngủ hai pha (Biphasic Sleep). Thông thường, khi ai đó không ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, họ sẽ có xu hướng sẽ ngủ một giấc ngắn vào giữa ngày để bù đắp lại. Điều này chia miếng bánh giấc ngủ thành 2 phần đối lập:
Nhưng giấc ngủ hai pha cũng có một dạng hoàn toàn khác. Trong đó, giấc ngủ ban đêm được cắt làm đôi, xen vào giữa một khoảng thời gian thức giấc kéo dài từ 1 đến vài tiếng. Các tài liệu cho thấy giấc ngủ pha đôi này khá phổ biến ở Phương Tây trong những năm 1800, thời kỳ tiền công nghiệp trước khi con người phát minh ra đèn điện.
Logic của giấc ngủ pha đôi là việc con người quá nhàn hạ vào buổi tối. Khi chỉ có nến thắp sáng, không có điện thoại, TV hay internet, mọi người thường có xu hướng đi ngủ sớm. Tùy từng thời gian và vĩ độ, khoảng thời gian ban đêm khi đó có thể kéo dài từ 8-12 tiếng.
Những người tiền công nghiệp có lẽ đã khá vất vả trong việc kéo dài một giấc ngủ duy nhất dài đến vậy. Cho nên, họ thường thức giấc vào lúc nửa đêm.
Các tài liệu ghi lại cho thấy trong khoảng thời gian này, nhiều hoạt động sáng tạo và nghệ thuật đã được thực hiện. Các nhà thiên văn cũng sử dụng thời gian đó để quan sát bầu trời, trong khi người bình thường có thể ăn một bữa nhẹ dưới ánh nến hoặc đơn giản là quan hệ tình dục.
Lịch trình Uberman, với 6 giấc ngủ/ngày, là một trong những mô hình giấc ngủ kỳ lạ nhất thuộc nhóm giấc ngủ đa pha (Polyphasic Sleep) - thuật ngữ được tiến sĩ Claudio Stampi, nhà nghiên cứu đồng hồ sinh học người Ý đặt ra khi ông bắt đầu nghiên cứu chủ đề này.
Đúng như tên gọi của nó, giấc ngủ đa pha là những mô hình, trong đó, một người sẽ ngủ nhiều giấc ngắn trong ngày, thông thường là từ 3-6 giấc ngủ. Mục đích mà những người ngủ đa pha hướng tới là rút ngắn các giai đoạn họ cho là không quan trọng của giấc ngủ.
Bằng cách huấn luyện cơ thể ngủ đa pha, họ tin rằng mình sẽ tối đa hóa được giấc ngủ REM và giấc ngủ sóng chậm (SWS). Đây là hai trạng thái ngủ có tác dụng phục hồi cơ thể và củng cố trí nhớ tốt nhất.
Những người ngủ đa pha lập luận rằng tất cả các giai đoạn ngủ nông trước đó là không quan trọng, bằng việc loại bỏ chúng, họ sẽ có được nhiều thời gian thức giấc hơn mà vẫn làm việc hiệu quả nhờ tối đa hóa REM và SWS.
Bên cạnh Uberman, hai lịch trình ngủ đa pha phổ biến thường được biết đến là Everyman và Dymaxion:
Với lịch trình Everyman, một người sẽ ngủ khoảng 3-3,5 tiếng vào ban đêm rồi thức dậy. Trong suốt 21 tiếng đồng hồ còn lại, họ được phép ngủ thêm 3 giấc ngủ ngắn, mỗi giấc kéo dài 20 phút. Tổng cộng là 4-4,5 giờ ngủ trong ngày.
Lịch trình ngủ Dymaxion chỉ nhắm mục tiêu vào 2 giờ ngủ giống Uberman, nhưng các giấc ngủ được kéo dài ra 30 phút và số lượng được rút xuống chỉ còn 4 giấc.
Lịch trình này được những người ủng hộ giấc ngủ đa pha cho rằng dễ thực hiện hơn so với Uberman, và cũng tiện dụng hơn vì các giấc ngủ thường rơi vào khoảng thời gian trống và rảnh rỗi như 12 giờ đêm, 6 giờ, 12 giờ trưa và 6 giờ tối.
Bạn có thể làm việc liên tục trong các khoảng thời gian còn lại mà không bị ngắt quãng.
Điều đầu tiên cần phải nói chắc chắn rằng, con người cần ngủ. Giấc ngủ đóng vai trò trong sự sinh tồn của con người tương tự như thức ăn và nước uống. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được đầy đủ mục đích sinh học của giấc ngủ, họ đã tìm được nhiều bằng chứng cho thấy nó có liên quan đến một số chức năng não, bao gồm cả cách các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau.
Trong thực tế, não và cơ thể vẫn hoạt động đáng kể trong khi bạn ngủ. Những phát hiện gần đây cho thấy giấc ngủ giúp vệ sinh và loại bỏ những độc tố tích tụ trong não suốt thời gian thức giấc. Nó cũng đóng vai trò trong việc hình thành ký ức và củng cố các kiến thức mà bạn mới học được trong ngày.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến hầu hết mọi loại mô và hệ thống trong cơ thể - từ não, tim và phổi đến quá trình trao đổi chất, chức năng miễn dịch, tâm trạng và khả năng đề kháng bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy rằng thiếu ngủ mãn tính hoặc ngủ kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn bao gồm huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm và béo phì.
Trong khi đó, thống kê cho biết những người chỉ ngủ từ 4-5 tiếng/ngày có thể làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông của mình lên gấp 4 lần, tỷ lệ tai nạn lao động gấp 2,7 lần. Năm 2012, một người đàn ông 26 tuổi ở Trung Quốc được tìm thấy đã chết, sau khi thức liên tục 12 ngày đêm để theo dõi giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO).
Mặc dù nghiên cứu chỉ ra thiếu ngủ không phải là nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn đến cái chết, nó luôn là điều kiện cho cái chết xảy ra sớm hơn.
Các bằng chứng khoa học hiện tại ủng hộ giấc ngủ chất lượng với 2 tiêu chí: đủ thời lượng và đúng thời điểm. Số lượng giờ ngủ mỗi ngày thay đổi theo từng độ tuổi. Trung bình, trẻ sơ sinh cần 16-18 giờ ngủ mỗi ngày. Trẻ em và thanh thiếu niên cần 9,5 tiếng. Người trưởng thành cần ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày sau đó giảm xuống khi chúng ta già đi.
Ngủ đúng thời điểm là việc đồng bộ giấc ngủ của bạn với chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể, chạy theo chu kỳ sáng/tối của ngày. Nghĩa là mọi người nên ngủ vào ban đêm và thức dậy khi trời sáng. Bất kể mô hình ngủ nào chệch ra ngoài hai điều kiện này đều mang đến những tác động không tốt đến cơ thể.
Dựa trên đó, chỉ có giấc ngủ đơn pha và hai pha có thể đáp ứng cả hai điều kiện. Tổ tiên của chúng ta có khả năng là những người ngủ đơn pha, do vậy, đó được xem là giấc ngủ tự nhiên nhất. Nhưng sau cách mạng công nghiệp, đèn điện và các loại ánh sáng nhân tạo dường như đã phá vỡ mô hình ngủ đơn pha của chúng ta, khiến nó kém hiệu quả.
Con người thức khuya hơn, khi có nhiều hoạt động giải trí hơn vào ban đêm, từ điện thoại, tivi cho đến những bữa tiệc tùng và lễ hội ngoài đường phố. Kết quả là khoảng thời gian tính từ khi bạn chợp mắt cho tới khi mặt trời mọc là không đủ để đảm bảo cả về chất và về lượng cho giấc ngủ.
Mô hình giấc ngủ hai pha, bao gồm một giấc ngủ ban đêm và một giấc ngủ trưa, bây giờ trở thành lựa chọn thay thế tốt hơn. Nghiên cứu điện não đồ cũng ủng hộ mô hình ngủ hai pha, cho thấy sự đáp ứng của não bộ với một giấc ngủ dài vào ban đêm và một giấc ngủ ngắn giữa ngày.
Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu khác ủng hộ lợi ích tuyệt vời từ giấc ngủ trưa bao gồm cải thiện chức năng nhận thức, phản xạ, trí nhớ ngắn hạn và cả tâm trạng. Ở những quốc gia có nền văn hóa siesta (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ngủ trưa) như Hy Lạp, Brazil, Mexico và tất nhiên cả Tây Ban Nha, có tới hơn 72% dân số thường xuyên ngủ trưa ít nhất 4 lần/tuần.
Như đã nói, mục đích chính mà những người ủng hộ giấc ngủ đa pha muốn hướng tới, đó là loại bỏ các giai đoạn giấc ngủ không REM, chỉ tối đa hóa thời gian ngủ REM và thu lượm các lợi ích từ giai đoạn ngủ quan trọng này.
Thông thường, một giấc ngủ đơn pha trong đêm của bạn được chia thành 5 phiên, mỗi phiên kéo dài 90 phút. Trong mỗi phiên này lại chia thành 4 giai đoạn: ngủ nông, ngủ trung bình, ngủ sâu và REM.
Bởi các giai đoạn không REM kéo dài tới 65 phút, và ngủ REM chỉ dài 20 phút với 5 phút chuyển tiếp, những người ủng hộ giấc ngủ đa pha nói rằng bạn thực chất chỉ có 100 phút ngủ REM hữu ích mỗi đêm.
Vậy nếu có thể tập luyện lịch trình ngủ Uberman để ngay lập tức nhảy vào giai đoạn ngủ REM 6 lần trong ngày, mỗi lần 20 phút, bạn có thể có được tổng cộng 120 phút ngủ REM, nhiều hơn cả giấc ngủ đơn pha ban đêm kéo dài 8 tiếng.
Mặc dù vậy, đó chỉ là lý thuyết, thậm chí là một lý thuyết sai lầm! Các lý thuyết khoa học chuẩn xác về giấc ngủ có thể tiên đoán và giải thích điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tuân theo lịch trình giấc ngủ Uberman, trớ trêu thay, khi đó, giấc ngủ REM sẽ còn bị rút ngắn lại.
Thứ nhất, vì bạn chỉ ngủ 2 tiếng một ngày, cơ thể sẽ bị đưa vào trạng thái thiếu ngủ. Đúng là trạng thái này sẽ nén các giai đoạn không REM của giấc ngủ lại, bạn sẽ nhảy vào giai đoạn REM sớm hơn. Nhưng bởi khoảng thời gian thức giấc dài gây ra những sự mất cân bằng nội môi, cơ thể bạn sẽ ưu tiên để nhảy vào giai đoạn ngủ sâu (sóng não chậm SWS) trước khi có thể tiến tới REM.
Kết quả thì giấc ngủ REM của bạn giảm xuống chứ không hề tăng lên. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn sử dụng đồng hồ báo thức (gần như là vật bất ly thân và không thể thiếu với những người thực hành giấc ngủ Uberman). Đồng hồ báo thức sẽ đánh thẳng vào giấc ngủ REM đang dang dở của bạn, khi những giấc mơ đang diễn ra.
Điều này giải thích một thực tế rằng những người ngủ Uberman thường báo cáo họ nhớ rõ những giấc mơ của mình hoặc trải nghiệm giấc mơ Lucid khi thức dậy. Nhưng đó không phải là dấu hiệu cho thấy họ ngủ REM tốt hơn, mà đó là một dấu hiệu cho thấy họ đang tự phá hủy giấc ngủ REM của mình.
"Có rất ít dữ liệu - không có dữ liệu nào trong số đó được tìm thấy trong tài liệu y khoa - nói về những nghiên cứu lâm sàng được thiết kế cẩn thận để chứng minh giấc ngủ đa pha mang lại bất kể một lợi ích nào cho y học giấc ngủ con người", tiến sĩ Alon Avidan, giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ Đại học California, Hoa Kỳ cho biết.
Ngay cả khi bạn có thể hack được cơ thể và trượt ngay vào giấc ngủ REM, việc làm trái tự nhiên này cũng có thể gây ra nhiều hậu quả, chưa kể, các giai đoạn khác của giấc ngủ không phải không có ích.
"Khi bạn bắt đầu tái sắp xếp và thay đổi tỷ lệ phần trăm của các giai đoạn ngủ trong một chu kỳ bình thường, cuối cùng bạn sẽ thay đổi rất nhiều chức năng sinh lý khác nhau rất gắn liền với các giai đoạn ngủ ấy", tiến sĩ Avidan nói.
Điều này có thể để lại nhiều hậu quả cho hệ thống nội tiết và chức năng trao đổi chất của bạn. "Những người ngủ đa pha sẽ ngủ ít hơn về mặt tổng thể, điều đó cũng gây ra nhiều hậu quả sức khỏe, bao gồm suy giảm nhận thức, các vấn đề về trí nhớ và nguy cơ tai nạn cao hơn", tiến sĩ Avidan nhấn mạnh.
Những người không ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường và béo phì, ông nói, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ làm rối loạn lượng hooc-môn, làm tăng cảm giác thèm ăn và nồng độ đường trong máu của bạn.
Trả lời câu hỏi rằng một người bình thường có nên thử lịch trình ngủ Uberman hay không, tiến sĩ Avidan dứt khoát: "Không!".
Trường hợp duy nhất mà lịch trình Uberman tỏ ra có ích, được tiến sĩ Claudio Stampi - nhà nghiên cứu giấc ngủ đa pha hàng đầu thế giới - chỉ ra, đó là các binh lính và thủy thủ trên du thuyền. Vì điều kiện chiến trường và sự lênh đênh trên biển, họ thường chỉ có thể ngủ vài giờ mỗi ngày.
Tiến sĩ Stampi cho biết những binh lính và thủy thủ có thể chia số giờ ngủ ít ỏi của họ thành 6 giấc ngủ ngắn chia đều trong cả ngày như lịch trình Uberman. Điều này sẽ tốt hơn là ngủ một giấc ngắn chỉ 2 tiếng đồng hồ.
Nhưng trái với những gì mà các blogger ủng hộ ngủ đa pha thường nói, tiến sĩ Stampi không hề khuyến cáo những người bình thường đang ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày rút ngắn thời gian xuống 2 tiếng để tuân thủ lịch trình Uberman.
Nếu giấc ngủ đa pha không có tác dụng, bạn có thể hỏi tại sao nó lại được ủng hộ và thực hành bởi một loạt các thiên tài bao gồm: Leonardo da Vinci, Nikola Tesla, Thomas Jefferson, Thomas Edison, Winston Churchill, Albert Einstein, Benjamin Franklin, Napoleon và nhiều hơn thế nữa.
Cũng dễ dàng đoán ra thôi, đó chỉ là những sản phẩm, những câu chuyện hư cấu. Điểm chung của những thiên tài được cho đã ngủ theo lịch trình Uberman là gì? Tất cả đều đã chết. Bạn không thể email hỏi Thomas Edison rằng: "Liệu ngài có thực sự ngủ đa pha hay không?".
Không có một nhà khoa học đoạt giải Nobel còn sống, hay một chính trị gia đương đại nào ngủ theo lịch trình Uberman. Tên tuổi của những người khác được ai đó xếp vào danh sách người ngủ Uberman chỉ để đánh bóng sự hiệu quả giả của phương pháp này.
Có nhiều bằng chứng cho thấy câu chuyện Leonardo da Vinci ngủ theo kiểu Uberman chỉ là tin đồn bịa đặt.
Vào thời kỳ Phục Hưng, khi đèn điện còn chưa được phát minh, người dân Châu Âu có một cuộc sống khá nhàn nhã. Sẽ rất kì lạ và điện rồ khi ai đó áp dụng một lịch trình ngủ đa pha vào thời kỳ đó, lúc mà con người chỉ có nến hoặc đuốc để thắp sáng vào ban đêm.
Không có một tài liệu đáng tin cậy nào ghi chú về thói quen ngủ của da Vinci, nếu ông ấy thực sự đã ngủ theo lịch trình Uberman. Nhưng có những tài liệu khác cho thấy điều ngược lại. Trong cuốn sách "LVIII", Matteo Bandello đã tường thuật lại khoảng thời gian ông ở bên Leonardo da Vinci khi nhà họa sĩ vẽ bức "Bữa ăn tối cuối cùng":
"Từ khi mặt trời mọc cho tới khi màn đêm buông xuống, không ai có thể lấy cọ vẽ ra khỏi tay ông ấy. Ông ấy vẽ không ngừng nghỉ, quên cả ăn uống". Bandello đã không hề nhắc đến giấc ngủ Uberman của da Vinci. Là một nhà văn tinh tế, chắc chắn ông ấy không thể bỏ qua nó, chỉ trừ khi đó là một câu chuyện không hề có thật.
Một danh ngôn nổi tiếng của chính da Vinci dường như cũng tiết lộ ông chỉ ngủ một giấc duy nhất trong ngày: "Một ngày được sử dụng hợp lý sẽ cho bạn một giấc ngủ an lành, một cuộc đời sử dụng hợp lý sẽ kết thúc với cái chết viên mãn".
Vậy thì bắt đầu từ đâu mà câu chuyện Leonardo da Vinci ngủ theo lịch trình Uberman đã được tạo ra và lan truyền? Một tài liệu năm 1992 của diễn viên người Ý Giancarlo Sbragia nhiều khả năng là nơi đầu tiên câu chuyện được kể. Khi Sbragia bàn về những giấc ngủ siêu ngắn, ông có nói rằng:
"Tôi không nhớ chính xác từ đâu mà tôi biết về thói quen ngủ của Leonardo. [...] Tôi có một người bạn bình thường có khả năng ngoại cảm. [...] Có lẽ từ bà ấy mà tôi biết về mô hình ngủ kỳ dị của Leonardo, nhưng bây giờ đã 30 năm rồi, tôi cũng không chắc chắn lắm".
Vậy hóa ra, toàn bộ câu chuyện Leonardo da Vinci ngủ theo lịch trình Uberman đã xuất phát từ miệng một nhà ngoại cảm.
Hồi ký và những tài liệu còn lưu trữ được nói về Napoleon cũng dễ dàng gây nhầm lẫn rằng ông ấy là một người ngủ đa pha. Trên thực tế, Napoleon là một người có mô hình ngủ bình thường, một giấc mỗi đêm và có xu hướng ngủ muộn.
Nhưng có những thời điểm, vị tướng thiên tài đã thực sự ngủ những giấc ngắn trong ngày. Lí do vì giấc ngủ đêm của ông hay bị gián đoạn bởi các sứ giả báo tin. Napoleon không chủ định ngủ ban ngày, chỉ vì ông ấy quá mệt với chiến trận nên cần chợp mắt. Trong những ngày nhàn rỗi, ông ấy ngủ đủ 7 tiếng đồng hồ trong cả đêm.
Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill thì chắc chắn không phải người ngủ Uberman. Là một nhà lãnh đạo thời chiến, thói quen hàng ngày của ông được các trợ lý theo dõi rất chặt chẽ. Churchill thường thức khuya làm việc với các bộ trưởng, và bù lại bằng 1-2 tiếng ngủ trưa ngày hôm sau. Như vậy, Churchill là một người ngủ hai pha.
Thomas Edison, người luôn nói rằng giấc ngủ là một sự lãng phí thời gian, thậm chí cũng không ngủ đa pha. Nhật ký giấc ngủ do chính Edison ghi lại gợi ý ông cũng là một người ngủ hai pha. Thông thường, Edison sẽ cố gắng có một giấc ngủ ban đêm tốt nhất, sau đó ông thường ngủ trưa để khám phá một trạng thái chồng chập giữa tỉnh và thức gọi là hypnagogia.
Đối thủ của Edison, Nikola Tesla cũng không ngủ Uberman. Thay vào đó, nhà khoa học đại tài chỉ đơn giản là ngủ ngắn. Lịch làm việc quá tải trong ngày khiến Tesla chỉ có thể ngủ được ít giờ mỗi đêm.
Chúng ta không biết danh sách những thiên tài ngủ Uberman bắt nguồn từ đâu, nhưng bởi khả năng xuất chúng và những tài liệu không thể đối chứng, người ta vẫn thường thích kể tên họ chung vào với nhau.
Dường như bất cứ khi nào ai đó kể ra một danh sách "Vĩ nhân X đã làm điều Y", họ cứ phải xếp chung Einstein, Edison, Tesla và da Vinci vào với nhau mới chịu.
Bây giờ, bạn nghĩ thế nào về Lịch trình Uberman và giấc ngủ đa pha, sau khi biết Leonardo da Vinci, Nikola Tesla, Thomas Edison và Napoleon chẳng một ai ngủ theo cách này cả? Cũng giống như nhiều người khác, có thể bạn đã bị hấp dẫn bởi những cái tên hơn là bằng chứng khoa học yếu của lịch trình ngủ cổ quái này.
Trong thời đại ngày nay, bạn sẽ không thể tìm thấy một vĩ nhân nào ngủ theo lịch trình Uberman. Những người duy nhất đang thực hành lịch trình ngủ này là những blogger muốn trải nghiệm và chứng thực nó. Rudis Muiznieks là một ví dụ. Anh ấy đã thử nghiệm Uberman trong vòng 2 tháng và rút ra một số trải nghiệm:
"Khi tôi nhận ra thì đã quá muộn, rõ ràng khi thực hiện [lịch trình ngủ Uberman] tôi đã tự đánh cắp đi những giấc ngủ ngon của chính mình, đẩy bản thân vào những trải nghiệm tra tấn kinh khủng. Đúng là việc nhảy vào giấc ngủ REM sẽ mang lại những giấc mơ Lucid đáng kinh ngạc, nhưng ngoài đó, [lịch trình Uberman] chẳng đem lại lợi ích nào như nó đã hứa hẹn".
Kết thúc thí nghiệm Muiznieks chỉ cảm thấy thất vọng và phải đối mặt với tình trạng thiếu ngủ.
Trong khi đó, một blogger khác là Brian Lovin cũng đã thực hành một chiến lược ngủ đa pha 4 tiếng mỗi ngày, chia làm 1 giấc ngủ 3 tiếng ban đêm và 3 giấc ngủ ngắn 20 phút trong ngày.
Anh ấy cũng đã ghi chép lại cẩn thận trải nghiệm của mình, mà bạn có thể đoán ra nó kết thúc không mấy có hậu. Chỉ sau 2 tuần rưỡi, Lovin phải bỏ cuộc vì kiệt sức và gặp các vấn đề sức khỏe.
Có thể thấy rằng, việc hack được vào thời lượng và chất lượng của giấc ngủ là rất khó. Sẽ không có một lịch trình ngủ nào cho phép bạn thức 22 tiếng trong ngày với hiệu suất tuyệt vời trong toàn bộ thời gian.
Giấc ngủ có chức năng hết sức quan trọng với sức khỏe và tinh thần. Không còn cách nào khác, ở thời điểm này chúng ta buộc phải tuân thủ 2 điều kiện của một lịch trình ngủ lành mạnh: ngủ đủ và đúng giờ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng