Đọc cuối tuần: Lịch sử gập ghềnh của ngành nha khoa, như đứa con bị ghẻ lạnh bởi cả nền y học
Câu chuyện của các nha sĩ bắt đầu từ thế kỷ 10 sau Công Nguyên, thời kỳ của những thợ cắt tóc hành nghề phẫu thuật.
Bác sĩ là bác sĩ, còn nha sĩ là nha sĩ. Đã bao giờ bạn để ý tại sao lại có sự tách biệt rạch ròi đến vậy hay chưa?
Khi bạn đến bệnh viện, một bác sĩ sẽ không bao giờ hỏi bạn có dùng chỉ nha khoa hay không. Còn khi ghé thăm phòng khám răng, nha sĩ cũng chẳng bao giờ hỏi những câu hỏi trùng lặp với bác sĩ.
Nhưng sự tách biệt không chỉ đơn thuần như bạn nhìn thấy trên bề mặt. Ngay từ trong giảng đường đại học, chăm sóc sức khỏe răng miệng gần như cũng bị tách ra thành một nhánh trong hệ thống giáo dục và đào tạo y học.
Ở Mỹ, cả mạng lưới bác sĩ, hệ thống hồ sơ y tế, hệ thống thanh toán của dịch vụ khám chữa bệnh và dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng đều chạy song song với nhau một cách tuyệt đối. Bạn có bảo hiểm y tế ở Mỹ, chưa chắc bạn đã có bảo hiểm nha khoa.
Điều này dẫn đến chăm sóc sức khỏe răng miệng trở thành một nghề hoàn toàn khác, tương tự như các bác sĩ da liễu. Bạn sẽ khó có thể tìm thấy một nha sĩ làm việc tại bệnh viện, và sự thiếu vắng này tạo ra một khoảng trống y tế, hút xuống đó hàng tỷ USD mỗi năm và đôi khi cả mạng sống của bệnh nhân.
Vậy mọi chuyện đã bắt đầu từ đâu, vì cớ gì mà các nha sĩ không thể đóng vai trò như một bác sĩ và ngược lại?
Lịch sử của các nha sĩ bắt đầu từ thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên, thời kỳ của những thợ cắt tóc-phẫu thuật (Barber surgeon). Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, những thợ cắt tóc ở thời Trung Cổ sẽ xách hộp đồ nghề của họ đi làm, trong đó không chỉ có kéo, dao cạo, mà còn có cả những công cụ để thực hiện tiểu phẫu, điển hình là nhổ răng.
Đó là thời kỳ mà Giáo hội Công giáo chiếm được sự ảnh hưởng lớn trong xã hội Châu Âu, những tu sĩ đặt niềm tin tuyệt đối và truyền bá các hoạt động giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ -cơ bản nhất là bằng cách cạo đầu và nhổ đi những chiếc răng bị sâu.
Thời kỳ này, mỗi tu viện đều phải thuê hoặc tự đào tạo ít nhất một thợ cắt tóc. Những người thợ này sẽ làm luôn nhiệm vụ của nha sĩ – một nghề khi đó còn chưa xuất hiện, và của bác sĩ phẫu thuật – thực hiện một số tiểu phẫu nhỏ như chích máu, chữa bệnh bằng đỉa…
Các bác sĩ, bản thân họ, coi phẫu thuật là một nghề "kém sang" so với địa vị của mình. Lý do vì phẫu thuật thời Trung Cổ chỉ được xem là tác động cơ học lên cơ thể, hơn nữa, phẫu thuật còn gây ra tỷ lệ tử vong rất cao do mất máu và nhiễm trùng.
Sẽ có những bác sĩ hành nghề phẫu thuật riêng biệt, và không được coi trọng bằng các bác sĩ làm việc trong môi trường học thuật, tại các đại học và chỉ đến các lâu đài để chữa bệnh cho người giàu có.
Khi một bệnh nhân phải phẫu thuật, bác sĩ chỉ theo dõi quá trình và đưa ra lời khuyên chứ không trực tiếp cầm dao mổ. Công việc tiểu phẫu như nhổ răng vì thế còn bị coi thường hơn, và đó là mảnh đất mà những người thợ cắt tóc chớp được cơ hội của họ.
Cho đến thể kỷ 12, các hướng dẫn phẫu thuật mới được các bác sĩ tập hợp lại, để đặt nền móng cho một chuyên ngành an toàn và hàn lâm hơn. Phẫu thuật bắt đầu được giảng dạy trong trường y.
Cùng lúc đó, các thợ cắt tóc phẫu thuật cũng đạt được đến một trình độ lành nghề nhất định. Họ thậm chí đã có khả năng thực hiện các thủ thuật như đặt xương gãy, và thậm chí, cắt cụt chi.
Trong nha khoa, những thợ cắt tóc này có thể thực hiện nhiều sửa chữa cơ học, bao gồm cả việc trồng răng giả bằng kim loại. Trình độ của họ ngày càng được cải thiện.
Tại Pháp vào thế kỷ 13, các bác sĩ được chia thành 2 cấp độ: những người mặc áo choàng dài được phép thực hành phẫu thuật, còn những người mặc áo choàng ngắn thì không. Các bác sĩ mặc áo choàng dài khi đó trở nên tự phụ, khiến các bác sĩ mặc áo choàng ngắn hết sức khó chịu.
Họ tìm đến những người thợ cắt tóc phẫu thuật và bí mật truyền những kiến thức y học về giải phẫu cho những người thợ này, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của họ và đe dọa đến vị thế của những bác sĩ áo choàng dài.
Kết quả là, những người thợ cắt tóc phẫu thuật được trang bị kiến thức y học lúc này đã cạnh tranh được cả với các bác sĩ cho đến tận thế kỷ 17 - khi các quy định y tế được thiết lập chặt chẽ hơn và trình độ học vấn của những người thợ cắt tóc không còn theo kịp được tốc độ phát triển của y học.
Đến thế kỷ 18, việc một người thợ cắt tóc vừa cầm kéo vừa cầm dao mổ bắt đầu trở nên rất không phù hợp. Những người thợ cắt tóc phẫu thuật nào giỏi thì đã tách ra và chỉ hành nghề phẫu thuật. Họ cũng được đào tạo y học và dần sáp nhập vào thế giới của các bác sĩ, bỏ lại những người thợ cắt tóc bình thường, chỉ còn hành nghề cắt tóc.
Giống như dao mổ, các dụng cụ nha khoa cũng bắt đầu biến mất khỏi túi đồ nghề của thợ cắt tóc từ đó. Công việc được tiếp quản bởi một số bác sĩ phẫu thuật, những người có niềm hứng thú đặc biệt với giải phẫu khoang miệng như Piere Fauchard, một bác sĩ người Pháp.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Fauchard tự mô tả mình là một nha sĩ phẫu thuật – nghĩa là một bác sĩ phẫu thuật chuyên điều trị nha khoa. Năm 1728, ông ấy viết và xuất bản cuốn sách Le Chirurgien Dentiste, mô tả về giải phẫu miệng cơ bản và chức năng khoang miệng.
Cuốn sách gồm 2 tập với tổng cộng 64 chương đúc kết rất nhiều thủ tục và công cụ nha khoa, từ phương pháp phẫu thuật nhổ bỏ và điều trị răng sâu, các bệnh nha chu, kỹ thuật chỉnh và niềng răng cho tới thay thế răng bị gãy, kỹ thuật trám răng và trồng răng.
Lấy cảm hứng từ dụng cụ của những người thợ cắt tóc phẫu thuật ngày xưa, Fauchard cũng cải tiến và phát minh rất nhiều dụng cụ nha khoa, ví dụ như kìm và khoan nha sĩ vẫn còn được dùng cho tới ngày nay.
Công việc của Fauchard đã chính thức tách nha khoa ra khỏi danh mục các thủ thuật phẫu thuật nói chung, để hình thành nên một chuyên khoa mới. Điều này khiến ông được các bác sĩ ngày nay coi là "cha đẻ của ngành nha khoa hiện đại".
Sau công việc tiên phong của Fauchard, các nha sĩ mới bắt đầu xuất hiện phổ biến ở Châu Âu và sau đó là nước Mỹ.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng chính thức phát triển thành một chuyên khoa học thuật riêng vào năm 1840, sau khi Chapin Harris thành lập trường đại học nha khoa đầu tiên trên thế giới tại Baltimore, Hoa Kỳ.
Chapin Harris là một nha sĩ xuất thân từ bác sĩ. Ông ấy bắt đầu làm việc và học nghề y trong phòng khám của anh trai mình từ năm 17 tuổi. Với niềm say mê dành cho nha khoa, Harris chuyển hẳn sang ngành chăm sóc sức khỏe răng miệng vào năm 22 tuổi.
Ông hành nghề nha 10 năm, trước khi nhận được bằng bác sĩ đa khoa danh dự và trở thành giáo sư tại Đại học Y Washington.
Năm 1939, với sự ủng hộ của người thầy dẫn dắt mình - Horace Hayden cũng là một nha sĩ, Harris đã ngỏ ý với Đại học Maryland ở Baltimore về việc thành lập một trường nha khoa trực thuộc, đồng thời bổ sung các chương trình giảng dạy nha khoa cho các sinh viên y.
Lời thỉnh cầu của Harris và Hayden mang một thông điệp rằng nha khoa không chỉ là những can thiệp cơ học đơn giản vào thân thể con người, nó xứng đáng được phát triển thành một nghề nghiệp. Các nha sĩ cần được cấp phép và nhận bằng cấp như bác sĩ. Chuyên ngành này cũng cần các nghiên cứu và tạp chí khoa học có bình duyệt.
Thật đáng tiếc, các bác sĩ tại Maryland đã gạt bỏ tất cả những điều đó. Họ cho rằng nha khoa là những thủ thuật đơn giản và không gây ra quá nhiều hậu quả với sức khỏe con người. Đề xuất của Harris và Hayden cuối cùng bị từ chối.
Không nản lòng, Harris với sự hỗ trợ của Hayden và một nhóm nha sĩ khác đã tự thành lập Đại học Phẫu thuật Nha khoa tại Baltimore để hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Đây là trường đại học đầu tiên trên thế giới đào tạo và cấp bằng bác sĩ phẫu thuật nha khoa (DDS). Với cống hiến của mình, Harris và Hayden bây giờ được coi là cha đẻ của nền nha khoa tại Mỹ.
Vậy hóa ra, chính sự cự tuyệt của các bác sĩ ở Đại học Maryland với các nha sĩ đã làm nên lịch sử rẽ nhánh của ngành nha khoa. Các nha sĩ bây giờ vẫn khoan và trám răng, trong khi các bác sĩ chỉ nhận trách nhiệm từ amidan bệnh nhân trở xuống.
Tại Mỹ, giáo dục y khoa và nha khoa là hai nhánh hoàn toàn riêng biệt. Và nó cũng kéo theo cả ngành bảo hiểm, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe. Một khi nha khoa hoạt động độc lập với ngành y tế, việc sáp nhập nó trở lại cũng khó khăn gấp bội.
Năm 1920, sau khoảng 120 năm hệ thống nha khoa chạy song song với chăm sóc sức khỏe tổng thể, William Gies, một nhà hóa sinh người Mỹ đã nhận ra điểm bất cập này. Sau khi đã đến thăm tất cả các trường nha khoa ở Mỹ và Canada, Gies viết một báo cáo dài kêu gọi hệ thống y tế nên coi nha khoa là một phần thiết yếu trong đó.
"Nha khoa không nên bị coi như là những kỹ thuật tác động đến răng thông thường", ông nói. "Các bác sĩ và nha sĩ hoàn toàn có thể hợp tác mật thiết và hiệu quả với nhau - họ nên đứng ngang hàng trên cùng một mặt phẳng, bình đẳng về mặt trí tuệ".
Thế nhưng, đáp lại lời kêu gọi của Gies là sự phản đối từ cả phía các bác sĩ và nha sĩ. Các bác sĩ vẫn tiếp tục nhìn nha khoa với con mắt khinh miệt. Trong khi, các nha sĩ với lòng tự ái của mình không bao giờ muốn bị mất tự chủ.
Họ lập luận rằng toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe răng miệng đã hoạt động độc lập từ hàng thập kỷ nay, sẽ thật khó để sáp nhập mình vào hệ thống y tế, nơi các nha sĩ sau này có thể chỉ còn dưới quyền các nhóm bác sĩ khác.
Các nỗ lực bền bỉ của Gies kéo dài cho đến tận năm 1945, khi ông cố gắng hợp nhất trường nha và trường y trong Đại học Columbia nơi ông làm việc. Nhưng một lần nữa, ý định này của Gies bị thất bại.
Khi các nha sĩ và bác sĩ không có tiếng nói đồng thuận, người chịu thiệt nhiều nhất lại là các bệnh nhân. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm đã có khoảng hơn 1 triệu người phải đến phòng cấp cứu vì các vấn đề răng miệng.
Thế nhưng, bởi nha sĩ không làm việc tại bệnh viện, những bệnh nhân này thường chỉ được kê thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và thuốc giảm đau với lời từ chối điều trị: "Đây là vấn đề của nha sĩ, anh nên đến gặp nha sĩ".
Các cuộc viếng thăm nhầm chỗ này đặt gánh nặng chi phí lên hệ thống, tương đương 1 tỷ USD mỗi năm. Đôi khi, khoảng trống nha khoa tại các phòng cấp cứu còn hút xuống đó cả mạng sống của bệnh nhân.
Năm 2007, có một cậu bé 12 tuổi sống cách Baltimore -cái nôi của nền nha khoa Hoa Kỳ - 30 dặm đã tử vong do viêm não. Điều đáng nói là cái chết đầy bi kịch ấy bắt đầu chỉ từ một chiếc răng bị sâu. Cậu bé có tên là Deamonte Driver đến bệnh viện Trung tâm Nam Maryland với triệu chứng đau đầu.
Ở đây, các bác sĩ đã kê cho Driver một toa thuốc giảm đau, trị viêm xoang và áp xe răng và cho cậu về nhà. Nhưng chỉ sau 2 ngày, bệnh tình của cậu bé không hề đỡ mà còn trở nặng. Mẹ Driver đưa cậu bé đến Bệnh viện Trung tâm Prince George, nơi các bác sĩ chụp CT não và tủy sống phát hiện cậu bé đã bị viêm màng não.
Sau 2 cuộc phẫu thuật não và 6 tuần chống chọi với bệnh tật, Driver vĩnh viễn ra đi vào tháng 2 năm 2018. Các bác sĩ đã nhổ ra chiếc răng sâu của cậu bé, một chiếc răng hàm số 6, chiếc răng vĩnh viễn mọc lên đầu tiên khi răng sữa rụng đi và rất thường bị sâu.
Răng hàm số 6 của Driver bị sâu đến tận tủy, vi khuẩn từ vết áp xe ở đây đã lợi dụng con đường đó để tấn công lên não cậu bé. Nếu vấn đề được giải quyết ngay từ đầu, Driver có thể đến một nha sĩ để nhổ chiếc răng này với chi phí chỉ khoảng 80 USD.
Nhưng mẹ cậu bé không có bảo hiểm và trợ cấp nha khoa, có lẽ vì lý do đó mà bà đã đưa Driver đến bệnh viện thay vì phòng khám của nha sĩ.
Vi khuẩn trong miệng và các bệnh nha chu ngày càng được đặt trong mối liên quan mật thiết tới sức khỏe tổng thể của con người. Điều này ủng hộ việc đưa hệ thống chăm sóc sức khỏe răng miệng kết nối lại với hệ thống y tế.
Từ thế kỷ 19, Willoughby D. Miller, một nha sĩ người Mỹ đã khám phá ra nhiễm khuẩn đường miệng có thể gây ra những căn bệnh chết người. Ông ấy coi khoang miệng là một vườn ươm ẩm ướt, tối tăm, rất thích hợp cho các mầm bệnh độc hại sinh sôi.
Hầu hết các bác sĩ ở Anh và Mỹ đồng ý với điều này, viêm răng và amidan đã nuôi dưỡng rất nhiều loại vi khuẩn. Ngay trong hệ thống y tế, các bác sĩ đôi khi cũng yêu cầu bệnh nhân phải nhổ răng để giải quyết một loạt vấn đề với cơ thể - từ chứng nấc cụt cho đến viêm khớp, đau thắt ngực, ung thư, viêm tụy cho đến chứng mất ngủ, tăng huyết áp và suy giảm trí nhớ.
Robert Genco, một nhà khoa học tại Đại học Buffalo đã dành hơn 3 thập kỷ qua để tập trung nghiên cứu các bệnh nha chu và mối liên hệ của chúng tới sức khỏe tổng thể. Những phát hiện mới của ông cho thấy ngay cả béo phì và tiểu đường đều có liên quan đến chứng viêm trong khoang miệng.
Với niềm tin mãnh liệt, Genco dự đoán quá trình sáp nhập nha khoa trở lại với hệ thống y tế sẽ diễn ra như một điều tất yếu, khi những manh mối sinh học cuối cùng sẽ đưa cả hai ngành đi đến một điểm giao chung.
"Khoảng cách giữa dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng và dịch vụ y tế cần phải được thu hẹp", Genco nói.
"Tất cả chúng ta đều có nền tảng chung trong khoa học cơ bản. Tất cả chúng ta đều được đào tạo tương tự nhau. Vì cớ gì mà [nha sĩ và bác sĩ] lại là những ngành nghề riêng biệt. Là các nha sĩ, chúng ta chẳng bao giờ ngó ngàng tới phần còn lại của cơ thể, và các bác sĩ cũng không nhìn vào miệng của bệnh nhân".
Trong tương lai, Genco hi vọng rằng khoa học có thể đưa nha khoa hội nhập lại với y học. "Đây là thời điểm chúng ta cùng nhau xem bệnh nhân là trọng tâm hàng đầu. Đó là một con đường hai chiều. Các bác sĩ và nha sĩ thực sự phải phối hợp với nhau để cùng quản lý bệnh nhân của mình".
Vì vậy, điều cần thiết là hãy đưa hai ngành nghề sát lại gần nhau hơn. Một cách trừu tượng như Genco đã nói: "Hãy gắn hàm răng trở lại cơ thể cho những bệnh nhân".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng