Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng

    zknight; Thiểt kế: Hoàng Anh,  

    Con cá đã nói được một số từ: "today", "ball", "diamond" và "Hello Margaret".

    Giống với hầu hết những đứa trẻ, tuổi thơ của Margaret Howe Lovatt gắn liền với vô vàn câu chuyện kể về những con thú biết nói: "Có một cuốn sách mà mẹ tôi đã tặng cho tôi. Nó có tên là Cô mèo Kelly".

    "Câu chuyện - kể về một con mèo có thể hiểu và nói được tiếng người - đã gieo vào đầu tôi một suy nghĩ: Biết đâu, điều ấy có thể xảy ra thật".

    Trong khi những đứa trẻ khác lớn lên và dần lãng quên ý tưởng ngây thơ ấy, Lovatt vẫn giữ niềm tin của mình qua năm tháng.

    Giáng Sinh năm 1963 trên Saint Thomas, một hòn đảo xinh đẹp giấu mình trong vùng vịnh Caribbean, Lovatt lúc này đã 21 tuổi. Cô thiếu nữ đang giương đôi mắt tròn xoe nghe anh rể mình kể, rằng ở phía đông hòn đảo nơi họ đang sống, người ta vừa xây xong một khu thí nghiệm bí mật để nghiên cứu cá heo.

    Bị hấp dẫn bởi sự bí ẩn của câu chuyện, Lovatt nghĩ trong đầu: "Mình nhất định phải đến đó xem tận mắt mới được". "Vậy là tôi lái xe đến đó, đi xuống một ngọn đồi ngập bùn, thẳng dưới chân vách đá có một tòa nhà lớn màu trắng", Lovatt nhớ lại.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 1.

    Từ bên trong tòa nhà bước ra một người đàn ông cao lớn với mái tóc rối bù. Ông ấy mặc áo sơ mi để phanh ngực, trên mồm ngậm một điếu thuốc lá. Đó là Gregory Bateson, giám đốc phòng thí nghiệm.

    "Cô đến đây làm gì?", Bateson hỏi.

    "Chà, tôi nghe nói ông nuôi cá heo", Lovatt bình tĩnh. "Tôi nghĩ mình có thể đến xem, liệu tôi có thể làm gì hay giúp gì được không?".

    Hiếm khi gặp được một vị khách không mời, phần vì ấn tượng với sự dũng cảm của cô gái trẻ, Bateson mời Lovatt vào phòng thí nghiệm. Ông ấy giới thiệu với cô những con cá heo và cho phép Lovatt chơi với chúng một lúc.

    Nhà khoa học bấy giờ mới hỏi cô có quan sát hay cảm nhận được gì không. Và câu trả lời của Lovatt là thứ khiến ông thực sự bất ngờ, mặc dù không hề được đào tạo khoa học, cô gái trẻ ấy đã bộc lộ một trực quan rất tốt về hành vi của động vật.

    "Có ba con cá heo", Lovatt nhớ lại. "Peter, Pamela và Sissy. Sissy là con cá lớn nhất. Gây chú ý và ồn ào, cô bé là dạng thích điều hành người khác. Pamela thì rất nhút nhát và hay sợ sệt. Peter - một chàng trai trẻ, cậu ấy đang vào tuổi trưởng thành và có vẻ rất nghịch ngợm".

    Và đó là lần gặp gỡ đầu tiên giữa họ. "Cô có thể trở lại đây bất cứ khi nào cô muốn", Bateson nói với Lovatt.

    ***

    Năm 1949, một cơn bão quét qua Đại Tây Dương cuốn theo một con cá voi hoa tiêu trôi dạt vào bờ biển Biddeford, phía đông bắc nước Mỹ. Rẽ qua đám đông xúm lại, trên khuôn mặt tiến sĩ John Lilly lộ rõ vẻ kinh ngạc khi nhìn thấy con cá dài 8 mét rưỡi.

    "Nếu con cá voi to như vậy, hẳn bộ não của nó cũng rất lớn, cả trí thông minh mà nó sở hữu", nhà thần kinh học 34 tuổi nghĩ. Ngay lập tức, ông điện cho hai người đồng nghiệp của mình. Họ lái xe tới bờ biển, mang theo cưa, rìu và hơn 113 lít formandehyde.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 2.

    "Đó là khoảng thời gian mà các nhà khoa học nghĩ đơn giản rằng, động vật có bộ não càng lớn thì càng thông minh", Graham Burnett, giáo sư lịch sử khoa học tại Đại học Princeton cho biết.

    Chưa có nhà khoa học nào từng nghiên cứu não của những con cá voi ở thời điểm đó, bởi mẫu vật cực kỳ khó kiếm, phần lớn đều là những con cá voi đã chết và nên bị phân hủy nặng.

    Cơn bão đã đưa con cá voi hoa tiêu dạt vào bờ biển như một món quà từ trên trời rơi xuống. Tiến sĩ Lilly không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai này, sau khi hai người đồng nghiệp của ông đến, cả ba người nhanh chóng bịt mũi, nhảy vào con cá voi và xẻ đầu nó để tìm kiếm bộ não.

    Một khối cầu lớn to bằng hai chiếc găng boxing cỡ lớn cộng lại dần dần hiện ra. Nó lớn hơn rất nhiều so với bộ não con người. Cả các cấu trúc, những nếp gấp và nhiều lớp bọc như mê cung trong bộ não con cá đã làm tiến sĩ Lilly không còn thốt được lên lời. So với con cá voi hoa tiêu này, lũ mèo và lũ khỉ ở phòng thí nghiệm của ông chỉ là những con vật hết sức đần độn.

    Thế nhưng, chạy đua với cái nắng ở Maine, tiến sĩ Lilly và hai người đồng nghiệp của ông cuối cùng cũng thua cuộc. Mặc dù họ đã cố gắng nhanh hết sức, con cá vẫn bị phân hủy và bộ não của nó tan ra từng mảng vào giây phút tiến sĩ Lilly nhấc được nó trên tay.

    Trở về nhà từ giây phút ấy, hình ảnh về bộ não khổng lồ của con cá đã trở thành nỗi ám ảnh cả đời của tiến sĩ Lilly. "Nếu cả quả đồi nhỏ ấy tràn đầy sức sống, nó sẽ nghĩ được gì, nó sẽ nói chuyện với những con cá khác như thế nào?", ông tự hỏi. "Tất cả chúng tôi đều phải lặng người đi trước bí ẩn khủng khiếp mà những con cá voi đang nắm giữ".

    ***

    Bị thôi thúc bởi sự tò mò với trí thông minh của sinh vật biển, tiến sĩ Lilly đã tận dụng tất cả những cơ hội mà ông có được trong những năm 1950, rong buồm quanh vùng vịnh Caribbean để tìm kiếm một vận may khác. 

    Nỗ lực cuối cùng cũng đền đáp cho ông ấy, không phải một con cá voi hoa tiêu, mà là một sinh vật họ hàng với nó.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 3.

    Đó là một chuyến ghé thăm công viên nước Marine Studios ở Miami, tiến sĩ Lilly lần đầu tiên thấy những nghệ sĩ ở đây đang huấn luyện cá heo mũi chai làm xiếc. Điều đó khiến ông ấy không khỏi ngạc nhiên. Nếu bạn chưa biết, chính Marine Studios là một trong những nơi sáng tạo và đạo diễn những tiết mục xiếc cá heo đầu tiên trên thế giới.

    Cho đến cuối thập niên 1950, những ngư dân ở bờ biển phía đông nước Mỹ chỉ coi cá heo là một loài "sâu bọ". Chúng săn cá, cạnh tranh thức ăn trực tiếp với con người, giáo sư Burnett giải thích. Chỉ ở Marine Studios, những con cá heo mũi chai mới được bộc lộ bản tính vui tươi, trí thông minh và khả năng học hỏi đáng kinh ngạc của chúng qua những tiết mục xiếc.

    Tiến sĩ Lilly một lần nữa không thể cưỡng lại sự tò mò của mình trước những gì lũ cá heo đang làm. Chúng hẳn phải sở hữu một trí thông minh đáng ngưỡng mộ. Và thế là ông xin phép giám đốc công viên cho mình nghiên cứu 5 con cá heo ấy.

    Ý định của tiến sĩ Lilly là gây mê chúng, sử dụng các điện cực cắm xuyên qua sọ để lập bản đồ não, tương tự như những gì ông làm với lũ khỉ trong phòng thí nghiệm. Nhưng hai tuần thử nghiệm trôi qua, cả 5 con cá heo đều chết dưới quá trình gây mê.

    Điều đó chứng tỏ khoa học không phải lúc nào cũng thành công và những nghiên cứu không phải lúc nào cũng kết thúc có hậu. Sức chịu đựng của những con cá heo khác với động vật trên cạn.

    Nhưng tiến sĩ Lilly không bỏ cuộc. Thất bại chỉ thúc đẩy lòng sôi nổi của nhà khoa học từng xây một phòng thí nghiệm hóa ngay dưới tầng hầm nhà mình từ năm 13 tuổi; 14 tuổi đã tranh luận hàng giờ về ý nghĩa của sự sống và cái chết, mục đích của tình yêu và bản chất của vũ trụ; 16 tuổi từng viết một bài báo với tựa đề "Não bộ có thể mô tả chính nó một cách đủ khách quan để tự nghiên cứu chính nó hay không?" và 23 tuổi tay phẫu thuật não cho mẹ của mình.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 4.

    Tiến sĩ Lilly tin rằng ông có thể lấy búa đục qua hộp sọ của những con cá heo mà không cần gây mê. Chiếc búa sẽ gõ lên một chiếc dùi rỗng, xuyên qua sọ những con cá heo vẫn tỉnh táo, mà không làm chúng đau.

    Ông ấy thậm chí đã tự thử kỹ thuật này trên hộp sọ của mình. Những nhát búa đập xuống "không quá đau", tiến sĩ Lilly báo cáo sau đó, chỉ có điều tiếng động nó gây ra trong đầu tôi quá lớn.

    Con cá heo #6 nhảy lên mỗi khi nhát búa đập xuống, nhưng cuối cùng, điện cực cũng được chèn qua và nó sống. Tiến sĩ Lilly chọn kích thích một vùng não trung tâm của con cá. Ông quan sát thấy mỗi khi điện được đánh vào, con cá liền phát ra những âm thanh phấn khích. Nó huýt, kêu u u, thậm chí sủa bằng lỗ thở trên đầu.

    Tất cả những âm thanh đều được ghi lại, số băng ghi âm chất đầy 23 thùng các tông. Tiến sĩ Lilly đã dành thời gian tua chậm và kiên nhẫn nghe đi nghe lại từng chiếc băng, đó là lúc ông nhận thấy một điều kì lạ:

    Những con cá heo dường như nói chuyện được với nhau, những âm thanh chúng phát ra dường như là một thứ ngôn ngữ. Đôi khi, con cá heo #6 thích nhại lại tiếng người, thậm chí tiếng cười của người trông giữ.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 5.

    "Cảm giác thật kỳ lạ, âm thanh mà những con cá voi nhỏ bé này phát ra ngày càng giống với ngôn ngữ của chúng ta", tiến sĩ Lilly viết. Ông ấy nảy ra một ý tưởng: Tại sao không thử dạy những con cá heo nói tiếng Anh.

    Năm 1961, tiến sĩ Lilly tập hợp lại tất cả những gì mà ông quan sát được, viết thành một cuốn sách có tên là "Người và cá heo". Ý tưởng giúp cá heo nói chuyện được với con người lập tức chiếm được trí tưởng tượng của công chúng, Người và cá heo trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ.

    Không chỉ thu hút được sự chú ý của người dân, ý tưởng của tiến sĩ Lilly còn thuyết phục được cả các cơ quan chính phủ, bao gồm Quỹ Khoa học quốc gia, Viện nghiên cứu tâm thần Hoa Kỳ, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân, Bộ Quốc phòng Mỹ và thậm chí NASA.

    Mỗi cơ quan đều có những ý tưởng và mục đích riêng của họ. Nếu con người nói chuyện được với cá heo, hải quân tin rằng họ có thể huấn luyện chúng trở thành một cộng sự đắc lực cho mình, giống như những con chó cảnh sát. Cá heo có thể làm nhiệm vụ do thám, mang radar và các thiết bị quân sự khác.

    Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn thấy tiềm năng trong các thí nghiệm với điện cực của tiến sĩ Lilly, cho rằng nó có thể sử dụng để đọc tâm trí và điều khiển não bộ. Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, điều này rất có ích khi phải đối phó với các gián điệp của Liên Xô và Trung Quốc.

    Trong cùng khoảng thời gian đó, NASA đang phóng những con tàu vũ trụ vào không gian để săn tìm sự sống ngoài hành tinh. Họ bị nghĩ nếu con người bắt gặp một sinh vật thông minh ngoài kia, việc đầu tiên cần làm là giao tiếp với chúng. Và để tập rượt, NASA nghĩ nói chuyện với những con cá heo sẽ là điểm khởi đầu tốt.

    Và đó mới chỉ là những suy nghĩ ban đầu, còn rất nhiều điều tuyệt vời nữa được hứa hẹn trong cuốn sách của tiến sĩ Lilly. Chẳng hạn như ông tin rằng nếu cá heo có thể giao tiếp được với con người, chúng sẽ giúp chúng ta nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề về đại dương: ô nhiễm biển, cứu trợ cứu nạn hoặc khai thác dầu mỏ...

    Những con cá heo thậm chí có thể được chừa một ghế trong Liên Hợp Quốc, hoặc một cái bể nước.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 6.

    Tranh thủ được rất nhiều sự ủng hộ và tiền tài trợ, tiến sĩ Lilly quyết định nghỉ việc hoàn toàn để tập trung cho ý tưởng lớn của mình. Ông chuyển cả gia đình đến đảo St. Thomas. 

    Ở đây, tiến sĩ Lilly cho xây dựng một khu nghiên cứu cá heo bên bờ biển. Nó được đặt tên là Communication Research Institute (Viện nghiên cứu giao tiếp - CRI), với tham vọng nghiên cứu ngôn ngữ của cá heo, dạy chúng nói chuyện với con người.

    ***

    Năm 1964, chỉ vài tháng sau khi phòng thí nghiệm được xây xong, Lovatt đến. Nhờ bản tính đồng cảm tự nhiên, cô gái nhanh chóng làm bạn được với ba con cá. Giống như giám đốc phòng thí nghiệm, Gregory Bateson, tiến sĩ Lilly ngay lập tức cũng bị thuyết phục bởi Lovatt, ông chính thức nhận cô ấy vào phòng thí nghiệm, làm việc như một trợ lý.

    Trong khi Bateson tập trung vào nghiên cứu sự giao tiếp giữa những con cá heo với nhau, Lovatt quyết định theo đuổi giấc mơ với tiến sĩ Lilly, cô muốn cùng ông ấy dạy lũ cá nói Tiếng Anh.

    Ý tưởng của Lovatt rất đơn giản, rằng nếu cô có thể sống với một con cá heo 24/7, ăn uống cùng nó, chơi đùa thậm chí đi ngủ cùng nó - cô sẽ có thể dạy nó phát âm giống như một người mẹ dạy con nhỏ nói chuyện.

    Và thế là Lovatt thuyết phục tiến sĩ Lilly, ông ấy đồng ý cho cô biến tầng 1 phòng thí nghiệm thành một môi trường sống được cho cả người và cá. Nền nhà được xây bao kín, xi măng được trát vào những kẽ hở, và nước biển được đổ đầy cao tới 46 cm, đủ để con cá heo có thể bơi lội và học tập.

    Trong khi đó, Lovatt sẽ có một chiếc bàn treo để đầy đủ dụng cụ và đồ đạc, một chiếc giường xốp kéo rèm xung quanh để cô ấy có thể ngủ mà không bị con cá heo phụt nước lên người. 

    Tiến sĩ Lilly cho phép Lovatt chọn một con cá và sống với nó 6 ngày mỗi tuần và kéo dài suốt 10 tuần. Trong ngày còn lại, con cá sẽ được nghỉ phép để trở lại bể bên dưới tầng hầm và chơi với hai con cá kia.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 7.

    "Tôi đã chọn làm việc với Peter, vì cậu ấy chưa được dạy tiếng người trong khi hai con cá còn lại đã được học", Lovatt giải thích. Ngày 15 tháng 6 năm 1964, họ chính thức bắt đầu thí nghiệm.

    "Buổi nấu ăn diễn ra suôn sẻ. Việc dọn dẹp cũng rất thú vị…", những dòng đầu tiên trong nhật ký của Lovatt tiết lộ cô ấy đóng vai một bà nội trợ vào những ngày đầu của thí nghiệm. Còn Peter, cậu ấy thích dành thời gian soi gương, dường như đúng với bản năng của một thanh niên mới lớn.

    Bên cạnh sự huyên náo, các đoạn phim tài liệu ghi lại từ thời gian thử nghiệm cho thấy Peter là một học sinh tò mò và chăm chỉ. Sau những nỗ lực học hỏi để bắt chước âm thanh của con người, Peter đã điều chỉnh được tần số các tiếng rít và huýt sáo của nó để phát âm.

    Tiến sĩ Lilly và Lovatt cho biết chàng trai trẻ này đã có thể nói được một số từ như "today", "ball", "diamond" "hello Margaret". "Phát âm được chữ M là rất khó", Lovatt nhớ lại. Để có thể giúp Peter hiểu được cách mà âm M được phát ra, Lovatt đã sáng tạo ra một cách.

    Cô ấy bôi phấn trắng lên toàn bộ khuôn mặt và đánh son đen quanh miệng, chỉ cho Peter cách mà môi cô chuyển động. "Không cần phải dạy, cậu ấy đã tự giương mắt lên trên khoảng không, nhìn vào miệng của tôi. Cậu ấy thực sự muốn biết âm tiết đó phát ra từ đâu, nó là âm gì", Lovatt nhớ lại. "Cuối cùng, cậu ấy lăn tròn một vòng để thổi [âm M] vào nước".

    Margaret Howe Lovatt dạy Peter nói Tiếng Anh

    Đối với những người làm việc trong dự án, Peter đã thể hiện những tiến bộ rõ rệt. Nhưng từ phía những người ngoài cuộc, họ có thể coi thí nghiệm của tiến sĩ Lilly và Lovatt là một thất bại. NASA đã cử người xuống phòng thí nghiệm để khảo sát tiến độ dự án.

    Các nhà khoa học của họ kết luận rằng việc dạy tiếng Anh cho cá heo là không khả thi. Tốt hơn hết, hãy để những con cá dạy chúng ta ngôn ngữ loài cá, thay vì bắt chúng học tiếng người.

    Ví dụ, họ đề nghị giữ hai con cá heo trong 2 bể riêng biệt mà chúng không thể nhìn thấy nhau. Tại một bể, tiến sĩ Lilly có thể dạy một con cá heo cách để lấy được thức ăn. Sau đó, công việc cần làm là quan sát xem con cá này có thể dạy con cá bên bể kia làm lại hành động ấy hay không, bằng ngôn ngữ của chúng.

    Dĩ nhiên, với tính cách bảo thủ và kiên quyết, tiến sĩ Lilly đã gạt bỏ điều đó. Ông tiếp tục khuyến khích Lovatt dạy tiếng anh cho Peter.

    Mặc dù vậy, một điều mà cả tiến sĩ Lilly, Lovatt và các nhà khoa học khác không ngờ được đã xảy ra. Vào tuần thứ ba, Peter không chịu học, nó rên rỉ và làm ầm ĩ suốt cả ngày. "Con cá heo bắt đầu có dục tính", bác sĩ thú y Andy Williamson, người chăm sóc sức khỏe cho Peter nói.

    "Peter thích ở bên tôi," Lovatt giải thích. "Cậu ấy sẽ cọ xát vào đầu gối, chân hoặc tay tôi". Đầu tiên, tôi đưa cậu ấy xuống bể nước để gặp gỡ các cô gái". Nhưng việc này tỏ ra không hiệu quả, Peter tiếp tục kích động và không học bài. Lovatt nghĩ rằng cách tốt nhất để kéo sự tập trung của con cá heo trở về là giải tỏa những ham muốn cho nó, bằng tay.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 9.

    "Tôi cho phép điều đó", cô nói. "Tôi không khó chịu với điều đó, miễn là mọi thứ diễn ra một cách không thô bạo. Nó chỉ là một phần hết đỗi bình thường, giống như một cơn ngứa - hãy loại bỏ nó, gãi và tiếp tục thử nghiệm".

    Phương án tỏ ra có hiệu quả, con cá heo cuối cùng cũng dịu lại. Nhưng lúc này, nó bắt đầu nhạy cảm với những cảm xúc của Lovatt. "Peter đang tán tỉnh tôi, cậu ấy rất kiên trì và kiên nhẫn", cô ấy viết trong nhật ký.

    Con cá thường trượt nhẹ nhàng qua Lovatt, dùng miệng và răng vuốt ve lên xuống chân cô. "Đối với cậu ta, đó là tình dục. Nhưng với tôi thì không. Có lẽ chỉ là sự gợi cảm", cô nói. "Hình như tôi đã làm cho mối quan hệ trở nên gần gũi hơn".

    Đó là sự thật, nhưng bên ngoài phòng thí nghiệm, mối quan hệ trong sáng của họ đã bị tô vẽ theo một cách khác. Một câu chuyện xuất hiện trên tạp chí Hustler vào cuối những năm 1970.

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 10.

    "Tôi chưa bao giờ biết đến Hustler [dĩ nhiên cũng chưa một lần làm việc hay phỏng vấn với họ]", Lovatt nói. "Trên đảo thời điểm đó có hai cửa hàng tạp chí. Tôi đã đến một cửa hàng để xem và tôi tìm thấy câu chuyện này với tên của tôi và Peter, và cả một bức vẽ".

    Lovatt đã mua tất cả các bản sao mà cô có thể tìm thấy, nhưng câu chuyện vẫn được lan truyền và tiếp tục lưu hành trên internet cho đến tận ngày hôm nay. "Có một chút khó chịu", Lovatt thừa nhận. "Thí nghiệm tồi tệ nhất trên thế giới, tôi đã đọc ở đâu đó dòng title như vậy, là thí nghiệm giữa tôi và Peter. Cũng ổn thôi, tôi không bận tâm. Vì vậy, tôi chỉ mặc kệ".

    Trở lại thí nghiệm năm 1965, Lovatt tất nhiên không biết những câu chuyện đang nhem nhúm bên ngoài. Cô ấy vẫn kiên trì dạy các bài tập phát âm cho Peter. Họ cũng ngày càng gần gũi nhau hơn. Hãy tưởng tượng đó là một cô gái trẻ và một con cá heo đã ở cạnh bên nhau, tách biệt với thế giới bên ngoài gần 10 tuần.

    "Mối quan hệ đã đi từ chỗ phải ở bên nhau đến chỗ chúng tôi thích ở bên nhau, và muốn ở bên nhau, tôi nhớ cậu ấy khi cậu ấy không có ở đó", Lovatt kể lại. Những dòng cuối trong cuốn sổ nhật ký thí nghiệm, cô viết rằng thái độ chăm chú của Peter đã giúp cô vượt qua được cơn trầm cảm và nỗi dằn vặt của mình khi phải sống trong một căn phòng suốt hai tháng rưỡi.

    "Tôi đã có một cuộc gặp gỡ rất thân mật với Peter - tôi thậm chí còn không thể gọi cậu ấy là một con cá heo được nữa".

    ***

    Mùa thu năm 1966, tiến sĩ Lilly cuối cùng cũng phải chấp nhận toàn bộ dự án của ông đã phá sản. Những con cá heo sẽ không thể nói được tiếng Anh. Các nguồn tài trợ giúp vận hành phòng thí nghiệm bị cắt giảm đồng nghĩa với việc nó sẽ sớm phải đóng cửa.

    Khi không còn kinh phí, số phận của những con cá heo là một dấu hỏi lớn. "Tôi không thể giữ Peter lại", Lovatt nói một cách đăm chiêu. "Nếu cậu ta là một con mèo hoặc một con chó, thì có lẽ tôi đã làm vậy. Nhưng không, cậu ấy là một con cá heo".

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 11.

    Peter và hai người bạn của nó phải chuyển về một phòng thí nghiệm khác của tiến sĩ Lilly, bên trong một tòa nhà ngân hàng bị bỏ hoang ở Miami. Phòng thí nghiệm này khác xa so với ngôi nhà mà chúng có được ở đảo Saint Thomas.

    Tại Miami, ba con cá bị giam trong những chiếc bể nhỏ, thậm chí hiếm khi thấy được ánh sáng mặt trời. Sức khỏe Peter nhanh chóng xấu đi và sau đó vài tuần, Lovatt nhận được tin dữ. 

    "Tôi nhận được cuộc gọi từ John Lilly", cô nhớ lại. "John đích thân gọi để nói với tôi. Ông ấy nói Peter đã tự sát".

    Ric O'Barry, một nhà khoa học khác trong dự án đã chứng thực điều này. "Cá heo không phải là những sinh vật thở vô thức như chúng ta", ông giải thích. "Mỗi hơi thở của chúng là một nỗ lực có ý thức. Nếu cuộc sống trở nên quá sức chịu đựng, con cá heo chỉ cần hít một hơi và chìm xuống đáy. Chúng không hít thở nữa".

    Bác sĩ Andy Williamson, người chăm sóc những con cá, nghĩ rằng Peter tự sát vì thất tình. Nó đã phải chia ly với Lovatt trong một cách mà bộ não của nó không thể giải thích được. 

    "Margaret có thể chịu đựng, nhưng khi cô ấy rời đi, Peter có chịu nổi không? Nguyên một tình yêu của cả đời nó đã vỡ tan", Williamson nói. "Tội nghiệp con cá heo, nó dường như đã yêu cô ấy một cách điên cuồng".

    Trong những thập kỷ sau đó, tiến sĩ Lilly tiếp tục nghiên cứu nhiều phương thức để giao tiếp với cá heo, ông ấy sử dụng âm nhạc hoặc thậm chí cả phương pháp thần giao cách cảm. Nhưng không còn một ai quay trở lại cố gắng dạy cá heo nói tiếng Anh một nữa.

    Margaret Howe Lovatt ở lại trên đảo Saint Thomas, cô kết hôn với một nhiếp ảnh gia, người đã giúp nhóm nghiên cứu chụp lại những tấm ảnh ở phòng thí nghiệm. Họ cùng nhau tiếp quản lại phòng thí nghiệm bỏ hoang, biến nó thành một căn nhà chung để nuôi dạy ba cô con gái. 

    "Đó là một nơi tốt", Lovatt nhớ lại. "Mọi lúc ở trong căn nhà đó tôi đều thấy thoải mái".

    Đọc cuối tuần: Năm 1965, một cô gái dạy cá heo nói Tiếng Anh, cuối cùng con cá đã yêu cô ấy điên cuồng - Ảnh 12.

    Một vài năm sau đó, điều kiện sống của gia đình Lovatt rơi vào khánh kiệt, họ phải bỏ ngôi nhà từng là phòng thí nghiệm lại. Bây giờ nó chỉ còn là một phế tích bên bờ biển. Nhưng những hình ảnh, âm thanh, mọi thứ đã từng diễn ra ở đó vẫn còn bên trong những cuộn băng cũ, trong cả ký ức của Lovatt và những người khác.

    "Nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhận được thư từ những người đang làm việc với cá heo", Lovatt nhớ lại ở tuổi 72. "Họ vẫn thường viết những câu kiểu như: "Khi tôi lên 7 tuổi, tôi đã đọc được câu chuyện kể về bà sống với một con cá heo, và đó là điều truyền cảm hứng cho tôi bắt đầu sự nghiệp của mình'".

    Peter chính là "cô Kelly" của họ, Lovatt nói khi nhớ về những cuốn sách thời thơ ấu của mình kể về những con vật biết nói. "Cô Kelly đã truyền cảm hứng cho tôi. Rồi ý tưởng về cuộc sống của tôi với một chú cá heo lại truyền cảm hứng cho những người khác. Thật thú vị. Tôi thực sự thích điều đó".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày