"Đôi bạn cùng tiến" PC và eSport phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội và thách thức mới trong tương lai
Mối quan hệ giữa các nhà sản xuất PC cùng cộng đồng eSport đang ngày càng trở nên khăng khít, mở đường cho một kỷ nguyên "hái ra tiền" trong vài năm tới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệp không khói gaming, cũng không có gì lạ khi hiện nay đã có đến hơn 1.2 tỉ game thủ trên toàn thế giới. Dù chỉ là sở thích, đam mê hay là những fan cứng cựa của các tựa game đình đám, không thể phủ nhận cộng đồng game đang ngày càng trở nên lớn mạnh, toàn diện. Điều này đã kéo theo sự phát triển của hàng loạt loại dịch vụ ăn theo khác như kinh doanh phụ kiện, streaming và đặc biệt là eSport.
Gaming và eSport đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.
Mới đây, công ty nghiên cứu thị trường Newzoo ước tính ngành công nghiệp eSport sẽ thu về gần 700 triệu USD tính đến hết năm 2018, đạt mức tăng trưởng 43% so với năm ngoái. Newzoo cũng nhận định con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020, cán mốc 1.5 tỷ USD.
Và tất nhiên với tốc độ “lên như diều gặp gió” của eSport, các nhà sản xuất phần cứng cho PC cũng không thể bỏ qua cơ hội kiếm tiền hiếm có này. Không chỉ gặt hái vô số lợi ích ở thời điểm hiện tại mà trong tương lai, nguồn lợi nhuận của họ nhiều khả năng sẽ còn được mở rộng hơn nữa nhờ nhu cầu chơi game PC đang ngày một tăng cao.
Mối quan hệ đang phát triển giữa PC và eSport
Đối với các game thủ PC, việc nâng cấp và tối ưu hóa cấu hình vẫn luôn là một nhu cầu liên tục và tất yếu. Bên cạnh đó, sự nổi lên của eSport cũng như các giải đấu video game khác càng khiến họ khao khát hoàn thiện cỗ máy của mình, không chỉ về mặt hiệu năng mà còn là cả thiết kế bên ngoài nữa. Xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, thu hút rất nhiều game thủ trên toàn thế giới.
Nâng cấp máy là một nhu cầu tất yếu đối với các game thủ PC.
Đáp lại lượng nhu cầu khổng lồ đó, các nhà sản xuất PC đã liên tục tung ra các bộ vi xử lý cao cấp cùng hàng loạt sản phẩm card màn hình với hiệu năng ấn tượng dành riêng cho những game thủ “chịu chơi” nhất. Với số lượng người tham gia eSport đang ngày càng gia tăng, các nhà sản xuất phần cứng buộc phải mở rộng sản phẩm cũng như dịch vụ của mình (mà có thể dễ dàng nhận ra xu hướng hiện nay đang là các thiết bị VR cao cấp).
Thật tuyệt vời khi các nhà sản xuất cùng giới game thủ lại luôn tồn tại song song và thúc đẩy nhau cùng phát triển như vậy. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một khía cạnh nhỏ trong mối quan hệ khăng khít giữa hai bộ phận này.
Luôn đặt game thủ lên hàng đầu trong quá trình phát triển
Đối với lĩnh vực gaming nói chung và eSport nói riêng, các nhà sản xuất phần cứng cần có cách tiếp cận riêng biệt, cẩn thận để đảm bảo chất lượng trò chơi, nâng cao trải nghiệm của người dùng, đặc biệt là trong những trận quyết đấu gay cấn nhất. Trong eSport, hiệu năng của máy là yếu tố quyết định tất cả. Một bộ vi xử lý chậm chạp có thể tạo ra khác biệt rất lớn và biến bạn từ người thắng thế thành kẻ bại trận chỉ trong tic tắc.
Hiệu năng máy đóng vai trò quan trọng đối với game thủ nói chung và lĩnh vực eSport nói riêng.
Với kỷ nguyên máy tính lượng tử đang đến rất gần, sự phát triển của eSport sẽ trở thành một nền tảng, hay chính xác hơn là một bản thiết kế tối quan trọng dành cho thế hệ PC tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc nâng cấp máy cũng trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. Với những nhà sản xuất luôn đặt khách hàng (các doanh nghiệp và người dùng phổ thông) lên hàng đầu, họ cần phải tìm ra phương án tiếp cận mới để có thể đáp ứng nhu cầu khắt khe của eSport và giới game thủ. Bên cạnh đó, họ cũng nên hướng đến những gì mà kỷ nguyên máy tính sắp tới yêu cầu để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Đầu tư để thành công
Sự tăng trưởng nhanh chóng của eSport cũng đang thu hút rất nhiều nguồn đầu tư thông qua quảng cáo, tài trợ cũng như các đối tác khác như vận động viên, giải đấu hay những sự kiện lớn trên toàn thế giới. Chính những sự đầu tư này đang tạo đà cho eSport và ngành công nghiệp gaming phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai. Trong số đó, người hưởng lợi nhất có lẽ phải kể đến các nhà sản xuất PC khi họ được cung cấp quá nhiều cơ hội để quảng bá các sáng kiến, sản phẩm của mình đến với cộng đồng game thủ thông qua những sự kiện trực tiếp hoặc các kênh thông tin truyền thông khác.
Newzoo cho biết nguồn tài trợ dành cho eSport sẽ tăng mạnh, đạt mức 655 triệu USD vào năm 2020. Đối với game thủ, đây sẽ là cơ hội để phát triển đam mê cũng như kỹ năng của mình, và một số người thậm chí có thể biến gaming thành một công việc nghiêm túc để kiếm thu nhập cho bản thân giống như các ngành nghề khác.
Các nhà tài trợ cũng có tầm ảnh hưởng nhất định đối với game thủ và eSport.
Đối với các nhà quảng cáo, họ lại có thêm một nguồn khách hàng đầy tiềm năng nữa. Còn với các nhà sản xuất PC, họ đứng trước cơ hội không thể bỏ lỡ để hiểu khách hàng tốt hơn, tạo ra những sản phẩm tuyệt vời hơn và thúc đẩy phát triển của toàn ngành công nghiệp. Nếu không có những ý kiến, phản hồi từ phía cộng đồng game thủ, các nhà sản xuất sẽ mất đi một nguồn thông tin quan trọng để hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm của mình.
Bám sát kế hoạch dẫn đến thành công
Để có thể hình dung rõ ràng hơn tầm nhìn dành cho ngành công nghiệp gaming trong vài năm tới, hãy lấy NFL (giải bóng bầu dục quốc gia tại Mỹ) làm ví dụ. Theo nghiên cứu của IEG cho biết, chi phí tài trợ dành cho NFL và 32 đội tuyển của họ đã cán mốc 1.25 tỷ USD, tăng 4.3% trong mùa giải 2016-2017. Tốc độ tăng trưởng của eSport cũng có thể đạt mức tương tự như vậy.
Nhưng không có con đường bằng phẳng nào có thể dẫn đến thành công cả. Các nhà tài trợ đang nuôi tham vọng “tấn công” gaming và eSport cần phải hiểu rõ môi trường cũng như đối tượng khán giả của lĩnh vực này. Đại đa số gamer trên thế giới đều là những thanh thiếu niên rất trẻ tuổi, và tất cả những gì họ cần là sự uy tín. Đây là yếu tố tiên quyết không thể thiếu nếu các nhà tài trợ muốn gây dựng niềm tin và chinh phục cộng đồng eSport.
Sau tất cả, sự hợp tác cùng phát triển giữa ngành công nghiệp máy tính và eSport đã mở ra hàng loạt cơ hội mới dành rất nhiều đối tượng, bao gồm người chơi, các thương hiệu trên thế giới hay thậm chí là fan hâm mộ của các bộ môn thể thao khác (gaming cũng được xem là một môn thể thao rồi đấy). Nhưng liệu mối quan hệ này thành công đến mức độ nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng hoàn thiện đến từ cả hai bên: nhà sản xuất PC và cộng đồng eSport.
Theo VentureBeat
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng