Đối tác lớn của Tesla, Mercedes, VinFast bị Mỹ cáo buộc "có liên hệ với quân đội Trung Quốc"
Hai tập đoàn công nghệ bị Mỹ cáo buộc đã lập tức phản đối quyết định này.
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa thông báo đã đưa tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent và nhà sản xuất pin CATL vào danh sách các công ty bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Động thái này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cổ phiếu của Tencent, công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm 7.3% vào ngày thứ Ba, khiến vốn hóa thị trường mất khoảng 275 tỷ HKD (35.4 tỷ USD). Trong khi đó, cổ phiếu của CATL niêm yết tại Thâm Quyến cũng giảm 2.8%, mất đi 32.2 tỷ nhân dân tệ (4.4 tỷ USD) vốn hóa thị trường.
CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, hiện là đối tác chiến lược của nhiều hãng xe lớn toàn cầu như Tesla, VinFast, BMW, Mercedes-Benz, Hyundai, Honda, Ford, Volkswagen, Volvo, và Toyota. Tesla sử dụng pin CATL cho các mẫu Model 3 và Model Y, trong khi VinFast đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với CATL vào năm 2022 để ứng dụng công nghệ pin C2C (Cell to Chassis). Quan hệ hợp tác này giúp các hãng xe tiếp cận công nghệ pin tiên tiến, nâng cao hiệu suất và giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, việc CATL bị Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng pin của những hãng xe này, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Cả hai công ty đều phản đối quyết định này, cho rằng đó là “sai lầm”. Tencent tuyên bố việc đưa vào danh sách sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình và cho biết sẽ yêu cầu xem xét lại quyết định, thậm chí có thể tiến hành các thủ tục pháp lý nếu cần thiết. CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, khẳng định họ “không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quân sự”.
Dù việc đưa vào danh sách không đi kèm với lệnh cấm vận ngay lập tức, nhưng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các công ty và là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp Mỹ trong việc hợp tác với những công ty này. Đồng thời, nó cũng có thể gây áp lực buộc Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên những công ty này.
Danh sách này, được cập nhật hàng năm theo quy định pháp luật Mỹ với tên gọi “Danh sách Mục 1260H”, hiện có 134 công ty. Ngoài Tencent và CATL, danh sách còn bao gồm công ty sản xuất chip Changxin Memory Technologies, hãng sản xuất drone Autel Robotics, và tập đoàn vận tải biển COSCO Shipping Holdings. Ngoài ra, danh sách này cũng có tên của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) và hai công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc, China National Offshore Oil Corporation (CNOOC).
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương mà họ gọi là “bất hợp pháp” đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công ty trong nước.
Việc bổ sung vào danh sách này là một trong những biện pháp mà Washington đã thực hiện trong những năm gần đây nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc bị cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Hành động này đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nghị sĩ Mỹ đã gây áp lực lên Lầu Năm Góc trong suốt năm 2024 để bổ sung các công ty như CATL vào danh sách này. Đại diện Hạ viện Mỹ John Moolenaar cho biết ông “hoan nghênh” quyết định trên và nhấn mạnh rằng Mỹ không thể để những công ty này đe dọa nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Trước đây, DJI và Hesai Technologies đã kiện Bộ Quốc phòng Mỹ về quyết định tương tự, nhưng cả hai vẫn nằm trong danh sách cập nhật mới nhất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng