Dồn toàn lực cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, Trung Quốc muốn chiếm lợi thế trong cuộc đua "winner take all"
Xác định những lợi thế to lớn mà tiền số mang lại, từ hơn nửa thập kỷ trước, Trung Quốc đã bắt tay phát triển đồng nhân dân tệ số và là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vào thử nghiệm.
Người Trung Quốc lần đầu sử dụng tiền giấy từ thời đại nhà Đường, cách đây 14 thế kỷ. Hiện tại, quốc gia đông dân nhất thế giới vừa có một bước ngoặt với việc đưa vào thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Không chỉ được kỳ vọng cách mạng hóa phương thức thanh toán ở Trung Quốc, tiền số của Trung Quốc có thể làm biến đổi hệ thống tài chính toàn cầu và tạo ra một định nghĩa mới về tiền.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu cả thế giới về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, loại hình thanh toán này được hỗ trợ bởi các công ty tư nhân. Với sự ra mắt của đồng tiền số, chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức bước chân vào lĩnh vực mới mẻ này và đưa nó lên một tầm cao mới. Tiền trong các ví điện tử sẽ chính thức là tiền chứ không phải các quy đổi tương đương. Nó có tỷ giá 1:1 với đồng tệ truyền thống.
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa diễn ra, Trung Quốc đã phải thu hồi hàng tỷ tệ tiền giấy nhằm ngăn chặn khả năng Covid-19 lây lan. Tiền truyền thống phải trải qua quá trình vệ sinh nghiêm ngặt để loại bỏ virus corona bám trên chúng. Nếu sử dụng tiền số, Trung Quốc sẽ không cần phải mất công mất sức đi vệ sinh tiền.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của vấn đề. Tiền số có thể giúp Trung Quốc tạo ra cuộc cách mạng trong mua sắm trực tuyến, hình thức đang ngày càng phổ biến ở nền kinh tế số 2 thế giới. Trung Quốc đã đổ nhiều tiền của vào Sáng kiến Vành đai và Con đường với tham vọng liên kết các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia với nhau. Tiền số có thể khiến Vành đai và con đường tiến những bước xa hơn.
Ở những nơi mà Vành đai và Con đường đi qua, có rất nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ không thể truy cập các dịch vụ của ngân hàng. Họ gần như không thể quy đổi tiền tệ hoặc tệ hơn là ở trong một nền kinh tế mà giá trị của đồng tiền họ kiếm được luôn bị thay đổi. Chính vì thế, đồng tệ số có thể thu hút sự chú ý của những người này, nhất là khi Trung Quốc tăng cường gia tăng ảnh hưởng của mình ở những nơi Vành đai và Con đường đi qua.
Đồng nhân dân tệ số sẽ khiến mối quan hệ kinh doanh của các quốc gia với Trung Quốc trở nên thuận tiện hơn. Nỗi lo sợ mất tiền khi trao đổi ngoại tệ sẽ biến mất. Chi phí thực hiện các giao dịch cũng rẻ hơn khi người dùng thậm chí còn không cần có Internet để giao dịch. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc muốn phát triển cho đồng tiền số của mình khả năng chuyển qua bluetooth, NFC hay các tính năng truyền phát khác trên điện thoại.
Theo thời gian, đồng tệ số của Trung Quốc có thể sẽ ngày càng trở nên ảnh hưởng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nó còn cho Bắc Kinh cơ hội thách thức vai trò thống trị của đồng USD, vốn mang lại cho Mỹ những lợi thế to lớn trong các vấn đề kinh tế và địa chính trị trên khắp thế giới. Nó cũng là cơ hội để Trung Quốc có thể hiện thực hóa giấc mơ siêu cường mà quốc gia này đang theo đuổi.
Quote: Trung Quốc đang vượt tất cả các quốc gia khác trong việc ra mắt một đồng tiền số quốc gia. Nền kinh tế thứ 2 thế giới đã bỏ lại phía sau Singapore, Canada và Thụy Sĩ, những quốc gia đang theo đuổi việc đưa ra đồng tiền số của mình.
Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm đồng tệ số tại 4 thành phố bao gồm Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Xiong’an – một thành phố thông minh đang trong quá trình hoàn thiện. Đây là thành quả của quá trình nghiên cứu bắt đầu vào năm 2014, khi thế giới manh nha biết tới Bitcoin và các loại tiền số khác nhờ chúng tăng giá.
Bitcoin được cho là phát minh của Satoshi Nakamoto vào năm 2009. Nó dựa trên tầm nhìn không tưởng về loại tiền tệ toàn cầu phi tập trung với khả năng bảo mật và ẩn danh. Được xây dựng trên nền tảng blockchain, Bitcoin được kỳ vọng sẽ tạo ra phương thức thanh toán hoàn toàn mới. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề như tốc độ xử lý giao dịch chậm cùng tỷ giá biến động quá mạnh khiến Bitcoin còn xa mới có thể đạt tới mục tiêu này.
Tiền số Trung Quốc đã tránh được những vết xe đổ của Bitcoin và các loại tiền số khác. Được Chính phủ phân phối thông qua các ngân hàng truyền thống và hệ thống tiền tệ, đồng tiền số của Trung Quốc là tập trung và được phát hành theo cách chính xác như tiền giấy. Tuy nhiên, tỷ giá của nó được Trung Quốc đảm bảo bằng đồng tệ nên không bao giờ biến đổi một cách phi lý.
Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát đồng tiền số của mình và chỉ Trung Quốc có thể phát hành nó. Tuy nhiên, đồng tệ số có khả năng xử lý 300.000 giao dịch/giây, biến nó trở nên khả thi khi được sử dụng để thanh toán trên quy mô lớn. Thực tế, đồng tiền số của Trung Quốc dường như được phát triển trên nhiều công nghệ chứ không hẳn là blockchain.
Ngay khi công bố kế hoạch phát hành đồng tiền mới, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang đã nhấn mạnh họ không tạo ra một loại tiền mới như Bitcoin hay Libra của Facebook mà chỉ là mã hóa một phần tiền mặt đang lưu hành của Trung Quốc. Nó cũng không thay thế các nhiệm vụ khác của tiền nhưng cho phép các ngân hàng và công ty fintech có thể thanh toán với nhau dễ dàng hơn.
Với việc đưa vào thử nghiệm, Trung Quốc đang vượt tất cả các quốc gia khác trong việc ra mắt một đồng tiền số quốc gia. Nền kinh tế thứ 2 thế giới đã bỏ lại phía sau Singapore, Canada và Thụy Sĩ, những quốc gia đang theo đuổi việc đưa ra đồng tiền số của mình. Một xã hội đang dần trở nên không tiền mặt ở Trung Quốc tiếp tục giúp Bắc Kinh có thể đi nhanh hơn các nước khác.
Đồng tiền số còn cho phép Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể theo dõi các giao dịch, điều mà họ không thể làm với tiền mặt. Theo giới chức Trung Quốc, điều này giúp phòng chống rửa tiền, đánh bạc bất hợp pháp và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, về lâu dài, đồng tiền này có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả các giao dịch trên hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, xa hơn, tiền số có thể giúp Trung Quốc giảm tiếp xúc với các tổ chức tài chính của Mỹ, giúp nước này ít bị tổn thương hơn trước các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đe dọa áp dụng, chẳng hạn như liên quan đến vấn đề Hồng Kông. Những nước vốn có bất đồng với Mỹ chắc chắn sẽ sẵn sàng sử dụng một đồng tiền như vậy.
Về lâu dài, tiền số tạo cho ngân hàng trung ương Trung Quốc một cơ chế thanh toán khác cho các giao dịch xuyên biên giới giữa các quốc gia. Điều này giúp họ không còn phải phụ thuộc vào thanh toán bù trừ bằng đồng USD. Khác với đồng tệ truyền thống, đồng tệ số giúp Trung Quốc cạnh tranh sòng phẳng với đồng USD trên quy mô toàn cầu.
Mỹ cho thấy họ không sẵn lòng phát triển một đồng USD số ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, các dự án tiền số như Libra của Facebook hay TON của Telegram đang gặp phải hàng loạt trở ngại pháp lý tại Mỹ. Khả năng cạnh tranh với vai trò của đồng USD khiến các nhà lập pháp Mỹ chưa sẵn sàng cho một đồng tiền số không phải do FED kiểm soát.
Tuy nhiên, chính nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng từng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng khi dự án Libra của công ty bị chặn, nó có thể dẫn đến việc Trung Quốc vượt Mỹ trong đổi mới tài chính cũng như ảnh hưởng toàn cầu. Mark cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra một đồng tiền tương tự và điều đó đã trở thành hiện thực.
Khi các đối thủ đều bị chậm chân, Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội tạo ra một công cụ có thể đe dọa vị thế của đồng USD và nằm hoàn toàn ngoài khả năng can thiệp của phía Mỹ. Bắc Kinh cũng đang tỏ ra vượt trội hơn hẳn các quốc gia đang ấp ủ kế hoạch ra mắt đồng tiền số của riêng mình. Đi trước và nếu thành công, lợi thế mà Trung Quốc có được không hề nhỏ nhất là khi lợi ích của một đồng tiền số mang lại đã được chứng minh.
Tuy nhiên, Libra và TON có thể vẫn còn cơ hội. Hiện tại, dù bị Quốc hội Mỹ khước từ nhưng Libra vẫn đang âm thầm hoạt động và sự góp mặt của quỹ đầu tư nhà nước Temasek của Singapore là minh chứng mới nhất cho thấy dự án của Facebook vẫn còn là một đối thủ không thể coi thường.
Trong khi đó, Libra được hỗ trợ bởi một rổ các loại tiền tệ, chẳng hạn như đồng USD và Euro khiến nó có lợi thế hơn khi tiền số của Trung Quốc chỉ được hỗ trợ bởi đồng tệ. Facebook cũng khẳng định muốn đưa Libra ra toàn cầu trong khi đồng tệ số của Trung Quốc, vốn nằm dưới sự kiểm soát của đồng tệ, có thể sẽ khó lòng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc hoặc cần nhiều thời gian để làm điều đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng