Đóng cửa công ty vì mất 90% xe đạp chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh "nền kinh tế chia sẻ" khổng lồ tại Trung Quốc
Đã có hơn 30 ứng dụng cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp, một tá ứng dụng khác giúp người dùng chia sẻ sạc pin dự phòng và 6 công ty đã tham gia thị trường chia sẻ ô, dù tại Trung Quốc.
Người dân có thể tìm thấy xe đạp cho thuê ở bất cứ địa điểm công cộng nào trong thành phố.
Sự việc một công ty chia sẻ xe đạp phải đóng cửa vì mất 90% xe chỉ là một trong rất nhiều tin tức xoay quanh mảng kinh doanh cực kỳ béo bở này tại Trung Quốc.
Cuộc chiến giành giật thị phần dai dẳng giữa hãng xe công nghệ Uber và đối thủ bản địa Didi Chuxing đã giúp hàng triệu khách hàng Trung Quốc thoải mái sử dụng ô tô của nhau với chi phí rất rẻ. Nhưng vào cuối năm 2016, Uber đã bán mảng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cho Didi Chuxing, trực tiếp giúp Didi thống trị thị trường kinh doanh dịch vụ vận tải bằng ô tô. Tuy nhiên với thị trường chia sẻ xe đạp, Didi còn rất nhiều việc phải làm.
Hiện tại, hơn 30 công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp đã phát triển khắp Trung Quốc, dịch này phổ biến đến nỗi khiến phần đông người dân bỏ đi ý nghĩ sắm cho mình một chiếc xe đạp cá nhân bởi họ có thể dễ dàng thuê một chiếc xe đạp với giá cả cực kỳ phải chăng.
Thị trường kinh tế chia sẻ ngày càng sôi động với một danh sách dài những sản phẩm có thể chia sẻ được, từ sạc pin dự phòng điện thoại, ô, dù tới bóng rổ và thậm chí cả bật lửa.
Thị trường chia sẻ phương tiện giao thông tăng trưởng vượt trội so với nhóm ngành khác.
Khách hàng có thể dễ dàng truy cập ứng dụng để mượn xe đạp ở góc phố, trung tâm thương mại hay ga tàu điện ngầm,… với chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động.
Ngày càng có nhiều các công ty và nhà đầu tư tham gia vào thị trường chia sẻ xe đạp. Tuy nhiên, các công ty mới không có gì đột phá, họ chỉ sao chép mô hình kinh doanh đã có, khiến ngay cả những người ưa chuộng loại hình dịch vụ này cũng phải than phiền thị trường “chia sẻ” đang phát triển quá mức cần thiết.
Theo văn phòng thông tin Chính phủ Trung Quốc, năm 2016, có tới 600 triệu người dân nước này đã, đang sử dụng hoặc làm việc trực tiếp trong nền kinh tế chia sẻ, tạo ra một thị trường trị giá 3.45 nghìn tỉ Nhân dân tệ (xấp xỉ 11.5 triệu tỉ đồng), tăng trưởng 103% so với năm 2015.
Hãng nghiên cứu thị trường CB Insights khẳng định ba trong số năm công ty cổ phần nội bộ được định giá cao nhất thế giới đều nằm trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ: Uber đứng thứ nhất với tổng giá trị 68 tỉ USD, theo sau là Didi Chuxing với 50 tỉ USD và cuối cùng là AirBnB, nền tảng tiếp thị trực tuyến chỗ ở giá rẻ cho dân du lịch, trị giá 29.3 tỉ USD.
Tony Liang Weihong, đối tác của Panda Capital, một nhà đầu tư của ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike, đánh giá: “thường thì các nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhưng có vẻ như ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin một cách mù quáng vào những công ty trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, yên tâm rằng cứ vung tiền vào và lợi nhuận sẽ đến.”
Dù tăng trưởng ở mức cao (104%) nhưng giá trị giao dịch của thị trường chia sẻ phương tiện đi lại chỉ ở mức trung bình.
Liang nhấn mạnh rằng nhiều công ty đang đi theo lối mòn với những mô hình kinh doanh không có gì đột phá, chỉ quan tâm những lợi ích trước mắt. Tương lai của công ty gói gọn trong việc trả lời hai câu hỏi: liệu khách hàng có sử dụng bất kì dịch vụ nào bạn cung cấp, và cái gì cũng chia sẻ có phải là giải pháp tốt?
Với những doanh nhân như Xu Min, người thành lập công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ bóng rổ đầu tiên của Trung Quốc hồi tháng ba vừa qua, câu trả lời là “có và có”.
Người đàn ông 31 tuổi đến từ thành phố Gia Hưng, Chiết Giang phía Đông Trung Quốc đã phát hiện một ý tưởng tỉ đô khi một người bạn thân phàn nàn về việc mang bóng rổ đi khắp nơi thật phiền phức.
“Rất nhiều người sử dụng ứng dụng chia sẻ xe đạp vì sự thuận tiện của nó, tôi nghĩ tại sao chúng ta không làm điều tương tự với bóng rổ?” Xu Min chia sẻ.
Ông đã thành lập công ty mang tên “Zhulegeqiu”, nghĩa là “Thuê một quả bóng” và giới thiệu thiết kế đặc biệt của những chiếc tủ chứa tại nhiều sân bóng ngoài trời, trên khắp cả nước.
Mỗi tủ có sáu quả bóng, người dùng có thể thuê một quả bằng cách quét một mã phản ứng nhanh trên ổ khóa, mức phí chỉ là 10 nghìn đồng cho một giờ thuê.
Toàn bộ quá trình mượn bóng, trả bóng và thanh toán phí (bao gồm cả việc trả lại tiền thừa) đều được thực hiện trên điện thoại di động. Rất thuận tiện và dễ dàng, khách hàng tự phục vụ bản thân.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản với ứng dụng di động là có thể thuê xe đạp với giá rất rẻ.
Xu chỉ mới nhận được khoản đầu tư hơn 10 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 33.3 nghìn tỉ đồng) hồi tháng 5, từ công ty Modern Capital đến từ Thượng Hải, và đã tiếp tục kêu gọi vốn vòng hai vào cuối tháng 6.
Allen Zhu Xiaohu, thành viên hội đồng quản trị GSR Ventures Management, cho rằng cơn sốt của thị trường kinh tế chia sẻ được thúc đẩy bởi các chính sách cho vay cởi mở của Chính phủ Trung Quốc.
“Đã từng không có nhiều vốn vay cho các công ty khởi nghiệp. Nhưng bây giờ thì rất nhiều, thậm chí dư thừa,” Zhu, một nhà đầu tư mạo hiểm có tên trong danh sách Midas của tạp chí Forbes năm 2016 cho những thành công trong việc phát hiện ra những công ty “kì lân” của tương lai, những công ty được định giá hơn 1 tỉ USD.
Để nhấn mạnh quan điểm của mình về vùng đất ngập tràn vốn vay, Zhu tiết lộ JD.com, hãng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, đã huy động tổng cộng 1.2 tỉ USD trước khi lên sàn Nasdaq.
Và bây giờ Didi Chuxing, được mệnh danh Uber của Trung Quốc, có thể huy động 15 tỉ USD mà không cần thông báo về thời điểm IPO.
Chính phủ Trung Quốc tham vọng phát triển nền kinh tế quốc gia theo định hướng nền kinh tế đổi mới, tập trung vào công nghệ, giảm đầu tư các lĩnh vực khác ì vậy, công nghệ đang trở thành lĩnh vực hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Câu lạc bộ “kì lân” - câu lạc bộ của những công ty khởi nghiệp tỉ đô.
Liang đến từ Panda Capital lo ngại rằng các quyết định đang được đưa ra một cách vội vã theo tâm lý bầy đàn mà không có những chính kiến cá nhân trên quan điểm kinh doanh. “Các nhà đầu tư đơn giản là sợ bỏ qua những cơ hội lớn,” “Nhưng chắc chắn là từ khóa “kinh tế chia sẻ” ở Trung Quốc đang rất hot, ai cũng muốn tham gia.” Liang kết luận.
Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp đã có những công ty “kỳ lân” đầu tiên vào năm nay. Còn các công ty hoạt động trong lĩnh vực chia sẻ pin sạc dự phòng đã tăng trưởng ít nhất 150 triệu USD trong vài tuần vừa qua.
Jeffrey Towson, giáo sư chuyên ngành đầu tư tại Đại học Bắc Kinh, nhìn nhận ngành công nghiệp đang bùng nổ này có một chút khác biệt. Yếu tố “đột phá công nghệ” là điểm mấu chốt trong việc giúp người dùng tiếp cận và sử dụng sản phẩm “dễ dàng hơn” một cách nhanh nhất có thể.
“Điều này chỉ có thể xảy ra ở Trung Quốc”, Towson đánh giá, “bởi vì sự xuất hiện của điện thoại thông minh kèm theo đó là các dịch vụ thanh toán qua di động cùng với một hệ sinh thái ứng dụng phong phú, năng động.”
Wilson Chow, công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ, giám đốc marketing của PwC tại Hồng Kông và Trung Quốc, hoàn toàn đồng với Towson, kết luận rằng sự thành công của loại hình dịch vụ này không đến từ việc tiết kiệm chi phí mà đến từ sự thuận tiện mà nó mang lại cho người dùng.
Đối với nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc, vấn đề không nằm ở giá cả. Họ không muốn mang theo một chiếc ô khi đi ngoài đường hay chi tiền để mua một thứ mà cả tháng chỉ dùng hai lần”, Chow đánh giá.
Những số liệu thống kê mới nhất chỉ ra rằng khối lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại ở Trung Quốc năm ngoái gấp 50 lần so với Mỹ, chứng tỏ loại hình dịch vụ này rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Rất có thể rằng sự bất tiện khi mang ví tiền sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện của quá khứ.
Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tham gia vào thị trường béo bở này.
Không nghi ngờ gì, dịch vụ chia sẻ phổ biến nhất là dịch vụ chia sẻ xe đạp, với hơn 30 công ty khởi nghiệp tham gia vào thị trường.
Khoảng một tá công ty khác đang cạnh tranh trong thị trường chia sẻ sạc pin điện thoại dự phòng, và hơn 6 công ty đang phát triển dịch vụ chia sẻ ô, dù.
Ngạc nhiên hơn, theo số liệu của công ty IT Juzi tại Bắc Kinh, gần như tất cả các công ty trên đều mới khởi sự trong vòng 10 tháng qua.
Nhà đầu tư Zhu của GSR Ventures - người đã đầu tư vào Didi Chuxing, công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp với ứng dụng Ofo, và gần đây đầu tư vào công ty chia sẻ sạc pin dự phòng Xiaodian - cảnh báo rằng các nhà đầu tư đang lãng phí nguồn vốn của mình bởi đầu tư vào quá nhiều công ty có ý tưởng giống nhau.
“Thị trường này chứng kiến một sự cạnh tranh khốc liệt. Dù bạn có một khởi đầu tốt cũng không đảm bảo rằng bạn sẽ có một kết thúc tốt đẹp.” Liang từ Panda Capital đánh giá.
Xu, nhà khởi nghiệp với mô hình chia sẻ bóng rổ, đã đăng kí sở hữu trí tuệ với sản phẩm của mình để ngăn chặn những người khác sao chép mô hình kinh doanh của anh.
Dù vậy, Xu vẫn không cảm thấy yên tâm là công việc kinh doanh của mình sẽ được bảo vệ an toàn. Ngay trước cuộc phỏng vấn với tờ báo South China Morning Post, Xu đã biết thông tin một công ty khác đang chuẩn bị tung ra một dịch vụ tương tự.
Lo lắng với thông tin trên, ông chỉ dành 10 phút cho cuộc phỏng vấn: “Để tối đa lợi thế của một công ty tiên phong… tôi không thể lãng phí một giây phút quý giá nào nữa vào những việc không phải để mở rộng thị trường hay là gây quỹ.”
Dù sao, đối thủ đã xuất hiện và sẽ còn nhiều đối thủ khác, Xu và đồng nghiệp sẽ có một khoảng thời gian rất khó khăn ở phía trước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng