Động thái mới của Apple?

    Nguyễn Chuẩn , Diễn đàn doanh nghiệp 

    Việc phong tỏa Covid-19 và sự hỗn loạn tại các nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu là “giọt nước tràn ly”, thúc đẩy Apple nhanh chóng tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

    Theo tờ Tạp chí Phố Wall, gần đây, Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng của công ty có giá trị nhất thế giới.

    Họ đang yêu cầu các nhà cung cấp lập kế hoạch tích cực hơn để lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp do Foxconn dẫn đầu.

    Foxconn suy giảm vị thế

    Sự hỗn loạn tại Trịnh Châu, nơi được gọi là “Thành phố iPhone” đã thúc đẩy sự thay đổi của Apple. Tại đây, có tới 300.000 công nhân làm việc ở nhà máy do Foxconn điều hành để sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Đã có thời điểm, riêng tổ hợp nhà máy này đã tạo ra khoảng 85% dòng sản phẩm iPhone Pro, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết.

    Động thái mới của Apple? - Ảnh 1.

    Nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc có tới 300.000 công nhân làm việc.

    Nhưng, nhà máy Trịnh Châu đã bị chấn động vào cuối tháng 11 bởi các cuộc biểu tình bạo lực.

    Theo các nhà phân tích và những người trong chuỗi cung ứng của Apple, sau một năm xảy ra các sự kiện làm suy yếu vị thế là một trung tâm sản xuất ổn định của Trung Quốc, biến động này có nghĩa là Apple đã không còn cảm thấy thoải mái trong việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, khi có quá nhiều hoạt động kinh doanh bị ràng buộc ở một nơi.

    Alan Yeung, cựu giám đốc điều hành của Foxconn tại Mỹ, cho biết: “Trước đây, mọi người không chú ý đến rủi ro tập trung. Thương mại tự do là tiêu chuẩn và mọi thứ rất dễ đoán. Bây giờ chúng ta đã bước sang một thời kỳ mới”.

    Động thái mới của Apple là gì? Những người tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple cho biết, “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ đang tìm cách thu hút từ một nhóm lớn hơn các nhà lắp ráp, ngay cả khi bản thân các công ty đó có trụ sở tại Trung Quốc.

    Theo họ, hai công ty Trung Quốc đang chuẩn bị có thêm hoạt động kinh doanh với Apple là Luxshare và Wingtech. Tuy nhiên, Apple đã nói với các đối tác sản xuất của mình rằng họ muốn những công ty này bắt đầu cố gắng thực hiện nhiều công việc hơn bên ngoài Trung Quốc.

    Rõ ràng, Apple đã có những lo lắng về sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc do các biện pháp phòng ngừa Covid, tình trạng thiếu điện và các vấn đề khác gây ra.

    Điểm đến chuỗi cung ứng mới của Apple?

    Apple và Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ gắn bó với nhau trong một mối quan hệ mà cho đến nay, hai bên cùng có lợi.

    Trong vòng hai thập kỷ qua, Apple đã đặt cược lớn vào Trung Quốc với việc đầu tư vào các nhà máy, hiện sản xuất hơn 90% sản phẩm của mình và thu hút người tiêu dùng Trung Quốc, những người đã đóng góp tới 1/4 doanh thu của hãng. Tất cả những điều này đã đem lại những thành công phi thường cho Apple khi doanh thu tăng 70 lần, giá cổ phiếu tăng gấp 600 lần, giá trị thị trường 2,4 nghìn tỷ USD.

    Động thái mới của Apple? - Ảnh 2.

    Apple đang có những thay đổi lớn trong quan điểm về Trung Quốc.

    Tuy nhiên, những thay đổi về kinh tế và địa chính trị đang buộc công ty bắt đầu quá trình tách rời một cách vội vã. Việc “quay xe” với Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi lớn của Apple và là biểu tượng của một sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới.

    Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities cho biết: “Chính sách Covid của Trung Quốc là một cú đấm mạnh vào chuỗi cung ứng của Apple, và là giọt nước tràn ly đối với sự chịu đựng của Apple”.

    Mặc dù vậy, những thay đổi này sẽ không thể đến trong một sớm một chiều. Kate Whitehead, cựu giám đốc điều hành của Apple, hiện đang sở hữu công ty tư vấn chuỗi cung ứng của riêng mình, cho biết: “Việc tìm kiếm tất cả các mảnh ghép để xây dựng ở quy mô mà Apple cần là không hề dễ dàng”.

    Hai quốc gia, Việt Nam và Ấn Độ có thể sẽ là những người hưởng lợi chính từ sự thay đổi chiến lược của Apple. Theo Ming-chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, người theo dõi chuỗi cung ứng, mục tiêu dài hạn của Apple là vận chuyển 40% đến 45% iPhone từ Ấn Độ, so với tỷ lệ một con số hiện nay.

    Trong khi đó, các nhà cung cấp cũng cho biết Việt Nam dự kiến sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất các sản phẩm khác của Apple như AirPods, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay.

    Tuy nhiên, Ấn Độ và Việt Nam đang có những thách thức riêng. Dan Panzica, cựu giám đốc điều hành của Foxconn, hiện đang tư vấn cho các công ty về các vấn đề chuỗi cung ứng, cho biết ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng nhưng lại thiếu công nhân. Quy mô dân số Việt Nam là một thách thức với các nhà cung cấp của Apple.

    Trong khi đó, Ấn Độ có dân số gần bằng Trung Quốc nhưng mức độ điều phối của chính phủ lại không nhất quán. Apple dường như đã gặp khó khăn trong việc điều hướng Ấn Độ vì mỗi bang được điều hành một cách khác nhau, theo những luật lệ riêng.Mặc dù vậy, ông Dan Panzica cũng cho rằng: “Nhìn chung Apple sẽ phải tìm nhiều nơi để thay thế cho nhà máy tập trung lớn như ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Và nếu họ không làm điện thoại cao cấp ở Ấn Độ và Việt Nam, sẽ không có nơi nào khác có thể làm được”.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày